Sinh mệnh rõ ràng có sự biến hóa khác nhau, đến từ bản chất. Cổ đại có một số gia đình quyền quý xem thường con rể nghèo, cuối cùng một ngày họ phát tài. 

Sinh mệnh luôn có sự biến hóa, đến từ bản chất. Cổ đại có một số gia đình quyền quý xem thường con rể nghèo, cuối cùng có ngày họ phát tích.

1. Vi Cao bị nhạc phụ coi thường

Trương Diên Thưởng, tể tướng nhà Đường, con trai của thượng thư lệnh Trương Gia Trinh, trong nhà mấy thế hệ đều làm quan lớn, đảm nhận trọng trách trong triều. Lúc đầu ông tuyển chọn con rể, mỗi lần tiệc mời tân khách, đều lưu tâm tìm kiếm con rể tương lai nhưng trước sau vẫn chưa có người ưng ý. Vợ ông, Miêu thị, là con gái tể tướng Miêu Tấn Khanh, gia thế nhiều đời hiển hách. Miêu phu nhân từ nhỏ đã đọc sách xem tướng, có bản lĩnh nhìn người, có thể thông qua diện tướng mà xem xét vận số tốt xấu của người ta.

Miêu phu nhân nhìn thấy tú tài Vi Cao (tự Thành Vũ, người Kinh Triệu, Vạn Niên), liền bảo: “Người này diện tướng năm ngọn núi chầu, bốn lạch nước tương liên, lông mày ẩn màu sắc, mắt có chân quang, mũi thẳng, tai dày, miệng vuông, giọng nói âm hưởng sáng, tay dài chân ngắn, đây đều là những dấu hiệu phú quý. Người này tương lai có thu hoạch, không ai có thể so bì với chàng ta.”

Nhưng không quá hai ba năm sau, do Vi Cao tính cách hào sảng, khoát đạt, không gò bó tiểu tiết, Trương Diên Thưởng dần cảm thấy hối hận, sau phát triển đến mức không thèm đoái hoài gì đến chàng rể nữa. Nữ tì, nô bộc của cả nhà cũng dần dần đối xử khinh mạn bất kính với chàng rể, chỉ có mẹ con Miêu thị vẫn luôn đối đãi rất tốt với chàng. Đối với việc trong nhà nhiều người kinh thị Vi Cao, Miêu thị đương nhiên không vui, nhưng cũng không có biện pháp nào có thể xoay chuyển ý kiến của mọi người. 

Vi Cao vì thế mà cáo từ gia đình vợ, tiến hướng đông mưu sinh. Vợ chàng đưa chàng toàn bộ số tiền hồi môn, Trương Diên Thưởng cũng muốn con rể ra ngoài tự tìm đường lập nghiệp, nên đã đưa cho chàng bảy gói tài vật. Sau khi Vi Cao ra khỏi nhà, mỗi khi đi đến trạm bưu dịch, chàng để lại một gói đồ gửi trạm bưu dịch đưa về nhà. Bằng cách này, Vi Cao sau khi đi qua bảy trạm bưu dịch, đã trả lại toàn bộ những tài vật mà Trương gia đã đưa chàng, chỉ giữ lại số tiền hồi môn của vợ và một túi thư tịch. Trương Diên Thưởng không hiểu dụng ý của Vi Cao.

Vi Cao ban đầu làm thị ngự sử trong cung, toàn quyền quản lý việc hậu cần của hành doanh Lũng Châu. Đương thời Kính Nguyên tiết độ sứ Diêu Lệnh tạo phản, ủng hộ lập Chu Thử, Vi Cao do đó liên tục cự tuyệt mệnh lệnh ngụy của Chu Thử, còn trảm đầu sứ giả của Chu, sau này được Đường Đức Tông phong làm phụng nghĩa quân tiết độ sứ. Năm Trinh Nguyên thứ 5, Vi Cao thay thế chức vụ của nhạc phụ Trương Diên Thưởng, làm tiết độ sứ Kiếm Nam Tây Xuyên. Lúc này Vi Cao đã thay đổi danh tính của mình, đổi Vi thành Hàn, đổi Cao thành Ngao, vì không muốn tiết lộ thân phận của mình.

Khi Vi Cao đi đến trạm bưu dịch Thiên Hồi, chỉ cách phủ thành 30 dặm, lúc này, có người đặc ý báo với Trương Diên Thưởng: “Người thay thế tướng công không phải là Hàn Ngao, mà là tướng quân Vi Cao Kim Ngô vệ.” Miêu phu nhân nói: “Nếu là Vi Cao, nhất định chính là Vi lang (con rể họ Vi).” Trương Diên Thưởng cười nói: “Thiên hạ nhiều người cùng tên cùng họ, Vi lang e là sớm đã chết sau khi bị ném vào khe núi, làm sao có thể thay thế chức vị của ta chứ? Lời phụ nữ làm sao tin được.”

Miêu phu nhân lại nói: “Vi lang trước kia tuy bần hàn, nhưng khí chất khẳng khái hào sảng, mỗi lần nói chuyện với tướng công, chưa bao giờ nói lời dễ dãi nịnh nọt, vì thế mà bị tướng công quở trách. Nhưng để sáng công lập nghiệp, nhất định phải là loại người như thế.”

Đợi đến sáng sớm hôm sau, Vi Cao tiến vào Châu thành, mới biết lời Miêu phụ nhân nói không sai. Trương Diên Thưởng vô cùng lúng túng, không dám ngẩng đầu nhìn Vi lang, rồi nói: “Ta quả không biết nhìn người”, rồi lủi thủi rời khỏi cổng thành phía Tây.

Miêu phu nhân không phụ Vi Cao, thật là phu nhân hiền lương. Vi Cao hầu hạ nhạc mẫu còn hơn cả khi chưa làm quan, chuyện này truyền ra khắp nơi, nhất thời khiến những phú gia không còn dám khinh thường những chàng rể xuất thân nghèo hèn nữa.

Trong thời gian Vi Cao quản lý Vân Nam, các dân tộc thiểu số ở đất Thục lần lượt được ông thần phục quy về triều đình, triều đình phong ông làm Nam Khang quận vương, ông trở thành quan lớn nơi biên ải. Sau đó, hoàng đế Thuận Tông phong cho ông chức thái ủy kiểm giáo; sau khi ông chết, lại được phong tước hiệu thái sư, phong thụy là Trung Vũ. (trong “Vân Khê hữu nghị”)

Đương sơ, khi Vi Cao mới sinh được đầy tháng, người nhà đã mời tăng nhân đến làm trai sự, cầu phú quý trường sinh cho đứa trẻ. Lúc này, một vị tăng họ Hồ tướng mạo kỳ quái không mời mà đến, đám trẻ con nhà họ Vi rất tức khí, liền bố trí cho Hồ tăng ngồi trên chiếc chiếu rơm cũ nát trong vườn. Sau bữa ăn, cha mẹ Vi thị ra lệnh cho bảo mẫu bế em bé ra ngoài, thỉnh các tăng chúc thọ. Lúc này, vị tăng họ Hồ đột nhiên đứng dậy trên chiếc chiếu rơm, nói với đứa trẻ: “Xa lâu rồi có khỏe không?” Đứa bé trong bọc quấn tã lại cười toe toét với Hồ tăng, người nhà Vi thị vô cùng kinh ngạc, truy vấn Hồ tăng, nói: “Đứa trẻ này mới sinh đầy tháng, sư phụ làm sao lại nói xa lâu rồi đây?” 

Hồ tăng nói: “Việc này thí chủ cũng không biết.” Ngụy gia càng kỳ quái, nhất định muốn hỏi cho rõ. Lúc này, Hồ tăng nói: “Đứa trẻ này là hậu thân của Gia Cát Vũ Hầu (tôn xưng của Gia Cát Lượng). Gia Cát Lượng là thừa tướng của nhà Thục Hán trong Tam Quốc vào cuối thời Đông Hán, người Thục từ lâu đã sủng ái ân huệ của ngài ấy, hôm nay giáng sinh tại gia đình này, sau này lại làm thống soái đất Thục, được nhận chúc phúc của người Thục. Cuối thời Đông Hán ta từng ở Kiếm Nam, rất thân thiết với ngài ấy, hôm nay biết ngài ấy giáng sinh tại gia đình này, do đó vội vã đường xa tìm đến gặp.”

Nhà họ Vi vô cùng kinh ngạc trước những gì Hồ tăng nói, vì vậy họ đã lấy từ “Thành Vũ” làm tự hiệu của Vi Cao. Sau này, Vi Cao từ thị vệ của đại tướng Kim Ngộ được thăng lên tiết độ sứ Kiếm Nam Tây Xuyên, rồi lại được thăng thái úy kiêm trung thư lệnh, vào năm Thục thứ mười tám, quả nhiên ứng nghiệm lời của Hồ tăng. (từ “Tuyên Thất Chí”)

2. Trương Dĩ Thành bị mẹ vợ xem thường

Sinh mệnh đương nhiên biến hóa khác nhau, đến từ bản chất. (Được cung cấp bởi Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Loan)

Vào thời nhà Minh, có một người đàn ông họ Từ ở phủ Tùng Giang, tên là Kế Trai, nhờ vào ân đức của tổ tiên, trở thành quan viên của tỉnh Trung Thư. Trong gia đình ông có một cô con gái mà hai vợ chồng ông đặc biệt yêu chiều, không muốn dễ dàng gả cho người khác. Trong huyện có rất nhiều bà mối liên tục đến gặng hỏi, nhưng Từ Kế Trai luôn phải xem xét kỹ lưỡng bối cảnh gia đình và phẩm đức của đối phương, tra đi tra lại cũng không có người trúng ý, cô nương nháy mắt đã 17 tuổi, mà vẫn chưa tìm được một người chồng tốt.

Một ngày nọ, một bộc nhân của Từ gia vì không đòi được nợ, đã bắt một thanh niên về thế chấp. Ông Từ nhìn thấy tướng mạo thanh tú của anh chàng, mừng thầm trong tâm, bèn hỏi về tên họ và gia thế. Chàng thanh niên nói họ Trương, danh Dĩ Thành. Tổ tiên cũng từng làm quan nhưng sau này gia đạo suy lạc, dần dần nghèo khốn. Hỏi chàng có biết viết văn chương không, Trương Dĩ Thành nói được. Theo đó Từ Kế Trai liền đưa ra một đề tài, bảo chàng trai ngồi đó viết. Trương Dĩ Thành cầm bút, rất nhanh đã viết xong, mà văn lý thông suốt, tài khí bất phàm, thư pháp cũng không tầm thường. Từ Kế Trai càng nhìn càng ưng, không còn đề cập đến chuyện nợ nần nữa, mà mời chàng trai ở lại uống rượu. Sau đó còn hứa gả ái nữ cho chàng thư sinh.

Trương Dĩ Thành đương nhiên vui mừng khôn xiết, cảm tạ Từ Kế Trai, ngay lập tức về nhà nói với cha mẹ chọn ngày lành tháng tốt cử hành nghi thức đính hôn. Sau đó, khi Trương Dĩ Thành mấy lần thi tú tài đều không trúng, mẹ vợ chàng liền hối hận, lúc lúc lại thốt lời oán thán, cho rằng chàng rể không có tiền đồ. Từ Kế Trai liền nói: “Phu nhân đừng lo! Đứa trẻ này lẽ nào có thể là người sống dưới trướng người ta sao? Nếu tôi nhìn người không chuẩn, tương lai tôi sẽ chỉ chia điền sản cho con trai là được.” Nhưng nhạc mẫu vẫn mãi không khỏi lo lắng. 

Kết quả, đúng như Từ Kế Trai dự đoán, Trương Dĩ Thành khóa sau đỗ tú tài, năm Vạn Lịch Canh Tí (1600) thi trúng cử nhân, năm sau Tân Sửu (1601) trúng trạng nguyên đứng đầu thiên hạ. (từ “Kinh Lâm Tục ký”)

3. Triệu Tông bị cha mẹ vợ và các thành viên trong gia đình coi thường

Nhạc phụ của Triệu là đại tướng ở Chung Lăng (nay là huyện Nam Xương, tỉnh Giang Tây), Triệu Tông vì nhiều lần tiến kinh ứng thí bất đạt, càng ngày càng quẫn bách cùng khốn, những người nhà vợ càng khinh thị ông, khiến cha mẹ vợ cũng không tránh khỏi đối đãi với chàng rể như vậy.

Một ngày nọ, trong quân cử hành thịnh hội, được gọi là lễ hội tác xuân ở địa phương, mọi người trong gia đình đại tướng đều dựng lều để xem. Vợ Triệu Tông tuy khốn cùng cũng không thể không đi. Nhưng bộ y phục nàng mặc vừa cũ vừa rách, mọi người dùng màn trướng để ngăn cách nàng. Khi thịnh hội đang náo nhiệt, quan giám sát đột nhiên phái một tiểu lại cưỡi ngựa đến gọi đại tướng, đại tướng có chút kinh hãi, khi đến chỗ quan giám sát, quan giám sát đứng ở trước cổng, tay cầm một phong thư, cười nói: “Triệu Tông không phải là con rể của ngài mà!” Đại tướng nói: “Là con rể tôi.” Rồi quan giám sát nói với ông: “Vừa mới có thông tri tới, Triệu Tông đã thi đậu.” Liền đưa phong bì trong tay cho ông, nguyên lai đó là danh sách trúng bảng. Đại tướng vội vã trở về với phong thư trong tay, hét lên: “Triệu lang đã thi trúng!” Người nhà của vợ chàng Triệu lập tức dỡ bỏ màn trướng, kéo nàng ngồi cùng, tranh nhau tặng nàng đồ trang sức và y phục mới, bày tỏ chúc mừng. (từ “Ngọc Tuyền Tử”).

Thái Nguyên chỉnh lý, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch