Các công nhân xây dựng ở Đức đã phát hiện một biểu tượng swastika bằng bê tông khổng lồ trên một sân chơi thể thao ở phía bắc thành phố Hamburg, Đức.

Ảnh: cbc.ca

Hãng thông tấn dpa của Đức cho biết, các công nhân khi đó đang dùng máy xúc đào đất để chuẩn bị nền xây dựng một dãy phòng thay đồ thì đột nhiên đụng phải biểu tượng dài 4m rộng 4 m này của Đức Quốc xã (Nazi) này.

Biểu tượng Swastika của quân Nazi thời Thế chiến II. Ảnh: Exemplore
Ảnh: marieke.pise.cz

Trao đổi với kênh dpa, các thành viên của câu lạc bộ thể thao tại sân vận động Hein-Kling tại quận Billstedt của thành phố cho biết biểu tượng này được sử dụng làm nền móng cho một công trình đã bị phá dỡ từ nhiều thập kỷ trước đây. Nó được chôn ngập trong lòng đất khoảng 40 cm.

Thành phố đã cử một nhóm thợ đến phá hủy công trình này. Sau khi sử dụng búa khoan để khoan rạn nứt biểu tượng Nazi, họ đã lái một chiếc xe ủi đất đến để tách rời thành từng phần nhỏ rồi mang chúng đi.

Ảnh: timesofisrael
Ảnh: cbc.ca

Có lẽ đây là một hành động cần thiết để xóa bỏ một vết tích cũ của chế độ Đức Quốc xã – một biểu tượng đại diện cho những tai ương khủng khiếp nó đã gây ra cho nhân loại. Đức Quốc xã, dưới sự cầm quyền của Hitler, đã tàn sát hơn 6 triệu người Do Thái, và biểu tượng Swastika do đó đã nghiễm nhiên tượng trưng cho sự giết chóc kinh hoàng. Cái cảm giác run sợ trước biểu tượng này, lưu tồn từ giai đoạn đó, vẫn còn giữ nguyên ảnh hưởng đối với rất nhiều người, đặc biệt là các nạn nhân Do Thái may mắn trốn thoát khỏi cuộc diệt chủng.

Tuy nhiên, trên thực tế, biểu tượng Swastika không đáng sợ đến vậy. Nó là một biểu tượng có lịch sử vô cùng lâu đời, trải dài hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn năm trước. Nó có hàm nghĩa tích cực, may mắn, nhìn chung thể hiện sự tốt lành, chỉ là Hitler đã lấy trộm biểu tượng đó, choàng lên nó một màu sắc u ám, rồi phổ biến nó qua những chiến dịch tàn sát đẫm máu của ông ta.

Lấy ví dụ, ở phương Tây, biểu tượng Swastika xuất hiện trong nhiều văn vật khảo cổ (bình gốm, huy hiệu, tượng ,…), công trình kiến trúc, … Theo một số học giả, biểu tượng này có thể mang một ý nghĩa tôn giáo to lớn, một cái gì đó cao thượng, trang nghiêm.

Một chiếc bình cổ tại bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia Hy Lạp. Ảnh: ĐKN
Chữ vạn trên mũ của người Maxêđôni (giữa Nam Tư và Hy Lạp), có niên đại 350-325 trước Công nguyên. Ảnh: Wikimedia

Mặt dây chuyền chữ vạn có niên đại từ 700-650 trước Công nguyên, tức vào thời nền văn minh cổ đại Etrusca, hiện thuộc Italy. Ảnh: ĐKN

Ở phương Đông, swastika được gọi là chữ Vạn, là một biểu tượng gắn liền với Phật giáo, biểu thị cho 32 tướng tốt của Phật.

Ảnh: thereforgedsword.com
Biểu tượng chữ Vạn trên bức tượng Phật ở Hồng Kong. Ảnh: Youtube

Cần trả lại cho biểu tượng này hàm nghĩa tốt lành đích thực của nó, và xóa tan cái mác “phát xít” vốn không tồn tại đằng sau biểu tượng này mà Hitler đã cố tình gán ghép cho nó trong giai đoạn cầm quyền của ông ta.

Quý Khải