Làm thế nào để chinh phục nhân tâm? Làm thế nào để gìn giữ quan hệ tốt đẹp với mọi người? Bí quyết nằm ở ba quy tắc giao tiếp mà trường lớp không dạy bạn, thầy cô không dạy bạn, nhưng quan trọng vô cùng.

Người em họ vừa mới nhậm chức nhắn tin cho tôi, hỏi rằng: “Trong giao tiếp đồng nghiệp, làm thế nào để có mối quan hệ tốt với mọi người? Và làm thế nào để tránh sơ suất đắc tội với người khác?”.

Tôi nhớ lại lời chia sẻ của cậu bạn thân với tôi cách đây không lâu: “Khi kết giao với người, nếu chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân mà không tuân theo quy tắc của đối phương thì không thể có được một người bạn chân thành”.

Ngẫm lại, ý kiến này thật đúng đắn.

Một người có tuân theo quy tắc kết giao hay không sẽ ảnh hưởng đến việc đối phương có nhìn nhận anh ta là người đáng để kết thâm giao hay không. Trong giao tiếp, có ba nguyên tắc không ai nói ra, nhưng là quy tắc vô cùng quan trọng.

Nhận lời không vui vẻ, thực tế chính là từ chối

Cuối tháng, Vân Hà bất ngờ được chủ tịch trao phần thưởng, cô vì quá phấn khích nên đã chia sẻ trên trang cá nhân. Cô nhận được rất nhiều lời khen ngợi và khuyến khích, chỉ riêng một cậu bạn cùng lớp nhắn tin hỏi số tiền thưởng bao nhiêu…

Khi Vân Hà còn bối rối chưa hiểu dụng ý thì cậu bạn kia đã gửi tin nhắn thứ hai. Hai người bắt đầu một cuộc hàn huyên, sau đó cậu bạn kể rằng mình đang túng quẫn và ngỏ lời mượn tiền của Vân Hà.

Nhưng Vân Hà lỡ hứa sẽ mua tặng bố chiếc điện thoại thông minh, cô thậm chí còn xem qua mẫu mã và quyết định đặt hàng… Không còn cách nào, cô chỉ biết trả lời rằng đã có kế hoạch với món tiền này, hy vọng cậu thông cảm và sớm tìm được nơi khác phù hợp.

Mặc dù nói lời cự tuyệt nhưng Vân Hà cảm thấy rất áy náy. Không ngờ cậu bạn cùng lớp tiếp lời: “Dùng vào việc gì? Nếu không gấp lắm thì cho mình mượn trước, tháng sau sẽ trả cho bạn”.

Câu hỏi ấy khiến cô bối rối đến cực điểm. Rõ ràng cô đã từ chối rồi, nhưng có lẽ cậu bạn không hiểu ý nên mới nài nỉ mãi không ngừng…

Trong cuộc sống cũng có nhiều trường hợp tương tự như vậy:

Khi được tiếp thị sản phẩm, bạn trả lời: “Để tôi suy nghĩ một chút đã”.

Khi được mời dùng bữa, bạn trả lời: “Tôi không dám nói trước là sẽ sắp xếp được thời gian hay không”.

Khi được yêu cầu giúp đỡ, bạn trả lời: “Lúc này chưa tiện lắm, để tôi xem rồi sẽ báo lại sau”.

Trong giao tiếp giữa người với người, không phải tất cả mọi yêu cầu đều sẽ được đáp ứng. Nếu trực tiếp nói lời từ chối thì khó tránh khỏi sẽ làm mất lòng nhau, và vì không muốn đắc tội nên nhiều người thường chọn cách từ chối tế nhị.

Thực ra, “sẽ nói chuyện sau” thường là biểu thị sự cự tuyệt, “để xem tình hình” thường có ý là tôi không thể đồng ý được. Nếu đối phương không giải thích rõ ràng hoặc trả lời với vẻ mặt không vui, và nếu bạn vẫn cố nài nỉ đến cùng, thì cho dù nhận được sự giúp đỡ đi nữa, quan hệ của hai người đại thể là “duyên hết từ đây”. 

Cho nên hãy nhớ, trong quy tắc xã giao nếu không có đề xuất chắc chắn thì chính là khách sáo, nếu nhận lời với vẻ mặt không vui thì chính là từ chối.

(Ảnh minh họa: shutterstock)

Người khác cười đùa bản thân họ, nhưng không có nghĩa rằng bạn có thể làm điều tương tự

Đồng nghiệp nữ trong công ty rất nhiều, ai cũng trắng trẻo ưa nhìn, dáng người thanh thoát, chỉ có Linh là cô nàng “vừa béo vừa lùn”. Khi vừa đến công ty, Linh cảm thấy rất tự ti: Người khác cao ráo, còn mình thì thấp tịt, người khác thon thả, còn mình thì mập ú. Vậy nên hễ nói đến ngoại hình, Linh thường cảm thấy rất lúng túng.

