Hoàng đế là người giàu nhất thiên hạ, nhưng khi hồn rời khỏi xác, bị ma quỷ đòi mạng thì cũng chỉ là người trắng tay.

Trong Tây Du Ký, hồi thứ mười một “Chơi âm phủ Thái Tông về trần; Dâng quả bí Lưu Toàn gặp vợ”, Hoàng đế Đường Thái Tông vì không cứu được Long Vương như đã hứa nên hồn phách bị điệu về âm phủ đối án. Cuối cùng, Thái Tông được mười vị Diêm Vương sai Thôi phán quan và Chu thái úy đưa về trần. Chặng đường này xảy ra một việc kinh tâm động phách.

“… Nhìn phía khác lại thấy có một cây cầu, gió lạnh thấu xương, máu sôi cuồn cuộn, tiếng khóc than văng vẳng không dứt. Thái Tông hỏi:

– Chiếc cầu này tên là gì? Phán quan đáp:

– Tâu bệ hạ, đó gọi là cầu Nại Hà.

“Cầu dài vạn dặm, rộng chỉ ba gang,

Trăm thước chiều cao, sâu nghìn dặm thẳm.

Trên không tay vịn, dưới có quỷ rình.

Gông cùm đè nặng, lên cầu chênh vênh.

Bên cầu Thần binh trông dữ tợn.

Dưới sông hồn ác khổ vô cùng…”

Thái Tông trong lòng lo sợ, cúi mặt than thầm, lẳng lặng đi theo Phán quan, Thái úy qua sông Nại Hà quái ác, cõi khổ huyết hồn. Đến trước thành Uổng Tử, lại nghe thấy tiếng người ồn ào huyên náo, gọi rõ ràng: “Lý Thế Dân đến rồi, Lý Thế Dân đến rồi”. Thái Tông nghe gọi ruột gan rụng rời, thấy một lũ ma quỷ cụt chân gãy tay, không đầu không cổ bước ra chặn đường, thét:

– Trả tính mạng ta đây! Trả tính mạng ta đây!

Sợ quá, Thái Tông co rúm người lẩn tránh, chỉ dám gọi:

– Thôi tiên sinh, cứu ta với!

Phán quan nói:

– Tâu bệ hạ, bọn họ là hai khối sáu mươi tư giặc cỏ bảy mươi hai nơi, là hồn ma của các vương tử, đầu mục, bị nghiệp oan chết uổng, lang thang không nơi nương tựa, chẳng được siêu sinh, chẳng có tiền nong tiêu xài, rặt là bọn cô hồn quỷ đói, bệ hạ cho chúng một ít tiền thì tôi mới cứu được.

Thái Tông nói:

– Trẫm tay không tới đây, làm gì có tiền!

Phán quan nói:

– Tâu bệ hạ, trên trần gian có một người gửi một số vàng bạc ở âm phủ. Bệ hạ đứng tên đặt tờ văn tự, tôi có thể đảm bảo, vay ông ấy một kho, cấp phát cho lũ quỷ đói ấy, thì mới đi qua được.

Thái Tông hỏi:

– Người ấy là ai? Phán quan đáp:

– Người ấy ở phủ Khai Phong, tỉnh Hà Nam, họ Tướng tên Lương, có mười ba kho vàng bạc ở đây, bệ hạ vay, về dương gian trả cũng được.

Thái Tông bằng lòng, tình nguyện đứng tên, làm văn tự giao cho Phán quan đi vay một kho vàng, nhờ Thái úy cấp phát cho hết. Phán quan còn dặn dò lũ quỷ rằng:

– Số bạc này chúng bay chia nhau cho đều, rồi buông ra để Hoàng đế Đại Đường đi. Tuổi thọ của ngài còn dài, ta vâng lệnh mười Diêm vương đưa ngài về trần. Đến dương gian, ngài sẽ lập đàn chay “đại hội thủy lục” tế độ cho chúng bay được siêu sinh, chớ có sinh sự nữa.

Bọn quỷ được chia vàng bạc, lại nghe nói như vậy, đều ngoan ngoãn rút lui. Phán quan sai Thái úy vẫy cành phan, dẫn hồn đưa Thái Tông ra khỏi thành Uổng Tử, lên con đường bằng phẳng sáng sủa, phơi phới ra về.

Sang hồi thứ mười hai: “Vua Đường lòng thành mở đại hội; Quan Âm hiển thánh hóa Kim Thiền”, Uất Trì Cung mang một kho vàng đến phủ Khai Phong, Hà Nam tìm nhà Tướng Lương.

