Không phải quá khó để chúng ta có thể gặp những người tự đánh giá cao năng lực của bản thân. Liệu rằng những người không thông minh có thể tự nhận thức được điều đó?

Với sự phổ biến của Internet, diễn đàn và mạng xã hội hiện nay, mọi người có thể thoải mái bày tỏ ý kiến của mình, thể hiện quan điểm cá nhân và sự hiểu biết của mình cho cả thế giới biết. Do đó, nhiều người tự cho mình là tài năng hơn người khác nhưng lại không biết được năng lực thực sự của mình.

Đây là một dạng tâm lý tồn tại trong nhiều cá nhân mà trong khoa học gọi là hiệu ứng Dunning – Kruger. 

Chính điều đó đặt ra một câu hỏi cho các nhà tâm lý học: “Liệu rằng những người không thông minh có thể tự nhận thức được điều đó hay không?”

Trước hết chúng ta cần hiểu sơ qua hiệu ứng Dunning – Kruger:

Hiệu ứng Dunning-Kruger là hiện tượng kỳ lạ khiến cho những người không có tay nghề hoặc không có học vấn đánh giá quá cao khả năng của họ.

Nếu bạn chưa bao giờ nghe về hiệu ứng này thì chắc hẳn bạn cũng đã thấy nó trong đời sống: “Đó là khi một nhà chính trị thiếu kinh nghiệm đưa ra những ý kiến ​​mạnh mẽ về các vấn đề toàn cầu hay một người nổi tiếng trong các chiến dịch chống lại khoa học, một người tự xưng là chuyên gia thị trường chứng khoán lại luôn đánh mất các khoản tiền của mình.”

Nhà tâm lý học David Dunning đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về nhận thức của mọi người về quá trình tư duy – một lĩnh vực khoa học được biết đến như là siêu nhận thức (metacognition). Năm 1999, ông và một sinh viên có tên Justin Kruger đã xuất bản một bài báo trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội với tựa đề “Không có tay nghề và không có ý thức về nó” với nội dung chính là những khó khăn khi nhận ra sự thiếu khả năng của chính mình dẫn tới việc tự thổi phồng năng lực bản thân.

Nhà tâm lý học David Dunning. (Ảnh: YouTube)

Trong đó, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một loạt các thí nghiệm nhằm yêu cầu sinh viên đánh giá mức độ hài hước của các câu chuyện cười (so sánh với xếp hạng của các diễn viên hài chuyên nghiệp), xác định lỗi ngữ pháp và trả lời các câu hỏi liên quan đến lập luận logic.

Kết quả là những người nghĩ rằng họ đã làm rất tốt thì nhận lại kết quả tồi tệ. Và cũng thật thú vị khi những người đã làm tốt nhất lại có xu hướng đánh giá thấp khả năng của họ. Trong báo cáo của mình, các nhà nghiên cứu đưa ra một sự thật đáng buồn: những người không đủ năng lực không thể biết rõ bản thân mình vì sự thiếu năng lực của họ chính là điều làm họ mất khả năng nhận ra rằng họ không có năng lực.

Dunning viết trong tạp chí Pacific Standard: “Trong nhiều trường hợp, sự thiếu năng lực không làm cho người ta mất phương hướng, bối rối, hay thận trọng nhưng thay vào đó, những người không đủ năng lực thường có một niềm tin mù quáng, phấn khích bởi những gì họ cảm thấy giống như kiến ​​thức vậy.”

Người không có kĩ năng (gần 0 ở trục nằm ngang) có mức độ tự tin rất cao. (Ảnh: Themaven.net)

Trên thực tế, hiệu ứng Dunning-Kruger khiến cho bạn làm điều đó nhưng bản không hề biết mình đang làm gì. Nó khiến bạn cảm giác như mình có kiến thức ở rất nhiều lĩnh vực nhưng thực tế bạn không như vậy. Khi bạn tin tưởng vào những suy nghĩ mình có, những suy nghĩ mà có thể được thêu dệt từ những thông tin sai lệch khiến bạn có những quyết định sai lầm.

Và khi bắt tay vào làm thì kết quả thực sự tồi tệ, việc đánh giá sai năng lực của bản thân trong một công việc liên quan rất nhiều đến kinh nghiệm và sự từng trải trong các công việc đó. Cũng chính vì vậy mà những người nằm trong đối tượng này đa số là người trẻ tuổi.

Nhưng người “đao to búa lớn” thường nằm trong hiệu ứng Dunning – Kruger. Đặc biệt là ở giới trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn. (Ảnh: saniba saniba)

Để vượt qua điều này, Dunning khuyên bạn hãy trở thành một nhà phê bình với lượng thông tin mà bạn có, luôn suy nghĩ chín chắn để xem mình có sai sót ở đâu không trước những quyết định quan trọng trong cuộc sống. Hãy luôn nghĩ rằng bạn là kẻ không biết gì, để luôn luôn phải tiếp tục học tập những điều mới mẻ. Và tất nhiên nếu sai lầm, hãy chấp nhận điều đó vì chúng ta còn trẻ!

Giống như Stevs Jobs đã từng nói: “Stay hungry. Stay foolish” (Hãy cứ khao khát. Hãy cứ dại khờ).

Sơn Tùng