Thịt bò khô là món quà vặt khoái khẩu, bổ dưỡng và hấp dẫn với mọi lứa tuổi, nhất là khi thời tiết se lạnh. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay bày bán khá nhiều loại thịt bò khô giả, dễ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Hôm nay, Bếp Đại Kỷ Nguyên sẽ giúp bạn nhận biết thịt bò khô thật – giả qua một số dấu hiệu dưới đây.

Về màu sắc:

– Thịt bò khô làm theo cách truyền thống thường có màu nâu sẫm.

– Còn những gói thịt bò chế biến dạng sợi, dạng que… không nhãn mác, không nguồn gốc rõ ràng và được bày bán nhan nhản trên thị trường với giá rẻ lại thường có màu vàng sậm, xanh tím.

Về giá cả:

PGS Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết trên báo VietNamNet, “thịt bò khô phải được làm từ thịt bò, nhưng trên thực tế, thịt bò rất đắt nên nhiều gian thương đã làm giả thịt bò khô từ các loại thịt như thịt lợn sề, thịt lợn chết thậm chí có nơi làm từ phổi lợn bốc mùi. Các loại thịt này được nhuộm phẩm màu để thành phẩm ra được thơm ngon, đẹp mắt”.

– Cho nên thịt bò khô “xịn” rất đắt, hiện giá trên thị trường khoảng 900.000 – 1 triệu đồng/kg.

– Còn các loại thịt bò bán ở các cửa hàng tạp hóa với giá 300 – 500 nghìn đồng/kg khó có thể được làm từ thịt bò thật.

Ảnh minh hoạ: VietNamMoi.

Về mùi vị

Bà Phạm Nhung, chuyên gia lâu năm của một công ty chuyên cung cấp thịt bò khô ra thị trường chia sẻ trên báo VietNamMoi: “Bò khô giả sẽ có mùi hương liệu, không có vị ngọt của thịt mà chỉ có vị ngọt của đường. Ngược lại, bò khô thật đậm vị thịt và mùi gây đặc trưng”.

– Vị của bò khô thật hay thịt trâu gác bếp bao giờ cũng có vị đượm, thơm, dai, ngọt tự nhiên của acid amin.

– Thịt bò khô làm giả thường dùng mì chính, đường nhằm tạo độ ngọt.

Về thời hạn sử dụng

– Thịt bò khô chuẩn không dùng chất bảo quản chỉ để được 15 – 20 ngày và phải bảo quản ở tủ lạnh. Nếu quá hạn, thịt bò khô sẽ có mùi hôi và mốc.

– Thịt bò khô giả thường có thời hạn sử dụng lâu hơn do có tẩm hợp chất của Nitrit. Ví dụ: Natri nitrit (NaNO2) để bảo quản. Chất bảo quản có chứa Nitrit (NO2-) rất độc hại, bởi nó làm cho hồng cầu không thể vận chuyển được oxy, gây thiếu dưỡng khí. Chất Nitrit (NO2-) kết hợp với acid amin của cơ thể tạo thành Nitrozamin, một chất gây ung thư.

Theo một chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm, thịt bò khô có màu khác bình thường và giá rẻ sẽ có 2 nguy cơ: Một là làm từ thịt gia súc khác, hai là có thể tẩm ướp hóa chất độc hại nhuộm màu, cực kỳ nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Chất tạo màu tím trộn chất vàng ô, màu xanh và một số chất tạo màu khác nhằm đánh lừa người tiêu dùng có thể tạo ra một chất độc. Chất vàng ô được xác định là chất gây ung thư cao, là chất cấm, không được dùng trong chế biến thực phẩm, chưa kể những chất tạo màu khác rất nguy hiểm.

– Một lưu ý nữa là chúng ta nên chọn mua thịt bò khô có nguồn gốc xuất xứ, có đóng gói và ghi nhãn được chứng nhận của cơ quan an toàn thực phẩm.

Hy vọng, với một số gợi ý trên đây, các bà nội trợ có thể chọn được đúng loại thịt bò “xịn” để không phải tiền mất tật mang.

Video xem thêm: Những thực phẩm chứa chất ung thư, độc gấp 70 lần thạch tín!

videoinfo__video3.dkn.tv||701472adf__