Trong nghi lễ Pyebaek truyền thống của người Hàn Quốc, bố mẹ chồng và những người lớn tuổi bên họ nhà chồng, sau khi nhận lễ lạy chào của con dâu sẽ ném những quả táo đỏ và hạt dẻ vào váy của cô dâu.

Mùa xuân đến cũng chính là khi cây thay màu lá, yêu thương đâm chồi, hạnh phúc kết hoa và lứa đôi trao nhau cái nhìn say đắm. Tại Việt Nam, dù tháng 5 là khoảng thời gian bước vào độ hè chín, nhưng ở Hàn Quốc, đây lại là dịp những cánh hoa xuân bung nở, phố phường ngập tràn sắc hương, những tia nắng ấm áp mơn man vào lòng người; vậy nên thời điểm này được rất nhiều đôi bạn trẻ chọn để tổ chức lễ cưới.

(Ảnh dẫn qua Moslor)

Pyebaek để tỏ cái lòng hiếu thảo của dâu mới với người lớn tuổi bên nhà chồng

Trong đám cưới truyền thống của người Hàn Quốc có sự pha trộn giữa nghi thức truyền thống xứ Hàn và quy tắc của Nho giáo Trung Hoa xưa. Chú rể sẽ đến nhà cô dâu làm hôn lễ, trải qua đêm tân hôn đầu tiên ở nhà cô dâu rồi sau đó mới đưa cô dâu trở về nhà mình. Ngày đầu tiên về nhà chồng cô dâu chú rể sẽ phải thực hiện nghi lễ Pyebaek.

(Ảnh: leehwawedding.com)

Pyebaek là nghi lễ lạy chào chính thức của cô dâu và chú rể với những người lớn tuổi của gia đình chồng, trong đó tất nhiên là có bố mẹ chồng. Cô dâu bày biện những thứ đã chuẩn bị trước từ nhà bố mẹ mình lên bàn như táo đỏ, hạt dẻ, rượu, đồ nhắm rượu, và các loại hoa quả…được bày biện rất đẹp mắt. Theo thứ bậc lần lượt, bố mẹ chồng và những người lớn tuổi trong họ của chú rể sẽ ngồi trước bàn đó để cô dâu chú rể lạy chào. Lễ Pyebaek mang ý nghĩa quan trọng là công nhận cô dâu trở thành thành viên chính thức trong họ nhà chồng.

(Ảnh: Pyebaek)
(Ảnh: Myseoulwithlove)

Bố mẹ chồng và những người lớn tuổi trong họ nhà chồng sau khi nhận lễ lạy chào của con dâu sẽ ném những quả táo đỏ và hạt dẻ vào váy của cô dâu mang ý nghĩa cầu mong vợ chồng mới cưới được giàu sang phú quý và sinh nhiều con cái. Ngoài ra bố mẹ cũng chúc cho đôi vợ chồng trẻ những lời chúc phúc tốt đẹp nhất và dặn dò các con những điều hay lẽ phải trong cuộc sống vợ chồng, cách đối nhân xử thế với những người trong dòng họ, với làng xóm láng giềng.

Trang phục

(Ảnh: The Life of Tiger and Tiny)

Trang phục truyền thống mặc trong lễ Pyebaek của cô dâu chú rể khá phức tạp với những màu sắc rực rỡ nhưng phải theo đúng thể thức. Cũng không phải ai cũng biết điều này nên khi đi mua hoặc may quần áo truyền thống người ta thường phải nói sẽ mặc quần áo đó vào dịp nào để được tư vấn.

(Ảnh: Mai Duong Photography)

Tuy nhiên vì bộ quần áo truyền thống như thế tương đối đắt tiền, lại ít được dùng phổ biến nên cũng nhiều người chỉ thuê hoặc mượn chứ không mua hay đặt may. Không chỉ có vậy, trang phục này thường khá nặng mà cô dâu chú rể lại phải đứng lên ngồi xuống để lạy tạ nhiều lần nên cũng tương đối mệt. Chính vì vậy mà thường sẽ có một người đứng bên cạnh giúp cô dâu nâng váy và chỉ bảo cách thức làm lễ.  

Pyebaek ngày nay

Để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại ngày nay, nghi lễ Pyebaek thường được tổ chức tại một căn phòng riêng tại những nơi tổ chức hôn lễ, và sau đó cô dâu chú rể thường lên đường đi du lịch tuần trăng mật ngay. Khi làm lễ trước đông đủ quan khách thì cô dâu mặc váy trắng còn chú rể mặc comple theo phong cách hiện đại nhưng khi làm lễ Pyebaek thì phải thay trang phục truyền thống. Bố mẹ và họ hàng thân thích của hai bên đặc biệt là những người lớn cũng đều mặc trang phục truyền thống. Gần đây người ta bắt đầu có xu hướng làm lễ Pyebaek với cả bên nhà gái để tỏ lòng biết ơn của cô dâu chú rể với cha mẹ và họ hàng đôi bên.

(Ảnh: Ruffled Blog)

Ngày nay, khi nhắc đến các lễ nghi truyền thống, nhiều người hiện đại cho rằng chúng dường như chỉ mang tính hình thức và rườm rà. Thực ra, mỗi nền văn hóa, mỗi phong tục truyền thống tốt đẹp đều xuất phát từ tấm lòng thành thể hiện những phép tắc đạo đức cơ bản làm người mà người xưa muốn lưu lại cho đời sau theo đó học hỏi. Vậy nên, trong thời đại mà ‘sống ảo’ lại được cổ súy như hiện nay, thì sự thành tâm trong các lễ nghi lại bị quy mác thành hai chữ ‘hình thức’. Người xưa nói: Tâm ý hiển hành vi, ý nói trong lòng có hương hoa, vì yêu mến mà tự khắc muốn đem hương hoa mà dâng tặng cho người. Có yêu quý chân thành mới tỏ rõ được cái lòng thành với người đón nhận. Có làm nhưng không có tâm thì tất nhiên sẽ trở thành hình thức. 

(Ảnh: Jay Tsai Photography)

Tại Hàn Quốc, lễ Pyebaek là một lễ quan trọng trong ngày cưới vậy nên được gia đình hai bên nhà trai gái chú trọng thực hiện và chuẩn bị chu đáo. Đây cũng là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Hàn vẫn còn được giữ gìn và nuôi dưỡng. Ở Việt Nam mặc dù không cầu kỳ như lễ Pyebaek nhưng chúng ta cũng vẫn duy trì truyền thống được gọi là lại mặt hay nhận họ sau đám cưới. Mục đích cũng không quá khác nhau vì khi đôi vợ chồng trẻ sang nhà các cô dì chú bác để thể hiện chính thức bước vào làm dâu nhà chồng thì cũng được họ hàng đôi bên chúc phúc những lời chúc tốt đẹp và dặn dò các kỹ năng sống đáng quý.

Tâm Liên