Hơn 500 triệu USD là số ngoại tệ mà Việt Nam đã chi để nhập khẩu sữa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa trong 6 tháng đầu năm 2018.  

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 502 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Con số trên đồng nghĩa với việc người Việt đã chi 11,6 nghìn tỷ đồng để mua sữa ngoại trong nửa đầu năm 2018.

Năm ngoái, tổng kim ngạch nhập khẩu sữa của Việt Nam đạt 868 triệu USD, trong đó các thị trường nhập khẩu chính là New Zealand, Singapore, Đức, Mỹ và Thái Lan.

Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường New Zealand đạt 232,8 triệu USD, chiếm tới 26,9%. Kế đến là Singapore và Mỹ với kim ngạch nhập khẩu lần lượt là 122,4 triệu USD và 67,8 triệu USD.

Trong năm 2017, Việt Nam nhập khẩu khoảng 223,2 nghìn tấn sữa bột, gấp 1,73 lần sản lượng sữa bột sản xuất trong nước (127,4 nghìn tấn). Cũng trong năm đó, Việt Nam sản xuất được hơn 1.300 lít sữa tươi, tăng 6,6% so với năm 2016. Doanh thu ngành sữa cũng tăng 10,5% so với năm 2016, đạt mức 4,4 tỷ USD.

Thị trường sữa tại Việt Nam hiện đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt với sự góp mặt của hơn 300 thương hiệu.

Trong những năm tới, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu của các thị trường nhập khẩu sữa chính dần giảm về 0% thì sức ép của các hãng sữa ngoại lên các doanh nghiệp nội địa ngày càng lớn.

Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, mỗi người dân Việt Nam được dự kiến sẽ tiêu thụ trung bình khoảng 28 lít sữa vào năm 2020, cao hơn so với mức 26 lít của năm 2017.

Vinamilk hiện vẫn là công ty sữa hàng đầu tại Việt Nam với hơn 50% thị phần trong ngành sữa, đứng đầu ở tất cả các ngành hàng như sữa tươi, sữa bột, sữa chua và sữa đặc.

Kiều Ngọc