Là một người tốt, luôn sống chân thiện, luôn nhẫn nhịn dẫu cuộc sống mưu sinh không ít điều tủi nhục, chịu đựng mọi sóng gió của cuộc đời, chị quét rác vẫn luôn giữ vững đức tin thiêng liêng vào Phật. Và cuối cùng phúc báo đã mỉm cười với chị.

Chị Nhu sinh ra ở Hoàng Cầu, một làng quê nghèo của Hà Nội, nơi bây giờ chính là giữa phố Hoàng Cầu và phố Thái Hà. Mới chỉ cách đây hơn 20 năm, làng Hoàng Cầu còn là đồng ruộng ao chuôm với những ngôi nhà thưa thớt người ở, nằm giữa đê La Thành và bãi rác Thành Công.

Nhà nghèo, chị Nhu học ít nên chỉ biết làm ruộng làm nông. Chị cũng là người thông minh, sáng dạ, cũng muốn học cao, nhưng lúc bấy giờ chưa có nhiều trường đại học. Cả làng vài năm mới có một người đỗ đại học, thi thoảng cũng có người đỗ trung cấp. Hết phổ thông cũng có người xin đi làm nghề, còn phần lớn là ở nhà làm ruộng.

Chị Nhu thuộc về lớp người ngoại thành Hà Nội chính gốc, với khuôn mặt trái xoan thanh tú ánh rõ lên sự ngây thơ của người nông thôn thuần phác, thật thà, lương thiện, trong trắng tinh khiết như một bông hoa nhài. Chỉ nhìn khuôn mặt thôi cũng đã thấy chị là người tử tế hiền lành, tốt bụng, thùy mỵ, nết na.

Hồ Hoàng Cầu thanh bình buổi sớm. Ảnh dẫn theo youtube.com

Từ nhỏ chị đã được dạy dỗ về sự tinh tế của người Hà Nội, từ suy nghĩ, lời nói cho tới cử chỉ trong giao tiếp xã hội. Đó là sự nhẹ nhàng, thanh lịch, không nói tục chửi bậy, không ồn ào chỗ đông người, từ điệu đi dáng đứng cũng có thể nhận ra.

Chị Nhu là người có nhan sắc, dù không xinh đẹp nổi trội nhưng lại rất ưa nhìn nên có nhiều các chàng trai ở các làng bên như làng Hào Nam, Thành Công, Ngọc Khánh, Láng Thượng, Láng Hạ… để ý, nhưng chị chưa thấy có cảm tình với ai.

Rồi chị yêu anh, một kỹ sư giao thông về giám sát làm đường Thái Hà, đi xuyên qua ruộng nhà chị. Chị không dám mơ lấy anh vì anh quá cao sang, thời đó kỹ sư là danh giá lắm. Nhưng cái duyên đến, hạnh phúc đơn sơ đến với anh chị như đồng xanh gió nội và chỉ một năm sau họ sinh được một bé trai xinh đẹp như thiên thần.

Rồi Thái Hà lên phố, đồng ruộng bị thu hồi để xây nhà ở. Chị là xã viên bị thu hồi ruộng nên được đền bù 70 m2 làm chỗ ở, anh chị ra ở riêng không phải ở nhờ bố mẹ nữa. Đấy là một mảnh đất không vuông vắn thót hậu, ở trong ngõ sâu hút, sát bờ mương Thái Hà bốc mùi hôi, gần cống Trắng, không có ai nhận, nên mới đến lượt chị.

Anh chị được sự giúp đỡ của hai bên gia đình, cùng với lương kỹ sư của anh và vay mượn thêm để làm được ngôi nhà tạm tường xây bằng gạch táp lô, loại gạch rẻ tiền đóng từ xỉ than, còn mái thì lợp tạm bằng lá cọ cho mát trong khi chờ đợi có tiền sẽ đổ mái bằng bê tông. Lúc đầu đến ở mùi hôi rất khó chịu, ai đi qua cũng kêu, nhưng lâu rồi quen dần, hơn nữa Hà Nội có rất nhiều mương máng như thế, kể cả sông Tô Lịch cũng vậy. Biết bao nhiêu hộ gia đình ở cạnh bờ mương, kể cả trẻ em cũng phải chịu.

Tuy là có nhà ở nhưng chị bỗng nhiên thất nghiệp không còn phương kế gì sinh nhai, tình cảnh cũng giống không ít những người khác trong làng và trong các làng khác ở quanh Hà Nội, không còn ruộng thì không biết sẽ sống ra sao.

Rồi tai họa nữa lại ập đến, anh bị mất do tai nạn giao thông, để lại đứa con nhỏ chưa đầy một tuổi cùng với ngôi nhà đang làm dở dang và những khoản nợ.

Có những đêm, ôm đứa con bé bỏng trong lòng, nhìn trời mưa dột khắp nơi, chị lo lắng vì trong nhà không còn gì để ăn, không thể đi vay để ăn mãi được. Chị quyết tâm đi xin việc và may mắn xin được chân quét rác ở công ty vệ sinh môi trường. Chị không ngại bẩn, không ngại bị chê cười, miễn sao có công việc, có thu nhập để nuôi con.

Chị Nhu rất chăm chỉ làm việc, được giao khu phố nào chị cũng chịu khó quét dọn sạch sẽ như ở nhà mình vậy. Chị xin làm ở phố Thái Hà cho gần nhà, hơn nữa đây là con đường do chồng chị góp sức xây dựng từ đầu, nên chị muốn gắn bó với nó, làm vệ sinh chăm chút cho con phố ấy.

Làm nghề quét rác cũng phải có lương tâm, có trách nhiệm, phải chăm chỉ, chịu khó thức khuya, dậy sớm để quét. Lại còn phải nhẫn, không dám to tiếng với ai, vì quét rác là nghề chưa bao giờ được xã hội coi trọng. Kể cả khi vừa quét xong lại có người đổ ngay rác ra đường mà không đổ vào xe rác để ngay đó, cả khi chị bị xúc phạm chửi mắng nhục mạ khi vô tình quét làm bắn nước hoặc bụi bẩn lên ai đó, nụ cười tươi tắn vẫn luôn nở trên môi chị.

Ảnh minh họa

Công cụ để quét rác ở Hà Nội cho đến tận bây giờ vẫn phải dùng chổi tre dài, những người quét rác phải tự làm lấy chổi bằng cách chẻ nhỏ tre cật, chẻ thật đều tăm tắp, róc cho sạch rồi buộc chặt lại lắp thêm cán. Chổi sao cho vừa nhẹ, vừa đều, vừa dài thì quét mới sạch và năng suất được.

Thế là chị học được thêm nghề làm chổi tre, vừa làm phục vụ công việc của mình, vừa làm giúp cho những người trong cùng tổ và kết hợp làm loại chổi tre ngắn để gửi bán ở chợ Thái Hà kiếm thêm đồng mua rau.

Mức lương của người quét rác rất thấp, nếu có nói ra mọi người cũng rất sửng sốt, nên chị phải cố gắng chi tiêu tằn tiện mới có thể duy trì cuộc sống tối thiểu cho hai mẹ con. Bây giờ là người phố rồi, nên mức chi tiêu cũng cao hơn nhiều so với trước, đặc biệt là rất nhiều những khoản chi mới phát sinh từ khi lên phố như các khoản đóng góp các quỹ của khu phố, của quận, mua công trái bắt buộc gần như năm nào cũng có, đóng góp ủng hộ bão lụt, ủng hộ người nghèo, rồi tiền điện, tiền nước, điện thoại…

Lên phố thì mức sinh hoạt phí cũng tăng cao lên, cái gì cũng phải mua, cái gì cũng đắt đỏ, tiền hiếu hỷ ma chay giỗ chạp cũng cao hơn. Nhưng là người con luôn hiếu thảo nên chị vẫn phải tham gia đóng góp đầy đủ cho cả hai bên nội ngoại, không một lời phàn nàn, ca thán.

Chị không dám chi tiêu gì cho mình, vài năm mới mua một bộ quần áo diện Tết hoặc đi đám cưới, còn thường ngày đều mặc đồ bảo hộ lao động. Tuy nhiên, bộ quần áo công nhân quét rác cũng không làm mất đi vẻ xinh đẹp thánh thiện của chị.

Chị cũng mơ có váy áo, giày dép, túi xách đẹp, rồi cũng mơ trang điểm son phấn, làm tóc xoăn cho xứng với người phố, nhưng chị không dám vì phải để dành tiền nuôi con.

Còn lẽ nữa, chị không dám làm đẹp vì khi ấy chị còn trẻ lắm, chưa đến 30, đang độ đằm thắm, nhiều người có chức vị trong phố cũng theo đuổi, nhưng nếu chị mặc đồ bảo hộ lao động là họ không dòm ngó nữa, biết thế nên chị ít khi mặc quần áo thường.

Anh mất là gia đình chị mất chỗ dựa lớn, nhưng tình yêu của hai người vẫn đẹp như xưa. Chị tin vào luân hồi nhà Phật, tin là anh vẫn còn ở trên Thiên giới dõi theo mẹ con chị, chị đi đâu, làm gì đều như có anh đi cùng. Anh không có ở thực tại, nhưng có thật trong tim, trong tư tưởng chị.

Từ nhỏ sống ở làng quê, chị đã thấm đậm văn hóa truyền thống, luôn tin vào Phật, tin rằng làm điều tốt thì được hưởng phúc báo, làm điều xấu thì bị quả báo, rằng làm người phải làm người tốt. Chị tin Thần Phật an bài đời người, sướng khổ là do trời định, số chị hồng nhan bạc phận, chịu khó làm người tốt nuôi con, ngày sau sẽ hưởng phúc.

Đời người sướng khổ do trời định, Cuộc đời vốn đã được Thần Phật an bài, chỉ cần ta sống tốt, mọi việc rồi sẽ thay đổi tốt lên. Ảnh tượng Phật trên Đại Dữ Sơn

Mặc dù có những lúc chị mong muốn một cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, sớm tối có nhau nhưng chị quyết tâm không đi bước nữa. Chị để dành tình cảm nuôi con và sống với tình yêu của riêng mình. Tình yêu của chị thời ấy giản dị nhưng sâu sắc hơn bây giờ nhiều.

Tất cả thu nhập chị dành hết cho con trai, cố gắng duy trì có chút thịt cá trong bữa ăn vì chị lo con bị còi cọc nếu không đủ dinh dưỡng, còn chị chỉ ăn rau, khi nào con không ăn thì mẹ mới ăn. Chị cố gắng cho con được học hành đầy đủ, thương con đã thiếu tình cảm của cha nên muốn bù đắp cho con bằng tấm lòng nhân hậu của một người mẹ như mẹ chị đã dành cho chị trước đây.

Thế nhưng dù tiết kiệm, tằn tiện đến đâu thì với mức lương người quét rác cũng không đủ nuôi con. Con muốn đi học tiếng anh, học máy tính, học nhạc, học bơi cùng với các bạn trong lớp…rồi có lần Tết Trung thu con muốn mua một đôi giày mới loại rẻ tiền bán ở cửa hàng ngay đầu ngõ, nhưng chị không có tiền, đành khất con để sau. Cũng may thằng bé ngoan, biết mẹ chưa có tiền nên cũng không đòi nữa.

Cũng nhờ Thần Phật che chở nên con chị khỏe mạnh, ngoan ngoãn, không bị ốm đau gì. Chị cũng vậy, không được phép ốm dù chỉ một ngày, bởi công việc của chị làm quanh năm, chỉ có được ngày nghỉ duy nhất là mồng một Tết.

Nhiều đêm không ngủ được chị khóc ròng thương thân phận của con rơi vào cảnh nhà nghèo, rồi lại thương cho chính mình. Nhưng chị cố gắng nhẫn nhịn, tin rằng ông Trời đã an bài thế, đang thử thách chị, nên không dám than trách gì. Có đôi khi lại nghĩ sao mình lại giữ đức, giữ trong sạch làm gì, thiếu gì cách kiếm tiền, bán đi chút nhân phẩm có sao không nhỉ? Thời nay người ta coi trọng tiền bạc, đúng là đồng tiền có thể giải quyết nhiều thứ?

Ngay hàng xóm quanh đây ai cũng giàu có lên, người thì buôn gian bán lận, người cho vay nặng lãi, cờ gian bạc bịp, người thì cơi nới lấn chiếm đất ở bờ mương thoát nước, lấn chiếm đất ở Bãi rác Thành công, khai thác được đến đâu bán ngay đến đó…nhưng những cách này chị không thể làm được. Bởi nó sẽ làm người ta đánh mất nhân cách, đánh mất đạo đức, tạo nghiệp chướng sẽ chịu quả báo về sau, sẽ không có hậu. Bố mẹ đã dạy chị như vậy ngay từ khi còn nhỏ.

Thực tế chị cũng đã chứng kiến hàng xóm không ít người đã bị quả báo như thế rồi. Như cô bạn cùng lứa trong xóm làm vợ hờ người ta, có nhiều tiền, xe đẹp, áo váy xúng nhưng bị đánh ghen giữa đường giữa phố. Ngay ngõ đối diện có nhà bốn tầng bỏ hoang, cả hai vợ chồng làm giàu bất chính từ nhảy dù, lấn chiếm đất bờ mương  để bán, có tiền xây nhà rồi tham gia hụi họ, cờ bạc bị bắt đi tù, nhà bị tịch thu, con nhỏ phải gửi nhờ bố mẹ nuôi hộ, trong làng ngoài ngõ ai ai cũng chê cười.

Chị trăn trở suy nghĩ lo âu, chị nghĩ Trời đã sinh voi, ắt sẽ sinh cỏ, chị lại lên chùa Đồng Quang đối diện Gò Đống Đa để tìm sự thanh tịnh cho tâm hồn mình. Bước vào cổng chùa, chị như thoát khỏi mọi ồn ào, lo lắng trần tục và hòa mình vào sự thanh tịnh, thánh khiết của cõi Phật. Chị cảm thấy có giọng nói đang nhắn nhủ với chị  rằng “tận khổ cam lai”. Chị quỳ xuống thành tâm xin Phật giúp đỡ, chị chẳng mong giàu sang, chỉ mong đủ tiền cho con ăn học.

Thế rồi điều kỳ diệu đã đến với chị! Ở vườn nhà chị từ lâu đã có một cây roi nằm sát bờ mương, cây khá to, quả ngon ngọt nhưng mỗi mùa chỉ có rất ít quả. Chị đã định chặt bỏ nó đi lấy chỗ trồng thêm rau để nuôi lợn. Chị nghĩ: “Mình đã xoay xở đủ cách, làm nghề quét rác chăm chỉ, tận tụy, làm chổi tre để bán, xin nước gạo, hái rau ở bờ mương về nuôi lợn, nghề nào cũng chân chính nhưng sao vẫn không thoát nghèo. Hay mình thử chăm sóc cho cây roi này để lấy quả bán xem sao”.

Chị hỏi những cụ già trong làng về kinh nghiệm trồng cây roi, chăm sóc thế nào, dùng phân gì cho thích hợp, dùng vào thời điểm nào rồi làm theo. Chị nhớ chuyện cổ tích về cây khế cho quả vàng, chị cũng xin Thần Phật giúp cho mẹ con chị. Buổi tối đi làm về chị cũng nói chuyện với cây roi, bảo nó lớn nhanh, cho nhiều quả ngọt, hứa với cây rằng những quả đầu tiên sẽ dâng cúng Phật trước, sau đó mới bán.

