Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp, chỉ cần một nửa lít máu của bạn có thể cứu sống nhiều người khác. Hầu hết những người khỏe mạnh sẽ không có vấn đề gì khi hiến máu và có thể hiến máu thường xuyên 8 – 12 tuần 1 lần.

Tuy nhiên, trên một cơ thể đang yếu hoặc đang thiếu máu thì ngược lại, cùng một lượng máu mất trên có thể gây ra nhiều triệu chứng nguy hiểm như tụt huyết áp tư thế, chóng mặt té ngã, làm nặng thêm tình trạng thiếu máu vốn có và máu của những người này cũng không đủ “chất lượng”.

Do đó, nếu có ý định hiến máu, tốt hơn hết bạn phải nằm ngoài những đối tượng sau:

1. Mắc các bệnh mạn tính hoặc đang ở tình trạng mắc bệnh cấp tính

Ảnh: Bsdinhduong.vn
  • Huyết áp cao hoặc thấp
  • Có bệnh tim mạch từ trước
  • Thiếu máu
  • Thường xuyên có tình trạng chóng mặt, choáng váng
  • Có bệnh thấp khớp
  • Mắc bệnh đái tháo đường
  • Nhiễm lao
  • Mắc bệnh hệ thống, bệnh tự miễn, các tình trạng dị ứng nặng
  • Ung thư máu
  • Người bị nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu
  • Viêm gan B hoặc C, giang mai, sốt rét…
  • Đang trong giai đoạn sốt cao
  • Đang mắc bệnh viêm loét, hoặc nhiễm trùng

2. Có tiền sử phẫu thuật tim mạch, cắt hoặc ghép bộ phận, cơ thể người

3. Khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, ngộ độc cấp tính, ngộ độc mạn tính các kim loại nặng hoặc hóa chất

4. Dùng thuốc kháng sinh

Ảnh: VietQ.vn

Khi có nhiễm trùng và đang dùng kháng sinh thì không nên hiến máu vì ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người nhận máu thì còn có ảnh hưởng lên sức khỏe của người hiến máu. Do đó, nếu muốn hiến máu, nên chờ cho cơ thể khỏe mạnh lại hoàn toàn, chứ không chỉ chờ thời gian ngưng kháng sinh, thường lấy mốc từ 2 đến 4 tuần sau ngưng thuốc là tốt nhất.

5. Tuổi, chiều cao, cân nặng

Người dưới 18 tuổi và trên 65 tuổi ở cả hai giới, cân nặng dưới 42kg đối với nữ và 45 kg đối với nam không được tham gia hiến máu.

6. Rối loạn đông máu

Những người có tình trạng sức khỏe mà máu không đông lại bình thường hoặc dùng thuốc chống đông máu như Coumadin (warfarin) không nên hiến máu vì có thể khiến chảy máu quá nhiều khi lấy máu.

7. Những đối tượng đặc biệt

Ảnh: meonuoicon.com

Phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú, đang có kinh nguyệt, đặc biệt là cường kinh, rong kinh, đa kinh… và người mới hiến máu cách đó dưới 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ, mạch, huyết áp thấp…thì không nên hiến máu.

8. Có hành vi nguy cơ cao

Những người nghiện ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục không an toàn hoặc với người có hành vi nguy cơ cao… không được tham gia hiến máu. Những người xăm trổ dễ có nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường máu vì các điểm thực hiện xăm trổ thường không đảm bảo tuyệt đối vô trùng được yêu cầu chờ ít nhất sáu tháng sau khi xăm mới được đi hiến máu.

9. Du lịch

Cá nhân người đã đi du lịch đến các khu vực được coi là “có nguy cơ bệnh sốt rét” được yêu cầu phải chờ một năm sau khi trở về từ chuyến đi đó mới được hiến máu.

BS. Thu Trang