Nuôi dưỡng con nên người đã là việc không hề đơn giản, dạy sao cho con vừa có đức vừa có tài lại càng công phu hơn. Câu chuyện dạy con của một trong “tứ hổ” Thăng Long xưa là minh chứng cho cái đạo làm cha gian nan, nghiêm khắc mà đầy tình thương đó.

Món “trà lam” nhắc đạo “làm cha”

Nguyễn Công Hoàn là danh sĩ đứng thứ ba trong “Tràng An tứ hổ” (nhất Quỳnh, nhị Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn), nổi tiếng tài năng nhưng lại lận đận đường khoa cử, sau ông chỉ làm thầy giáo. Bao nhiêu tâm huyết dạy dỗ ông dồn hết cho con trai Nguyễn Bá Lân, vốn là cậu bé hiếu học, có tài. Sau này Bá Lân đỗ đạt cao, một đời làm quan thanh liêm, đến khi khuất núi được dân làng phong làm Thành hoàng Ngũ xã. Theo tục lệ xưa, mọi chức tước của ông Hoàn đều là do có con trai làm chức cao mà được phong tặng. Đó cũng chính là sự đền đáp xứng đáng cho tâm huyết cả đời của một người cha.

Ông Hoàn dạy con rất nghiêm khắc. Bộ sách Kể chuyện Danh nhân Việt Nam có ghi rằng, ông thường xuyên so tài với con trai, lấy chính mình ra làm động lực và thách thức để con phải nỗ lực vượt qua. Bài phú “Dịch đình dương xa phú” (Bài phú vua cưỡi xe dê đến các phòng cung nữ) của Bá Lân gắn liền với câu chuyện hai cha con đi đò qua sông Hồng. Trong khi đang hướng tới Cổ Đô – nơi nổi tiếng về nghề dệt lụa, nhìn sang bên kia sông thấy có đàn dê đang nhởn nhơ, ông Hoàn ra đề bài phú là “Dịch đình dương xa phú”. Nếu sang bờ bên kia, ai làm xong trước thì sẽ xô người còn lại xuống sông. Ông Hoàn còn dặn thêm: “Cha không trách con đâu”.

Biết tính nghiêm khắc của cha, Bá Lân cũng nhẩm trong đầu xong bài phú nhưng khi sang tới nơi cậu lại không dám đọc vì sợ phải xô cha xuống sông. Ông Hoàn thấy con không nói năng gì, tưởng cậu chưa làm xong liền đánh cho một trận. Bá Lân đành phải đọc cho cha nghe. Bài phú đó sau này nổi tiếng, được người đời truyền tụng là “Bài phú hoàn thành trên một chuyến đò ngang”. Thế là ông Hoàn bèn tự nhảy xuống sông như đã giao hẹn với con trai từ trước.

Một lần khác, hai cha con cùng nhau thi học kinh sử, ông Hoàn đặt cây roi mây bên cạnh và bảo với con rằng ai ngủ gục thì sẽ bị đánh. Đêm khuya thanh vắng, hai mắt Bá Lân đã nặng trĩu nhưng cậu vẫn không dám chợp mắt, nhìn sang bên cạnh thì thấy cha đã úp mặt vào sách ngủ ngon lành. Bá Lân không dám cầm roi đánh cha mà chỉ khẽ lay cha dậy. Ông Hoàn giật mình tỉnh giấc liền quát: “Ô hay! Sao mày không đánh cho bố dậy ngay?”. Nói xong liền đánh cho cậu con mấy roi đau điếng. Thế là hai cha con tỉnh ngủ ngồi học cùng nhau cho tới sáng.

Có lần hai cha con thi làm văn, ông Hoàn bảo: “Bố làm hơn thì bố ăn cơm, mày nhịn. Mày làm hơn thì bố nhịn, mày ăn” (Theo Kể chuyện Danh nhân Việt Nam – Các nhà chính trị của Lê Minh Quốc). Và vẫn như mọi lần, con trai làm nhanh và hay hơn nên ông Hoàn cương quyết nhịn ăn để nhường suất cơm đó cho con.

Hiểu rõ tầm quan trọng của sự chuyên cần, vợ ông Hoàn cũng đồng lòng định hướng cho con trai có trách nhiệm với việc học hành. Bà dặn cậu: “Con nên kịp thời lo việc học, học hành thì phải gắng sức cho công phu, chớ mê mải chuyện khác. Đừng thấy mình còn kém mà thoái lui, đừng thấy đã khá mà tự cao, mục tiêu lớn hay nhỏ cũng phải gắng công giành lấy. Cửa trời tuy rộng mở nhưng chưa chắc ai cũng tới được. Cứ phải gắng lên như đào giếng sắp tới mạch, đắp núi đã gần xong, con người phải gắng lên cho tới đích” — (Theo Kể chuyện Danh nhân Việt Nam – Các nhà chính trị của Lê Minh Quốc).

Và bà còn nói một câu rất hay thể hiện cái đạo trung dung của người xưa: “Nếu chẳng được làm quan trong triều thì cũng làm thầy dạy học, như vậy cũng trả được món nợ của người đi học, mà tiếng nhà không mai một. Con còn trẻ hãy ghi nhớ lời ta!”. Cái sự học thời xưa là cho thấu hiểu đạo lý để ra làm quan giúp đời, giúp vua chăm lo cuộc sống ấm no cho muôn dân. Không đạt thì cũng để làm thầy dạy dỗ lại con trẻ, coi như là trả món nợ học hành.

Mục đích đầu tiên của đạo học và đạo làm người là để mang lại lợi ích cho người khác và cho cộng đồng, chứ không phải để đạt danh lợi cho bản thân.

(Ảnh minh họa: flickr.com)

Hiểu rằng con người sống có nghĩa hay không là ở việc có thể giúp ích gì cho đời, qua đó lưu danh nhắc nhở thế hệ sau, nên ông Hoàn rất nghiêm khắc trong việc dạy con trai. Có lần ông đưa cậu lên một cái chòi rồi bỏ chiếc thang đi, bên dưới chòi cắm đầy chông, dặn rằng bao giờ con học xong thì cha mới cho con xuống. Bá Lân vốn tinh nghịch, một hôm trước khi lên chòi liền lén mang theo khúc cây chuối. Giữa đêm cả nhà bỗng nghe một tiếng “rầm” ở ngay bãi chông. Mọi người hoảng hốt chạy ra, nhưng khi đến nơi chỉ thấy cây chuối, còn cậu con trai vẫn ung dung ngồi học bài ở phía trên.

Có giai thoại kể rằng, vì áy náy bởi cách làm hơi cực đoan này, sáng hôm sau ông Hoàn sai người nhà mang gói chè lam lên chòi cho con. Bên ngoài gói chè ghi hai chữ “trà lam”, đọc lái là “làm cha”, ý nói đạo làm cha thì phải thế, con chớ mang lòng oán trách. Hiểu ý của cha, Bá Lân viết lại hai chữ “còn lam”, đọc lái là “làm con”, ý nói đạo làm con phải tuân theo sự dạy dỗ của cha mẹ.

Đạo làm cha, làm con không thể bị mai một

Câu chuyện dạy con của Nguyễn Công Hoàn có thể bị nhiều người thời nay cho là cực đoan và quá hà khắc. Nhưng bài học giá trị về đạo làm cha, làm con của hai cha con Công Hoàn – Bá Lân vẫn còn sâu sắc và ý nghĩa muôn đời. Phận làm cha mẹ thì phải coi việc dạy con trẻ như một trách nhiệm cao cả và suốt đời. Đã sinh ra một con người thì phải để nó nên người, làm người tử tế, sống tốt rồi ra giúp đời. Phận làm con thì phải biết vâng lời, nghe theo sự chỉ bảo của người lớn, bởi:

“Cá không ăn muối cá ươn
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”

Mạnh Tử xưa cũng nói: “Không được lòng cha mẹ, không thể làm người; không thuận thảo với cha mẹ, không thể làm con!” (Nguyên văn: Bất đắc hồ thân, bất khả dĩ vi nhân; bất thuận hồ thân, bất khả dĩ vi tử!).

Ngày nay bởi quá coi trọng vật chất, con người ai cũng bận rộn vì miếng cơm manh áo, vì sự hưởng thụ bản thân mà lăn lộn trong danh lợi. Hầu hết chúng ta đều quá vội vàng và thiếu sự chuẩn bị trước khi làm cha mẹ. Việc dạy dỗ con cái trở thành thứ yếu bị xếp sau những mục tiêu kiếm tiền và thăng tiến, và dạy con cũng là nhiệm vụ khó khăn bị cha mẹ đẩy cho các nhà trường.

Cùng với đó là một nền giáo dục trọng hình thức đã khiến việc học hành không còn thực chất. Trẻ con học thì nhiều mà hiểu thì ít, lại không biết tư duy tự học để có thể duy trì ham muốn học hỏi suốt cả phần đời còn lại. Việc học hành mệt mỏi ở trường gây áp lực cho con trẻ và sự thiếu kỹ năng làm cha mẹ đã khiến chúng ta nuông chiều con mình hơn.

Khi đạo làm cha và làm con bị mai một sẽ khiến tôn ti không còn trật tự, con chẳng nể cha mà cha cũng chẳng dạy được con. Nhưng nếu từ trong nếp nhà đã chẳng thể giữ vững, thì sự thiếu hụt và hỗn loạn ấy sẽ thể hiện ra ngoài xã hội. Làm người sống trong xã hội thì cũng nên có trách nhiệm với xã hội, không những ta phải làm người tử tế mà còn phải nuôi dạy nên những công dân tử tế.

Thuần Dương

videoinfo__video3.dkn.tv||f2f7d61aa__