Có một câu nói: 99% nỗ lực phát sinh ở chỗ người khác không thấy được. Một số người ghen tỵ khi thấy người khác thành công nhưng họ không biết để vươn tới thành công ấy, người ta đã phải bỏ ra biết bao công sức.

Có một câu chuyện thế này, tôi có một người bạn tên Liên. Cô ấy thường chia sẻ các hoạt động của mình trên mạng xã hội. Cuối tuần, cô ấy đến quán cà phê đọc sách, có những hôm sáng sớm đã thấy cô ấy đăng ảnh, kèm dòng chữ “Sáng dậy sớm, đầu óc minh mẫn, học đâu nhớ đấy!”. Tôi thấy Liên là người thật năng động và tích cực, cô ấy luôn chăm chỉ trong thời gian rảnh rỗi.

Nhưng một lần tôi rủ cô ấy đi đọc sách, mới phát hiện cô ấy mang theo mấy cuốn sách liền. Mỗi cuốn chỉ lật vài trang rồi bắt đầu chụp ảnh. Đọc được một chút, tôi phân tâm vì Liên cứ hay hỏi chuyện này chuyện kia. Sau đó từ một đồng nghiệp của Liên, tôi biết cô ấy làm việc cẩu thả, không chăm chỉ như tôi tưởng tượng.

Nỗ lực thực sự hay giả vờ chăm chỉ?

Tôi có một cô em gái sắp thi đại học. Mỗi lần tôi muốn đến nhà cô bé chơi thì em lại nói: “Bây giờ em bận lắm, em phải học nhiều lắm”. Mẹ em cũng nói: “Cái Thảo nó học suốt ngày ấy!”.

Nhưng một lần tôi ghé qua, thấy cô bé đang ngồi trên bàn học. Thảo ngồi đó đến tận trưa nhưng lúc thì học, lúc lại quay sang nghịch ipad, có khi thời gian nghịch ipad “để giải tỏa căng thẳng” còn hơn cả thời gian học. Chẳng phải thực sự rất “chăm chỉ” nhưng không đạt được hiệu quả sao?

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Tôi ngẫm lại thấy chính mình và những người xung quanh đôi khi cũng bị vướng vào “hình thức” như thế: Nhìn bề ngoài thấy thật chăm chỉ nhưng trên thực tế là làm việc “qua loa bề mặt”, tốn nhiều thời gian nhưng lại không hiệu quả.

Rất nhiều người đi làm 8 tiếng một ngày nhưng có bao nhiêu thời gian thật sự đặt tâm trong công việc? Ngoài các việc như tán gẫu, shopping online, chat chit chúng ta thực sự dành bao nhiêu thời gian làm việc? Đôi khi chúng ta cảm giác người ngồi lâu làm việc là người chăm chỉ, nhưng nỗ lực thực sự không phải dành bao nhiêu thời gian mà là sự toàn tâm toàn ý và chuyên nhất giải quyết công việc.

Đôi khi chúng ta cố gắng chinh phục một thử thách (ví dụ leo lên ngọn núi cao) chỉ để chụp ảnh mang về khoe với mọi người rằng bạn đã nỗ lực thế nào. Đó là vì để thể hiện bản thân, không phải sự nỗ lực xuất từ nội tâm.

Người thực sự chăm chỉ sẽ không khoe khoang

Có một câu nói thế này “Work hard in silence, let success make the noise” (tạm dịch: Làm việc chăm chỉ trong lặng lẽ, hãy để thành công cất tiếng nói). Một người thực sự chăm chỉ sẽ không khoe khoang họ chăm chỉ thế nào, đã dành bao nhiêu thời gian làm việc, thức muộn ra sao… nhưng qua biểu hiện, cử chỉ, lối sống và thành tựu của họ sẽ khiến người khác đều tôn trọng.

Nếu như bạn cứ luôn nhấn mạnh vào bản thân, muốn chứng tỏ mình là người siêng năng và đã hy sinh biết bao cho công việc; người khác trái lại đôi khi phản cảm và thấy rằng bạn chỉ đang khoe khoang chính mình.

Chúng ta không cần phải nói quá nhiều về những điều mình làm được, cũng không cần phải thể hiện cho người khác thấy. Khi nỗ lực thật sự và khiêm tốn, người khác sẽ đánh giá bạn cao hơn bất kể lời khoe nào.

Biểu hiện của không nỗ lực: Làm việc theo lối mòn và lười suy nghĩ

Bạn đã quá quen với một công việc, không muốn phải động não suy nghĩ, chỉ muốn hoàn thành công việc ở mức “bình thường”? Đó chính là biểu hiện của không nỗ lực.

Chúng ta dễ thoả mãn với bản thân, cho rằng “làm như vậy là được rồi”, ngày này qua ngày khác sẽ bị tính ỳ và lười biếng chi phối, khiến cho bản thân ngày càng lười suy nghĩ, hiu hiu tự đắc với những thành quả nho nhỏ của mình.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Cũng giống như một viên ngọc, nếu không được mài giũa, thường xuyên lau chùi sẽ mau bám bẩn, mất đi vẻ đẹp và độ trong của nó. Lười biếng sẽ ăn mòn sự sáng tạo, ăn mòn ý chí và cả những ước mơ tốt đẹp của chúng ta. Muốn vượt qua “lười biếng”, bạn cần gia cường ý chí, bắt đầu “vượt lười” từ những việc nhỏ, dần dần sẽ chiến thắng được tính ỳ của bản thân.

Nỗ lực thực sự nhưng sai phương pháp

Bên cạnh những người giả vờ cố gắng kể trên, cũng tồn tại một kiểu người. Họ nỗ lực thực sự, nhưng thật đáng tiếc, họ đã chọn sai phương pháp. Giống như muốn đến thành Rome, nhưng bạn lại đang cầm bản đồ nước Mỹ thì dù cố gắng đến mấy cũng không được.

Cho nên chăm chỉ, cần cù không chỉ thuần tuý biểu hiện ở bề ngoài. Cần suy nghĩ, tìm ra phương pháp tối ưu, khi thấy đi sai đường thì tìm cách làm lại, không ngại khó, ngại khổ, khi ấy những nỗ lực chúng ta bỏ ra mới thực sự đem lại hiệu quả.

Một lời khuyên cho bạn là hãy bắt đầu thay đổi thói quen từ những việc nhỏ bé. Chúng ta thường muốn đạt được mục tiêu nào đó trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên điều đó thật sự không quan trọng bằng nỗ lực từng chút một từng chút một. Cũng như leo núi, bạn có một phương hướng chính xác, bạn chỉ cần chăm chỉ nhấc từng bước chân, ngày ngày đều không bỏ cuộc thì cuối cùng bạn sẽ lên được đến đỉnh núi. Quá trình quan trọng hơn kết quả, bạn làm thật tốt từng bước trong quá trình, thì tự nhiên sẽ nhận được kết quả tương xứng.

Video xem thêm: Sống thế nào mới đích thực là người quân tử?

videoinfo__video3.dkn.tv||835d9b027__

Xem thêm: