Khi tiếng chuông vang lên báo hiệu trận đấu đã được bắt đầu, hai người đàn ông nắm chặt nắm đấm của mình và cố gắng chiến đấu để giành lấy ngôi vị tối cao trên một sân khấu ở Dallas, Texas.

Đám đông xung quanh la hét với những tiếng cổ vũ đến nghẹt thở, sân khấu dường như tan chảy bởi những ánh mắt đổ dồn về phía hai võ sĩ. Họ là những người đàn ông đang tham gia trận đấu tay đôi có một không hai của lịch sử của… ngành hàng không.

Mọi người khi đọc những dòng trên có thể đang nghĩ đến một trận đấu quyền Anh, nhưng không, đó đơn thuần chỉ là một cuộc vật tay. Kì lạ hơn nữa là những vận động viên tham gia có danh tính không hề tầm thường chút nào. Herb Kelleher – trang phục màu trắng, tổng giám đốc điều hành 61 tuổi của Southwest Airlines và Kurt Herwald – mặc áo nâu, 28 tuổi, giám đốc điều hành của Stevens Aviation. Còn những người ngồi trên khán đài thì đều là nhân viên của cả hai doanh nghiệp hàng không này. Tất cả đến đây để phân định xem quyền sở hữu Slogan: “Just Plane Smart” (Tạm dịch: Hãy là chiếc máy bay thông minh) sẽ thuộc về ai.

Cuộc chiến của những câu Slogan

Herb Kelleher, tổng giám đốc điều hành 61 tuổi của Southwest Airlines (Ảnh: priceonomics.com)

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 22 tháng 10 năm 1990, khi hãng Southwest Airlines tung ra solgan mới cho công ty mình: “Just Plane Smart”, và cùng với một kế hoạch marketing khôn ngoan, hoạt động kinh doanh của hãng cũng được cải thiện theo chiều hướng tích cực.

Thế nhưng, câu chuyện dần đi đến bế tắc, bởi vì không lâu sau đó, một công ty kinh doanh máy bay nhỏ là Stevens Aviation cũng ở bang Texas phát hiện ra rằng, Slogan này chính là slogan mà công ty họ đang sử dụng trong những năm qua: “Plane Smart” (Máy bay thông minh). Và thế là xảy ra sự tranh chấp trong quyền sử dụng khẩu hiệu này.

Quý độc giả thoạt đầu có thể nghĩ hai slogan giống nhau không đáng kể và chúng chẳng thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của một công ty nào. Thế nhưng trong kinh doanh thì đây là một sự trùng hợp vô cùng nghiêm trọng, có thể làm khách hàng nhầm lẫn hai thương hiệu.

Đặc biệt hơn là họ kinh doanh trong cùng một ngành – hàng không. Huống hồ, cả hai đều đã đổ không biết bao nhiêu tiền để quảng bá cho hình ảnh bản thân mình, nếu không có sự phân định rạch ròi, thật khó để làm các vị CEO thỏa mãn.

Stevens Aviation – Một công ty kinh doanh máy bay loại nhỏ (Ảnh: priceonomics.com)

Nhìn sơ qua thì thấy Stevens Aviation có lợi thế lớn nếu đem tranh chấp này ra tòa, vì dù sao họ cũng là người sử dụng “Plane Smart” trước, thế nhưng chi phí cho kiện tụng quá đắt đỏ. Tính toán kỹ lưỡng thì việc sử dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp sẽ làm cả đôi bên thiệt hại, đây quả thực không phải là cách làm khôn ngoan.

Vì vậy, Stevens Aviation đã đề nghị một cách tiếp cận hoàn toàn khác… Thay vì giải quyết tranh chấp trên tòa, chi bằng hãy lựa chọn một cuộc đấu tay đôi với phong cách của các cậu chàng mới lớn, người nào thắng cuộc sẽ được quyền sử dụng slogan. Thật bất ngờ, người đứng đầu Southwest Airlines dù là một ông lão 61 tuổi cũng rất thích đề xuất này. Và họ đã đồng ý ấn định thời gian diễn ra buổi “so găng vật tay” vào một ngày tháng 3 năm 1992.

Theo đề xuất, những người đứng đầu của mỗi bên sẽ đại diện công ty minh tham gia 3 hiệp vật tay, ai thắng 2 hiệp sẽ dành được Slogan. Đồng thời, ở mỗi hiệp, người thua phải ủng hộ 5.000 USD vào quỹ từ thiện do đối phương lựa chọn. Thật là nhân văn!

Malice in Dallas – Cơn ác mộng ở Dallas

Trọng tài điều chỉnh tay cho hai đấu sĩ (Ảnh: Southwest Airlines Newsroom)

Ngày 20/3/1993, 4.500 người tham dự đã đến sân vận động Dallas Sportatorium – một nơi thường dùng để tổ chức các sự kiện đấu vật chuyên nghiệp, nó được người hâm mộ gọi với cái tên rất kêu – “Cơn ác mộng ở Dallas”. Cuộc đấu tay đôi vô tiền khoáng hậu này được quảng bá rộng rãi và tất nhiên cũng có nhiều phóng viên đến sân đấu để ghi hình và đưa tin.

Thoạt nhìn thì người đàn ông 61 tuổi không có mấy lợi thế trước một cậu chàng 28 tuổi, thế nhưng chẳng ai đoán được chữ ngờ. Trước trận đấu, vị CEO trẻ tuổi của Stevens Aviation – Herwald đã giúp đỡ một đứa bé trên đường đến sân vận động, khiến tay anh bị đau. Vì vậy anh đành phải nhờ một người khác tham gia hiệp 1. May mắn sao phía Stevens Aviation vẫn dành chiến thắng. Hiệp 2, Southwest Airlines cũng thay người, đấu sĩ lần này làm một nữ nhân viên, và vị CEO trẻ tuổi cũng tham gia vào trận đấu dù tay vẫn còn đau, kết quả là người phụ nữ dễ dàng dành được phần thắng.

Cuộc so găng đầy căng thẳng của 2 vị CEO (Ảnh: upworthy.com)

Đến hiệp cuối, đây mới là cuộc so găng chính thức của 2 vị CEO, đám đông reo hò cổ vũ, nhưng chiến thắng chóng vánh trong chưa đầy một phút của ông lão 61 tuổi khiến mọi người đều thất vọng. Cánh tay đau của Herwald đã không thể giúp Stevens Aviation giành lại Slogan. Tất nhiên chẳng có ai buồn bã cả, vì dù sao khi hai bên chấp nhận trận đấu, thì họ cũng đã xác định tình hữu nghị và niềm vui mới là động lực chính để phân giải tranh chấp lần này.

Cơn ác mộng hóa ra là một giấc mơ đẹp

Kelleher – Nhà vô địch với tấm séc 5000 USD (Ảnh: upworthy.com)

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đây. Sau hiệp cuối Kelleher – Nhà vô địch đã tuyên bố với mọi người rằng, cả hai công ty có thể cùng nhau chia sẻ Slogan này. Ngoài ra, ông cũng mong muốn đối thủ của mình ủng hộ 10.000 USD cho Hiệp hội Rối loạn Dưỡng Cơ, một tổ chức từ thiện của địa phương vì họ đã thua 2 hiệp. Riêng về phần mình Southwest Airlines cũng ủng hộ cho Ronald McDonald House 5.000 USD.

Nhân viên 2 công ty vỡ òa trong niềm vui sướng và tình hữu nghị. Khách hàng và cả báo chí cũng hết lời ca ngợi cách giải quyết xung đột của họ, đồng thời cả 2 hãng hàng không đều được hưởng lợi ích lớn từ trận đấu ở Dallas. Bởi vì, câu chuyện về trận đấu thú vị giữa hai vị CEO đã được các tờ báo đăng tải với tốc độ chóng mặt, chẳng mấy khi mà họ được quảng bá thương hiệu của mình một cách miễn phí như thế.

Đôi khi sự thành thật và tình hữu nghị đem lại lợi ích lớn hơn cho tất cả mọi người.

Trong 4 năm tiếp theo, Stevens Aviation tăng trưởng 25% và thu về doanh thu 100 triệu USD từ hoạt động kinh doanh của hãng. Về phần mình, Southwest Airline cũng có được phản hồi tích cực từ các khách hàng, văn hóa công ty được cải thiện đáng kể. Đồng thời, Hãng cũng tránh được việc phải chi trả 500.000 USD cho việc kiện tụng nếu diễn ra tranh chấp trước tòa.

Cuộc gặp gỡ thân mật sau trận đấu (Ảnh: The Southwest Airlines Community)

Cuộc chiến năm 1992 của các vị CEO có lẽ là cách độc đáo nhất mà một tập đoàn lớn có thể lựa chọn để giải quyết tranh chấp về mặt pháp lý. Nhưng nó cũng dạy chúng ta một bài học vô cùng quan trọng, đôi khi sự thành thật và tình hữu nghị đem lại lợi ích lớn hơn cho tất cả mọi người. Ngày này, khi mà các doanh nghiệp luôn tìm cách tranh giành thị phần, áp dụng các chiến dịch Marketing chẳng mấy nho nhã, thậm chí là nhảm nhí để kiếm tiền, thì đâu đó vẫn có những câu chuyện nho nhỏ thức tỉnh chúng ta quay về với giá trị nhân văn của con người.

Trên tất cả, doanh nghiệp không thể rũ bỏ mọi khuôn phép để chạy theo lợi nhuận, đem lại giá trị cho cuộc sống mới là mục tiêu mà chúng ta nên hướng tới. Tiền bạc dù sao cũng chỉ là công cụ mà thôi!

Trọng Đạt