Tử Cấm Thành là công trình kiến trúc vĩ đại, huyền bí vẫn đang trường tồn cùng trời đất sau 6 thế kỷ gió sương. Quần thể kiến trúc có 9.999 căn phòng này hẳn sẽ chứa đựng từng đó những điều bí ẩn đang ẩn giấu, chờ bạn khám phá. 

Những con số 9 thần bí

Khi tới thăm Tử Cấm Thành, bạn sẽ bắt gặp con số 9 và bội số của 9 ở hầu như khắp mọi nơi. Trên mái của các tòa điện luôn có 9 linh thú đứng canh giữ để trấn áp mọi ma quỷ, trên bức tường ngăn giữa nội cung và tiền triều có 9 cặp rồng, trên các cánh cửa cũng được trang trí bằng 9×9 đinh sắt đầu tròn. Tiến vào những gian điện chính, trên ngai vàng, có 9 con rồng được chạm khắc tinh tế, trải dọc triều dài của chính điện cũng là những hàng 9 cột chống khổng lồ. Hơn thế nữa, theo truyền thuyết, Tử Cấm Thành có 9.999 căn phòng.

Tử Cấm Thành toàn cảnh (Ảnh dẫn qua: chinealacarte.com)

Các nhà nghiên cứu lịch sử cho biết, không có bất cứ điều gì trong quần thể kiến trúc này được tạo nên một cách ngẫu nhiên, sự ngẫu hứng hầu như không tồn tại. Tử Cấm Thành được thiết kế và xây dựng dựa trên những triết lý vô cùng sâu sắc trong văn hóa Trung Hoa truyền thống. Và con số 9 là một ví dụ điển hình.

9 linh thú trên các mái (Ảnh dẫn qua: merveilles-du-monde)
Trên các cánh cổng đều có 9×9 núm đinh tròn (Ảnh dẫn qua: wikipedia)

Theo quan niệm truyền thống, 9 là con số dành cho các vị Đế vương. Dù là người ở vị trí cao nhất trong thiên hạ, nhà vua vẫn là Thiên Tử, con của Trời. Số 9 vừa khớp để thể hiện vị thế tối cao của người đứng đầu đất nước, nhưng cũng vừa đủ tôn nghiêm để thể hiện sự tôn kính tuyệt đối đối với Trời.

Màu sắc không hề là ngẫu nhiên

Màu sắc chủ đạo của Tử Cấm Thành đều mang ý nghĩa biểu trưng (Ảnh dẫn qua: travelchinaguide)

Quần thể kiến trúc nổi tiếng này có hai màu chủ đạo, là những lớp tường được sơn đỏ tía và những mái ngói lưu ly vàng óng ả. Chữ “Tử” trong tên “Tử Cấm Thành” (Purple Forbidden City) chính là nói về một trong hai loại màu sắc này. “Tử” ở đây hàm ý chỉ “màu tím”, lấy ý tưởng từ thần thoại về Tử Vi Viên là nơi ở của Trời trên thiên thượng (Tiếng Trung: 紫微垣; bính âm: Zǐwēiyuán). Hoàng đế (hay Thiên Tử) là người thống trị mà Thiên thượng phái xuống nhân gian. Tử Cấm Thành là nơi ở của Hoàng Đế vì thế nên được xây dựng phỏng theo Thiên cung. Màu Tím (tía) vì thế cũng là biểu tượng cho ước vọng trường tồn cùng tuế nguyệt của các bậc Đế vương.

Vàng và tía (Ảnh dẫn qua: livescience)

Màu vàng của các tầng mái cũng mang ý nghĩa biểu trưng lớn. Màu vàng tương ứng với Thổ, là trung tâm của ngũ hành, gốc của vạn vật, cho nên xưa nay màu vàng được xem là màu tôn quý nhất. Màu sắc này chỉ được dùng cho các bậc vua chúa. Người dân nếu cố ý sử dụng nó sẽ bị khép tội chém đầu.

Các tầng mái trong Tử Cấm Thành đều được lát bằng ngói lưu ly vàng. Loại ngói này được sản xuất hoàn toàn thủ công trong hai xưởng sản xuất duy nhất được đặt ngay trong Hoàng Cung. Công thức men tráng và nhiệt độ nung của loại ngói này được lưu truyền bí mật qua các thời đại, chỉ có các thợ cả của hai lò gạch được nắm giữ. Cho đến nay, hai lò nung gạch này vẫn tiếp tục sản xuất để phục vụ cho việc tu sửa Cố Cung (một tên gọi khác của Tử Cấm Thành).

Âm dương giao hòa

Trong triết lý nhân sinh Trung Hoa, “sự cân bằng âm dương” là một trong những yếu tố căn bản để duy trì sự sống ổn định, quân bình. Triết lý này vì thế được thể hiện một cách ý nhị trong rất nhiều chi tiết của Cố Cung.

9 đôi rồng đực – cái (Ảnh dẫn qua: wikiwand)

Nơi ở của Hoàng Đế và Hoàng Hậu là một ví dụ tiêu biểu. Theo thiết kế ban đầu, Hoàng Đế sẽ ở trong cung Càn Thanh, biểu thị cho Trời và yếu tố Dương. Còn Hoàng hậu sẽ ở cung Khôn Ninh, biểu thị cho Đất, yếu tố Âm. Đặt ở giữa hai cung là điện Giao Thái, biểu tượng cho sự hài hòa của các yếu tố Âm – Dương. Quy tắc này được duy trì cho tới triều vua Ung Chính. Khi ấy để tỏ lòng kính trọng với vua Khang Hy, vua đương triều chuyển về điện Dưỡng Tâm, hoàng hậu vì thế cũng rời khỏi cung Khôn Ninh. Cung Càn Thanh từ đó trở thành nơi thiết triều.

Sư tử đực (Ảnh dẫn qua: merveilles-du-monde.com)
Sử tử cái (Ảnh dẫn qua: merveilles-du-monde.com)

Những đôi rồng trên bức tường ngăn cách tiền triều và nội cung đều bao gồm một rồng đực, một rồng cái. Các đôi sư tử đồng được đặt ở cửa các cung, điện đều mang hình tượng một đực, một cái. Sư tử đực giữ trong chân một quả cầu biểu thị cho “quyền lực”. Trong khi đó, sư tử cái giữ trong chân một chú sư tử con, biểu thị cho “sự sống”.

Trường tồn cùng thời gian

Trường tồn cùng tuế nguyệt (Ảnh dẫn qua: britannica)

Sau trận động đất lịch sử năm 1976, chỉ trong 23 giây đã san phẳng Đường Sơn, rất nhiều công trình ở Bắc Kinh, cách tâm chấn 150km đã sụp đổ. Duy chỉ có Tử Cấm Thành không chịu một chút ảnh hưởng. Sửng sốt trước sự vững vàng của công trình kiến trúc lâu đời này, các nhà khoa học đã vào cuộc để tìm ra bí mật tạo nên sự vững chãi đáng kinh ngạc.

Một mô hình có kích thước có tỉ lệ bằng 1/5 Tử Cấm Thành đã được dựng lên. Người ta đã cho mô hình chịu nhận sự rung lắc tương đương với những trận động đất có cấp độ tăng dần. Cố Cung vẫn đứng vững, không sứt mẻ sau mức chấn động tương đương 10,1 độ richter (vượt quá cấp độ của trận động đất lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử nhân loại).

Khi ấy, kỹ thuật xây dựng cổ xưa của người Trung Hoa được áp dụng để xây dựng công trình này chính là lời giải cho tất cả. Để xây dựng nên những cung điện uy nghi của Cố Cung, người Trung Quốc không sử dụng đến một cây đinh nào. Bởi tất cả cột chống và mái được nối kết với nhau bằng loại kỹ thuật đặc biệt của nghề mộc – các đầu củng.

Các đầu củng làm nên điều kì diệu (Ảnh dẫn qua: interestingengineering)

Đầu củng là một bộ các thanh gỗ hình vòm được lắp ghép với nhau để tạo thành một kết cấu có chức năng kết nối các cột chống và mái vòm. Đồng thời, nó cũng đóng vai trò của một bộ giảm sóc có hiệu quả tương tự với thiết bị giảm sóc của ô tô hiện đại. Với các khối gỗ được kết hợp kiên cố, mỗi tầng của đầu củng lại có không gian co giãn lỏng. Sự ma sát và chuyển động của các đầu gỗ bên trong đầu củng có tác dụng triệt tiêu những cú va chạm mạnh do những chấn động mà động đất sinh ra, từ đó giữ nguyên được hình dáng, cấu trúc công trình.

Bên cạnh đó, khi dựng các cột trụ, các công trình sư đã khéo léo tạo ra những khoảng không vừa đủ để những chiếc cột có thể di chuyển khi có rung chấn. Sự không cố định này giúp các cột trụ không bị đứt gãy ở giữa khi có sự cố, khiến cho toàn bộ công trình trở nên rất kiên cố. Các chuyên gia về đồ gỗ của Mỹ đã phải ngả mũ kính phục trước kỹ thuật đậm tính “trong cương có nhu” của người Trung Quốc xưa – kỹ thuật đã mang đến sự dẻo dai và linh hoạt đáng kinh ngạc cho công trình đồ sộ này.

Một cái tên Việt được vinh danh

Rất nhiều người trong chúng ta đã biết tổng công trình sư của Tử Cấm Thành là quan thái giám tài năng người Việt Nguyễn An. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những câu chuyện giã sử giúp chúng ta hình dung rõ nét hơn về vị thế của ông trong công cuộc xây dựng công trình này.

Câu chuyện con dế

Theo những câu chuyện được truyền tụng lại, nhà vua đã từ chối rất nhiều bản thiết kế của Nguyễn An. Minh Thành Tổ đã hạ lệnh cho Nguyễn An thêm một đêm để thiết kế. Sáng hôm sau, nếu không thể làm hài lòng nhà vua, ông sẽ bị chém đầu. Trong đêm đó, sau khi thay đổi rất nhiều mẫu vẽ, Nguyễn An tuyệt vọng.

Kiến trúc của Tử Cấm Thành là sự kết tinh của rất nhiều triết lý sâu sắc của văn hóa truyền thống Trung Hoa. (Ảnh dẫn qua: linternaute)

Như bao người Trung Quốc khác lúc bấy giờ, ông cũng nuôi một chú dễ trong lồng. Biết rằng ngày mai mình sẽ phải chết, ông quyết định sẽ vẽ tặng một chiếc lồng to và đẹp hơn để an ủi chú dế sau khi ông chết. Sáng hôm sau, khi Minh Hoàng Tổ tới, trên bàn làm việc của Nguyễn An chỉ có duy nhất bản vẽ chiếc lồng dế mới. Nhưng chính nó đã cứu ông khỏi họa sát thân, bởi Minh Hoàng Tổ đã bất ngờ ban lời khen tặng cho bản vẽ này.

Cách sắp xếp khoa học của Tổng công trình sư người Việt Nguyễn An

Tử Cấm Thành được xây dựng trong tổng cộng 14 năm. Nhưng trên thực tế, việc xây dựng và hoàn tất toàn bộ công trình chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 3 năm từ 1417 đến 1420. Công việc xây dựng một công trình rộng đến 72.000m2 trong một thời gian ngắn kỷ lục như vậy phải kể đến kỹ thuật đầu củng của Trung Hoa cổ. Tất cả các chi tiết đều được hoàn thành riêng rẽ, sau đó mới được lắp ghép vào tổng thể.

Các chi tiết đều được chế tạo riêng rẽ, rồi lắp ráp vào tổng thể (Ảnh dẫn qua: advantour)

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính sự sắp xếp công việc một cách thông minh và có tổ chức của tổng công trình sư Nguyễn An cũng góp một phần rất lớn vào thành công đó. 11 năm trước khi tiến hành xây dựng, Nguyễn An dành để tập hợp và chuẩn bị tất cả các nguyên liệu cần thiết cho công trình. Các nguyên liệu quý nhất như gỗ và đá được vận chuyển từ các địa phương đến kinh thành bằng đường bộ và đường thủy qua con kênh nhân tạo dài nhất thế giới (1800km) của quốc gia này.

Sự chuẩn bị kỹ càng bao giờ cũng là bước đi đầu tiên và trọng yếu nhất cho những thành công rực rỡ. Phải chăng đây là bài học lớn mà chúng ta có thể học được từ người đồng hương vô cùng tài năng của mình.

Chỉ cần 50 thay vì 1500 người người để vận chuyển khối đá 300 tấn về kinh thành, từ mỏ đá cách đó 80 cây số

Ý tưởng tuyệt vời của Kiến trúc sư Nguyễn An (Ảnh dẫn qua: wikipedia)

Để xây dựng Tử Cấm Thành, người ta cần rất nhiều những tấm đá nguyên khối. Bức tranh rồng lớn trong Sân rồng là một minh chứng tiêu biểu. Nhưng để vận chuyển những khối đá này từ mỏ đá cách đó 80 cây số sẽ cần đến rất nhiều nhân công. Tuy nhiên, tổng công trình sư Nguyễn An đã tìm ra một phương cách vận chuyển tiết kiệm và hiệu quả.

Sân rồng được điêu khắc từ một khối đá khổng lồ nguyên khối, nặng hơn 300 tấn (Ảnh dẫn qua: chinahighlights)

Trên dọc con đường chuyển đá về Hoàng Cung, cứ 500 m ông lại cho đào một chiếc giếng để lấy nước. Khi chuyển đá, họ sẽ múc nước từ giếng lên và đổ lên mặt đường. Với cái lạnh có khi xuống đến -20 độ C vào mùa đông, nước này sẽ nhanh chóng tạo thành một lớp băng trơn khiến phiến đá có thể được kéo đi một cách dễ dàng. Sức lực của 1500 người đã được tiết kiệm triệt để.

Hy Văn