Không chỉ là kiệt tác quân sự, “Binh pháp Tôn Tử” còn là một tác phẩm văn học ưu tú với nhiều câu nói nổi tiếng, được hậu thế nghìn năm nằm lòng như: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, “Đánh chỗ địch không phòng bị, hành động lúc địch không ngờ tới”… Cuốn binh thư ấy thực sự là cẩm nang cho người đời. 

Người ta nói “Binh pháp Tôn Tử” là cuốn sách ai đọc vào cũng có được thu hoạch. Người làm quan đọc vào thì biết được thuật chính trị, tiến thoái chốn quan trường, kẻ làm giàu đọc vào thì biết quy luật thị trường, kinh doanh. Người trí thức đọc để thấy cái hay trong câu chữ, văn phong, đến ngay người ít học đọc cuốn sách ấy cũng hiểu được thế nào là mưu lược, là nghệ thuật chiến tranh, binh chinh thiên hạ.

Không chỉ bó hẹp trong phạm vi là một cuốn binh thư phục vụ chiến tranh, “Binh pháp Tôn Tử” khiến người ta say mê hàng nghìn năm qua bởi những giá trị tiềm ẩn, khai phá mãi không hết. Dưới đây là 8 câu trích dẫn kinh điển nhất, cũng là 8 chiến thuật lợi hại nhất trong tác phẩm, có thể làm cẩm nang ứng xử tuyệt vời cho con người thời hiện đại.

1. Binh không có thế cố định, nước không có hình cố định, người biết dựa vào thay đổi tình hình địch mà giành chiến thắng thì gọi là thần vậy

Nguyên văn: Binh vô thường thế, thủy vô thường hình, năng nhân địch biến hóa nhi thủ thắng giả, vị chi thần (Tôn Tử binh pháp – Hư thực thiên). 

Tôn Tử cho rằng, tình thế trên chiến trường thay đổi khôn lường, không nên câu nệ vào bất kỳ một hình thức tác chiến nào, cũng giống như nước vốn không có hình thái cố định, rót vào bình tròn thì nước hình tròn, vào bình vuông thì nước hình vuông.

Có thể căn cứ vào quân số định nhiều hay ít, trang bị tốt hay kém, sỹ khí cao hay thấp, tố chất của viên chỉ huy như thế nào, cung ứng quân nhu ra sao mà lựa chọn đối sách cơ động, linh hoạt, vậy mới có thể giành thắng lợi.

Mấy câu này, hẹp có thể dụng binh tất thắng, rộng có thể dùng để xét đoán sự việc, cân nhắc thời thế, tìm ra sách lược chu toàn nhất. Trong cuộc sống, kỳ thực nhiều khi tình thế còn nguy hiểm, gian nan hơn cả trên chiến địa. Người cơ trí, linh hoạt, chủ động ứng phó, không máy móc giáo điều, rập khuôn cách cũ mới có thể thành công.

Trong cuộc sống, kỳ thực nhiều khi tình thế còn nguy hiểm, gian nan hơn cả trên chiến địa (Ảnh: 24h.com.vn

2. Người biết lúc nào có thể đánh, lúc nào không thể đánh thì sẽ thắng 

Nguyên văn: Tri khả dĩ chiến dữ bất khả dĩ chiến giả, thắng (Tôn tử binh pháp – Mưu công thiên)

Tướng lĩnh có thể xem xét thời, cân nhắc thế, biết địch biết ta, trong chiến tranh giỏi áp dụng các chiến thuật cơ động, linh hoạt, có thể đánh thắng được thì mới đánh, không thể đánh thắng được thì không đánh, không bị tình cảm chi phối, không hành động mù quáng, như vậy sẽ tự khắc sẽ đánh thắng.

Trong cuộc sống, người biết tiến biết lùi, biết nhanh biết chậm, hiểu rõ thực hư, xét việc rõ ràng, tỉnh táo minh bạch, không cố chấp bảo thủ, mới đương đầu được với những tình thế hiểm hóc; nguy khốn nhất, mới có thể định tâm vững vàng trước thử thách, phong ba.

3. Kẻ giỏi dùng binh, tránh nhuệ khí địch, đánh khi địch mỏi mệt

Nguyên văn: Thiện dụng binh giả, tị kỳ nhuệ khí, kích kỳ đọa quy (Tôn tử binh pháp – Quân tranh thiên)

Tướng lĩnh giỏi chỉ huy tác chiến, phải biết tránh nhuệ khí của địch, đợi đến khi kẻ địch sa sút, mệt mỏi thì mới tấn công. Về nguyên tắc, điều đó giống với sách lược “Tị thực tựu hư” (Tránh chỗ địch mạnh, tập trung binh lực, đánh chỗ sơ hở, binh lực mỏng).

Cả hai đều nói rõ rằng, khi ta và địch thế lực tương đương, có thể nhượng bộ tạm thời để bảo toàn nhuệ khí, làm cho địch mệt mỏi chán nản, làm giảm ưu thế của địch, đợi khi thời cơ chín muồi, thì đánh địch đòn chí mạng. 

Ảnh minh họa: ent.sina.com.cn

4. Đánh chỗ địch không phòng bị, đánh chỗ địch không ngờ tới 

Nguyên văn: Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý (Tôn Tử binh pháp – Kế thiên)

Nhân lúc kẻ địch không phòng bị mà tấn công, dùng phương thức kẻ địch không ngờ tới để tiến đánh. Tác chiến đánh địch, nên chọn nơi địch phòng bị mỏng nhất, lúc địch lơ là không để ý nhất. Khi địch không phòng bị, đột nhiên xuất kích, thì sẽ bất ngờ giành chiến thắng.

Cổ kim Đông Tây đã có rất nhiều trường hợp như vậy. Nhật Bản tập kích Trân Châu cảng thành công là một ví dụ. Hiện nay chiến thuật này đã áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác.

5. Biết địch và biết mình, trăm trận bất bại. Không biết địch chỉ biết mình, một thắng một thua. Không biết địch cũng không biết mình, đánh đâu thua đó 

Nguyên văn: Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi; bất tri bỉ tri kỷ, nhất thắng nhất phụ; bất tri bỉ bất tri kỷ, mỗi chiến tất đãi (Tôn Tử binh pháp – Mưu công thiên)

Đây là một trong những câu nói kinh điển nhất, được nhiều người biết đến nhất trong “Binh pháp Tôn Tử”. Khi đã hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu quân địch cũng như quân mình thì trăm trận trăm thắng, mãi mãi bất bại.

Đây là nguyên tắc chiến tranh nổi tiếng Đông Tây. Khi lâm chiến ắt phải hiểu rõ so sánh tương quan lực lượng giữa ta và đối phương, lấy cái mạnh của mình đánh cái yếu của địch. Khi chắc thắng thì đánh, không chắc thì không đánh.

Dựa theo tình hình quân địch thay đổi mà lựa chọn phương thức thích hợp nhất, thời cơ thích hợp nhất để tấn công. Vì vậy, tự nhiên sẽ đánh đâu thắng đó. Đồng thời nguyên tắc này vượt xa khỏi phạm vi chiến tranh, nó thích hợp áp dụng với tất cả các công việc khác.

Trong các lĩnh vực khác, việc “biết mình biết người” cũng vô cùng quan trọng. Khi đã hiểu rõ đối phương, đặc biệt hiểu rõ mình, thì mưu kế sáng tỏ, sách lược cũng rõ ràng. Không biết người, chỉ biết mình thì hoá thành tự phụ, biết người mà không biết mình lại hoá thành tự ti, chẳng biết người cũng chẳng biết mình thì chính là ngu tối vậy.

Biết người biết ta trăm trận trăm thắng (Ảnh: taici.org)

6. Phép dụng binh, hơn 10 lần thì bao vây, hơn 5 lần thì đánh, hơn 2 lần thì chia nhỏ ra đánh, ngang nhau thì có thể đánh, ít hơn thì có thể chạy trốn, không bằng thì có thể tránh

Nguyên văn: Dụng binh chi pháp, thập tắc vi chi, ngũ tắc công chi, bội tắc phân chi, địch tắc năng chiến chi, thiểu tắc năng đào chi, bất nhược tắc năng tị chi (Tôn Tử binh pháp – Mưu công thiên)

Phép dụng binh căn bản là căn cứ vào tình hình ta và địch mạnh yếu khác nhau mà lựa chọn phương châm khác nhau. Khi ta mạnh địch yếu thì tập trung ưu thế binh lực, bao vây, tấn công, tiêu diệt địch. Khi ta và địch xấp xỉ nhau, nên tìm cách phân tán lực lượng địch, tấn công quyết đoán, đánh bại địch.

Khi địch mạnh ta yếu, thì tránh giao chiến, có thể chạy được thì chạy, lựa chọn chiến thuật cơ động linh hoạt. Nếu không, hoặc là ngồi để tuột mất thời cơ, hoặc là mạo hiểm giao chiến, dẫn đến thất bại. Là nguyên tắc trong chiến tranh, câu này đến nay vẫn còn nguyên giá trị học tập theo.

Trước tình thế khó khăn, gian nan, khi bị đặt vào nơi hiểm địa, sống chết gang tấc cần phải tỉnh táo đánh giá tình hình, có thể tiến được thì tiến, nên lùi thì hãy lùi. “Địch” mà binh pháp nói cũng chính là thử thách khó khăn, chướng ngại cản đường người ta. Nếu có thể vượt qua thì ráng sức, nếu không vượt qua được thì tạm hoà hoãn, chờ thời, ấy cũng là biết rõ tình thế, liệu sức mình vậy.

7. Đưa vào nơi mất để mà còn, rơi vào chỗ chết để mà sống

Nguyên văn: Đầu chi vong địa nhiên hậu tồn, hạm chi tử địa nhi hậu sinh (Tôn Tử binh pháp – Cửu địa thiên)

Đưa quân vào chỗ chắc chắn chết, vào tình cảnh tuyệt vọng, thì trái lại có thể chuyển nguy thành an, giữ lại được, giành chiến thắng. Đây cũng là một phương pháp thần kì để giành chiến thắng.

Khi gặp tình huống nguy cấp, khi đã chỗ hiểm không còn đường rút, có thể đưa quân đến ranh giới sống chết, quân sĩ như con tốt sang sông, chỉ có thể tiến chứ không thể lùi. Để tìm được sinh tồn của bản thân, tất sẽ liều chết chiến đấu, như vậy trái lại có thể chuyển bại thành thắng.

Đây là chiến thuật là Hàn Tín đã sử dụng năm xưa để đánh bại 20 vạn quân Triệu trong trận Bối Thuỷ. Khi ấy, Hàn Tín chỉ có vỏn vẹn 3 vạn quân mã, lại phải chinh chiến xa nhà, hiện đã vượt sông, khó thể lùi lại.

Hàn Tín bày trận “bối thuỷ” (quay lưng ra sông), thách đánh quân Triệu, sau đó giả thua, toàn quân rút về bờ sông. Khi đến bờ sông, rơi vào đường cùng, quân sĩ hăng hái, chiến đấu liều chết. Đánh nhau nửa ngày, Quân Triệu dù đông vẫn không sao thắng được, bèn rút lui về. Trước đó, Hàn Tín đã mật sai 2 nghìn quân kỵ lẻn đến trại Triệu, đổi hết cờ xí thành cờ quân Hán. Quân Triệu về trại, tưởng trại đã mất, tinh thần hoảng loạn, lòng quân hoang mang, không đánh tự vỡ.

Khi ấy, Hàn Tín hợp binh, hai mặt giáp công, quân Triệu đại bại, 20 vạn quân như ong vỡ tổ. Đó là trận chiến lưu danh tên tuổi Hàn Tín vào lịch sử, là ví dụ kinh điển nhất cho chiến thuật “Đưa vào nơi mất để còn, rơi vào chỗ chết để sống”.

“Đưa vào nơi mất để còn, rơi vào chỗ chết để sống” (Ảnh: mgkizzia.com)

8. Trăm trận trăm thắng, không phải là tướng giỏi nhất trong những tướng giỏi. Không đánh mà khuất phục được địch, đó mới là tướng giỏi nhất trong những tướng giỏi. 

Bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện giả dã; bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã (Tôn Tử binh pháp – Mưu công)

Câu này phản ánh nội dung quan trọng nhất trong quan niệm chiến tranh của Tôn Vũ. Ông cho rằng, mục đích của chiến tranh là “có thể giữ mình không tổn hại mà toàn thắng”.

Trăm trận trăm thắng thực ra đã rất khó làm được, cho dù toàn thắng đi chăng nữa, giết địch 1 vạn thì mình cũng phải mất 3 nghìn, chịu tổn thất rất lớn. Nếu có thể vận dụng mưu lược và các biện pháp ngoại giao giành thắng lợi, tức là “Không đánh mà khuất phục quân địch” mới là thượng sách.

Do đó ông nói: “Đánh địch tốt nhất là đánh bằng mưu kế, tiếp đến là đánh bằng ngoại giao, kế tiếp là đánh vào quân địch, thấp nhất là đánh vào thành trì địch”. (Thượng binh phạt mưu, kỳ thứ phạt giao, kỳ thứ phạt binh, kỳ thứ công thành). 

***

Dù là một binh gia nổi tiếng, sáng tác nên bộ kinh điển về binh pháp nhưng Tôn Vũ thực chất không phải là người cuồng tín chiến tranh. Ông trái lại chỉ coi chiến tranh là biện pháp hạ sách nhất, động binh là chiến lược bất đắc dĩ phải dùng. Binh chinh thiên hạ chỉ là một loại phương tiện chứ không phải mục đích. Trái lại, an dân, yên định xã tắc mới chính là mục đích cao cả nhất của chiến tranh.

Cũng như vậy, đấu tranh, giành giật không phải là phương tiện chủ đạo để duy trì sự sống. Nhiều người cho rằng cuộc sống này là một cuộc đấu tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Thử suy nghĩ một chút, nếu xã hội loài người chỉ toàn là tranh đấu hơn thua như thế chẳng phải cũng chẳng khác là mấy so với thế giới của động vật sao?

Con người sinh ra là có thiện tính, vốn đã mang sẵn trong mình những điều nhân nghĩa, thuần thiện. Quan hệ giữa người với người không phải xây dựng nên từ những cuộc chiến tranh mà chính từ sự bao dung, nhân ái, không phải từ gươm đao mà là từ những bông hồng, không phải từ khói lửa mà là từ những cánh chim bồ câu hoà bình.

Hải Sơn