Say nắng, say nóng là bệnh cấp tính, nếu được chữa trị kịp thời sẽ nhanh chóng khỏi, nhưng nếu xử lý không đúng cách bệnh có thể tiến triển nặng, thậm chí là tử vong.

Y học cổ truyền chia say nắng, say nóng thành hai loại thương thử và trúng thử. Thử là một trong lục khí của tự nhiên: phong – hàn – thử – thấp – táo – hỏa, khi gây bệnh cho người thì trở thành lục tà. Đây là loại khí nóng thường xuất hiện khi trời nắng nóng, mùa hè. Khi chính khí trong cơ thể suy yếu gặp nắng nóng, thử tà sẽ thừa cơ xâm nhập vào làm tắc nghẽn kinh mạch mà gây bệnh.

Chính khí cơ thể suy yếu, dễ bị thử tà xâm nhập. (Ảnh: baomoi.com)

Tuy nhiên, có những phương pháp chữa trị bằng y học cổ truyền rất hiệu quả, nhiều vị thuốc quanh ta dễ tìm và sử dụng kịp thời cho người bệnh.

Với mức độ say nắng, say nóng nhẹ (thương thử) người bệnh thấy nhức đầu, chóng mặt, tức ngực, buồn nôn, mệt mỏi. Cần đưa ngay người bệnh vào chỗ mát, thoáng gió, nới rộng quần áo, bỏ tất cả những thứ có thể làm cản trở hô hấp, tuần hoàn; lấy khăn nhúng nước lạnh vắt kiệt lau khắp cơ thể, đắp khăn lên trán, nách, bẹn; cho uống chè đường, chanh đường, nước bột sắn dây. Sau đó cho người bệnh nghỉ ngơi, dùng 1 trong các bài thuốc sau:

Bài 1: Lá hương nhu 50g (1 nắm), muối ăn 1g. Hương nhu rửa sạch giã nát cùng muối, nấu với 200ml nước sôi 15 – 20 phút, lọc kỹ lấy nước để nguội uống 1 lần, trẻ nhỏ uống lượng ½ so với người lớn. Sau vài giờ có thể uống lần thứ 2.

Hương như là vị thuốc chứa nhiều tinh dầu có tác dụng khai khiếu, tỉnh thần. (Ảnh: caythuocdangian.com)

Bài 2: Trúc diệp (lá tre tươi) 30g, lá hương nhu 30g, sinh khương (gừng tươi) 3 lát, tất cả cho vào ấm sắc với 300ml còn 200ml cho bệnh nhân uống 1 lần, trẻ nhỏ uống ít hơn.

Bài 3: Trúc diệp 12g, lá hương nhu tươi 16g, rau má tươi 12g, cát căn (củ sắn dây) 12g sắc với 300ml nước còn 150ml, uống 1 lần, ngày uống 2 lần, trẻ nhỏ uống ít hơn.

 

Trúc diệp vị đạm ngọt, giúp thanh nhiệt tả hoả. (Ảnh: krishijagran.com)

Bài 4: Nếu người bệnh không ra mồ hôi, sốt cao dùng hương nhu 20g, sinh khương 6g, đun sôi 15 phút, để nguội rồi gạn lấy nước uống, bã đắp lên 2 thái dương, lòng bàn chân tay.

Bài 5: Nếu nôn mửa, tiêu chảy: lá sen tươi 1 lá (dùng cả cọng) giã vắt lấy nước trộn với vài hạt muối rồi uống.

Lá sen có tác dụng thanh nhiệt giải thử. (Ảnh: suckhoenguoiviet.org)

Trường hợp nặng (trúng thử) người bệnh bất tỉnh nhân sự thì lập tức thực hiện các động tác sau đây:

  • Bấm huyệt Nhân Trung (điểm nối 1/3 trên và 2/3 dưới của rãnh Nhân trung, giữa chỗ lõm), Thập Tuyên (là các huyệt giữa đầu các ngón tay) 10-15 phút; có tác dụng khai khiếu, thanh nhiệt, tỉnh thần.
(Ảnh: sohu.com)
  • Xát day vào các lòng bàn tay, bàn chân và 2 bên cột sống thắt lưng từ cổ xuống thắt lưng
  • Day huyệt Đại Chùy (ngay dưới chỗ lồi lớn của ụ xương cổ 7) huyệt này có tác dụng thanh nhiệt và thông dưỡng khí
  • Có thể day thêm huyệt Phong Trì (2 chỗ lõm 2 bên gáy, ngay dưới xương chẩm, để khu phong, thanh nhiệt, sơ tà khí)
Ảnh: songkhoe.vn

Khi bệnh nhân đã tỉnh nhưng còn mệt thì có thể cho uống bài thuốc: Nhân sâm 6g, cam thảo 3g, gừng tươi 3 lát hoàng kỳ 15g sắc với 500ml nước còn 200ml, uống 2 lần trong ngày.

Nếu người bệnh còn mệt nôn mửa không uống được thuốc trên thì nhanh chóng đưa vào bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

Đại tá BS Thầy thuốc ưu tú – Nguyễn Thanh Xuân