Cây hiểu được nỗi lòng của chị và do được chăm bón đúng cách nên nó lớn rất nhanh. Mùa hạ năm đó lần đầu tiên nó ra rất nhiều quả, những quả to màu đỏ sang bóng, ăn vừa mát vừa ngọt, ra nhiều đợt nên hái được nhiều lượt. Chị dâng cúng Phật xong thì mang bán luôn ở cửa chùa để mọi người mua làm lễ. Đợt ấy người dân sợ hoa quả Tàu có nhiễm chất không an toàn, nên thích trái cây quê, quả của chị mang ra đến đâu bán hết veo đến đấy. Năm đó chị thu từ quả roi được gần bằng nửa tiền lương quét rác một năm.

Những năm sau cây lại cho nhiều quả hơn, thu hoạch lại tăng hơn. Trong suốt hơn mười năm nuôi con học phổ thông, ngoài tiền lương còm cõi từ quét rác, từ làm thêm chổi, nuôi lợn còn có nguồn thu nhập từ cây roi. Giống như chuyện cổ tích, lúc ấy cả vùng Cống trắng này ai cũng biết chuyện người mẹ quét rác đơn thân, nghèo khó, nhờ “cây roi cho quả vàng” mà nuôi được con trai ngoan ngoãn thành người, giỏi tiếng Anh, thi đỗ đại học thành tích cao, được nhiều trường đại học nước ngoài mời học với 100% học bổng.

Rồi con chị sang Mỹ du học, hạnh phúc quá lớn đến với chị. Chị khóc mừng cho thành quả gần hai mươi năm đã nuôi nấng, dạy con trở thành người tốt. Rồi chị nói với anh là đã toại nguyện về con, nói với cây roi để cảm ơn nó đã cho những trái vàng. Chị cũng tạ ơn Thần Phật đã giúp đỡ, che chở cho mẹ con chị.

Có vẻ như cây roi đã hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ sau đó ít lâu thành phố cải tạo mương máng thành đường Hoàng Cầu, cây roi bị chặt đi để bàn giao mặt bằng làm đường, chị luyến tiếc chia tay nó. Rồi đường xong, nhà chị trở thành mặt phố lớn, không thể ngờ có ngày chị có thể trở nên giàu có, đúng như các cụ đã dạy “Có đức mặc sức mà hưởng”.

Một hạnh phúc lớn lao hơn đến với chị khi con trai tranh thủ nghỉ vài ngày về Việt Nam thăm mẹ. Chỉ mấy năm mà thằng bé đã phổng phao, cao lớn đẹp trai như bố ngày xưa. Nó về và tặng cho mẹ một quyển sách luyện khí công giảng về Chân-Thiện-Nhẫn và đưa mẹ ra hồ Hoàng Cầu luyện các bài tập cùng các bác ở đó.

Cảnh luyện công thanh bình ở mỗi vườn hoa buổi sáng sớm.

Chị đọc sách và ngộ ra ngay những điều trong sách về dạy người ta làm người tốt, về sống lương thiện và được hưởng phúc báo. Chị lại khóc vì giờ đây chị đã tìm được hạnh phúc lớn lao và vĩnh hằng của cuộc đời mình, cho sinh mệnh mình.

Chị cảm tạ Thần Phật, vì chị biết chỉ có Thần Phật mới tạo ra những kỳ tích lớn lao đó cho chị. Chị đã tìm được con đường trở về nhà, tìm ra con đường để trở về cố hương đích thực. Đó chính là ý nghĩa nhân sinh của đời người mà bấy lâu chị hằng tìm kiếm.

Nắng Mới   

Xem thêm: