Biên cương Đông Bắc triều đại nhà Thanh vừa mới yên ổn thì khói lửa chiến tranh lại nổi lên ở vùng sa mạc Tây Bắc. Vương triều thịnh thế vẫn còn phải trải qua thử thách chiến tranh lớn cuối cùng trong công cuộc đại thống nhất đất nước.

Hãn quốc Mông Cổ vốn đã kết thông gia và gắn bó trung thành với các triều đại Mãn Thanh qua nhiều thế hệ, tuy nhiên thời điểm này, ở nơi đây lại xuất hiện một vị thủ lĩnh ngang ngược và có dã tâm tên là Cát Nhĩ Đan. Ông ta có ý muốn xưng bá ở vùng Tây Bắc, cho nên đã giằng co với nhà Thanh và trở thành kẻ địch đáng gờm của hoàng đế Khang Hy. 

Từ khi bình Tam Phiên vào năm Khang Hy thứ 12 đến trận quyết chiến Yaksa năm thứ 25, trong vòng hơn 10 năm chiến sự trong ngoài không ngừng nổ ra. Đối diện với đội quân tinh nhuệ phía Tây Bắc, mỗi ngày Hoàng đế Khang Hy phải xử lý vạn sự tình vẫn tự mình chỉ huy quân thảo phạt. Ngự giá thân chinh, hành động vĩ đại của ông đã khích lệ sĩ khí ba quân nơi tiền tuyến, tiếp nối lý tưởng và khí thế lòng mang thiên hạ của người Mãn Châu, nhờ vậy mà Khang Hy đã viết nên truyền kỳ một vị hoàng đế có võ công trác tuyệt. 

Chuẩn Bộ làm loạn

Hoàng đế Khang Hy nói: “Trẫm đọc kinh sử thấy rằng, các bộ tộc Mông Cổ ở bên ngoài thường chống lại Trung Quốc. Từ Hán Đường đến Tống Minh, các triều đại đổi thay luôn bị họ gây hại. Giống như Đại Thanh ta, có thể tuyên dương uy quyền ở Mông Cổ, cũng khiến họ quy phụ triều đình, đây là sự việc mà trong lịch sử trước nay chưa từng xuất hiện”. 

Cát Nhĩ Đan tự tiện xưng Hãn, tùy ý cướp giết, khiến cho vùng đất sa mạc rộng lớn rung chuyển bất an, cũng khiến cho triều đình bất mãn. Bức ‘Bình định Chuẩn Bộ Hồi Bộ đắc thắng đồ’ được vẽ bởi Đinh Quan Bằng thời nhà Thanh, <cuộc chiến A Nhĩ Sở Nhĩ>. (phạm vi công cộng)

Vào cuối thời nhà Minh, phía Bắc Mông Cổ chia thành ba khu vực lớn – Mạc Nam Nội Mông Cổ, Mạc Bắc Khách Nhĩ Khách bên ngoài Mông Cổ, Mạc Tây là Mông Cổ Ách Lỗ Đặc. Mạc Bắc và Mạc Tây có 4 bộ tộc lớn sinh sống. Kể từ thời Thái Tông Hoàng Thái Cực của nhà Thanh lên ngôi, Nam Mạc đã được đưa vào bản đồ lãnh thổ vương triều Đại Thanh. Còn Mạc Bắc và Mạc Tây qua nhiều đời đều hướng đến triều đại nhà Thanh tiến cống, hiến một con lạc đà trắng, 8 con bạch mã, thể hiện “chín bạch chi cống” vô cùng cao quý. 

Ban đầu, các bộ tộc Mông Cổ sống hòa thuận dưới sự cai trị và bảo vệ của nhà Thanh, tuy nhiên bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ lại quật khởi, phá vỡ sự cân bằng giữa các bộ lạc Mông Cổ. Thủ lĩnh Hồn Thai Cát Ba Đồ Nhĩ tự ý khuếch trương thế lực, đem ba bộ lạc nhập vào làm một, bắt đầu xưng bá Mạc Tây Mông cổ. Năm Khang Hy thứ 4, Ba Đồ Nhĩ qua đời, Chuẩn Bộ xuất hiện nội loạn, con trai Cát Nhĩ Đan từ Tây Tạng chạy về. Ông ta thích bắt thì bắt, thích giết thì giết, trở thành người Chuẩn Bộ được đảm nhiệm vị trí Hồn Thai Cát mới. 

Cát Nhĩ Đan cũng là nhân vật truyền kỳ có kinh nghiệm phong phú, ông ta được Hoàng giáo Tây Tạng nhận định là “Lạt Ma” đời thứ 3 chuyển sinh. Ngay từ nhỏ ông đã xuất gia học Phật, tôn Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 4 làm thầy, về sau đi theo làm tùy tùng cho Lạt Ma đời thứ 5 và rất được coi trọng. Tuy nhiên, bản thân ông ta không thích kinh Phật, chỉ yêu thích võ thương lộng bổng, hơn nữa còn rất chú ý đến tình hình chính sự và quân vụ của Chuẩn Bộ. Đến khi Chuẩn Bộ náo động, ông liền nhanh chóng dẹp nội loạn và leo lên ghế thủ lĩnh. 

Sau khi kế thừa cơ nghiệp, Cát Nhĩ Đan lợi dụng tình thế tiếp tục bành trướng. Năm Khang Hy thứ 16 (1677), ông ta đưa quân tấn công bộ tộc Hòa Thạc Đặc của Dĩ Kinh Thiên Di, giết hại nhạc phụ, thủ lĩnh của bộ tộc Hòa Thạc Đặc – Ngạc Tề Nhĩ Đồ Hãn. Cát Nhĩ Đan đã tự mình xưng hãn, ép buộc các bộ tộc khác phải nghe theo lệnh của mình. Ông ta tùy ý giết chóc khiến cho vùng đất sa mạc rộng lớn rơi vào tình trạng bất an, khiến triều đình bất mãn.

Hoàng đế Khang Hy đối xử rất ưu ái, kiên trì dùng thiện và chính sách hòa thuận để xử lý các mâu thuẫn đối với bộ tộc Mông Cổ, cho nên ông nhiều lần khuyên nhủ Cát Nhĩ Đan và trấn an dân chúng trong bộ tộc bị Cát tàn sát, đưa họ trở thành dân chúng của nhà Thanh, ban danh hiệu và tiếp tế lương thực cùng súc vật. Bề ngoài Cát Nhĩ Đan tỏ vẻ kính cẩn nghe theo nhưng trong lòng lại có dã tâm bừng bừng. Một mặt chịu xưng thần tiến cống cho triều đình nhà Thanh, mặt khác ông ta lại yêu cầu Khang Hy công nhận ngôi vị hãn của mình, hơn nữa còn dùng binh tứ phía, ý định muốn chiếm đoạt bộ tộc Khách Nhĩ Khách ở Mạc Bắc. 

Vào năm Khang Hy thứ 26 (1687), Cát Nhĩ Đan lợi dụng sự tranh chấp giữa hai cánh quân là Thổ Tạ Đồ hãn và Trát Tát Khắc Đồ hãn, phát động 3 vạn binh sĩ tấn công và cướp bóc đồng cỏ của Thổ Tạ Đồ hãn. Người Khách Nhĩ Khách đã tập hợp binh lực của 3 bộ tộc đánh nhau kịch liệt với quân của Cát Nhĩ Đan suốt 3 ngày nhưng thất bại, cuối cùng họ đã vứt bỏ lều vải, tài sản cùng dê bò và gia súc, đua nhau chạy thục mạng ngày đêm không nghỉ. 

Bộ tộc Khách Nhĩ Khách hướng về phía triều đình thỉnh cầu đầu hàng “Đại hoàng đế” nhà Thanh. Vì sự ổn định lâu dài của Mông Cổ, sau khi cung cấp lương thực và tài sản cho họ, hoàng đế Khang Hy đã tổ chức họp mặt với thủ lĩnh mới của hai cánh quân cùng vương công của bộ lạc Khoa Nhĩ Thấm Nội Mông. 

Cùng lúc đó, Hoàng đế Khang Hy đã gửi truyền dụ đến Cát Nhĩ Đan, hy vọng người ở các bộ lạc Mông Cổ sẽ chung sống hòa bình, rời xa nỗi khổ chiến tranh loạn lạc, và hạ lệnh cho ông ta chung sống hòa thuận với bộ tộc Khách Nhĩ Khách, trả lại đồng cỏ và lãnh thổ cho họ. Như vậy, Cát Nhĩ Đan đã trả lời như thế nào? 

Huyết chiến Đà thành

Hoàng đế Khang Hy nói: “Kể từ khi thành lập triều đại đến nay, quân đội chiến tất thắng, công tất thành, nguyên nhân không ai địch nổi nằm ở thưởng phạt phân minh, chế độ nghiêm khắc, tướng sĩ dũng mãnh, vũ khí sắc bén, cùng với mỗi người đều ôm lòng đền nợ nước, cho nên khi vào trận chiến mọi người đều quên cả sống chết, anh dũng đi đầu”. 

Cuộc chiến Hoắc Tư Khố Lỗ Khắc, một phần trong bộ tranh ‘Bình định Chuẩn Bộ Hồi Bộ đắc thắng đồ’ vẽ bởi Đinh Quan Bằng thời nhà Thanh. (ảnh Phạm vi công cộng)

Mặc dù quân của Cát Nhĩ Đan đánh thắng được bộ tộc Khách Nhĩ Khách của Mông Cổ, nhưng người trong tộc đã rời đi nên ông ta cũng không thu được nhiều người cùng súc vật, nghĩa là không đoạt được bất kỳ lợi ích thực tế nào. Cho nên ông ta không ngừng gây chiến tranh với bộ tộc Khách Nhĩ Khách. 

Lúc đầu, Cát Nhĩ Đan còn cử sứ giả vào kinh thành để thể hiện sự trung thành và nghe lời của mình. Tuy nhiên, ông ta cho rằng bản thân đang nắm trong tay mấy chục vạn binh sĩ nên vô cùng tự cao tự đại; hơn nữa lại chiếm cứ vùng đất rộng lớn là Hồi bộ, Thanh Hải, Mạc Bắc nên ông ta càng ngày càng kiêu căng ngang ngược, công nhiên thay đổi chính sách hòa giải của Hoàng đế Khang Hy. Đồng thời, hầu như mỗi năm ông đều bí mật liên lạc với Nga để tìm kiếm viện trợ hỏa lực, quân đội và đồng minh.

Bên kia, Hoàng đế Khang Hy cũng thời thời khắc khắc quan tâm chú ý đến hướng đi của Cát Nhĩ Đan. Năm Khang Hy thứ 27 (1688), ông lệnh cho vương công đại thần thống lĩnh quân đội đóng giữ vùng biên cương, chống lại sự xâm lấn của Cát Nhĩ Đan từ phía Nam. Năm Khang Hy thứ 29 (1690), Cát Nhĩ Đan thống lĩnh 3 vạn binh vượt qua sông Ô Nhĩ Trát tiến xuống phía Nam. Đồng thời ông ta còn tuyên bố “thỉnh mời binh lính La Tư của Nga” cùng công đánh Khách Nhĩ Khách. Hoàng đế Khang Hy lập tức dùng biện pháp ứng đối, vừa đưa quân ra tiền tuyến hỗ trợ, vừa cảnh cáo sứ thần Nga đang ở kinh thành, mệnh cho quân đội Nga tuân thủ Hiệp ước Nerchinsk, chớ nhúng tay trợ giúp quân Cát Nhĩ Đan làm loạn, cắt đứt đường viện trợ quân Cát. 

Một tháng sau, Cát Nhĩ Đan đóng quân tại sông Ô Nhĩ Hội. Trước tình thế này, Hoàng đế Khang Hy đã dặn dò tướng A Lạt Ni nơi tiền tuyến rằng trước khi quân tiếp viện đến, ông ta chỉ phụ trách giám sát hành động của đối phương, không được tự ý giao phong. Tuy nhiên, A Lạt Ni lại không tuân theo lệnh, tùy tiện phát động tấn công, phái 200 binh lính tiên phong tấn công, và phái 500 quân tập kích vào đội quân hậu cần. Kết quả là quân Thanh đã ngang nhiên cướp đoạt tài sản của quân địch dẫn đến tự loạn trận cước, bị quân của Cát Nhĩ Đan đánh cho thảm bại, còn A Lạt Ni cũng bị giáng chức sau hành động này. 

Vào tháng Bảy, Cát Nhĩ Đan đã tiến sâu vào khu vực Ô Châu Mục Thấm, Hoàng đế Khang Hy liền đưa ra một quyết định dũng cảm khích lệ sĩ khí toàn quân. Đó chính là ngự giá thân chinh. Ông sắp đặt ba lộ quân lớn. Tây lộ do Dụ Thân Vương Phúc Toàn, hoàng tử Dận Đề dẫn đầu, xuất phát từ cửa Cổ Bắc của Vạn Lý Trường Thành. Đông lộ do Giản Thân Vương Nhã Bố và Đa La Tín quận vương Ngạc Trát lãnh binh đi từ Hỷ Phong Khẩu. Lộ quân còn lại do đích thân ông dẫn quân xuất chinh. 

Đáng tiếc là, sau khi Hoàng đế Khang Hy xuất chinh, ông liên tục bị ốm, bất đắc dĩ phải dừng chân ở sông Ba La (nay thuộc Long Hóa, Hà Bắc), tuy nhiên ông vẫn kiên trì chỉ huy các lộ quân trong khi đang bị bệnh. 

Cuối tháng Bảy, Cát Nhĩ Đan xuôi về phương Nam đến Ô Lan Bố Thông, một thị trấn cách Bắc Kinh khoảng gần 700 dặm. Đại tướng quân Phủ Viễn tức là Dụ Thân Vương tiến hành bài binh bố trận trên sông Cách, chuẩn bị đón đánh. Đội quân Cát Nhĩ Đan chọn dùng trận thế “Thành phố lạc đà”, nghĩa là dùng 1 vạn con lạc đà để làm bức tường thành bảo hộ, trói chân lạc đà lại khiến chúng phải nằm rạp trên mặt đất, trên lưng chúng đặt những chiếc hòm chồng lên nhau và ngụy trang bằng một lớp chăn ẩm. Quân địch được giấu trong những chiếc hòm này, trong khe hở bắn hỏa lực ra kèm theo móc câu để tấn công. 

Đây là trận pháp có nhiều công dụng, vừa tấn công vừa phòng thủ. Tuy nhiên, quân Thanh lại không sợ hãi chút nào, đội tiên phong dùng pháo tấn công vào trận pháp lạc đà của địch, tấn công từ lúc xế chiều đến tối khiến cho đất trời rung chuyển, khói lửa mù mịt. Cuối cùng, quân Thanh đại phá trận pháp lạc đà, tách chúng làm đôi. Tiếp theo đó, kỵ binh và bộ binh thừa cơ tấn công, đánh tan quân địch, Cát Nhĩ Đan buộc phải bỏ chạy trong đêm tối. Trận chiến này diễn ra vô cùng ác liệt, cậu của Hoàng đế Khang Hy là Đông Quốc Cương bị chết nơi sa trường, quân Thanh cũng bị thương vong nặng nề.

Không ngờ, Cát Nhĩ Đan, người có tâm địa xảo quyệt đã phái người đến doanh trại quân Thanh, giả vờ xin cầu hòa. Dụ Thân Vương đã bị mê hoặc, lệnh cho toàn quân dừng truy kích, bỏ qua thời cơ tốt nhất để bắt Cát Nhĩ Đan. Vậy là Cát Nhĩ Đan đã đi dọc theo đường từ Thịnh Kinh, Ô Lạt, Khoa Nhĩ trốn thoát mà không phải gặp trở ngại nào. Sau khi hoàng đế Khang Hy biết được, liền trách phạt giáng chức Dụ Thân Vương. Đồng thời ông cũng truyền khẩu dụ tới Cát Nhĩ Đan, từ nay về sau không được gây tổn thương cho người và vật nào của bộ tộc Khách Nhĩ Khách, nếu không triều đình sẽ “trừng trị nghiêm khắc không tha”. 

Thâm nhập Hãn Hải

Hoàng đế Khang Hy nói: “Trước đây, khi trẫm thân chinh diệt Cát Nhĩ Đan, quần thần đều khuyên can, chỉ có Phí Dương Cổ tán thành. Sau hai lần xuất binh ra trận, đều là trẫm một mình quyết định”. 

Bức ‘Thuật cưỡi ngựa’ của Lang Thế Ninh thời nhà Thanh. (phạm vi công cộng)

Cát Nhĩ Đan, người bị trọng thương ở Ô Lan Bố Thông, từng hướng đến sứ giả triều đại nhà Thanh “sám hối”, thề không xâm phạm con dân của đế quốc Trung Hoa. Tuy nhiên, sau khi ông ta thoát khỏi tầng tầng lớp lớp vòng vây, liền để lộ ra bộ mặt gian trá, một lần nữa triệu tập người của mình đang bị phân tán, chuẩn bị đợi thời trở lại. Tuy nhiên, thực tế thì tình cảnh của ông ta vô cùng nguy cấp, trong quân không có súc vật, binh sĩ bị nhiễm ôn dịch, lần lượt chết vì bệnh. Vì để sinh tồn, ông ta không chỉ cầu cứu Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng mà còn xin ngân lượng của triều đình nhà Thanh để giải cứu khẩn cấp. 

Hoàng đế Khang Hy đã hào phóng ban tặng cho ông ta một nghìn lượng bạc, và nhiều lần cử sứ giả đến chiêu hàng Cát Nhĩ Đan, đồng thời hứa sẽ chăm sóc đặc biệt đối với ông. Thế nhưng Cát Nhĩ Đan vẫn không biết hối cải, tiếp tục yêu cầu triều đình giao nộp người của bộ tộc Khách Nhĩ Khách, phái quan viên đến quân doanh của nhà Thanh để thám thính tin tức. Hoàng đế Khang Hy cũng từng nghiêm khắc trách mắng nhưng Cát Nhĩ Đan vẫn hành ác và không hối cải chút nào, miệt thị thánh chỉ, khiến triều đình nhà Thanh buộc phải vĩnh viễn chấm dứt ngoại giao cùng thương mại. Cát Nhĩ Đan vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, khơi mào chiến tranh khắp nơi. Tuy nhiên ông ta cũng không dám xâm chiếm Mạc Nam, mà đe dọa sẽ mượn 60.000 quân Nga để đánh xuống phía Nam.

7 năm sau cuộc đại chiến lần thứ nhất, đó là năm Khang Hy thứ 34 (1695), Hoàng đế Khang Hy không còn khoan nhượng nữa và chuẩn bị triệu tập đại quân để tiêu diệt triệt để, tránh hậu họa về sau. Nếu không, tại khu vực biên giới, triều đình nhà Thanh tiếp tục bị hao người tốn của, tướng sĩ và dân chúng đều phải chịu khổ vô cùng. 

