Say nắng là hiện tượng thường gặp trong mùa hè. Khi bị say nắng, người bệnh thường có triệu chứng mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu… Nếu người bị say nắng không được sơ cứu kịp thời, có thể để lại các di chứng thần kinh, thậm chí tử vong.

3 bước sơ cứu đúng cách cho người bị say nắng
Ảnh minh họa.

Say nắng (hay còn gọi là sốc nhiệt) là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt và là một cấp cứu y học. Say nắng có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể.

Triệu chứng của say nắng:

Triệu chứng đặc trưng của say nắng là nhiệt độ trung tâm của cơ thể cao hơn 40,5 độ C.

– Ngất xỉu.

– Đau nhói đầu.

– Chóng mặt và choáng váng.

– Không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng.

– Da đỏ, nóng và khô.

– Yếu cơ hoặc chuột rút.

– Buồn nôn và nôn.

– Nhịp tim/mạch nhanh, tim/mạch có thể đập mạnh hoặc yếu.

– Thở nhanh và thở nông.

– Thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng hoặc có trạng thái sửng sốt.

– Co giật.

– Hôn mê.

Sơ cứu đúng cách cho người bị say nắng

Khi gặp phải người bị say nắng, bạn nên gọi cấp cứu. Tong thời gian chờ đợi cấp cứu, bạn nên đưa người bệnh vào bóng râm, nơi có nhiệt độ mát mẻ, dễ chịu và cởi bỏ quần áo không cần thiết.

Sau đó tiến hành 3 bước sơ cứu sau đây để làm mát, giảm nhiệt độ cơ thể cho người bệnh:

Bước 1: Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước.

Bước 2: Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể.

Bước 3: Cho bệnh nhân uống nước bù dịch oresol. Trong trường hợp say nắng quá nặng, nhiệt độ cơ thể tăng quá cao, người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê thì nên chườm mát liên tục và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Cách phòng say nắng

– Mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu. Đội mũ rộng vành kết hợp với sử dụng kem chống nắng có chỉ số trên 30.

– Tránh đi ngoài đường, làm việc dưới nắng quá lâu.

– Uống nhiều nước, kết hợp ăn trái cây.

Dương Uyên