Nguyên ông này làm nghề bán hàng nước, cùng vợ là Trương thị bán chậu sành ngoài cửa. Mỗi khi bán được đồng tiền nào, họ chỉ ăn uống qua loa, còn bao nhiêu đem bố thí cho các nhà sư, vì vậy được dồi dào phúc quả. Ở trần gian họ là một người nghèo tốt bụng, nhưng dưới âm phủ lại là người trưởng giả lắm ngọc nhiều vàng.

Thấy Uất Trì Cung mang vàng bạc đến nhà, hai ông bà sợ hãi hồn bay phách tán. Lại thấy cả quan viên bản phủ, ngoài cửa nếp nhà tranh ngựa xe tấp nập, hai ông bà như ngây như dại, nói không thành tiếng, chỉ biết quỳ xuống sụp lạy.

Uất Trì Cung hết lời giải thích, thuyết phục, nhưng vợ chồng Tướng Lương vẫn kiên quyết có chết cũng không nhận tiền của Hoàng đế.

Uất Trì Cung thấy Tướng Lương một mực chối từ, đành làm sớ sai người tâu về triều. Thái Tông xem sớ, biết Tướng Lương không nhận vàng, than rằng:

– Thật là một người lương thiện!

Lập tức lệnh cho Hồ Kính Đức mang số vàng ấy dựng một ngôi chùa, một nếp sinh từ, mời sư tăng làm lễ cầu phúc, coi như đã trả nợ cho ông ấy.

***

Hoàng đế là người giàu nhất thiên hạ, nhưng khi hồn rời khỏi xác, bị ma quỷ đòi mạng thì cũng chỉ là người trắng tay. Thế mới biết của cải trên trần gian đều là thứ tạm bợ, nay còn mai mất, chết đi không mang theo được. Ngược lại, hai ông bà Tướng Lương nghèo khổ nhưng tốt bụng, hành thiện tích đức, nên gia sản ở thế giới bên kia giàu có vô cùng.

Thánh Kinh có chép lời Chúa Jesus dạy: “Các ngươi đừng tích trữ của cải trên trái đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi sâu mối, ten rét không làm hư, và kẻ trộm không đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:19 – 21).

Ngày xưa, người giàu tích trữ vàng bạc, châu báu, nhà cửa. Ngày nay, người ta còn tích trữ đô-la Mỹ, ơ-rô, cổ phiếu v.v. Thay vì cất giữ tiền bạc trong túi, trong kho, người ta bỏ tiền vào tài khoản ngân hàng, và tài sản giờ đây chỉ đơn thuần là một con số. Dù dưới hình thức nào chăng nữa, khi người ta tích trữ của cải trên trái đất, sớm muộn gì của cải cũng bị hư hoại, trộm cắp rình rập.

Ngày xưa kẻ trộm phải đào ngạch khoét vách để lấy của cải người ta, ngày nay kẻ trộm có thể ngồi trước máy tính điện tử mà “hack” (trộm) lấy tiền tài.

Khi thị trường chứng khoán lao dốc, bao nhiêu người đã mất đi tất cả hoặc một phần lớn tài sản nội trong một ngày? Có người vì thế mà nhảy lầu tự vẫn.

Vậy “tích trữ của cải ở trên trời” bằng cách nào? Chính là như ông bà Tướng Lương vậy. Thánh Kinh viết: “Hãy răn bảo những kẻ giàu ở thế gian này đừng kiêu ngạo và đừng đặt hy vọng vào của cải không chắc chắn, nhưng hãy đặt hy vọng vào Chúa Trời, là Đấng cung cấp dồi dào mọi vật cho chúng ta được hưởng. Hãy răn bảo họ phải làm điều lành, phải giàu có trong việc lành, phải rộng rãi và sẵn sàng chia sẻ, tích trữ cho mình kho báu của một nền tảng bền vững cho tương tai, để được nắm chặt sự sống thật” (Ti-mô-thê 6:17 – 19).

Thay cho lời kết, xin được ôn lại bài thơ trong Tây Du Ký:

“Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu,

Đời người, bọt nước khác gì đâu.

Sớm còn thắm đỏ đôi gò má.

Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.

Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả.

Cuốc kêu da diết hãy quay đầu,

Xưa nay làm phúc đều tăng thọ,

Ở thiện trời thương, lọ phải cầu”.

Khiêm Từ

(Các đoạn tình tiết trong Tây Du Ký được lược trích từ bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh)

Hạnh phúc tuổi trung niên: Trong tâm vô sự, trong túi có tiền

videoinfo__video3.dkn.tv||12f7cf45f__