Để bảo đảm thắng lợi lần này, hoàng đế Khang Hy đã ban chiếu chỉ lần nữa ngự giá thân chinh. Cho dù quần thần khẩn thiết khuyên can, hoàng đế Khang Hy cũng không thay đổi ý chí. Kỳ thực rất nhiều cuộc đại chiến của triều đại nhà Thanh đều do hoàng đế Khang Hy tính toán và sắp xếp, điều đó cho thấy ông là người hùng tài đại lược, trác tuyệt bất phàm. Huống hồ năm đó là thời kỳ cực thịnh của thời đại Khang Hy, oai hùng tài hoa đang nở rộ, việc ông thân chinh tiến đánh Cát Nhĩ Đan không chỉ phát huy tối đa năng lực toàn quân mà còn giúp tăng cường sĩ khí. Đây quả là một hành động biết nhìn xa trông rộng. 

Đối với lần xuất chinh này, Hoàng đế Khang Hy đã bố trí một đội quân gồm 100 ngàn người, vẫn chia thành 3 lộ quân: Đông, Tây và Trung. Tướng Hắc Long Giang Tát Bố Tố chỉ huy lộ quân phía Đông, dẫn quân đông bắc từ sông Khắc Lỗ Luân (Herlen) và chịu trách nhiệm đánh thọc sườn quân Cát. Phủ viễn đại tướng quân Phí Dương Cổ dẫn binh mã xuất phát từ Cam Túc, Thiểm Tây xuất phát từ sa mạc Bắc Việt phụ trách cắt đứt đường tiếp tế. Hoàng đế Khang Hy phụ trách trung lộ, dẫn quân lên phía Bắc dọc theo đường sông Khắc Lỗ Luân, hẹn gặp Tây lộ tại Thổ Lạt (thuộc Mông Cổ ngày nay), sẵn sàng tấn công.

Vào tháng 2 năm Khang Hy thứ 35 (1696), sau khi chỉnh đốn đội hình, tại hoang mạc vô biên trên thảo nguyên, người ngựa quân Thanh đi không ngừng nghỉ. Khang Hy cũng quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của sĩ tốt cùng những sự vụ lớn nhỏ trong quân, chỉ cần không biết chi tiết ông liền hỏi ngay lập tức. Tận mắt chứng kiến hoàn cảnh gian khổ ở vùng biên ải, tinh thần tướng sĩ không sợ gian nan, Hoàng đế Khang Hy đã cảm động viết xuống bài thơ “Hãn hải”: 

“Tứ nguyệt thiên sơn lộ,
Kim triêu hãn hải hành. 
Tích sa lưu tuyệt tắc, 
Lạc nhật độ liên doanh”

Diễn nghĩa:

“Đường núi tiết tháng Tư
Hôm nay đi Hãn Hải
Cát chảy bịt kín ải
Chiều tà đo liên doanh”.

Quân Thanh dần dần tiếp cận doanh trại của quân Cát Nhĩ Đan, thế nhưng những vấn đề khó khăn lại xuất hiện. Bởi vì cánh quân phía Tây vượt qua đại sa mạc, do thiếu nước và lương thảo tiếp tế nên không thể đến được khu Thổ Lạt đúng hẹn. Sau khi hoàng đế Khang Hy suy xét, ông đã nghĩ ra được kế sách đối ứng rất nhanh. Một mặt truyền dụ cho cánh quân phía Tây cần hỏa tốc hành quân đến Thổ Lạt, một mặt giả vờ truyền tin mời Cát Nhĩ Đan gặp mặt bàn bạc. Ông cho rằng, Cát Nhĩ Đan nghe được tin Hoàng đế Khang Hy thân chinh, sẽ sợ hãi tới mức phải bỏ chạy trong đêm, lúc đó ông sẽ cho xuất binh truy kích, nhất định sẽ gặp phải lộ quân phía Tây, tạo thành hai thế giáp công. 

Quả nhiên, Cát Nhĩ Đan biết được tin Hoàng đế Khang Hy thân chinh, đã vô cùng hoảng sợ, tự mình lên núi nhìn quân Thanh từ xa. Ông ta chỉ thấy cờ rồng bay trong doanh trại, xa giá ung dung, bốn phía có màn che làm hoàng thành, bên ngoài có bố trí thành lưới. Với đội quân uy nghiêm to lớn như thế, khiến Cát Nhĩ Đan mắc nghẹn hô lên: “Là binh lính từ trên trời xuống rồi!”.

Quyết chiến Chiêu Mạc Đa

Khang Hy nói: “Trẫm hy vọng dân chúng trong thiên hạ đều được tận hưởng cuộc sống hòa bình hạnh phúc. Tuyệt đối không cho phép ai đó chia cắt quan hệ, hủy diệt quốc gia người khác”. 

Mọi diễn biến đều nằm trong tay Hoàng đế Khang Hy. Cát Nhĩ Đan không dám đối đầu với quân Thanh, bỏ hết lều bạt và khí giới, chạy trốn suốt đêm. Hoàng đế Khang Hy đã ra lệnh cho đại thần nội chính Mã Tư Cáp làm tướng quân Bình Bắc dẫn quân truy quét. Năm ngày sau, cánh quân phía Tây do Phí Dương Cổ đuổi tới Chiêu Mạc đa (nay thuộc nội Mông Cổ), cắm trại ven sông Bối Sơn cách quân địch 30 dặm. 

Bức ‘Bình định bắt được Hồi Bộ Hiến’ trong bộ tranh ‘Bình định Chuẩn Bộ Hồi Bộ đắc thắng đồ’ của Đinh Quan Bằng thời nhà Thanh. (phạm vi công cộng)

Chiêu Mạc Đa có nghĩa là “Rừng rậm lớn” trong tiếng Mông Cổ, đây là chiến trường nổi tiếng ở Mạc Bắc từ thời xa xưa, Minh Thành Tổ từng đánh bại A Lỗ Đài tại đây. Phí Dương Cổ phái 400 quân tiên phong, vừa đánh vừa lùi, dụ Cát Nhĩ Đan đến Chiêu Mạc Đa. Sau đó, Phí Dương Cổ chia quân thành hai cánh trái phải, mai phục bên sườn núi nhỏ, còn thêm một nhóm quân lính người Hán leo nhanh lên đỉnh những ngọn núi nhỏ này, số quân còn lại xuôi theo sông Thổ Lạt bày trận. 

Lúc này, Cát Nhĩ Đan xuất 1 vạn binh mã đuổi theo, chuẩn bị chiếm những ngọn núi nhỏ trước. Quân Thanh giành được địa lợi, cung nỏ và hỏa lực phát ra cùng một lúc, tấn công địch. Cát Nhĩ Đan và vợ cùng với tất cả binh sĩ đều phải xuống ngựa, mạo hiểm lao vào trận địa dưới mưa tên đạn pháo. Hai đạo quân giao chiến, mỗi bên đều có thương vong, đánh nhau từ sáng đến tối mà không bên nào chịu lui. 

Vào thời điểm quan trọng, Phí Dương Cổ nhìn qua đội quân nhu của địch liền lập tức hạ lệnh tấn công bất ngờ từ phía sau. Kết quả, quân Thanh thuận đà hô hào xông lên, âm thanh dường như rung chuyển một vùng trời. Quân của Cát Nhĩ Đan hốt hoảng chạy thục mạng, rất nhiều người đã rơi xuống vách đá, làm tắc cả khe suối.

Đại chiến Chiêu Mạc Đa, quân Thanh đã đánh bại đội quân tinh nhuệ của Cát Nhĩ Đan, thắng lợi này quyết định sự thành bại của cuộc chiến. Sau khi nghe được tin chiến thắng, hoàng đế Khang Hy vô cùng vui mừng, ông không chỉ tự mình khao thưởng cho cánh quân phía Tây mà còn cho khắc chiến công lên bia đá tại Chiêu Mạc Đa. 

Trải qua hai lần thảm bại ở Ô Lan Bố Thông và Chiêu Mạc Đa, nguyên khí của Cát Nhĩ Đan bị tổn thương nghiêm trọng, không còn cơ hội tiếp tục trở mình nữa. Bên cạnh ông ta chỉ có vẻn vẹn mấy ngàn người, thiếu thốn súc vật cùng lương thực, chịu đói rét trong cái lạnh mà chết không ít người, người còn sống thì đua nhau bỏ trốn để khỏi chết đói, họ chạy đến chỗ quân Thanh xin quy hàng. Trong nguy cơ tồn vong, Cát Nhĩ Đan vẫn ngoan cố không có ý định đầu hàng. 

Đối với việc xử trí Cát Nhĩ Đan như thế nào, Hoàng đế Khang Hy cũng tỏ ra vô cùng thận trọng, một mặt nhắn nhủ tướng sĩ biên phòng tiêu diệt Cát Nhĩ Đan sớm, một mặt vẫn dùng lòng nhân từ khuyên nhủ chiêu hàng ông ta. Khang Hy sai sứ giả đem theo chỉ dụ gửi tới ông ta, cho thời hạn 70 ngày, nếu vẫn không quy hàng, triều đình sẽ phái binh chinh phạt. 

Đồng thời, Hoàng đế Khang Hy cũng ưu ái và trấn an những binh sĩ đầu hàng. Chẳng hạn, Hoàng đế Khang Hy đã sai các quan đại thần ban phát lương thực, quần áo để giúp dân chúng ổn định cuộc sống, nếu có người thân bị bắt, họ sẽ thu xếp về đoàn tụ gia đình sau khi tìm hiểu rõ từng người một. Một trong những cộng sự thân cận của Cát Nhĩ Đan nói với vẻ ngưỡng mộ: “Triều đại nhà Thanh quốc phú binh cường, hoàng đế Trung Hoa có thể được gọi là ‘Lạt Ma’ rồi. Giúp cho cha mẹ quân địch cùng nhau đoàn tụ, liệu có ai làm được việc này?” [Ghi chú của người biên tập: Câu nói này phản ánh lòng biết ơn của người cộng sự, và là tình huống riêng có dưới thời hoàng đế nhân đức Khang Hy, chứ không phải để khẳng định bất kỳ ai cai trị lãnh thổ Trung Quốc cũng có được uy đức đó, nhất là với hôn quân bạo chúa lại càng không]

Vào năm Khang Hy thứ 35 (1696), Hoàng đế Khang Hy đi về phía Bắc đến thành Ngạc Nhĩ Đa và triệu kiến Phí Dương Cổ, bí mật thương nghị sự việc đánh dẹp Cát Nhĩ Đan lần thứ 3. Năm sau, ông đến Ninh Hạ và lệnh cho Phí Dương Cổ cùng Mã Tư Cáp thống lĩnh binh mã trấn thủ trên con đường mà Cát Nhĩ Đan phải đi qua khiến ông ta buộc phải cố thủ ở một nơi. Hoàng đế Khang Hy tin tưởng rằng Cát Nhĩ Đan không có nơi nào để lẩn trốn, chỉ còn cách đầu hàng, hoặc bị bắt, hoặc tự vẫn, mọi kết quả đều là thất bại thảm hại. 

Quân của Cát Nhĩ Đan đầu hàng ngày càng nhiều, bị bạn bè xa lánh, tứ bề ông ta đều lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng. Đúng như dự liệu của hoàng đế Khang Hy, Cát Nhĩ Đan đã uống thuốc độc tự vẫn. Vậy là ông ta đã kết thúc cuộc đời của một kẻ hiếu chiến. Đến lúc này, hoàng đế Khang Hy cuối cùng đã bình định xong thế lực phản loạn Cát Nhĩ Đan, giúp vùng thảo nguyên Mông Cổ rộng lớn phồn vinh và hòa thuận trở lại.  

Tác giả: Tiểu tổ văn hóa – Epoch Times
San San biên dịch