Sau này vì muốn hòa nhập với môi trường mới, Linh đã bỏ đi sự tự ái, chấp nhận khuyết điểm của bản thân. Đôi lúc cô còn lấy ngoại hình của mình ra để cười đùa, gọi bản thân là “tinh hoa cô đọng”, là “nấm lùn biết đi”.

Đoạn thời gian đó Linh cảm thấy rất vui, vì không chỉ đem lại niềm vui cho mọi người mà còn dũng cảm đối diện với khuyết điểm của bản thân. Cho đến một ngày, cô bạn đồng nghiệp Văn Phi đã trêu đùa cô ấy.

Giờ nghỉ trưa hôm đó, Linh gọi một suất đồ ăn nhanh. Cô nàng Văn Phi ngồi ngay chiếc bàn kế bên đã trêu đùa rằng: “Ăn lắm thế, không sợ nấm lùn biến thành củ khoai tây à? Tròn vo thêm nữa thì sẽ lăn trên đất đó…”.

Nghe xong lời này, sắc mặt của Linh bỗng tối sầm lại.  

Có những vết thương chỉ có thể một mình mở ra, nhưng để che giấu đau đớn họ đã lựa chọn mỉm cười. Nhưng nếu bạn cho rằng có thể tùy tiện chê cười khuyết điểm của người khác thì đó không phải hài hước, mà là hữu ý làm tổn thương người.

Người nghèo thường tự trào lộng rằng “tìm cái dây treo lên cho xong”, nhưng khi người khác nói như thế, anh ta sẽ tủi phận. Người già thường nói “gần đất xa trời”, “tuổi đời sắp đến”, nhưng họ không muốn nghe người khác mô tả về mình như vậy.

Người dám đối mặt với khuyết điểm của bản thân là người chiến thắng chính mình. Nhưng khi bản thân nói thì đó là một loại khiêm tốn, còn người khác nói đó là một loại coi thường.

(Ảnh minh họa: tokkoro.com)

Nguyên tắc ‘có qua có lại’

Nhớ lúc còn nhỏ, mỗi mùa giáp hạt tôi thường đến nhà hàng xóm vay bột mỳ, mỗi túi là 50 kg. Đợi khi lúa mỳ chín bà nội lại sai tôi mang trả đúng hẹn, ngoài ra mỗi lần đều trả nhiều hơn 5 kg.

Bà nội tôi thường nói: 50 kg là “lý”, 5 kg là “tình”. Sau này tôi mới hiểu ra rằng nhiều hơn 5 kg là quà tặng để cảm ơn.

Tôi tỏ ra nghi hoặc, mượn bao nhiêu trả bấy nhiêu là được rồi, không trả nhiều hơn thì hàng xóm cũng sẽ chẳng nói gì. Nhưng nội không cho rằng như vậy, bà nói: Người cho ta mượn lúc bức thiết, ta chân thành tỏ lòng cảm ơn, mượn ít trả nhiều là phép tắc, đây là có qua có lại.

Giờ đây khi đã trưởng thành tôi vẫn luôn nhớ câu nói đó, nhờ người giúp đỡ thì dù nhiều hay ít cũng nên gửi họ một lời cảm ơn.

Khi được bạn bè hỗ trợ, tôi sẽ cùng anh chia sẻ đồ ăn nhẹ. Khi đồng nghiệp giúp làm thêm giờ, tôi sẽ mời anh đi ăn một bữa. Dù là thỉnh giáo một ai đó trên mạng, thì cũng nên hỏi xin địa chỉ rồi gửi đặc sản quê nhà cho đối phương.

Lễ Ký – Khúc Lễ Thượng có viết: Có qua thì có lại, có qua mà không có lại là không phải lễ, có lại mà không có qua cũng không phải lễ.

Không có công sức của ai là miễn phí, họ giúp đỡ bạn thì cũng đồng nghĩa là họ phải bỏ ra thời gian và công sức. Thế nên muốn duy trì quan hệ giao tiếp, thì đối với sự giúp đỡ của người khác ta cần cảm ơn và báo đáp.

Trong Lễ Ký cũng viết: Có qua có lại mới là lễ. Nếu chỉ nhận sự giúp đỡ từ một phía, có lại mà không có qua thì cũng là thất lễ rồi.

Người thất lễ dù đạt được lợi ích lớn thế nào đi nữa, cũng sẽ là “cái được chẳng bù cho cái mất”. Ít nhất, họ cũng vì không tuân thủ quy tắc có qua có lại mà trả giá.

Quan hệ giữa người với người thành công ở chỗ: Khi thấy một việc thì cần làm đến mức cân bằng các góc độ khác nhau giữa bạn và đối phương.

Người có mối quan hệ tốt với mọi người đều tuân thủ quy tắc này: Cân nhắc nhu cầu và khó khăn của đối phương, tôn trọng đối phương, không gây khó dễ, không coi thường đối phương.

Tuân thủ quy tắc giao tiếp và dùng thái độ chân thành để giao thiệp với người, bạn sẽ có bạn bè nhiều hơn nữa, càng có nhiều mối quan hệ hài hoà hơn nữa.

Theo Apollo
Mạn Vũ biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||16582dd5a__