Lời mở đầu cuốn “Anna Karenina” của Tolstoy vô cùng chấn động: “Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng gia đình bất hạnh thì lại muôn màu muôn vẻ”.

Vậy các gia đình hạnh phúc có những điểm nào giống nhau? Tôi nghĩ rằng, một gia đình hạnh phúc nên là người mẹ được ưu ái, cha được tôn trọng và con được tiếp nhận.

(Ảnh: Shutterstock)

Một nhà văn nữ đã từng viết một bộ phim ấm áp như sau: Khi xe lửa đến bến, cạnh chỗ tôi có một ghế trống. Một cậu bé chừng 3 tuổi nhảy lò cò chạy đến, ngồi xuống và nói với người mẹ đứng ở cửa xe: “Mẹ ơi, nhanh lên, ở đây có ghế này!”.

Chẳng bao lâu sau đôi vợ chồng trẻ bước đến. Người vợ níu lấy tay chồng, cười tươi roi rói, âu yếm nhìn cậu con trai bảo: “Chỉ có một chỗ, con ngồi đi, mẹ và bố con đứng đây là được rồi”.

Cậu bé nói: “Con là con trai không cần ngồi, mẹ ngồi đi”.

Chẳng thể từ chối lời thỉnh cầu của cậu bé, người mẹ đành ngồi xuống. Người cha xoa xoa đầu khích lệ cậu bé.

Qua cuộc nói chuyện của họ đại khái tôi có thể hiểu được rằng người mẹ trẻ đang dẫn cậu con trai đi chơi và nhân tiện đưa cha đi làm. Cậu con trai phụng phịu nói với cha: “Ba có thể đi cùng với mẹ con được không”.

Người cha an ủi: “Con phải ngoan, đợi ba đi làm về sẽ tới đón con và mẹ, rồi dẫn con đi ăn món chuối mà con thích nhất nhé”. Cậu bé vẫn không vui lắm, cứ níu chặt lấy tay cha, nhưng không nói thêm bất cứ lời nào.

Sau này khi người cha tới bến, lúc sắp xuống xe, đột nhiên anh nói rất nghiêm túc với cậu con trai nhỏ: “Con phải chăm sóc tốt cho mẹ đấy, không được khóc, không được sinh chuyện với mẹ. Đó là vợ của ba, con hiểu không? Ba đi kiếm tiền cho hai mẹ con đây!”.

Mọi người trên xe đều cười ồ lên, nhìn cậu bé như thể một người đàn ông đã trưởng thành.

Nếu tôi có mặt ở đó, tôi cũng sẽ dành cho người cha này một tràng pháo tay. Bởi lẽ ông rất mực chiều chuộng vợ mình. Đây chính là quy tắc hạnh phúc cơ bản của một gia đình.

(Ảnh: Shutterstock)

Từng có một người cha tới thỉnh giáo Medina, một khoa học gia khoa thần kinh nổi tiếng của Mỹ rằng: “Thưa giáo sư, xin hãy nói cho tôi biết, làm thế nào tôi mới có thể giúp con mình thi đỗ vào trường Đại học Harvard?”

Medina trả lời: “Bắt đầu từ bây giờ, ông hãy về nhà chăm sóc cho vợ mình thật tốt”.

Tôn Vân Hiểu, một chuyên gia giáo dục thắc mắc với Medina về chuyện này rằng: “Sao lúc ấy ông lại bảo người cha đó về nhà chiều chuộng vợ mình nhỉ?”.

Medina trả lời: “Ở Mỹ, nhân tố dự đoán tốt nhất trong thành tựu của sự nghiệp học hành chính là sự ổn định trong tình cảm gia đình. Tình cảm gia đình ổn định đa phần có thể đoán được theo cảm xúc của người vợ”.

Những người phụ nữ được sống trong tình yêu của người chồng thì trái tim cô ấy cũng mềm mại, dịu dàng và an định. Cô ấy sẽ khoan dung với mỗi người xung quanh, sẽ tạo nên bầu không khí ấm áp, vui vẻ của gia đình.

Ngược lại, khi người phụ nữ sống trường kỳ trong sự lạnh nhạt, oán hận và thô bạo của người chồng thì những tình cảm phụ diện này sẽ được chuyển tiếp cho các thành viên khác trong gia đình. Một gia đình từ đó sẽ chẳng thể bình yên, oán khí trùng trùng.

Tại nước ngoài có một câu ngạn ngữ nổi tiếng nhà nhà đều biết là: “Happy wife happy life”, nghĩa là “Vợ vui lòng, cuộc sống vui vẻ”.

Câu này nên trở thành kim chỉ nam của mỗi một ông chồng.

Chân dung Nữ hoàng Victoria khi còn trẻ, tranh của hoạ sỹ George Hayter. (Ảnh: Public Domain)

Ở Anh có lưu truyền câu chuyện “Nữ Hoàng gõ cửa” như sau: Một lần, Nữ Hoàng Victoria cãi nhau với chồng, ông bỏ về phòng ngủ trước và đóng chặt cửa lại. Khi Nữ Hoàng về đến phòng ngủ, cửa đóng im ỉm, bà đành phải gõ cửa

Chân dung Nữ hoàng Victoria khi còn trẻ, tranh của hoạ sỹ George Hayter. (Ảnh: Public Domain)

Người chồng nói vọng ra hỏi: “Ai đó?”. Victoria kiêu ngạo trả lời: “Nữ Hoàng”.

Không ngờ bên trong vẫn không có tiếng bước chân ra mở cửa. Ông chồng cũng chẳng nói gì. Bà đành gõ cửa lần nữa.

Bên trong lại vọng ra tiếng hỏi: “Ai đó?”. “Victoria”, Nữ Hoàng trả lời. Bên trong vẫn không có chút động tĩnh. Nữ Hoàng đành phải gõ cửa thêm một lần nữa.

Bên trong lại cất tiếng hỏi: “Ai đó?”.

Nữ Hoàng đã học được cách ngoan ngoãn, bèn nhẹ nhàng đáp: “Vợ của ngài”.

Lần này thì cánh cửa đã mở.

Bởi lẽ phụ nữ cần được yêu thương, đàn ông cần được tôn trọng.

Một minh tinh Hồng Kông cũng rất hiểu đạo vợ chồng này. Chồng của cô không nổi tiếng như cô, nhưng xưa nay cô cũng không hề coi thường chồng mình, hơn nữa cô còn khen ngợi chồng ở khắp nơi: “Anh ấy rất bảnh bao, diễn ngọt, hát hay, nhảy đẹp. Tóm lại là điều gì cũng tốt”. Sau này khi thành công rực rỡ trong sự nghiệp, chồng cô đã nói trong nước mắt: “Có người nói rằng cả đời này tôi phải dựa vào cô ấy. Tôi muốn nói rằng, đúng vậy, hạnh phúc cả đời tôi đều nhờ vào cô ấy”.

(Ảnh: Pixbay)

Tiến sỹ Emerson Egrich là một chuyên gia nổi tiếng về hôn nhân. Trong hơn 30 năm tư vấn hôn nhân, Emerson đã phát hiện ra cội nguồn của một cuộc hôn nhân hạnh phúc chính là tình yêu và sự tôn trọng. Nếu một người chồng không yêu vợ mình, thì người vợ cũng sẽ không tôn trọng họ. Ngược lại, nếu một người vợ không tôn trọng chồng thì người chồng cũng sẽ không yêu vợ mình. Như vậy hôn nhân sẽ rơi vào một “vòng tròn ác tính”.

Một người phụ nữ được chiều chuộng sẽ vô cùng rạng rỡ, ấm áp, mềm mại như ngọc. Một người đàn ông được tôn trọng sẽ có thần thái, phong độ ngời ngời.

Thầy Lưu Xứng Liên, người chỉ dẫn về giáo dục gia đình, từng gặp một đứa trẻ không dám về nhà.

Lúc đó đúng vào kỳ thi cuối kỳ, bài thi buổi sáng hôm ấy của cậu bé lớp 5 là môn ngữ văn. Bố mẹ cậu sớm đã chuẩn bị cơm nước xong xuôi, đợi con về nhà. Nhưng chỉ thấy những đứa trẻ khác đều đã về đến nhà mà con mình thì mãi cũng chẳng thấy bóng dáng đâu.

(Ảnh: Pixbay)

Ban đầu họ cho rằng cu cậu mải chơi nên về muộn, bèn đậy mâm cơm lại, chờ con về. Nhưng tan học gần cả tiếng đồng hồ mà vẫn chẳng thấy tăm hơi cậu bé. Hai vợ chồng bắt đầu lo lắng, bèn vội vàng chia nhau đi tìm.

Khi tìm thấy con mình, chỉ thấy cậu bé cúi đầu, quanh quẩn bên ngoài lớp học, dường như muốn vào trong mà chẳng dám cất bước.

Cha cậu bé là một người rất có trách nhiệm, vì chuyện này mà ông tìm đến thầy Lưu Xứng Liên, hỏi xem con mình rốt cuộc làm sao và ông nên làm thế nào?

Sau khi tìm hiểu, thầy Lưu Xứng Liên biết rằng người cha này bình thường yêu con vô cùng. Anh thường dẫn cháu đi chơi, nhưng nếu con trai mà thi không tốt thì sẽ đánh và mắng cháu. Thầy Lưu Xứng Liên nói với ông rằng:

“Tôi biết chắc rằng anh rất yêu con mình. Tất cả những gì anh làm đều là vì muốn tốt cho cậu bé. Nhưng anh có biết con trai mình hy vọng gì ở anh không? Cậu bé biết chắc rằng khi không liên quan tới việc học hành thì anh có thể đối xử tốt với mình. Nhưng khi mình học hay thi không tốt thì cậu bé cũng hy vọng anh vẫn đối xử tốt với cháu như vậy. Cậu bé cần tình yêu trước sau như một của anh”.

Không thể yêu thương con một cách vô điều kiện là căn bệnh thông thường của rất nhiều ông bố bà mẹ. Nhưng trong mắt đứa trẻ, tiêu chuẩn của một gia đình hạnh phúc lại là việc mình có được tiếp nhận hay không.

(Ảnh: Shutterstock)

Một cơ quan tâm lý đã điều tra về chuyên đề này. Họ để những đứa trẻ ở những lứa tuổi khác nhau, từ lớp mầm non tới đại học, cùng nói thoả thích về định nghĩa của mình về một gia đình hạnh phúc.

Các ý được đưa ra lần lượt là: Tình cảm của cha mẹ, cha mẹ vô cùng tôn trọng ý nguyện của con cái, cha mẹ thực lòng quan tâm và tán dương con cái. Kỳ thực định nghĩa của mỗi người chúng ta về gia đình đều như vậy. Chúng ta thường coi gia đình như vòng tay của cha mẹ, luôn yêu thương và tiếp nhận bản thân vô điều kiện, luôn ấm áp như lòng mẹ vậy.

(Ảnh: Shutterstock)

Gia đình là nơi duy nhất bạn có thể trở về mà không cần lý do, là nơi bạn cảm thấy dẫu mình thành thế nào thì cũng đều được tiếp nhận. Dẫu cho bạn đã trở thành cha mẹ, thì khi cuộc đời chưa đi tới đường cùng, bạn cũng vẫn luôn muốn về bên cha mẹ để được tiếp thêm sức mạnh.

Một gia đình hạnh phúc là nơi mà mỗi thành viên đều được an ủi.

(Ảnh: Shutterstock)

Có một vấn đề được đặt ra là: “Trải nghiệm về một gia đình vô cùng hạnh phúc là như thế nào?”. Cư dân mạng mỗi người mỗi ý, nhưng đáp án đều na ná như nhau:

“Hồi nhỏ, ba mẹ của một cậu bạn thời tiểu học dắt tay bạn ý về nhà, khiến những người còn lại đều ngưỡng mộ mãi không thôi. Sau đó gia đình cậu ấy đã trở thành hình ảnh gia đình hạnh phúc nhất trong tim chúng tôi”.

“Hồi nhỏ, tôi không bị ép phải theo học một lớp học thêm nào. Giờ đây khi phải đối mặt với việc lựa chọn nghề nghiệp, ba mẹ cũng chưa hề có ý định thuyết phục tôi thi viên chức hay thi lấy chứng chỉ sư phạm. Sáng sớm đêm 30 tết năm ngoái, tôi nhắn tin cho ba mẹ nói rằng con muốn làm cha mẹ tự hào về con trai mình.

Ngày hôm sau, mẹ tôi nhắn lại cho tôi rằng: “Ba mẹ thế nào cũng được. Con đừng gây áp lực quá lớn cho mình”. Ba tôi thì nhắn lại là: “Ba và mẹ có thể tự chăm sóc tốt cho nhau. Nhiệm vụ lớn nhất của con là hãy sống vui vẻ với cuộc sống của chính mình”.

Gia đình là thế giới của mẹ, là vương quốc của cha, là khu vườn thần tiên của con trẻ. Đây chính là hình mẫu về một mái ấm hạnh phúc.

Theo Coco01.today
(Bài viết được đăng lần đầu trên Tạp chí in của Đại Kỷ Nguyên, tháng 1/2019)

Biên dịch:
Hiểu Mai

Ảnh bìa:
Shutterstock

Thiết kế:
Tự Minh

Biên dịch: Hiểu Mai
Ảnh bìa: Shutterstock
Ảnh minh hoạ: Epochtimes.com
Thiết kế: Tự Minh