Bất chấp phản đối đến từ số đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cho rằng hai công ty Trung Quốc là mối đe dọa lớn tới an ninh quốc gia.

Trước khi có quyết định được xem là cuối cùng này, sự việc diễn ra khá giằng co. Ban đầu ông Trump đã áp lệnh cấm thương mại lên ZTE, như muốn đuổi công ty này về Trung Quốc. Sau đó, Nhà Trắng lại muốn thỏa hiệp và tìm kiếm một giải pháp nhẹ tay hơn. Một cuộc bỏ phiếu đã được tổ chức vào tháng Sáu và kết quả là lệnh cấm thương mại áp lên ZTE đã bị thu hồi.

Sau gần 2 tháng, ông Trump lại tiếp tục ký thêm một lệnh mới cấm các thành viên làm việc trong Chính phủ Phủ và các cơ quan nhà nước sử dụng công nghệ của ZTE và lần này có thêm một cái tên nữa là Huawei. Ông Trump vẫn giữ nguyên lập trường của mình, nếu không đuổi các công ty công nghệ Trung Quốc ra khỏi nước Mỹ thì cũng phải làm điều gì đó để khiến sự hiện diện của họ ở Mỹ không làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Lệnh cấm ông Trump vừa ký sẽ có hiệu lực trong vòng 2 năm kể từ bây giờ.

Về phía Huawei, công ty vẫn chưa có động thái gì chống lại lệnh cấm này. Mặc dù Huawei là một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới và mảng kinh doanh điện thoại của họ đang đứng thứ 2 toàn cầu nhưng từ xưa đến nay Huawei vẫn không được phép bán điện thoại đường đường chính chính ở thị trường Mỹ.

Lệnh cấm vừa ban hành tuy không hoàn toàn đẩy Huawei và ZTE ra khỏi đất Mỹ, nhưng nó sẽ có tác động rất lớn tới các công ty tư nhân đang kết hợp với chính phủ, buộc họ phải quay sang tìm các nhà cung cấp thiết bị công nghệ khác không phải từ Trung Quốc.

T.Vũ

Từ Khóa: