Kế hoạch phát triển kinh tế dựa với công nghệ làm cốt lõi của chính phủ Ảrập Xêút nhiều khả năng sẽ không thể hoàn thành, theo CNN.

Một năm trước, cùng với hơn 3.500 lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức chính phủ, Thái tử Mohammed bin Salman tuyên bố rằng Ảrập Xêút sẽ mở cửa cho kinh doanh.

Vương quốc dầu mỏ công bố kế hoạch xây dựng một siêu đô thị trị giá 500 tỷ USD. Thái tử Bin Salman hứa với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu và nhà đầu tư nước ngoài rằng Ảrập Xêút đang hướng đến con đường hòa nhập với phần còn lại của thế giới.

Nhiều người đã bị thuyết phục vào thời điểm chính phủ Ảrập Xêút cam kết tạo một môi trường kinh doanh “minh bạch, an toàn và ổn định”.

Giờ đây, các doanh nghiệp và giới CEO đang tách mình khỏi Ảrập Xêút vì sự biến mất của một nhà báo có tên Jamal Khashoggi, theo đó đe dọa đến khoản vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ nhằm phục vụ cho việc thay đổi nền kinh tế đang phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng họ có bằng chứng cho thấy nhà báo Jamal Khashoggi – một người Mỹ làm việc cho tờ báo Washington Post, đã bị ám sát bên trong lãnh sự quán Ảrập Xêút ở Istanbul vào đầu tháng này. Tuy nhiên, Ảrập Xê út đã bác bỏ cáo buộc này.

vu mot nha bao mat tich de doa giac mo kinh te cua arap xeut
Phát triển du lịch dọc bờ Biển Đỏ là cốt lõi “Tầm nhìn kinh tế 2030” của Ảrập Xêút. (Ảnh: CNN)

Việc bỗng dưng biến mất không lời giải thích của Jamal Khashoggi đã khiến một số đối tác kinh doanh lớn của Ảrập Xêút chấm dứt quan hệ với các công trình trung tâm nằm trong bản kế hoạch xây dựng một nền kinh tế hiện đại với công nghệ làm cốt lõi.

Tỷ phú người Anh Richard Branson đã rút vốn đầu tư khỏi hai dự án phát triển du lịch Biển Đỏ và ngừng các cuộc đàm phán với chính phủ Ảrập Xêút về khoản rót vốn 1 tỷ USD vào công ty vũ trụ của ông.

“Tôi đã từng đặt nhiều hy vọng cho chính phủ hiện tại…và vị lãnh đạo của đất nước là Thái tử Mohammed bin Salman. Nếu những gì Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là đúng, chắc chắn sẽ khiến phương Tây phải cân nhắc lại việc hợp tác với chính phủ Ảrập Xêút”, ông Branson nói trong một tuyên bố.

Kế hoạch khai thác 100 dặm bờ biển, đồng thời bảo vệ môi trường của Biển Đỏ là một trong những sáng kiến đầu tiên trong kế hoạch “Tầm nhìn 2030” của Thái tử Bin Salman.

Dự án lớn thứ 2 là xây dựng một siêu thành phố không khí thải (NEOM) cũng đang gặp rắc rối.

Giám đốc điều hành Dan Doctoroff của hãng Alphabet cho biết họ sẽ không tiếp tục làm việc với NEOM cho dù đang được liệt kê là thành viên trong ban cố vấn của dư án.

Dự án NEOM được công bố tại một hội thảo tại Riyadh vào năm 2017, mệnh danh là “Davos (Diễn đàn Kinh tế Thế giới) của Vùng sa mạc”. Nhưng sau đó, lòng tin của giới đầu tư dần dần bị lay chuyển.

Chỉ vài ngày sau hội nghị, chính quyền Ảrập Xêút đã bắt giữ hàng tá hoàng gia, quan chức và doanh nhân nổi tiếng – kể cả nhà đầu tư tỷ phú Prince Alwaleed bin Talal, với cáo buộc họ tham nhũng. Nhiều người bị giam giữ tại khách sạn Ritz-Carlton của Riyadh và được thả ra khi đồng ý giao tiền mặt, bất động sản và nhiều tài sản khác trị giá hơn 100 tỷ USD.

Giới đầu tư đã bắt đầu thất vọng. Kế hoạch IPO bom tấn của công ty dầu mỏ quốc gia đã bị hoãn vô thời hạn.

Khi nhà báo Khashoggi biến mất không lời giải thích, giới đầu tư quốc tế lại càng hoang mang hơn.

Chuyên gia nghiên cứu Neil Quilliam tại viện Chatham House cho rằng: “Đây là nguyên nhân gây tranh cãi. Không ai cho rằng kế hoạch “Tầm nhìn 2030” sẽ hoàn toàn thành công. Lúc đầu, tỷ lệ thành công có thể là 50%, nhưng điều đó hiện nay đã thực sự chạm đáy”.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)