Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, Việt Nam là quốc gia cung cấp tôm lớn nhất cho Hàn Quốc với thị phần 6 tháng đầu năm 2018 đạt 54,2%.  

Người lao động ngày 3/8 dẫn báo cáo của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc nhập khẩu 35.600 tấn tôm các loại với tổng trị giá 307,5 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng 16,9% về lượng và tăng 18,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý, Việt Nam chiếm thị phần tôm lớn nhất ở Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2018 với 54,2%, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 6 tháng, Hàn Quốc tăng nhập khẩu tôm từ thị trường Việt Nam và Ecuador, trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay đạt 1,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Tốc độ tăng trưởng chững lại trong 6 tháng đầu năm nay do xuất khẩu sang các thị trường chính sụt giảm, như Nhật Bản giảm 11,2% và Trung Quốc giảm 13,2%.

Xuất khẩu sang thị trường EU khá ổn định với tốc độ tăng trưởng tốt 38% và đây là động lực chính giữ đà tăng trưởng xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm nay.

Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc và Australia vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng lần lượt khoảng 24% và 16%.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang Mỹ nửa đầu năm nay lại giảm 7,5% đạt 255,7 triệu USD. Thuế chống bán phá giá tăng cao được cho là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm.

Bên cạnh đó, cuối tháng 4/2018, tôm chính thức được Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đưa vào Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu Mỹ (SIMP). Theo đó, đến ngày 31/12/2018, các nhà xuất khẩu tôm phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chương trình SIMP.

Mặc dù vậy, tôm Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trên thị trường này vì kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ mới chiếm 10%/năm (khoảng 60.000 tấn), trong khi năng lực xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt tới 150.000 tấn. Đặc biệt, căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam tăng xuất khẩu sang nền kinh tế số 1 thế giới.

VASEP dự báo xuất khẩu tôm sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm vì nhu cầu trên thị trường đang tăng trở lại, giá tôm nguyên liệu trong nước cũng đang bình ổn và có xu hướng tăng.

Giá tôm được dự báo tăng trong khoảng tháng 9 và 10 năm nay. Sản lượng tôm nước lợ năm 2018 ước đạt 720.000 tấn (tăng 13,1% so với năm 2017) gồm sản lượng tôm sú 290.000 tấn (tăng 4,7%) và sản lượng tôm chân trắng 430.000 tấn (tăng 0,7%).

Vỹ An