Gần 1.000 khách quốc tế đã đến dự Hội nghị hạt điều quốc tế lần thứ 9 do Việt Nam tổ chức  để tìm hiểu và ký kết hợp tác với ngành điều Việt Nam. Nhu cầu người tiêu dùng thế giới không chỉ tăng mà họ chấp nhận trả nhiều tiền hơn để ăn hạt điều.

Hội nghị tổ chức tại Phú Quốc từ 13 – 15/11 với số người đăng ký ban đầu là khoảng 400 đại biểu đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng ngày khai mạc đã thu hút hàng nghìn khách quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài, theo Báo NDH.

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), sự tăng trưởng ấn tượng của ngành điều trong năm 2017 chính là nguyên nhân thu hút các đối tác trên thế giới.

Năm 2017, xuất khẩu nhân điều tăng cả số lượng và trị giá so với năm 2016. Cụ thể, 10 tháng đầu năm ngành điều trong nước đạt 294.000 tấn và 2,9 tỷ USD, tăng 0,4% về số lượng và tăng 25,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2016.

Giá điều nhân Việt Nam xuất khẩu trong năm 2017 tăng mạnh 25-26% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Trung tâm Công nghiệp và Thương mại.

Hiện tại ngành điều Việt Nam tiếp tục giữ vị trí hàng đầu thế giới khi chiếm 50% lượng điều thô chế biến và trên 60% điều nhân xuất khẩu toàn cầu. Do đó, mục tiêu giữ ngôi đầu thế giới về xuất khẩu điều của Việt Nam 12 năm liên tiếp hoàn toàn có khả năng.

Ông Thanh cho rằng, lợi thế của ngành điều Việt Nam là làm chủ được công nghệ chế biến từ hạt điều thô đến nhân điều thành phẩm, thậm chí làm được nhiều sản phẩm chế biến sâu có giá trị. Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã có đoàn thanh tra về chất lượng hạt điều Việt Nam, kết quả 100% nhà máy đạt chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, theo Báo Dân Việt.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu, cần phải có trách nhiệm đồng hành cùng nông dân giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu thất thường mùa vụ tới, đồng hành hỗ trợ kỹ thuật từng bước tiến tới tái canh, thâm canh nâng cao năng suất và ổn định vị thế của ngành điều trong nước.

H.Mai (Tổng hợp)