Việt Nam đã xuất khẩu thêm được 372 triệu đô la sầu riêng trong tháng 6, đưa tổng giá trị sầu riêng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay lên 876 triệu đô la, theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, VOA đưa tin.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái với tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng là trên 44 triệu đô la thì con số năm nay tăng gấp gần 20 lần. Với đà này, sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam được dự đoán sẽ dễ dàng cán mốc 1 tỷ đô la chỉ trong vòng 1-2 tháng nữa.

Như vậy, chỉ mới năm đầu tiên Trung Quốc mở cửa cho phép nhập chính ngạch, trái sầu riêng Việt Nam đã có bước tiến ngoạn mục, vươn lên trở thành loại cây trái xuất khẩu hàng đầu.

Trong số 876 triệu đô la xuất khẩu sầu riêng, chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm 835 triệu, tức chiếm 95%, cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan. Điều này cho thấy sầu riêng Việt Nam lệ thuộc gần như tuyệt đối vào thị trường Trung Quốc.

Ở Việt Nam, sầu riêng có ba vùng trồng lớn là các tỉnh miền Tây, các tỉnh miền Đông và các tỉnh Tây Nguyên. Sau khi sầu riêng miền Tây vào mùa thu hoạch rộ vào tháng 5, 6 thì sẽ tới lượt các tỉnh Tây Nguyên thu hoạch vào tháng 8.

Số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, được VnExpress dẫn lại cho thấy năm nay Việt Nam ước tính đạt khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, tức tăng gần 16% so với năm ngoái và dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng một nửa trong số đó. Tổng kim ngạch cho năm 2023 được ước tính sẽ đạt 1,5 tỷ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, con số này vẫn khiêm tốn so với nước láng giềng Thái Lan, vốn dẫn đầu xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc trong năm 2022 với sản lượng hơn 800.000 tấn đạt giá trị 3,5 tỷ đô la, theo số liệu của giới chức xuất khẩu nước này.

Sầu riêng Việt Nam có lợi thế là thời gian vận chuyển sang Trung Quốc ngắn hơn Thái Lan. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc khai trương tuyến đường sắt tốc độ cao Viêng Chăn-Côn Minh, sầu riêng Thái Lan đã có con đường vận chuyển nhanh hơn vào thị trường Trung Quốc.

Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam đã tăng gần gấp ba lần trong vòng 5 năm, từ 37.000 ha vào năm 2017 tăng lên 110.300 ha vào năm 2022.

Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu sầu riêng tăng vọt thì một loại trái cây khác từng giữ vị trí quán quân xuất khẩu của Việt Nam là thanh long lại giảm mạnh trong bối cảnh Trung Quốc đã tự trồng được cây thanh long. Từ kim ngạch trên một tỷ đô la vào năm 2021, xuất khẩu thanh long chỉ còn 633 triệu đô la vào năm 2022.