“Ngồi trong màn trướng, quyết chuyện xa ngoài nghìn dặm” từ lâu đã là phẩm chất tiêu biểu của các quân sư, cố vấn. Sức mạnh trí tuệ của họ có khi ngang ngửa hàng chục vạn quân. Mưu kế của họ có khi nguy hiểm chẳng khác nào những thứ vũ khí lợi hại nhất. Lịch sử Á Đông chứng kiến rất nhiều đại quân sư lẫy lừng như vậy. 

Tiếp theo: Phần 1

Ở bề mặt chữ nghĩa, “quân” là quân đội, “sư” là thầy, quân sư chính là chỉ “người thầy của đội quân”, là người hoạch định mưu kế, chiến lược cho chủ tướng cũng như toàn quân nhằm giành được kết quả có lợi nhất trong chiến trận, chính trị hay kinh tế. Thời cổ, quân sư thường là người xuất thân trong tầng lớp có học hành, là Nho sĩ thông hiểu kiến thức đông tây kim cổ. Một quân sư giỏi không chỉ biết cách bày binh bố trận, đánh bại đối thủ mà còn phải là người biết đạo xử thế, hiểu về tâm lý, tóm lại là được trang bị nhiều “kỹ năng mềm” (như từ mà chúng ta hay gọi ở thời này). 

Trong lịch sử dài hàng nghìn năm của các nước Á Đông (mà Trung Quốc và Việt Nam là điển hình nhất), vị thế của các quân sư thường rất nổi bật trong vai trò kiến quốc, dựng nghiệp bá vương, đôi khi được xưng tụng như “Thần nhân”, có ảnh hưởng lâu dài đến cả dòng chảy văn minh lịch sử. Ở Trung Quốc, có ai mà không biết đến tên tuổi Gia Cát Lượng, Tôn Tẫn, Lưu Bá Ôn… cũng như ở Việt Nam người nào mà chẳng ngưỡng mộ tài thao lược của Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ hay Nguyễn Thiếp… Sở dĩ các quân sư luôn nhận được nhiều cảm tình của lớp hậu nhân là bởi họ chính là đại diện cho trí thức, sự uyên bác và đạo đức ở một cảnh giới cao. 

Hãy cùng xem những quân sư nổi tiếng trong lịch sử Á Đông dưới đây có gì đặc biệt? 

***

Phò tá Lưu Bang, ngoài sức Hàn Tín đánh đông dẹp bắc, còn phải kể đến mưu kế tuyệt vời của “túi khôn” Trương Lương. Trong lịch sử, người ta gọi ông là “Mưu Thánh”, tài năng thậm chí còn được đánh giá cao hơn Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn…

Cơ duyên được tiên nhân chỉ lối

Trương Lương, tự Tử Phòng, vốn xuất thân dòng dõi quý tộc nước Hàn. Cuối thời Chiến Quốc, Tần diệt Hàn. Trương Lương bỗng trở thành kẻ vong quốc. Ông từng tập hợp 300 tôi tớ trong nhà, tuyển mộ thích, muốn ám sát Tần Thủy Hoàng để rửa mối hận nước thù nhà. Vụ ám sát không thành, Thủy Hoàng nổi giận, sai người truy tìm kẻ chủ mưu. Trương Lương phải trốn ở Hạ Bì, thay tên đổi họ. 

Trương Lương (ảnh: Wikipedia).

Trong khi ở Hạ Bì, Trương Lương gặp được một vận may bất ngờ. Chuyện kể rằng, có lần Trương Lương đang tản bộ ven sông, bất giác gặp một ông cụ râu tóc bạc phơ đang ngồi chơi trên thành cầu. Ông lão tháo giày của mình ném xuống dưới cầu, rồi quay lại bảo Trương Lương: “Tiểu tử kia, mau nhặt giày lên cho ta”. Trương Lương ban đầu hơi bất ngờ nhưng nhìn ông lão có vẻ là một kỳ nhân dị sĩ nên vẫn vui vẻ lội xuống gầm cầu nhặt giày. Vừa mới nhặt lên trả giày thì ông lão lại tiếp tục vứt xuống, cứ bắt Trương Lương phải nhặt lên, cả ba lần đều như vậy. Nhưng lần nào Trương Lương cũng không hề tỏ vẻ tức giận, vẫn vui vẻ chạy lên chạy xuống hầu hạ ông lão. 

Lần cuối mang giày lên trả, ông lão lại giơ chân trước mặt Trương Lương nói: “Giờ ngươi hãy đeo giày vào cho ta!”. Trương Lương bèn quỳ gối xuống, đeo giày cẩn thận vào cho ông lão. Đoạn, ông lão đi mất, cũng chẳng thèm nói một tiếng cảm ơn. Lương trong lòng nghi hoặc nhưng cũng cho là chuyện thú vị. Rồi đi được một đoạn, ông lão cười lớn một tiếng, vẫn không ngoái đầu lại, nói: “Tiểu tử này có thể dạy dỗ được! Năm ngày sau, hãy quay lại đây lúc sáng sớm gặp ta”. Trương Lương vẫn quỳ dưới đất dạ ran một tiếng. 

Năm ngày sau, Lương đến từ sáng sớm nhưng đã thấy ông lão ngồi ở đó từ lúc nào. Ông lão tức giận nói: “Có hẹn với người lớn tuổi mà ngươi lại đến trễ, thế có phải đạo không? Thôi về đi, năm ngày sau lại đến”. Năm ngày sau, Trương Lương dậy từ lúc gà gáy sáng nhưng khi đến nơi cũng vẫn thấy ông lão đã ngồi đó tự lúc nào. Vẫn như lần trước, Trương Lương lại bị trách mắng một hồi rồi lủi thủi ra về. Lại qua năm ngày nữa, Trương Lương từ nửa đêm đã đến đứng đợi ở cầu, chờ một lát thì đã thấy ông lão từ xa tiến đến. Ông lão gật đầu khen: “Phải thế chứ”. Đoạn, ông rút từ trong người ra một cuộn sách tre, dặn: “Đọc sách này có thể làm thầy của bậc vương giả, sau mười năm thì có thể nổi danh thiên ha. Nhưng mười ba năm sau thì gặp ta ở Tế Bắc, dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá vàng tức là ta đó”. Nói đoạn ông lão bỏ đi mất. Trương Lương cầm đèn lên soi, thấy trên sách ghi mấy chữ: “Thái Công binh pháp”, chính là bộ binh thư huyền thoại của Khương Tử Nha vốn đã thất truyền hàng ngàn năm. 

Trương Lương được bộ sách quý, ngày đêm dùi mài, chẳng mấy chốc đã làu thông kinh sử. Sau này, trên đường bôn ba, Trương Lương bắt gặp Lưu Bang. Thấy họ Lưu là người có chí lớn, ông bèn dốc sức phò tá. Lưu Bang thấy Trương Lương là người cơ trí, thông minh hiếm gặp nên cũng rất quý trọng, thường dùng mưu kế và nghe lời khuyên can. Trong suốt những năm tháng theo Lưu Bang chinh phạt thiên hạ, Trương Lương nhiều lần lập được mưu lạ, xoay chuyển được tình thế hiểm nghèo, trở thành đại quân sư nổi tiếng nhất thời đó.

Trương Lương được tặng bộ sách quý (ảnh: Colbase).

Tài năng trác tuyệt nhưng biết dừng lại đúng lúc

Huyền thoại trong cuộc đời mưu sĩ của Trương Lương chính là trận quyết chiến với Hạng Vũ ở Cai Hạ. Hạng Vũ bị các chư hầu như Hàn Tín, Anh Bố vây khốn trong thập diện mai phục. Nhưng con hổ Hạng Vũ vẫn còn dũng mãnh vô song, lại đang cầm 9 vạn quân trong tay, quân Hán muốn thắng quả cũng không dễ dàng. Đúng lúc ấy, Trương Lương bày ra một kế sách cực kỳ độc đáo, có lẽ là có một không hai trong thiên hạ, đời sau gọi là “Tứ diện Sở ca”. Biết người Sở vốn thích ca hát, sống tình cảm, binh sĩ theo Hạng Vũ chinh chiến đã nhiều năm, ai cũng mong ngóng ngày được trở về, Trương Lương cho quân Hán đứng vây quanh thành Cai Hạ, đồng thanh hát khúc ca nước Sở. Tiếng hát sao mà ai oán, thương tâm. Quân Sở trong thành nghe thấy ai nấy đều chảy nước mắt. Phút chốc hơn 9 vạn tinh binh hoàn toàn tan rã ý chí chiến đấu. Hạng Vũ chỉ còn bên mình hơn 800 quân kỵ trung thành, mở đường máu chạy đến Ô Giang, bị quân Hán truy sát, cuối cùng phải lấy kiếm đâm cổ tự vẫn. 

Trương Lương không chỉ là mưu sĩ tuyệt vời trong thời loạn mà còn là nhà chiến lược có tài nhìn xa trông rộng, hoạch định tương lai đất nước. Khi Lưu Bang hội quần thần lại, hỏi về việc định đô, rất nhiều công thần đều khuyên nên đóng đô ở Lạc Dương, vốn là vùng đất phì nhiêu, giữ vị trí trung tâm của thiên hạ. Tuy nhiên, Trương Lương lại khuyên Lưu Bang nên định đô ở vùng Quan Trung.

Hãy nghe lý do mà ông trình bày: “Lạc Dương mặc dù có Thành Cao, Hào Sơn, Mãnh Trì, Hoàng Hà, Lạc Thủy, là những nơi có địa hình hiểm yếu, nhưng Lạc Dương là nơi có vùng đất hẹp và nhỏ, đất đai lại bạc màu, lại dễ bị thụ địch từ bốn mặt, không phải là đất dụng võ. Quan Trung phía trái có Hàm Cốc Quan, Hào Sơn, phía phải có Lũng Sơn, Mân Sơn, chính giữa đất đai rộng rãi lại phì nhiêu, phía nam có vùng Ba Thục giàu có, phía Bắc có đồng cỏ tiện lợi cho việc chăn nuôi. Cả ba phía Tây, Bắc và Nam đều hiểm trở, dễ phòng thủ. Riêng phía Đông lại tiện lợi trong việc khống chế các chư hầu. Khi thiên hạ thái bình, có thể dùng hai dòng sông Hoàng Hà và Vi Thủy để chuyên chở vật tư trong cả nước, cung ứng cho Kinh Sư. Nếu chư hầu phản loạn, chiến tranh xảy ra khắp nơi, thì có thể xuôi dòng đi xuống, ra quân đánh bốn phương, lương hướng và vật tư cũng có thể vận chuyển cung cấp đều đều, đúng là, thành vàng ngàn dặm, nước riêng của trời“. 

Nghe Trương Lương phân tích thấu triệt vấn đề, Lưu Bang hoàn toàn đồng ý, quyết ý định đô tại Quan Trung, cho xây dựng thành Trường An. Lịch sử sau này đã cho thấy đó là một quyết định vô cùng sáng suốt. Trường An trở thành kinh đô của nhiều triều đại lớn sau này, đáng kể nhất là nhà Đường, đỉnh cao của văn minh Trung Hoa. 

Tạo hình Trương Lương trên màn ảnh (ảnh: Youtube).

Trương Lương tuy lập được nhiều công lao nhưng lại là người vô cùng khiêm tốn. Ông sớm nhìn nhận ra chủ nhân Lưu Bang của mình chính là mẫu người giống như Việt Vương Câu Tiễn, chỉ có thể chung hoạn nạn chứ khó có thể cùng hưởng thái bình. Do đó khi được luận công ban thưởng, Trương Lương được Lưu Bang phong cho thực ấp 3 vạn hộ ở đất Tề nhưng ông nhún nhường từ chối, chỉ xin làm một tước hầu nhỏ. Ông nói: “Xưa kia thần khởi nghĩa ở Hạ Bì, tới đất Lưu thì gặp bệ hạ. Đó là trời đem thần giao cho bệ hạ! Bệ hạ dùng mưu kế của thần, may mà có lúc trúng, thần xin được phong ở Lưu là đủ rồi, không dám nhận ba vạn hộ”. Lưu Bang nghe xong rất hài lòng, bèn phong cho ông làm Lưu hầu. 

Sau khi chứng kiến các đại công thần từng cùng mình phụng sự Lưu Bang bị bức tử như Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt, Trương Lương quyết ý “công thành thân thoái”, rũ áo ra đi để bảo toàn tính mệnh. Ông nói với Lưu Bang: “Gia đình tôi đời đời làm tướng quốc nước Hàn. Đến khi Hàn mất, tôi chẳng tiếc số tiền vạn lạng vàng, đối phó với nước Tần mạnh, để báo thù cho nước Hàn, làm cho thiên hạ đều rung động. Nay tôi lấy ba tấc lưỡi mà làm thầy bậc đế vương, được phong vạn hộ, ở ngôi chư hầu, kẻ áo vải được thế là tột bậc, đối với Lương thế là đủ rồi. Vậy xin bỏ việc nhân gian, chỉ muốn đi ngao du với Xích Tùng Tử mà thôi“. Theo Xích Tùng Tử chính là theo đường tu Tiên, cũng chính là ứng với lời tiên tri của Hoàng Thạch Công, vị tiên nhân đã truyền “Thái Công binh pháp” cho Trương Lương vậy. Từ đó, Trương Lương quyết tâm rũ bỏ việc nhân gian, tập phép nhịn ăn, luyện lối dẫn đạo để thân thể nhẹ nhàng. Năm 186 TCN, Trương Lương qua đời, khép lại một huyền thoại quân sư của lịch sử Á Đông. 

Ở kỳ tiếp theo, chúng ta sẽ đến với một quân sư khác cũng từng được mệnh danh là “Trương Lương nước Việt”. Khi ấy, thời giờ dài rộng, chúng tôi lại xin được hầu chuyện quý độc giả sau. Muôn phần cảm tạ!  

(Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết: “7 đại quân sư nổi danh trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam (P.2): Trương Lương và khúc Sở ca khiến Hạng Vũ ôm hận” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!