Văn hóa Trung Hoa vô cùng nhấn mạnh đạo hiếu, hiếu tâm hiếu hành là cốt lõi của nhân phẩm, là nền tảng của sự hòa ái trong gia đình và xã hội, Vương Vĩnh Bân triều Thanh đã nói trong cuốn sách “Vi lô dạ thoại” rằng: “Bách thiện hiếu vi tiên.” 

Thực hành lòng hiếu thảo thực sự có thể cảm động ông Trời, trong lịch sử có rất nhiều ví dụ chứng minh.

Lòng hiếu thảo cảm động ông Trời, ông nội hai mắt mù sáng lại

Trương Nguyên, tự Hiếu Thủy, sinh sống ở Nhuế Thành của Bắc Chu (nay là phía tây huyện Bình Lục, tỉnh Sơn Tây) vào thời kỳ Nam Bắc triều. Trương Nguyên tính cách khiêm hòa cẩn thận, chàng nổi tiếng hiếu thảo và chăm làm việc thiện. Chàng có sự lý giải thâm sâu về Phật giáo, thanh tu Phật pháp.

Khi chàng còn ấu thơ, nhà hàng xóm có hai cây ngân hạnh, khi quả chín, rất nhiều quả rơi xuống sân nhà Trương Nguyên. Những đứa trẻ khác đều chạy đến nhặt, nhưng cậu bé Trương Nguyên minh bạch rằng mình không nên chiếm hữu những thứ không thuộc về mình, nên cậu đã nhặt những quả ngân hạnh và trả lại cho người hàng xóm, chủ nhân của cây.

Cậu từng nhìn thấy một con chó con bị bỏ rơi trên cánh đồng, bị hành hạ bởi cái đói và cái lạnh. Khi Trương Nguyên nhìn thấy cảnh này, cậu không thể chịu đựng được nên đã mang chú chó con về nhà nuôi dưỡng. Chú của Trương Nguyên cảm thấy tức giận, đã nói: “Tại sao lại đi nuôi con động vật nhỏ mà người ta không muốn này?”, và ra lệnh cho Trương Nguyên mang chó con đi. Tuy nhiên, Trương Nguyên nói: “Mọi động vật có sinh mệnh đều xứng đáng được yêu thương và chăm sóc, một chú chó con bị bỏ rơi, nếu chúng ta nhìn thấy mà không nhận nuôi nó, thì chúng ta đã đánh mất lòng nhân từ của mình…” Cuối cùng, Trương Nguyên đã thành công thuyết phục chú của mình để được nhận nuôi chú chó con. Không bao lâu sau, có người nhìn thấy một con chó cái lớn ngoạm một con thỏ mang đến trước cửa nhà Trương Nguyên, rồi liền rời đi, tựa hồ như muốn biểu đạt cảm tạ Trương Nguyên đã nhận nuôi chú chó con.

Khi Trương Nguyên mười sáu tuổi, ông nội của chàng bị mù đã được ba năm. Trương Nguyên ngày đêm đọc tụng kinh Phật, thành tâm cầu nguyện chư Phật, Bồ tát cho ông nội sớm một ngày lại nhìn thấy ánh sáng.

Một ngày nọ, khi Trương Nguyên đang kiền thành đọc tụng Kinh văn, chàng nhìn thấy câu kinh “Người mù mắt lại sáng”. Vì vậy, chàng chiểu theo phương pháp được đề cập trong kinh điển, thỉnh mời bảy vị tăng nhân đến, đốt bảy ngọn đèn, trong bảy ngày bảy đêm tiếp tục đọc và trì tụng Kinh văn. Bản thân chàng cũng tuân tòng pháp môn tu hành, mỗi lần đều thành tâm cầu nguyện trong nước mắt: “Bạch Đức Phật, Bồ Tát tôn quý! Đệ tử Trương Nguyên đã phạm tội hành bất hiếu với ông nội, khiến ông nội bị mù đã lâu. Hiện tại con xin thay ông nội chịu đựng hết thảy tội nghiệp này. Thỉnh Ngài từ bi ban cho ông nội con ánh sáng, để tội nghiệt của ông được tiêu trừ, lại nhìn thấy ánh sáng.” Trương Nguyên tha thiết cầu nguyện trong bảy ngày bảy đêm.

Một đêm nọ, Trương Nguyên mơ thấy một ông già dùng một con dao trổ mỏng bằng vàng có hình đầu mũi tên, đang cạo mắt, tiến hành phẫu thuật cho ông nội của mình. Ông lão nói với Trương Nguyên: “Đừng lo lắng, ba ngày sau, bệnh mắt của ông nội con sẽ khỏi.” Trương Nguyên giật mình tỉnh dậy, kể lại cho gia đình những gì mình thấy và nghe trong giấc mơ. Quả nhiên, ba ngày sau, đôi mắt của ông nội sáng trở lại một cách thần kỳ.

Khi chuyện này đến tai hoàng đế, hoàng đế đã đặc biệt hạ chiếu thư biểu dương Trương Nguyên về những việc làm hiếu đức cảm động của chàng, để việc hành hiếu của Trương Nguyên lan rộng khắp cả nước. Quả nhiên câu chuyện về Trương Nguyên đã lan rộng, mọi người vô cùng cảm động và ngưỡng mộ hiếu tâm và thiện hành của chàng. (Theo “Hiếu nghĩa truyền” và “Bắc sử”)

Báo hiếu cảm động ông Trời cho mẹ khỏi bệnh

Tiêu Tử Mậu, tự Vân Xương, là con trai thứ bảy của Tề Võ Đế, được phong hiệu Nam Tề Tấn An Vương. Ông phẩm hành cao thượng, liêm khiết và có học thức, là một người con hiếu thuận thuần khiết nhất của Võ Đế. Lúc đầu, ông giữ chức đô đốc và thứ sử Giang Châu, sau này lại được bổ nhiệm làm thị trung quan.

Khi Tiêu Mậu Tử mới bảy tuổi, mẹ ông là Nguyễn Thục Viện bị bệnh nặng, ông đã cung kính thỉnh mời các hòa thượng đến lập bàn thờ cầu nguyện. Có người đặt lên một đóa hoa sen, hòa thượng đổ đầy nước vào một chiếc bình bằng đồng, đặt cành hoa sen vào nước, cung kính  đặt trước tượng Phật. Tiêu Mậu Tử thành kính quỳ trước tượng Phật, mắt ngấn lệ cầu nguyện: “Nếu cơ thể ốm yếu của mẹ con có thể được phục hồi nhờ sức mạnh của Đức Phật, con nguyện rằng đóa sen này sẽ không khô héo cho đến khi kết thúc Mùa Chay.” 

Sau khi bảy ngày của Mùa Chay kết thúc, đóa sen quả nhiên vẫn hồng tươi, người ta quan sát thấy những chiếc rễ nhỏ xíu mọc ra từ chiếc bình đồng, và mẹ của Tiêu Mậu Tử đã khỏi bệnh. Sau khi câu chuyện này được lan truyền, thế nhân ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của Tiêu Mậu Tử đã cảm động ông Trời. (Theo “Tề thư” và “Tề Võ Đế chư tử truyền”)

Doãn Gia Huy, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch