Thang Phi Phàm là người đầu tiên phân lập thành công vi khuẩn gây bệnh mắt hột và giải quyết được vấn đề căn bệnh truyền nhiễm đã hoành hành hàng nghìn năm trên thế giới; ông cũng là thế hệ chuyên gia vi khuẩn học đầu tiên ở Trung Quốc, lần lượt sáng tạo nên những kỳ tích y học. Tuy nhiên, trong cuộc vận động “Nhổ cờ trắng” của ĐCSTQ, những cống hiến bất tử của ông đã được ‘trả ơn’ bằng vô số tội danh bịa đặt cùng cái chết tức tưởi đến với y học gia lừng danh này…

Chào mừng các bạn đến với “Trăm Năm Chân Tướng”. Hôm nay, chúng tôi và các bạn sẽ tiếp cận một chuyên gia đệ nhất về vi khuẩn học người Hoa – tiến sĩ Thang Phi Phàm.

Vào tháng 6 năm 1980, Hiệp hội Nhãn khoa Trung Quốc nhận được một bức thư ngắn từ Tổ chức Phòng trị Nhãn khoa Quốc tế (IOAT), có nội dung: Vì những cống hiến kiệt xuất của Tiến sĩ Thang trong việc nghiên cứu và giám định các tác nhân gây bệnh mắt hột, Tổ chức Phòng trị Nhãn khoa Quốc tế đã quyết định trao thưởng ông “Huy chương vàng cho bệnh mắt hột”. Hy vọng có thể theo thông tin địa chỉ của Tiến sĩ Thang, gửi lời mời chính thức này tới ông ấy.

“Tiến sĩ Thang” được đề cập trong bức thư ngắn chính là Thang Phi Phàm. Đáng tiếc, ông đã không còn cơ hội lên đường đi nhận vinh dự này. Bởi vì hơn hai mươi năm trước, ông đã phải tức tưởi ly khai nhân thế. Cuối cùng thì đã xảy ra việc gì? Câu chuyện phải quay lại từ đầu…

Một chiếc kính hiển vi đã khiến Thang Phi Phàm từ bỏ kỹ thuật mà học y khoa

Thang Phi Phàm sinh ra ở Lễ Lăng, Hồ Nam vào năm 1897. Năm 15 tuổi, ông thi đỗ vào trường Công nghiệp loại A tỉnh Hồ Nam để học kỹ thuật, thường ngày Thang Phi Phàm hay đến các mỏ than ở Bình Hướng và những nơi khác để quan sát một số cấu tạo cơ giới. Một hôm, khi nhìn thấy hai người khiêng một chiếc hộp gỗ kỳ lạ vào mỏ, ông bước tới và hỏi trong hộp có gì. Hai người nói với ông rằng đó là một chiếc kính hiển vi, và họ mang đến để kiểm tra giun móc cho các công nhân. Hai người cũng chỉ cho ông cách sử dụng kính hiển vi để nhìn thấy những thứ không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chẳng hạn như trứng côn trùng.

Kể từ đó, Thang Phi Phàm bắt đầu phát sinh hứng thú đối với y học, ông quyết tâm từ bỏ ngành kỹ thuật để theo học ngành y. Năm 1914, Thang Phi Phàm bỏ học trường công nghiệp và trúng tuyển vào trường Cao đẳng Y tế Sương Nhã, sau 7 năm học tập chăm chỉ, ông đến trường Cao đẳng Y tế Công đoàn Bắc Kinh để học thêm chuyên ngành vi khuẩn học trong 3 năm, nắm vững lý luận và công nghệ thực nghiệm của vi khuẩn học.

Trung Quốc đương thời có một thuyết gọi là “Nam tương nhã, Bắc hiệp hòa”, Dương Phi Phàm tiếp thụ bồi huấn của cả hai sở trường y học hàng đầu trong nước, tạo ra nền móng vững chắc cho nghiên cứu khoa học. 

Năm 1925, Thang Phi Phàm kết hôn với Hà Liễn, con gái thứ hai của tướng quân Hà Kiện. Sau đó, ông được nhà trường tiến cử và giành được học bổng của trường Y Harvard, Hoa Kỳ nên ông đưa vợ sang Mỹ tiếp tục theo học ngành vi khuẩn học, dưới sự dạy dỗ của nhà vi khuẩn học nổi tiếng Hans Zinsser.

Lúc đó, chính là thời đại tiên phong của vi khuẩn học. Theo ghi chép tư liệu của Văn khố Thượng Hải, Hans Zinsser thấy Thang Phi Phàm vừa mới đến công tác, nhưng thao tác thực nghiệm có quy phạm, huấn luyện bài bản, liền cho ông trực tiếp tham gia vào nghiên cứu đang tiến hành của chính mình, đồng thời cho ông gia nhập vào hàng ngũ tiên phong.

Trong chiến tranh chống Nhật, chủ trì Văn phòng phòng chống dịch tễ Trung ương

Nháy mắt đã 3 năm trôi qua. Sau khi tốt nghiệp, Hans Zinsser đề nghị Thang Phi Phàm lưu lại trường, nhưng Nhan Phúc Khánh, cựu hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Y tế Sương Nhã, đã gửi một phong thư, hy vọng Thang có thể trở về Trung Quốc và giảng dạy tại Viện Y học thuộc Đại học Trung ương mới thành lập. Trong thư không có hứa hẹn nào, chỉ nói ra những khó khăn trong bước sơ khởi của trường y và những kỳ vọng nồng nhiệt của ông ấy đối với sự phát triển của y học Trung Quốc. Bức thư chân thành này khiến Thang Phi Phàm cảm động. Mùa xuân năm 1929, ông bay về Thượng Hải cùng vợ và trở thành phó giáo sư vi khuẩn học tại Viện Y học.

Trong mười năm sau đó, Thang Phi Phàm đã có không ít những thành quả nghiên cứu, nhiều luận văn của ông đã được các sách chuyên khảo và sách giáo khoa có uy tín trên thế giới viện dẫn và trở thành những tài liệu kinh điển. Ngay sau đó, vào năm 1937, cuộc chiến kháng Nhật Bản bùng nổ. Nhan Phúc Khánh, người từng đảm nhiệm Trưởng Sở Vệ sinh, một lần nữa viết thư cho Thang Phi Phàm. Do thiên tai, chiến loạn và ôn dịch, việc khôi phục lại bộ phận phòng chống dịch bệnh đã trở thành ưu tiên hàng đầu.

Nhan Phúc Khánh hy vọng rằng ông có thể chủ trì công tác xây dựng lại Văn phòng Phòng chống Dịch bệnh Trung ương. Lần này, Thang Phi Phàm đã không chần chừ, lao thẳng đến “hậu phương lớn” Côn Minh, đảm nhận chức vụ chủ nhiệm (năm 1939 ông đang ở trụ sở phòng thí nghiệm của Cục Phòng chống dịch Trung ương Côn Minh).

Trong điều kiện thô sơ, Thang Phi Phàm lãnh đạo một số lượng nhân sự hạn chế để sản xuất các loại dược tễ đơn giản như vắc-xin phòng dại, phòng bệnh đậu mùa, thu nhập dùng để duy trì chi phí hàng ngày; Sau này, ông bắt đầu cải thiện cơ sở vật chất của Cục Phòng chống dịch để sản xuất vắc-xin và huyết thanh phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Những loại dược phẩm này không chỉ được gửi đến mọi miền đất nước, mà còn được cung cấp cho các lực lượng đồng minh của Anh và Mỹ.

Không chỉ vậy, Thang Phi Phàm trong bài báo “Hồi cố và triển vọng về loại thuốc Penicillin tự chế của đất nước chúng tôi”, ông đề cập rằng vào mùa thu năm 1942, ông và các đồng sự của mình đã chú ý đến penicillin trong các luận văn y học, nhận ra rằng loại thuốc này nhất định đã có cống hiến to lớn trong chiến tranh, vì vậy họ bắt đầu nghiên cứu chế tạo. Năm 1944, Cục Phòng chống Dịch bệnh đã nghiên cứu chế tạo thành công lô thuốc penicillin đầu tiên, hàm lượng 5 vạn đơn vị.

Kháng Nhật thắng lợi, trở lại Bắc Kinh, Thang Phi Phàm đã thành lập xưởng sản xuất thuốc kháng sinh đầu tiên của Trung Quốc với sự tài trợ của Hoa Kỳ. Năm 1948, họ đã sản xuất được penicillin hàm lượng 20 vạn đơn vị, có thể so sánh với các sản phẩm nhập khẩu.

Dùng thân mình để thử bệnh độc, trở thành “cha đẻ của nghiên cứu Chlamydia”

Thang Phi Phàm đặt trọn tâm sức vào y học, nhưng bên ngoài thế giới nhỏ bé của ông, tình hình thời cuộc tại Trung Quốc sóng gió bất an. Sau khi Kháng chiến chống Nhật kết thúc, nguyên khí của chính phủ Quốc dân đảng vừa bị tổn thương nặng nề, vừa phải đối mặt với cuộc nội chiến do ĐCSTQ kích động, cuối cùng buộc phải chuyển đến Đài Loan vào cuối năm 1949.

Đương thời, Thang Phi Phàm ban đầu dự định di cư cả gia đình sang Mỹ. Nhưng trước khi xuất ngoại, ông đột nhiên thay đổi chủ ý, quyết định lưu lại Bắc Kinh. Quyết định này có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời ông sau này?

Thời kỳ đầu mới soán chính quyền, ĐCSTQ cấp thiết cần đến những tinh anh y học như Thang Phi Phàm để “kiến thiết quốc gia”, do đó ông được bổ nhiệm làm Sở trưởng Sở nghiên cứu Chế phẩm Sinh học kiêm Sở trưởng Sở Kiểm định Chế phẩm Sinh học trực thuộc Bộ Vệ sinh Trung ương ĐCSTQ. Ông cũng quên mình tận lực khôi phục lại công tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc-xin.

Năm 1954, Thang Phi Phàm bắt đầu bắt tay vào việc tìm kiếm mầm bệnh của bệnh đau mắt hột. Đau mắt hột là một bệnh truyền nhiễm đã phổ biến hàng nghìn năm qua. Vào thời điểm đó, khoảng 1/6 số người trên thế giới bị bệnh đau mắt hột, và Trung Quốc là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hơn một nửa số người bị bệnh mắt hột, với tỷ lệ mù lòa là 5%. Ở những vùng sâu, vùng xa thì thậm chí “mười mắt chín mắt hột”.

Giới y học đã luôn tranh luận, liệu mầm bệnh của bệnh mắt hột cuối cùng là “bệnh do vi khuẩn” hay “bệnh do vi rút”. Do đó, Thang Phi Phàm đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu để khám phá, và Trương Hiểu Lâu của Bệnh viện Đồng Nhân Bắc Kinh đã cung cấp cho họ những bệnh lệ (ca bệnh) điển hình. Theo mô tả trong cuốn sách “Nhà khoa học y học Thang Phi Phàm”, sau hàng trăm lần thử nghiệm, cuối cùng Thang Phi Phàm là người đầu tiên trên thế giới đã phân lập thành công chủng vi-rút gây bệnh mắt hột.

Để khẳng định vi rút đã được phân lập chính là mầm bệnh của bệnh mắt hột, đầu năm 1958, ông đã cấy vi rút đó vào mắt mình, tạo thành bệnh đau mắt hột điển hình, sau đó phân lập lại vi rút trong mắt ông. Để quan sát toàn bộ quá trình bệnh lý, ông đã kiên trì sau 40 ngày mới tiếp nhận điều trị, cuối cùng đã có được đáp án khẳng định, chấm dứt triệt để tranh cãi về mầm mống bệnh đau mắt hột kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Sau khi bài báo của Thang Phi Phàm được xuất bản, các nước trên thế giới đã sử dụng phương pháp của ông để phân lập vi rút bệnh mắt hột và gọi nó là “vi rút Thang Thị”. Khi tìm ra mầm bệnh và kê đơn thuốc phù hợp, bệnh đau mắt hột đã nhanh chóng giảm trên toàn cầu và gần như biến mất. Năm 1973, Ủy ban đặc biệt của Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức đặt tên cho vi rút bệnh mắt hột là Chlamydia, và bệnh mắt hột được đổi tên thành mắt hột Chlamydia. Thang Phi Phàm được ca ngợi là “cha đẻ của nghiên cứu Chlamydia”.

Ngôi sao lớn ngành y học mất mạng trong kiếp nạn “Đại bạch kỳ” 

Năm 2018, kênh truyền thông Tân Hoa Net của ĐCSTQ viết: “Thang Phi Phàm là một nhà khoa học có tiền trình viễn đại, ông nhiệt thành yêu tổ quốc, nghiên cứu nghiêm túc và không mệt mỏi truy cầu chân lý khoa học”. Thế nhưng, vị khoa học gia này, “tiền trình viễn đại” của ông, thậm chí cả tính mạng của ông, đều bị bóp nghẹt dưới sự chuyên chế của ĐCSTQ.

Năm 1958, ĐCSTQ tiếp tục phát động “Đại nhảy vọt” sau “Vận động phản hữu”, đồng thời phát động cuộc vận động “Nhổ cờ trắng, trồng cờ đỏ” trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Cái gọi là “cờ trắng” dùng để chỉ những nhân sĩ có “quan điểm học thuật giai cấp tư sản”. Trong giới y học, cái gọi là “cờ trắng” đều là các học giả hạng nhất từng được bảo vệ trong cuộc “vận động phản hữu”; Thang Phi Phàm tức khắc bị tấn công, trở thành đối tượng “Đại bạch kỳ”.

Theo “Lược sử Trung Quốc đương đại – Tiểu sử các nhà khoa học – Tập một”, vào ngày 26/9/1958, Thang Phi Phàm bị buộc phải kiểm thảo bản thân. Ngày 28 và 29, ông tiếp tục bị kiểm thảo tại đại hội. Trong vòng hai ngày, đại hội chuyển từ “gió nhẹ mưa phùn” thành “cuồng phong bạo vũ”. Lúc đầu, ông có thể ngồi để trả lời các câu hỏi, nhưng ngày hôm sau, chỉ còn lại những lời phê đấu chỉ trích. Sau một hồi, ông được lệnh “Đứng lên, cúi đầu xuống!”, sau đó là “Ngồi xuống viết kiểm điểm!”

Tội danh của ông cũng nhanh chóng leo thang, từ “quyền uy học thuật giai cấp tư sản” và “một lòng phất cờ trắng trên trận địa xã hội chủ nghĩa”, rồi diễn biến thành “một con chó trung thành của phe đối lập Quốc dân đảng”, “một tên cặn bã của dân tộc”, “đặc vụ Mỹ”, và “gián điệp quốc tế” v.v…

Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là nghiên cứu của Thang Phi Phàm về vi-rút bệnh mắt hột đã bị vu khống thành “cáo tố cho nước ngoài biết phương pháp phân lập vi-rút và bán rẻ lợi ích quốc gia”. Khi cuộc họp kết thúc vào ngày 29, người chủ trì khiển trách ông và nói: “Nếu anh thú nhận tội lỗi của mình thì sẽ có lối thoát, nếu không chỉ còn đường chết”.

Thang Phi Phàm vô cùng tuyệt vọng, không muốn tiếp tục bị lăng nhục. Sáng sớm ngày 30/9/1958, ông đã tự sát tại nhà, hưởng thọ 61 tuổi. Sau khi Thang Phi Phàm chết, ĐCSTQ vẫn không buông tha cho ông. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông lại bị gán cho là “tàn dư của Quốc dân đảng”, “đại cánh hữu lọt lưới”, “đại hữu phái” và “học giả phản động”. Ngay cả công lao phát hiện ra vi-rút bệnh mắt hột của Thang Phi Phàm cũng được chuyển cho Trương Hiểu Lâu, người cung cấp bệnh lệ để ông nghiên cứu.

Nhưng điều đáng mừng là cộng đồng quốc tế vẫn chưa quên nhà khoa học lỗi lạc này. Năm 1980, Tổ chức Phòng trị Nhãn khoa Quốc tế đã gửi một bức thư ngắn cho Hiệp hội Nhãn khoa Trung Quốc, mời Thang Phi Phàm tham gia Đại hội Nhãn khoa Quốc tế và trao cho ông “Huy chương Vàng về bệnh mắt hột”.

Ban đầu, ĐCSTQ đã sắp xếp để các học sinh của Thang Phi Phàm và Vương Khắc Kiền, những người đã tham gia nghiên cứu về bệnh mắt hột thay mặt ông nhận giải thưởng, và thông báo cho Trương Hiểu Lâu đi cùng. Bất ngờ thay, một ngày trước khi trao giải, Vương Khắc Kiền đã bị thay thế, và Trương Hiểu Lâu lên nhận huy chương. Huy chương mà Trương nhận về có khắc tên hai người, người đầu tiên là ông ta, và người thứ hai mới là Thang Phi Phàm. Trương Hiểu Lâu đã phục chế hai tấm huy chương, giữ một tấm cho riêng mình và một tấm cho Thang gia. Nguyên bản được nộp lên Bộ Y tế.

Liên quan đến việc làm này, bà Hà Liễn, góa phụ của Thang Phi Phàm đã tố cáo và yêu cầu Bộ Y tế làm rõ sự thật, nhưng bà không có cửa nào để cầu cứu. Không thể chịu nổi, vào tháng 8/1986, Hà Liễn đã viết thư cho Tổ chức Phòng ngừa và Điều trị Nhãn khoa Quốc tế yêu cầu công đạo cho Thang Phi Phàm. Bốn tháng sau, bà nhận được một lá thư gửi nói rằng “Huy chương vàng cho bệnh mắt hột” đã được trao cho Thang Phi Phàm, và họ sẽ phát hành lại huy chương với duy nhất một cái tên được khắc trên đó – Thang Phi Phàm. Đến lúc đó, vụ bê bối của ngành y tế mới đi đến hồi kết.

Năm 1949, Thang Phi Phàm có lẽ vì không thể nhẫn tâm vứt bỏ ngành vi sinh vật học mới sơ khởi của Trung Quốc, vì vậy ông đã chọn lưu lại Hoa lục. Nếu quay ngược thời gian và có cơ hội lựa chọn lại, tôi tin rằng ông ấy sẽ tránh xa chính quyền ĐCSTQ mà không ngoái đầu nhìn lại.

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch