Người Pháp chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ và cảm phục khi bạn có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng dự án tham vọng và đầy lãng mạn của họ – Xây dựng lâu đài cổ Guedelon hoàn toàn bằng phương pháp kỹ thuật của thế kỉ 13 ngay giữa thời hiện đại. 

Nước Pháp luôn được biết đến là một trong số ít các quốc gia còn bảo tồn được nguyên vẹn những di sản văn hóa, nghệ thuật quý giá: Từ bức tranh trên vách động đá của người tiền sử cho đến những tòa lâu đài tráng lệ thời Phục Hưng. Nhưng tham quan, nghiên cứu những gì còn được lưu giữ vẫn chưa thể thỏa mãn tình yêu và sự trân trọng những giá trị truyền thống và lịch sử của họ.

Dự án xây dựng lâu đài Guedelon

Với người dân ở đất nước Gà Trống, phải hiểu mới có thể giữ gìn những giá trị ấy một cách đúng đắn và bền vững. Đó là lý do họ quyết tâm thực thi một dự án có một không hai: Phục dựng lại một công trường xây dựng thời Trung Cổ với mục tiêu xây dựng trọn vẹn một lâu đài (Chateau fort) hoàn toàn với công nghệ và kỹ thuật của thế kỷ 13. Theo đó những người tham gia dự án xây dựng sẽ sinh sống và làm việc tại công trường như những người dân của một ngôi làng trung cổ.

Người Pháp muốn mang một phần không gian của những thế kỉ trước đặt giữa thời hiện đại. Dự án tuyệt vời này đã thu hút hơn 300.000 du khách mỗi năm. Theo trang Pháp.fr lượng khách này tương đương với 6 triệu euros doanh số cho nhà đầu tư, đồng thời tạo công ăn việc làm cho 70 nghệ nhân và thợ thủ công. Công trường còn đón rất nhiều thực tập sinh của rất nhiều ngành nghề và những người tình nguyện đến xây dựng và trải nghiệm cuộc sống tại đây.

Công trường năm 1997

Năm 1995, Ông Michel Guyot – chủ lâu đài Saint-Fargeau và nhóm cộng sự bao gồm rất nhiều nhà kinh doanh và các nhà nghiên cứu khảo cổ đã nảy ra sáng kiến xây dựng độc đáo này. Họ cùng nhau đi tìm một mảnh đất phù hợp để bắt đầu giấc mơ của mình. Đó phải là một nơi gần một mỏ đá sa thạch – nguyên liệu chính để xây dựng thời trung cổ, gần rừng để lấy củi, gần nguồn nước và đường cái để thuận tiện cho việc vận chuyển. Chỉ cho tới năm 1997, họ mới tìm được mảnh đất trong mơ, nằm tại Treigny, thuộc tỉnh Yonne, Đông Bắc nước Pháp. Công trình xây dựng lâu đài Guedelon cũng bắt đầu từ đó.

Công trình năm 2016
Công trình năm 2016

Điểm độc đáo đặc biệt nhất của công trường Guedelon chính là bầu không khí đậm chất lịch sử và cảm giác phiêu lưu mà công việc và cuộc sống của những người tham gia xây dựng lâu đài mang đến. Trong công trường này, người Pháp không dùng bất cứ máy móc hiện đại nào. Họ thực hiện tất cả các công đoạn của việc xây dựng bằng tay và những dụng cụ của những thế kỷ trước: Những tảng đá khổng lồ sẽ được xẻ bằng những dụng cụ thô sơ, được đẽo gọt thành những khối vuông vắn bằng tay, được vận chuyển bằng xe ngựa tới các địa điểm khác nhau trong công trường và được đưa lên cao bằng hệ thống thang dòng dọc đồ sộ.

Bộ dòng dọc đưa vật nặng lên cao

Hơn thế nữa, chỉ sau một năm xây dựng, công trường đã được mở cửa đón du khách tham quan. Tất cả mọi người đều được chào đón ở Guedelon, để tìm hiểu về dự án và tận mắt chứng kiến những người thợ làm việc. Khách tham quan sẽ được sống trong bầu không khí của một ngôi làng cổ thực sự, nơi mỗi người tạo nên những sản phẩm cụ thể để góp phần kiến tạo một công trình chung.

Xẻ đá bằng dụng cụ thô sơ
Thợ đẽo đá
Người tiều phu
Thợ mộc
Người vận chuyển
Thợ làm ngói
Thợ điêu khắc
Thợ đan lát

Những người thợ rèn tạo nên dụng cụ cho những người thợ tiện đá, những người thợ đan mây tre lại tạo nên những giỏ đựng để người chuyên trở vật liệu chứa đồ, người thợ mài đá tạo nên những khối đá để người thợ xây dựng thành… Tất cả cùng làm việc và kết nối với nhau trong guồng quay khổng lồ ấy một cách nhịp nhàng, tự nhiên và thật hài hòa.

Kĩ thuật xây mái vòm cổ xưa cầu kì và rất khó thực hiện

Bên cạnh mối liên hệ nội tại của những thành viên tham gia dự án, ở Guedelon, những câu chuyện lịch sử còn kết nối “dân làng” với những du khách có cùng niềm say mê. Họ tổ chức các “lớp học nhỏ” giúp trẻ em và cha mẹ có thể học các phương pháp kỹ thuật cổ xưa, tự mình tiện những khối đá khay làm những hình khắc gỗ. Với Guedelon, hình ảnh về cuộc sống thời kì trung cổ không còn chỉ là trên trang giấy của sách giáo khoa. Chúng đã bước ra ngoài đời thực theo một cách vô cùng sinh động.

Công trường Guedelon là một phòng thí nghiệm khổng lồ cho những ai yêu lịch sử và khảo cổ học

Lâu đài Guedelon vẫn đang trong quá trình xây dựng. Mỗi năm, có rất nhiều du khách quay trở lại để được chứng kiến lâu đài đồ sộ dần dần hoàn thiện. Theo dự tính, lâu đài sẽ còn được tiếp tục xây dựng trong 5 năm nữa, trước khi đi tới khâu hoàn thiện cuối cùng. Người dân của đất nước hình lục lăng vẫn còn thời gian để bước vào thế giới cổ tích đầy phiêu lưu này. Đây cũng chính là mục đích chủ yếu của những người đứng đầu dự án. Với khẩu hiệu “Xây để hiểu”, họ muốn đem lại những giá trị khoa học (đặc biệt là khảo cổ học thể nghiệm), sử học, sư phạm, du lịch và nhân văn cho khách tham quan qua những trải nghiệm chân thực nhất.

Xây là để hiểu
Tái hiện công việc xây dựng của quá khứ chính là đam mê

Hai mươi năm đã qua đi, những nhiệt tâm, sự sáng tạo của các nghệ nhân, doanh nhân và đặc biệt các nhà khoa học tham gia vào dự án không hề thay đổi. Họ vẫn đang miệt mài góp một phần cuộc sống và tất cả những giá trị của chính mình vào công việc xây dựng lâu đài và xây dựng tình yêu, sự trân quý lịch sử cho người dân nước Pháp. Có lẽ không ai có thể truyền cảm hứng tốt hơn những người đang sống mỗi ngày với niềm đam mê của họ.

Nơi ươm mầm những đam mê và mơ ước

Người ta thường nói người Pháp rất lãng mạn quả thật không sai. Không chỉ có Paris hoa lệ, những bản tình ca ngọt ngào, mà việc dám sống và biến niềm đam mê của mình thành hiện thực chính là một ví dụ vô cùng thuyết phục cho sự mộng mơ của những người dân ở đất nước hình lục lăng.

Nguồn ảnh: guedelon.fr

Hy Văn