Ông Nghĩa tay hơi run run bấm chiếc điện thoại Nokia cũ. “Đâu rồi nhỉ? Số di động của nó đâu rồi nhỉ? Sao gần đây tay mình run quá? Mình mãi vẫn không nhớ được cách dùng cái điện thoại này”…

Cuối cùng thì số di động của con gái ông cũng hiện ra. Khổ lắm, có nhiều nhặn gì cho cam, chỉ có mấy người trong danh sách điện thoại mà ông vẫn không nhớ được. Ông bấm số của con gái ông và gọi:

“Lãng ơi, hôm nay các con có về không?”

Tiếng phụ nữ trả lời:

“Con bận lắm bố ạ, không về được đâu”

Ông Nghĩa hơi thất vọng:

“Vậy Du thì sao? Bảo nó đưa bọn trẻ về chơi với ông?”

Tiếng Lãng:

“Anh ấy đi suốt bố ạ. Trẻ con nó còn đi học. Về sao được”

Ông Nghĩa:

“Hôm nay Chủ nhật cơ mà. Sao vẫn phải đi học đi làm à? Vậy bao giờ các con về? Bố già rồi, chẳng có nhu cầu gì, chỉ muốn vui với con cháu thôi”

Lãng hối hả:

“Con đang phải đi đăng ký tour du lịch Tết đây này. Thôi thế bố nhé. Vâng, vâng, vâng…”

Ông Nghĩa cố vớt vát:

“Thế Chủ nhật sau thì sao?…”

Đầu bên kia đã tắt máy.

Lãng bận thật. Chị đang mua một tour du lịch cho gia đình đi chơi Malaysia vào sáng mùng 3 Tết. Chị còn khối việc phải lo trước khi có thể lên đường. Tuần sau phải họp phụ huynh cho hai đứa trẻ. Lại còn phải lo mua quà cáp cho thầy cô, rồi quà Tết cho sếp ở công ty. Còn bao thứ giấy tờ phải lo nữa. Chồng chị thì đi miết.

Xong việc đăng ký tour, chị cũng thoáng băn khoăn: “Hai vợ chồng và hai đứa con đi tour vào dịp Tết mà để lại bố ở nhà một mình thì có ổn không nhỉ?”.

Nhưng chị lại tự biện hộ: “Chắc cũng không sao, có gì mình nhờ hàng xóm xung quanh trông chừng bố cũng được. Cũng mấy năm như vậy rồi, chắc bố cũng đã quen”.

Quả thực, năm đầu tiên đi du lịch vào dịp Tết, Lãng đã mời ông Nghĩa đi cùng cả nhà cho vui. Nhưng chị biết là ông sẽ không đi. Tết của ông Nghĩa vẫn luôn phải là Tết của truyền thống, của bánh chưng, của đào quất, của thăm hỏi chúc tụng, của những phong tục, của hương khói lễ lạt dành cho ông bà tổ tiên. Tết không phải là dịp để đi chơi xa mặc cho hương lạnh khói tàn trên bàn thờ các cụ.

(Ảnh minh hoạ: Trần Tuấn Việt/Vietnam street photography)

Còn Lãng thì khác. Trong thâm tâm, một người phụ nữ ngoài bốn mươi như chị đã quá mệt mỏi với việc gia đình, con cái, với việc cơ quan. Vả lại, cả năm vợ chồng con cái bận bù đầu, chỉ có mỗi dịp Tết cả nhà đều nghỉ. Chẳng lẽ lại ngập mặt vào mua bán, nấu nướng, ăn uống, dọn dẹp, chúc tụng? Bây giờ người ta đâu còn sự háo hức mong chờ Tết đến để có thêm miếng ngon đã từng thiếu thốn, hay để có thêm manh áo, tấm quần. Xã hội cũng khác rồi, nhiều truyền thống xưa đã không còn nữa, thay bằng những cái “lệ” mới không phải lúc nào cũng khiến con người hài lòng: quà cáp, biếu xén, nhậu nhẹt… chị muốn trốn tất cả những cái đó. Mà đâu chỉ có chị nghĩ thế.

Trốn đi chơi với gia đình nhỏ của mình, nghĩ đi nghĩ lại cũng tội cho bố. Nhà chỉ có một bố một con. Mẹ Lãng đã mất từ khi chị còn nhỏ. Bố ở vậy nuôi dạy chị trưởng thành. Có phải là bố không thể đi bước nữa đâu. Bố có học thức, lại cao lớn đẹp trai, nhiều người làm mối cho bố những cô trẻ trung xinh đẹp nhưng bố đều từ chối. Bố không muốn chị phải sống cảnh dì ghẻ con chồng. Và thế là bố phải đóng cả hai vai: vừa làm bố vừa làm mẹ. Hai bố con Lãng sống xa hai bên nội ngoại. Hồi nhỏ, chị lại hay đau ốm. Thế nên, kể sao cho xiết khó khăn đến với hai cha con chị những năm tháng ấy.

Nhưng khi Lãng lấy chồng ở Hà Nội, cách ngôi nhà của hai cha con khoảng ba chục cây số, thì bố chẳng lên ở với chị. Bố không quen ở nhà chung cư, dù là chung cư cao cấp. Bố thấy sống ở đó bất tiện. Đất đai sân vườn chẳng có, muốn trồng cây, nuôi chim cảnh là khó rồi. Lại thêm việc đi ra đi vào phải quẹt thẻ, an ninh nghiêm ngặt, bố thấy khó mà quen được.

Trong sinh hoạt, vợ chồng chị cũng chẳng hợp với bố. Lãng lấy chồng, lên phố ở và ngày càng thay đổi về quan niệm sống trong khi bố vẫn mãi “cổ”, mãi “truyền thống” như thế. Điều bố thấy khó thích hợp nhất là lối dạy con của Lãng. Chị hay lý luận rằng: trẻ con thì biết gì. Để lớn rồi dạy dần dần. Chị thích “kiểu Tây” – tức là để con cái tự do phát triển, theo nhận thức của chị là vậy. Và rằng: bố mẹ phải là bạn của con. Thành ra chị chẳng bao giờ uốn nắn lời ăn tiếng nói cho các con, hay dạy chúng việc nhà, hay nền nếp sinh hoạt.

(Ảnh minh hoạ: Son Tran Photography)

Còn bố thì vẫn nghiêm như thế. Bố dạy cho bọn trẻ phải thưa gửi, chào hỏi người lớn một cách lễ phép, không thể bằng vai phải lứa được. Ngoài việc học phải giúp cha mẹ làm việc nhà. Ăn, ngủ cũng phải đúng giờ, làm việc cũng vậy,.. những điều mà Lãng cảm thấy không còn phù hợp trong cuộc sống hiện đại. Việc của bọn trẻ chỉ là học tập cho giỏi mà thôi. Những việc khác thuê người làm, lo gì. Dạy trẻ ngoan quá còn bị bắt nạt ấy chứ! Chị nghĩ vậy.

Hơn nữa, chị vẫn nghĩ bố càng già càng lẩn thẩn, hay thích kể lể chuyện xưa. Chị thì không bao giờ muốn nghe lại về quá khứ nghèo khổ ấy nữa. Bố lại cứ kể với các con chị ngày xưa thời các cụ, thời ông bà mọi người sống thế này, thế kia… Bọn trẻ nó cần gì biết chuyện ấy, chúng nó làm sao hiểu được. Thời của chúng nó bây giờ là phải tiến lên hòa nhập với thế giới, sao cứ quay về với vốn cổ làm gì?

Do vậy, bố ở lại nhà cũ một mình đã 15 năm nay rồi. Gia đình chị thường về thăm bố vào cuối tuần. Nhưng cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn, hai đứa trẻ càng lớn càng có nhiều việc phải lo cho chúng. Anh chị cũng có nhiều mục tiêu và nhiều nhu cầu. Chị vẫn gửi tiền về cho bố và nhờ hàng xóm của bố để ý bố giúp chị. Cho đến 1 năm gần đây, có khi một hoặc hai tháng anh chị mới về thăm bố một lần.

(Ảnh minh hoạ: Sohu)

*****

Cuộc gọi đã kết thúc, ông Nghĩa còn cầm điện thoại, tần ngần. Ông đã định gọi lại lần nữa, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Bọn trẻ nó bận rộn quá, gọi nhiều lại làm phiền chúng nó, mà có vẻ như là mình cầu xin con cháu phải quan tâm đến thân già này. Bao nhiêu năm nay mình vẫn sống một mình, tự lo được, từ khi bà ấy mất đến nay.

Nhưng ông vẫn không nén được tiếng thở dài. Năm nay ông đã ngoài 70. Mỗi tuổi sức khỏe lại một khác. Thời trẻ lo cuộc sống và chăm con, ăn uống và sinh hoạt kham khổ, sức ông không bền. Gần đây không biết sao tay lại run thế, đi bộ một lúc cũng thấy mệt.

Hôm nay đã là 20 tháng Chạp, chúng nó đã lâu không về chơi với ông. Mà ông thì nhớ con nhớ cháu quá rồi. Tuần sau chắc chúng còn bận hơn, không biết có về không? Sang đến mùng 3 Tết, chúng lại đi du lịch như hàng năm thì ông lại cô độc như kẻ không gia đình.

Không biết thằng Nhân, con Dung cháu ông dạo này chúng nó lớn thế nào nhỉ? Học hành ra sao? Ở trường lớp có chuyện gì không? Có chuyện gì muốn tâm sự với ông không? Dù tính nghiêm nghị nhưng trong lòng ông thương con thương cháu vô cùng. Biết các cháu thích ăn khoai lang mật, ông đã mua cả yến khoai chất đầy gầm giường, chỉ đợi chúng lên thôi.

Ông nhớ ngày xưa con gái ông cũng thích ăn khoai mật. Nó cũng thích nắm tay bố đi trên đường làng, chân đi đôi guốc mộc khua vang cả làng xóm. Cũng chỉ vì đôi guốc mộc ấy mà mỗi lần nó đi xem nhờ ti vi đều bị chó nhà hàng xóm xồ ra đuổi. Nếu không bị chó đuổi thì lại bị bọn trẻ cùng xóm chòng ghẹo. Mỗi lần như thế, con bé lại khóc tức tưởi chạy về với bố, có khi bố bận đi làm cũng chẳng ở nhà. Ôi, thương con quá! Tuổi thơ của mỗi đứa trẻ thời bao cấp có cái khổ chung của xã hội thiếu thốn vật chất. Nhưng trẻ con nhà người ta còn có đầy đủ mẹ cha, còn có anh chị em làm bạn. Còn con gái ông thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Ông cố sức bù đắp cho nó nhưng cố gắng đến mấy cũng không đủ được. Ông vẫn thường tự trách mình không thể làm tốt hơn.

(Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Cũng một phần vì thế mà khi lớn lên nó không muốn nhắc về quá khứ. Còn ông, ông chỉ muốn các cháu đừng quên đi truyền thống tốt đẹp của tiền nhân đã để lại, vô tình lại nhắc Lãng nhớ về quá khứ ám ảnh. Biết con gái không thích, ông lặng lẽ ở lại ngôi nhà cũ, ở lại với kỷ niệm. Nó thuộc về ông, những người già. Còn tuổi trẻ, chúng nó hướng đến tương lai.

Ông Nghĩa chậm chạp bước tới chiếc tủ đựng kỷ vật của gia đình. Ông lấy mấy tấm áo cũ của vợ ra ngắm nghía. Mấy tấm áo sơ mi trắng tay bồng chiết eo đã ngả sang màu ngà sặc mùi băng phiến, làm thế mới giữ được trong bao năm không bị gián nhấm. Đây, cái áo vải phin xanh Nam Định mà Lãng mặc mãi hồi cấp 1. Nó hay ốm, còi cọc, mãi khi lên trung học mới phổng phao bằng người. Và đây, đôi guốc mộc chính tay ông đóng cho nó. Đôi guốc đã mòn vẹt và ngả màu bạc phếch.

Tay ông vuốt ve đôi guốc mộc. Bàn tay lại run lẩy bẩy. Sao hôm nay nó run dữ thế nhỉ? Một cảm giác mệt mỏi xâm chiếm thân thể. Đầu ông bắt đầu thấy chuếnh choáng. Mắt ông hoa dần lên. Ông chỉ có thể cố lết về giường rồi nằm vật ra không biết gì nữa.

Ông Nghĩa dần tỉnh lại trong tiếng trao đổi đầy lo lắng của hai người hàng xóm, hai người bạn lâu năm: bà Tình và ông Tính.

Ông Tính nói:

“Này, ông tỉnh rồi à? Ông thấy trong người thế nào. Lúc nãy tôi sang thấy ông nằm vật ra giường tôi lo quá”.

Bà Tình thì đưa cốc nước cam vắt cho ông, chép miệng nói:

“Đây, ông uống đi rồi cho tôi số điện thoại, tôi gọi các cháu nhà ông về. Tết nhất đến nơi rồi. Chúng nó cứ biền biệt để ông già ngoài 70 ở nhà một mình thế này. Giờ lại đau ốm thì làm sao?”

Ông Nghĩa cố lấy giọng tự nhiên trả lời:

“Cảm ơn hai ông bà. Tôi mệt xoàng thôi. Các cháu nó cũng bận, Tết nhất đến nơi cũng nhiều việc phải lo lắm. Chúng nó cũng khổ.”

Hai ông bà Tính, Tình nhìn nhau. Họ cũng không muốn nặng lời về các con ông khiến ông thêm đau lòng.

(Ảnh minh hoạ: Phunutoday)

Nhưng mấy ngày sau, tình trạng ông Nghĩa không khá lên chút nào, thậm chí còn xấu đi. Ông ăn uống rất kém, thân thể gầy đi. Đôi mắt ông đăm đăm nhìn lên trần nhà, chất chứa đầy tâm sự không thể thổ lộ cùng ai. Hình như bệnh tật làm ông khổ một thì những ưu tư làm ông khổ mười.

Cứ thế này mãi không được. Đến sáng ngày 25 Tết, bà Tình, ông Tính quyết định đưa ông đi cấp cứu ở bệnh viện X. Bà Tình quyết định gọi cho Lãng. Bà giận lắm nhưng chỉ thông báo thế này rồi dập máy:

“Này chị, bố chị đang cấp cứu ở bệnh viện X đấy. Anh chị có thể bớt chút việc đi thăm bố được không?”

Vợ chồng Lãng hốt hoảng dẫn theo các con vào bệnh viện X. Họ phải chờ bên ngoài phòng cấp cứu vì ông Nghĩa đang được cấp cứu và làm xét nghiệm.

Chiếc xe giường nằm đẩy ông Nghĩa về phòng bệnh thì Lãng ở lại hỏi bác sĩ về tình trạng của bố mình. Bác sĩ trả lời chị:

“Chúng tôi chưa thể kết luận ngay được. Theo đánh giá sơ bộ của tôi, ông cụ có vẻ bị suy nhược tinh thần. Còn có bệnh gì khác nữa thì chưa biết. Mong là ông cụ không có gì nghiêm trọng. Gia đình chờ đến chiều sẽ có kết quả”.

Lãng sốt ruột trở về buồng bệnh của bố. Hai đứa con Nhân, Dung đang đứng cạnh ông. Còn Du thì vội đi mua cho ông đồ dùng sinh hoạt và đồ ăn. Thấy chị vào, hai đứa bĩu môi, nguýt chị nói:

“Đã bảo về thăm ông đi mà không nghe. Để ông ốm thế này…”

Lãng im lặng, phần tức vì con, phần xấu hổ với bố.

Ông Nghĩa khẽ khàng:

“Hai cháu không được nói trống không với mẹ như thế. Ông đã dạy các cháu thế nào? Mẹ các cháu bận rộn lắm, phải lo rất nhiều việc. Sau này các cháu có gia đình rồi sẽ rõ. Ông chỉ mệt xoàng thôi. Nghỉ tí chút là hồi phục. Là người trong nhà không nên trách móc lẫn nhau. Các cháu là con lại càng không được trách móc cha mẹ”.

Cũng lạ, hai đứa nghe ông nói thế đều lí nhí xin lỗi. Chúng đưa tay ra nắm lấy tay ông.

(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Lãng ngây người, những kỷ niệm ấu thơ lại ùa về. Mẹ mất, bố tối mặt lo việc kiếm sống. Bố cũng chưa bao giờ thiếu trách nhiệm với chị, nhưng một mình ông sao có thể bù lấp nỗi cô đơn trống vắng trong cuộc đời một cô bé mất mẹ. Bố đã tận tâm tận lực nuôi dạy chị lớn khôn. Vậy mà bao nhiêu năm qua, chị đã làm được gì cho bố? Hay chỉ là nỗi cô đơn buồn khổ?”

Lãng bất thần sụp xuống ôm lấy ông Nghĩa òa lên khóc nức nở. Bao nhiêu ẩn ức trong quá khứ, bao ân hận vì đã tệ bạc với cha già, chị để nó tuôn thành dòng đầm đìa trên áo bố.

“Bố ơi, con xin lỗi bố. Con tệ quá, con ích kỷ quá. Con chưa bao giờ nghĩ cho bố”.

Ông Nghĩa nhẹ nhàng lấy tay vỗ lên vai chị, giọng hơi khàn khàn:

“Bố không sao đâu. Già yếu là thường tình. Ai cũng đến lúc ấy cả. Bố cũng có điều ân hận. Ngày con còn bé, bố đã không thể luôn ở bên cạnh con mỗi khi con cần bố”.

Hai đứa trẻ thấy mẹ và ông xúc động, chúng cũng lấy tay áo quệt nước mắt. Một tay chúng vẫn nắm lấy tay ông.

Du đi mua đồ về chứng kiến cảnh ấy. Anh cũng tần ngần nói:

“Bố ơi, con cũng có lỗi. Con lấy Lãng, đáng lẽ bố phải có thêm một người con trai, đằng này bố lại mất đi một cô con gái. Con cũng đã không quan tâm tới bố và cùng vợ con chăm sóc bố. Con mong bố tha lỗi cho con. Tết này, nhất định bố phải về ăn Tết với chúng con. Nếu bố có thể ở với chúng con để chúng con tiện chăm sóc bố thì tuyệt nhất. Nhưng nếu bố không quen cách sinh hoạt ở thành phố, thì bố cứ ở lại dưới quê cũng được. Chúng con sẽ thuê cho bố một người giúp việc. Hàng tuần vợ chồng con và các cháu sẽ về thăm bố nhiều hơn. Bố có đồng ý không ạ?”

(Ảnh minh hoạ: Petrotimes)

Ông Nghĩa nhìn chăm chú vào những người thân yêu nhất của ông, ông hít một hơi khoan khoái nhất từ trước đến nay và thanh thản gật đầu.

Chiều hôm ấy, bác sĩ thông báo tin mừng cho gia đình ông Nghĩa: Ông không bị bệnh Parkinson như lo ngại ban đầu. Ông chỉ bị cường tuyến giáp và thần kinh căng thẳng do suy nghĩ nhiều. Họ dặn dò vợ chồng Lãng để tâm đến cuộc sống tinh thần của ông Nghĩa nhiều hơn.

Xe chở ông Nghĩa về ngôi nhà của các con ông, cả nhà đi ngang qua chợ hoa đào trong tiếng cười nói râm ran. Đã 27 Tết. Những cánh đào hồng rực, tràn đầy sinh khí của mùa xuân đang đến, hồng như khuôn mặt hạnh phúc của những thành viên trong gia đình ông.

Bài viết:
Thanh Phong

Ảnh bìa:
Sưu tầm

Thiết kế:
Tự Minh

Bài viết: Thuần Dương
Ảnh bìa: Sưu tầm