Sau làn sóng phản ứng dữ dội trên phạm vi quốc tế, Trung Quốc đã quyết định trì hoãn kế hoạch gây nhiều tranh cãi của mình về việc cho phép buôn bán xương hổ và sừng tê giác trong nước.

Theo Iflscience, hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố hôm thứ Hai rằng kế hoạch “đã bị trì hoãn sau khi nghiên cứu bổ sung”, nói thêm rằng chính phủ sẽ tiếp tục nghiêm cấm việc bán, mua, vận chuyển tê giác, hổ và các sản phẩm phụ của chúng.

“Các hành vi bất hợp pháp sẽ bị xử lý nghiêm trọng”, Ding Xuedong, Phó Tổng thư ký của Hội đồng Nhà nước, cho biết hôm thứ Hai.

“Tôi muốn nhắc lại rằng chính phủ Trung Quốc đã không thay đổi lập trường về bảo vệ động vật hoang dã và sẽ không giảm bớt các nỗ lực ngăn chặn buôn bán trái phép tê giác, hổ, các sản phẩm phụ và các hoạt động tội phạm khác.”

Xương hổ được buôn bán cho mục đích chế thuốc Trung Y. Người ta tin rằng nó có tác dụng lớn với thân thể

Tháng trước, Trung Quốc nới lỏng lệnh cấm với sừng tê giác và xương hổ. Sau 25 năm cấm, nước này giờ nói rằng sẽ cho phép buôn bán sản phẩm từ tê giác và hổ trong “trường hợp đặc biệt” gồm nghiên cứu khoa học, trao đổi cổ vật văn hóa và “nghiên cứu y học hoặc chữa trị”.

Việc buôn bán xương hổ và sừng tê giác đã bị cấm vào năm 1993, tuy nhiên, thị trường chợ đen vẫn tiếp tục cung ứng các bộ phận động vật quý hiếm, được nhiều người cho là sở hữu khả năng trị liệu thần kì, mặc dù không có một bằng chứng khoa học nào chứng minh. Sừng tê giác có cấu tạo từ keratin, giống hệt thành phần trong tóc và móng tay, móng chân con người.

Ví dụ, rượu xương hổ là một loại thuốc truyền thống của Trung Quốc được làm bằng cách ngâm xương hổ trong rượu gạo. Cuối cùng, sau khi xương được ngâm trong một vài tuần, người ta thêm vào một số loại thảo mộc Trung Quốc, kết quả là một loại rượu nhẹ màu nâu được cho là làm tăng cường sinh lực, sức khỏe và tuổi thọ.

Những bài thuốc cổ truyền này đã khiến hai loài động vật trên gặp rắc rối sâu sắc. Hiện chỉ có khoảng 3.000 con hổ và 24.000 con tê giác còn lại trong tự nhiên. Một số chủng còn lại với số lượng cực kì ít. Ví dụ, có ít hơn 50 con tê giác Javan và 300 con tê giác Sumatra trong tự nhiên.

Số lượng tê giác trên thế giới bị giảm mạnh do các hoạt động săn bắn để lấy sừng tê

Vì lý do đó, quyết định dũng cảm của Trung Quốc để đảo ngược lệnh cấm đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới. Trung Quốc thường không phải là người cúi đầu trước áp lực quốc tế, vì vậy việc trì hoãn lần này được xem là một hành động hiếm có.

“WWF [Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới] hoan nghênh việc Trung Quốc đã hoãn nâng lệnh cấm của nó đối với việc buôn bán trong nước đối với sừng tê giác và xương hổ, báo hiệu một sự cải thiện tích cực đối với phản ứng quốc tế,” Margaret Kinnaird, WWF động vật hoang dã thực hành lãnh đạo, cho biết trong một tuyên bố .

“Động thái này giúp duy trì vai trò của Trung Quốc trong nỗ lực toàn cầu về việc giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và giảm nhu cầu thị trường.”

Tuy nhiên, một số nhà bình luận tỏ ra không lạc quan như vậy. Họ cho rằng Trung Quốc có thể đang chỉ tạm nhượng bộ để chuẩn bị cho các tính toán khác và điều dễ thấy là họ đã có ý thức về việc xem nhẹ và buông lỏng việc buôn bán động vật quý hiếm. Điều này đồng nghĩa với việc, cho dù không được hợp pháp hóa, việc buôn bán trên thị trường chợ đen sẽ vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và có rất ít sự can thiệp của các lực lượng chức năng.

Nhật Minh