Người ta vẫn thường nói rằng: Tình yêu thời tuổi trẻ có lẽ thật hời hợt so với tình yêu mà một người đàn ông già nua dành cho người vợ già của mình lúc cuối đời. 

Nằm lọt thỏm giữa con hẻm số 113, đường Võ Duy Ninh, quận Bình Thạnh (TP.HCM) là một ngôi nhà tình thương nhỏ xíu, nơi hai vợ chồng cụ ông Đỗ Mộng Điệp và cụ bà Nguyễn Thị Kim Vân sinh sống.

Bất kể nắng hay mưa, ngày ngày cụ Điệp đều đẩy xe kem ốc quế, rong ruổi quanh các trường tiểu học quận Bình Thạnh, chỉ mong bán hết để có tiền mua thuốc chữa bệnh tim cho vợ. Ngày nào cũng vậy, cụ nhận 3 ký kem đi bán đến khi nào hết mới về. Tiền lời được khoảng 70.000 đồng, cụ đưa hết cho vợ lo tiền chợ, tiền thuốc.

Cổ tích tình yêu… buồn

Năm xưa, cụ Điệp đang là một nhân viên hỏa xa ở Nha Trang thì tình cờ găp được cụ Vân khi ấy đang làm giúp việc tại một quán ăn. Cụ Vân vốn mồ côi cha mẹ từ năm 12 tuổi nên phải sống ly tán tha hương, tự thân bươn chải từ nhỏ.

Ngay từ lần đầu gặp mặt, cụ Điệp đã cảm mến sự chăm chỉ, hiền lành, chịu thương chịu khó của cụ Vân, cụ Vân cũng quý nét điềm đạm mà ân cần của cụ Điệp. Thế rồi, duyên phận tác hợp cho hai cụ không miếng cau, không lá trầu, cũng chẳng cưới hỏi, chỉ có mâm cơm nhỏ ra mắt họ hàng anh em.

Rồi hai cụ rời Nha Trang, cùng nhau lăn lộn kiếm sống qua nhiều tỉnh thành và quyết định dừng chân tại Sài Gòn, làm đủ mọi nghề để mưu sinh. Sau này, cụ Vân mắc bệnh tim và chứng teo cơ không đi lại được, mình cụ Điệp gồng gánh chuyện cơm ăn áo mặc và lo tiền chạy chữa, thuốc thang cho vợ.

Cuộc sống khó khăn thiếu thốn là thế, ấy vậy mà vợ chồng chưa từng một lần to tiếng. Hai cụ vẫn gọi nhau anh em tình cảm như thời còn trẻ, vẫn đối xử với nhau dịu dàng, ân cần vẹn nguyên như thuở mới yêu. Nhìn ánh mắt rạng rỡ đầy hạnh phúc của hai cụ, chẳng ai ngờ được, họ đã ở bên nhau gần nửa thế kỷ rồi.

Nhưng số phận cũng thật trớ trêu, hai cụ ở với nhau gần hết đời người, một mụn con cũng không có. Có những lúc thấy cụ Vân nhìn theo những đứa trẻ con đi ngoài đường mà cụ Điệp xót vợ lắm. Cụ thương vợ buồn, lo vợ khổ tâm suy nghĩ nên càng bù đắp cho vợ nhiều hơn, chăm sóc ân cần hơn. Cụ cũng đi xin một chú chó nhỏ về nuôi để lúc mình đi vắng vợ còn có người để bầu bạn, tâm sự.

Thế rồi, ngày nào cũng vậy, như đã thành thói quen của đời người, cứ bán hết xe kem là cụ Điệp lại vội vàng trở về nhà phụ vợ việc nhà, cơm nước vì cụ chẳng bao giờ an tâm để vợ ở nhà một mình…

Có lẽ nào, tình yêu thực sự chính là khi người ta biết vui cùng niềm vui của một người và cũng biết đau trong nỗi đau của người đó…

Chỉ cần 3 giây để nói lời yêu, nhưng thực hiện nó thì cần cả cuộc đời…

Tình yêu thực sự, quan trọng không phải là thề non hẹn biển hay nói những lời đường mật có cánh, mà chính là sự chân thành, tin tưởng và bao dung, mà chỉ những ai có trái tim lương thiện, thuần khiết mới có thể làm được. Vậy nên, người ta mới nói: Học được cách yêu thương một người cũng là học được cách yêu thương cả thế giới.

Ngày nay, không khó để bắt gặp những màn tỏ tình, cầu hôn, đám cưới lãng mạn, hoành tráng với những lời yêu đương nồng cháy trong thế giới hiện đại. Thế nhưng, giữa guồng quay của cuộc sống, đôi khi, chỉ vì chút xích mích nhỏ mà người ta không ngần ngại mà làm tổn thương nhau, mà buông tay nhau, cứ như thể, giữa họ chưa từng tồn tại chút ký ức, nghĩa tình.

Chẳng phải người xưa đã từng dạy rằng: Vợ chồng là mối lương duyên bền lâu nhất trong cuộc đời mỗi người. Và: Nhân duyên vợ chồng là do trời định sẵn. Vậy thì, đã là nhân duyên trời định, cớ sao vợ chồng không bao dung, tôn trọng lẫn nhau mà nỡ làm đau nửa kia của mình?

Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng. Phải chăng, chúng ta đã đợi từ rất lâu để đến được với nhau?

Thu Sang

Xem thêm: