Hơn một tuần sau khi cưu mang cô gái dân tộc mang nhiều vết thương, ông Sơn xem báo mới biết đó là Y Nhiêu – nạn nhân vụ tra tấn dã man ở Gia Lai. Nhắc lại câu chuyện trong đêm mưa tầm tã, khi Y Nhiêu đang lúc khốn cùng đến nhờ giúp, ông Sơn vẫn nghẹn ngào.

Trong những câu chuyện kể về hành trình trốn chạy khỏi “trại tra tấn”, Y Nhiêu thường nhắc tới một người đàn ông đã giúp đỡ cô trong cảnh khốn cùng. Người đó là ông Cao Văn Sơn (70 tuổi, ở tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku, Gia Lai).

Chia sẻ trên Zing, ông Sơn cho biết, chiều 11/7, ông nghe thấy tiếng người dân ồn ào ở đầu con hẻm nên sai người con trai út tên Tuyền ra xem có chuyện gì. 15 phút sau, Tuyền đưa về nhà một cô gái với rất nhiều vết thương trên cơ thể, mặt mũi…

“Con bé rách tả tơi, người không ra người ma không ra ma. Áo thì rách hết nửa lưng, cái quần cũng bị xé toạc. Mặt mày sưng húp, tay chân cũng không lành lặn”, ông Sơn tả lại.

Sau một hồi hỏi han, Y Nhiêu chỉ nói là bị chồng đánh và đã nhịn đói 3 ngày. Ông Sơn bảo con dâu mang quần áo cho chị Nhiêu thay và dọn cơm mời người phụ nữ khốn khổ này.

“Con đói thì cứ ăn cơm nhưng con ăn từng chén một. Lát nữa rồi con ăn tiếp, chứ ăn một lúc là bội thực. Nhà ông có mắm muối thôi nhưng cũng ăn tạm được”, ông Sơn thuật lại.

Bữa cơm thấm đẫm tình người cho cô gái trốn khỏi "trại tra tấn" ở Gia Lai
Ông Sơn mong pháp luật sẽ xử lý nghiêm những người đã hành hạ Y Nhiêu. (Ảnh: Zing)

Khi ăn xong bữa cơm, Y Nhiêu tựa lưng xuống giường nhưng vẫn trong trạng thái sợ sệt, lo lắng. Được chủ nhà mời lên giường nghỉ, nhưng Nhiêu chỉ nằm co ro ở một góc phòng vì lo sợ có người đến bắt.

“Không đứa nào dám lại nhà ông bắt con đâu, con cứ yên tâm nghỉ”, ông Sơn trấn an cô gái.

Đến giữa đêm, sợ liên lụy đến gia đình ông Sơn, Y Nhiêu lấy cớ đến nhà bạn ở nhờ. Khuyên nhủ không được, ông đành đưa cho cô này ít tiền để phòng thân.

Vài ngày trước khi thấy báo đài đưa tin, ông Sơn mới biết người mình từng giúp đỡ là nạn nhân trong vụ tra tấn.

Ông Sơn xúc động nói: “Nó được bình an là tốt rồi. Bây giờ, tôi chỉ mong pháp luật thẳng tay trừng trị bọn ác nhân, đòi lại công bằng cho con bé”.

Bữa cơm thấm đẫm tình người cho cô gái trốn khỏi "trại tra tấn" ở Gia Lai
Y Nhiêu vẫn đang được điều trị tại bệnh viện huyện Đăk Glei, Kon Tum. (Ảnh: Zing)

Infonet đưa tin, gia đình Y Nhiêu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố tâm thần, mẹ già yếu, nhà chỉ có mấy sào ruộng để canh tác. Nhà có 6 anh em đều bỏ học giữa chừng, mỗi người đi làm thuê mỗi nơi để lo tiền thuốc cho bố, đỡ đần cho mẹ.

Bữa cơm thấm đẫm tình người cho cô gái trốn khỏi "trại tra tấn" ở Gia Lai
Ngôi nhà tồi tàn của gia đình Y Nhiêu. (Ảnh: Infonet)

Căn nhà nằm trên quả đồi, chỉ vài chục mét vuông, bên trong chẳng có lấy một vật dụng gì đáng tiền. Phía sau là căn bếp lụp xụp, xung quanh che đậy bằng tre nứa, mọi vật đen ngòm vì khói.

Bữa cơm thấm đẫm tình người cho cô gái trốn khỏi "trại tra tấn" ở Gia Lai
Khu vực bếp của gia đình Y Nhiêu lạnh ngắt. (Ảnh: Infonet)

Tháng 3/2017, Y Nhiêu từ Kon Tum xuống Gia Lai làm thuê cho Nguyễn Thị Hà (39 tuổi, phường Thống Nhất, TP. Pleiku). Tháng 5/2018, Hà bắt đầu hành hung và tra tấn Nhiêu bằng búa, kìm bẻ răng, ủi bàn là nóng lên người, dùng dao lam rạch mặt.

Bữa cơm thấm đẫm tình người cho cô gái trốn khỏi "trại tra tấn" ở Gia Lai
Nguyễn Thị Hà tại trung tâm cai nghiện và phủ nhận việc đánh đập Y Nhiêu. (Ảnh: Vietnamnet)

Hà còn đánh Y Nhiêu sẩy thai khi chị đang mang bầu được 5 tháng. Không chỉ một mình hành hạ người giúp việc, Hà còn gọi thêm bạn tham gia bạo hành. Căn nhà của Hà ngập trong bạo lực, hút hít – nơi đây đã thành “trại tra tấn” với Nhiêu.

Sau khi trốn thoát và chui vào ống cống, Y Nhiêu được người dân phát hiện vào chiều 11/7 và báo công an. Hà cũng bị tạm giữ. Trong diễn biến mới, chiều 23/7, công an đã dẫn giải Hà về nơi tạm trú để thực nghiệm hiện trường.

Vũ Loan