Trong Tây Du Ký, khi ở Nữ Nhi Quốc, Đường Tăng bị Tỳ Bà Tinh bắt nhốt, bị ép phải làm chồng, tìm mọi cách dây dưa nhưng vẫn không hề lay động được tâm trí của ông. Vô luận yêu quái có buông lời ngon tiếng ngọt dụ dỗ, lừa gạt thế nào: “Chết dưới hoa mẫu đơn, làm quỷ cũng phong lưu”, Đường Tăng vẫn coi như tiếng gió thoảng qua tai, một lòng niệm Phật, không khởi bất cứ tâm sắc dục nào. Bởi ông một lòng kiên định nên đã được Thần tương trợ, giúp diệt con yêu tinh này, vượt qua một đại quan nữa. 

Sau đó, ở hồi thứ 56 trong truyện, khi ra tay tiêu diệt 6 tên thổ phỉ người trần mắt thịt, Ngộ Không liền bị Đường Tăng đuổi đi. Tại hồi thứ 57 và 58, sau khi bị đuổi đi, ngộ Không đã đến tìm Quán Thế Âm thất thanh khóc lóc. Khi đó liền xuất hiện một Tôn Hành Giả khác quấy nhiễu an nguy của Đường Tăng, chia rẽ tình cảm sư huynh đệ Bát Giới và Sa Tăng đối với Ngộ Không. Nhớ năm xưa, Ngộ Không một mình đối chọi với mười vạn thiên binh thiên tướng, đả thương không biết bao nhiêu người, cũng chưa từng thấy tỏ ra hối lỗi, càng không nói đến sẽ khóc lóc hối hận bao giờ. Huyền cơ gì nằm sau chi tiết này? 

Đường Tăng sinh tâm hoan hỉ, Ngộ Không trừ 6 tên cướp đại diện cho lục căn lại bị đuổi đi 

Ở hồi thứ 56, sau khi Đường Tăng được cứu ra khỏi động Bàn Ty, lại cùng các đồ đệ của mình một lần nữa tiếp tục hành trình về Tây Thiên. Thời gian được miêu tả khi đó đang là tiết Đoan Ngọ, Đường Tăng vừa đi vừa ngắm cảnh, lòng đầy khoan khoái. Ngô Thừa Ân dùng vài câu thơ miêu tả về cảnh trí trước mắt rất nên thơ. Thiên nhiên vùng rừng núi thanh mát, trăm hoa đua nở, tiếng chim hót líu lo, Đường Tăng thích ý nhìn ngắm khung cảnh. Những câu hát nên thơ nảy ra trong đầu Đường Tăng. Có phải chăng là bởi sinh tâm hoan hỷ khi vượt qua đại quan, cũng là biểu hiện của việc chưa thanh trừ triệt để lục căn (chỉ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) nên đã dẫn tới họa nạn 6 tên cướp hung tợn? Đó chính là lúc: 

Gió nồm thoang thoảng hương lan
Mưa rào vừa tạnh, trúc ngàn lại xanh
Dây non lá ngải hương thanh
Hoa lau trắng xóa bên ghềnh đưa hương
Ong bay cành lựu bên đường,
Sẻ vàng ríu rít khóm dương hoa hồng
Đường xa ai gói bánh sừng
Thuyền rồng đến viếng nơi dòng Mịch La

Trong hồi thứ 56, có một câu thơ như sau: “Trừ lục tặc, ngộ tam thừa, vạn duyên đô bãi tự phân minh”, có nghĩa là diệt trừ lục căn thì mới có thể ngộ đạo, duyên phận, oán nghiệt tự nhiên cũng chấm dứt, khi đó ai cũng minh bạch ra cả rồi. Trong truyện lần lượt dùng tên của sáu tên cướp để hình dung lục căn, đó là: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn).

Cảnh sắc rừng núi dưới ánh mặt trời ấm áp làm cho nhân tâm Đường Tăng náo động, nghĩ vẩn vơ đến nồi bánh sừng, đến Khuất Nguyên, cuộc đua thuyền rồng náo động… Toàn là những chuyện ở cõi nhân gian mà người tu luyện phải trừ dứt chấp niệm cả. Vả lại, Thực vật vốn nhiều tính âm, tâm trí Đường Tăng phiêu đãng đến những sự tích trong tết Đoan Ngọ mà quên mất rằng xung quanh rừng núi nơi ông đi qua xuất hiện rất nhiều loại cây mang tính âm hàn như vậy, ví dụ như: lan dại, trúc ngàn, lá ngải, hoa lau, cành lựu, hoa hồng, dòng sông, cây liễu bên con suối nhỏ… Chúng chính là đang nhắc nhở Đường Tăng rằng hãy mau ức chế tâm hoan hỷ lại, nhưng đáng tiếc người lấy kinh đã không kịp nhận ra.

Con đường tu luyện chính là nghiêm túc phi thường, cũng phải thường hằng hành xử theo Pháp tu tâm, không để một giây phút hoan hỉ, lơ đễnh mà lại tạo tội mới. Chính vì một phút giây hoan hỉ, tâm tính của Đường Tăng rớt xuống dưới, cuối cùng đã đuổi Ngộ Không đi trong một phút nóng giận. Khi Ngộ Không ra tay giết sáu tên cường đạo chuyên giết người, phóng hỏa, cướp bóc, sự nhẫn nại, từ bi của Đường Tăng đối với đệ tử của mình đứng trước thử thách. Cuối cùng, quan ải tâm tính này Đường Tăng không qua được, miệng đọc “Khẩn cô nhi chú”, lòng hoàn toàn thất vọng đến cực điểm vì sát tâm của Ngộ Không, rồi đuổi học trò đi.

Ảnh minh họa: Youtube.

Tâm ý của Ngộ Không

Ngộ Không khi xưa bị nhốt dưới Ngũ Hành sơn 500 năm, Bồ Tát cải trang đến hỏi chuyện, hắn đã khẩn cầu Bồ Tát thả mình ra ngoài: “Con đã biết hối lỗi, chỉ mong Bồ Tát đại từ đại bi chỉ cho con biết, con nên tu hành ra làm sao”. Bồ Tát nhận thấy thiện niệm ở Ngộ Không, vô cùng hài lòng, nói hắn chỉ cần một lòng quyết tâm thì sẽ được trợ giúp.

Thần Phật chỉ quản tâm, một người khi đã động niệm muốn tu luyện giống như ánh vàng kim chói sáng. Mong muốn phản bổn quy chân, điều này so với bất kỳ điều nào khác cũng đều trân quý hơn vạn phần. Ngộ Không bị nhốt dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm, chịu qua không biết bao nhiêu khổ ải. Tuy vậy, dù thân trong ma nạn vẫn không đánh mất đi bản tính nguyên sơ của mình, nhận ra được sai lầm của bản thân, hiểu tại sao bị Phật Tổ phạt nhốt, bị Ngũ Hành sơn đè lên. Hắn tự biết mình làm sai nên một lòng mong muốn tiến vào Phật môn tu luyện. Biết bao Thần biết hắn quy y Phật môn liền cảm thấy vô cùng cao hứng thay cho hắn.

Vốn là người tinh thông 72 phép biến hóa, trong trời đất là người đi mây về gió, nhưng vì bảo hộ Đường Tăng thỉnh kinh, trong suốt dọc đường Ngộ Không đã chịu qua không biết bao nhiêu khổ cực. Xưng là Tề Thiên Đại Thánh, hắn từ trước đến nay chỉ lạy qua ba người, đó là Phật Tổ, Quán Thế Âm Bồ Tát cùng Đường Tăng. Nhưng hắn cũng từng chịu khuất nhục vì cứu Đường Tăng mà dập đầu trước yêu ma. Đó là cái nhẫn phi thường. 

Ngộ Không tuy vẫn còn hung ác, ngang bướng, nhưng lại một lòng nguyện tu luyện, kiên định, thấy việc nghĩa không chùn bước, không oán cũng không hận. Tuy nhiên Đường Tăng chưa đủ thiện với hắn, không nhìn thấy thiện niệm ở Ngộ Không mà lại đuổi học trò đi.

Rất hiếm khi rơi lệ nhưng lần này Ngộ Không lại không kìm được cảm xúc, nước mắt tuôn rơi như suối, lớn tiếng khóc than. Đã bị đuổi, vậy làm sao còn đi thỉnh kinh được, làm sao có thể viên mãn chính quả được đây? Con dân Đại Đường chờ đợi kinh thánh trở lại, những lời căn dặn của Thần Phật, vô hạn hy vọng được ký thác bỗng nhiên đều hóa thành bọt nước, hỏi Ngộ Không sao có thể không thương tâm cho được?

Phật gia giảng từ bi, lấy thiện đãi người, cấm chỉ sát sinh. Nhưng nếu thấy người phóng hỏa, giết chóc lại không quản thì lấy thiện nào để đãi người đây? Đường Tăng nghỉ tại nhà Dương lão bá, ông kể con trai ông vô công rồi nghề, chỉ biết nghĩ những chuyện độc ác “thương thiên hại lý”, cướp của, sát nhân, phóng hỏa… rồi lại dẫn một đám cường đạo khác đuổi giết Đường Tăng. Ngộ Không vì bảo vệ sư phụ ra tay diệt trừ đạo tặc lại bị Đường Tăng kết luận là “sát tâm” không thiện, không cho tiếp tục đi thỉnh kinh nữa mà đuổi đi.

Ngộ Không tìm Bồ Tát khóc lóc. Người khuyên giải hắn: “Cường đạo tuy là không tốt, nhưng dù sao cũng là thân người, ngươi không nên một gậy đánh chết bọn họ. So cường đạo với yêu ma, quái thú vốn là khác nhau, sao có thể đánh đồng! Ngươi diệt trừ yêu ma là công đức của ngươi, nhưng ra tay lấy mạng người thì lại là ngươi không đủ nhân đức”. Sau đó, Bồ Tát lưu Ngộ Không lại bốn ngày, chưa cho hắn trở về vội. Trong bốn ngày đó, Ngộ Không đã trải qua những gì thì tác giả không đề cập đến nhưng có suy đoán cho rằng bốn ngày đó là thời gian Bồ Tát dùng để truyền giá cho Ngộ Không, để hắn hiểu hơn về tâm từ bi và thiện đãi với con người.

Ảnh minh họa: Kknews.

Ngộ Không tuy vẫn còn hung ác, ngang bướng, nhưng lại một lòng nguyện tu luyện, kiên định, thấy việc nghĩa không chùn bước, không oán cũng không hận. Chỉ vì Đường Tăng chưa thể từ bi với học trò mà kết cục đuổi hắn đi. Nhưng điều đó cũng là đã chưa thế liễu giải được huyền cơ đăng sau hành động sát nhân của Ngộ Không. Với người chân tu, đôi khi kết thiện duyên lại phải bắt đầu bằng nghiệt duyên.

Điểm tương đồng với chuyện tôn giả Milarepa trước tạo nghiệp sau kết thiện duyên

Câu chuyện Ngộ Không gặp phải cùng với câu chuyện cổ được lưu truyền về tôn giả Milarepa có khá nhiều điểm tương tự nhau.

Chuyện diễn ra ở vùng đất Tây Tạng cổ xưa, cha của tôn giả Milarepa là một thương nhân giàu có, gia cảnh sung túc, tài sản vô biên. Khi còn nhỏ, ngài sống một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc cùng cha mẹ và em gái. Năm Milarepa lên 7 tuổi, cha ngài mắc bệnh nặng. Khi đó bác và cô của Milarepa tham lam gia sản của gia đình ngài nên đã đuổi ba mẹ con Milarepa đi.

Ôm lòng hận thù, Milarepa đã ra đi học cấm thuật. Hôm đó trong nhà bác trai có tổ chức hôn sự, tất cả những người trước đây từng nhục mạ gia đình Milarepa đều có mặt. Khi hôn lễ đang được tiến hành, Milarepa thi triển cấm thuật, làm toàn bộ căn nhà ầm ầm sập xuống, đè chết 35 người. Sau đó lại thi triển thần thông làm mưa đá, khiến cho toàn bộ lúa mạch của người dân trong thôn bị thất thu. Làm xong rồi Milarepa bèn bỏ đi. Nhưng hoá ra điều đó không thể làm nguôi nỗi hận thù của Milarepa. Nó chỉ khiến ông thêm đau khổ, hối hận và dằn vặt bản thân. Điều đó càng thôi thúc tâm niệm tu luyện của ông, chịu muôn vàn khó khăn, quên ăn, quên ngủ.

Được sư mẫu chỉ điểm, Milarepa đến gặp Nga Ba lạt ma cầu chính pháp. Tại đây, lạt ma yêu cầu Milarepa hãy đến Đa Nhã Ba gọi một cơn mưa đá đến, bởi nơi đó có một đám người xấu, luôn ngăn cản người khác bố thí đồ ăn cho ngài. Milarepa trong lòng thất kinh, đến cầu chính Pháp ai ngờ lại phải đi tạo thêm nghiệp, nhưng không thể từ chối nên ông đã gọi một cơn mưa đá đến. Trên đường trở về có rất nhiều xác của chim muông, Milarepa đều nhặt mang hết về, đặt trước mặt lạt ma thống khổ nói: “Con tới là để cầu chính Pháp, ai ngờ lại ra tay tạo ác nghiệp. Mời người hãy nhìn xem tội ác mà người vừa gây ra đi”. Nói dứt lời liền khóc rống lên.

Lạt ma điềm tĩnh trả lời: “Làm hại mấy trăm chim muông như vậy đều phải độ chúng, ta có thể làm được. Bây giờ cho mưa đá đánh chết chúng, tương lai khi ngươi tu viên mãn thành Phật, hãy mang chúng thành chúng sinh của ngươi lên chốn Niết Bàn mà nghe giảng Pháp. Nếu không như vậy, chúng sẽ bị đoạ thành ác thú”. Về sau, tôn giả Milarepa khổ công miệt mài tu luyện, cuối cùng cũng đắc Đạo viên mãn. Những trò tiểu thuật, cấm thuật trước kia vốn tạo thành nghiệp lực to lớn trên đường tu luyện của Ngài, chẳng ngờ lại là bước đệm cho những thành tựu to lớn sau này. Tất cả đều là nhờ ngài một lòng tu luyện, chẳng quản ngại gian khó. 

Quay trở lại câu chuyện về Tôn Ngộ Không. Khi đó dẫu là vì bảo vệ Đường Tăng mà ra tay lấy mạng người vẫn có cái sai của mình. Bởi dù là cường đạo phóng hoả sát nhân cũng không thể đối đãi giống như với tà ma, yêu quái được. Lúc ấy, quả thực Ngộ Không đã mắc vào đại tội. Thế nên Bồ Tát mới nói: “Theo ta công luận, vẫn chính là tâm bất thiện của ngươi”. Nhưng cũng như Milarepa khi xưa, Ngộ Không đã kết duyên với những sinh mệnh mà hắn giết để sau này khi tu thành chính quả thì chính những sinh mệnh đó sẽ trở thành chúng sinh được đắc cứu bởi uy đức của Ngộ Không. Những sinh mệnh ấy cũng chính là đã được độ lên thế giới thiên quốc mà Ngộ Không cai quản.

Vấp ngã lần này suýt chút nữa huỷ đi con đường tu luyện của Ngộ Không. Kể cả là Đường Tăng hay là Ngộ Không đều có được bài học sâu sắc. Về sau trên con đường thỉnh kinh, Ngộ Không đã không ngừng tu tâm dưỡng tính, phát tâm bồ đề, đối đãi một cách từ bi với hết thảy chúng sinh, viên mãn trở thành Đấu Chiến Thắng Phật. Tội nghiệp mà quãng đời trước Ngộ Không gây ra, giờ đây đã trở thành thiện duyên. 

Trâm Anh
Theo Secretchina

Video: Trước Phật Pháp, mọi chúng sinh đều bình đẳng, ai tín Phật có thể thoát khỏi bể trầm luân

videoinfo__video3.dkn.tv||8721d3b1a__