Xã hội ngày một hiện đại, con người đâu đâu cũng truy cầu một cuộc sống hưởng thụ vật chất. Tuy nhiên có một thực tế ở ngay trước mắt rằng, dường như cuộc sống ngày một tân tiến hơn thì bệnh tật lại cũng càng ngày càng nhiều hơn. Vậy nguyên nhân là gì? Bài viết dưới đây thể hiện một góc nhìn, hy vọng sẽ hữu ích đối với tất cả chúng ta.

Ngày nay, chính phủ cũng như người dân đua nhau khuyến khích tiêu dùng. Hàng hoá tiêu hao nhiều thì đòi hỏi nhu cầu sản xuất cũng không ngừng tăng lên, nhưng cuối cùng, rốt cuộc cung lại vượt quá cầu. Ví như mọi người luôn thích được mặc đẹp, mặc những bộ đồ hợp thời trang, sử dụng những phương tiện hiện đại tiên tiến nhất, kết quả là dẫu đồ dùng vẫn còn rất tốt, nhưng chỉ dùng được một khoảng thời gian ngắn đã vội bỏ đi…

Và vấn đề lại nằm ở chỗ, những đồ dùng bị thay thế kia phải làm sao? Chúng sẽ trở thành phế phẩm mặc dù vẫn còn rất tốt. Mỗi ngày có một lượng lớn rác thải được sản sinh nhưng lại không thể tiêu huỷ, nguyên nhân vì chúng ta tạo ra rác thải quá nhanh, quá nhiều và quá lãng phí.

Mấy năm gần đây, người ta đâu đâu cũng ưa chuộng theo đuổi chủ nghĩa kim tiền, lấy vật chất để làm giá trị so sánh, điều này dẫn đến tình trạng không ngừng thay mới đổi cũ. Những giá trị văn hoá truyền thống cũng bởi vậy mà dần dần mai một không còn lại gì.

Quần áo thường xuyên thay mới, những đồ dùng hàng ngày tuy còn rất tốt nhưng lại vứt đi mua mới. Tình trạng này dường như đã quá quen thuộc trong các gia đình hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta dẫu có tiền để mua những thứ đồ tốt đắt tiền, thì cũng không có quyền lãng phí chúng.

Chúng ta tạo ra rác thải quá nhanh, quá nhiều và quá lãng phí. Ảnh dẫn theo alobacsi.com

Tương lai nếu như xảy ra tai họa, thì những khu vực thành phố sẽ là nơi phải hứng chịu đầu tiên?

Hiện nay có rất nhiều người ngay cả lương thực từ đâu mà có cũng không biết, nước từ đâu mà đến cũng chẳng hay, thậm chí ngay cả hạt thóc cũng chưa từng được nhìn qua. Khi một người không biết được nguồn gốc của những hạt gạo mình ăn, thì thử hỏi làm sao có thể hiểu được nỗi khổ cực để làm nên chúng? Cũng bởi thế mà anh ta dám thẳng tay lãng phí hàng ngày mà không hề suy nghĩ gì.

Vậy nên cũng có người nói rằng, nếu một ngày nào đó thiên tai xảy ra thì chính là do sự lãng phí của con người gây nên.

Có một thực tế mà nhiều người vẫn phải thừa nhận rằng, bệnh tật trong tương lai chính là do ô nhiễm môi trường tạo lên. Chúng ta gây nên sự ô nhiễm môi trường bao nhiêu thì sẽ đón nhận bệnh tật bấy nhiều.

Ví như rất nhiều người thành phố, họ không biết rác thải sẽ đi về đâu? Mỗi ngày thải ra bao nhiêu rác thải? Cứ từng xe, từng xe kéo đi. Hoặc giả chúng ta dùng những chất tẩy cực mạnh để giặt quần áo, tẩy nhà vệ sinh, rửa xe…, những hoá chất này sau khi được thải ra nguồn nước sẽ vĩnh viễn ô nhiễm nguồn nước.

Trong xã hội hiện nay, có lẽ mỗi một gia đình đều dùng những chất cực độc tẩy rửa bồn cầu, nhà vệ sinh, diệt côn trùng… Chúng ta cứ nghĩ rằng đó là bình thường, là vô tội, nhưng trên thực tế chúng ta vẫn hàng ngày gây tội và tạo nghiệp, chỉ có điều bản thân chưa đủ nhận biết ra mà thôi.

Hiện nay ti vi, báo đài, các kênh mạng truyền thông ngày ngày không ngừng thi nhau quảng cáo hàng tiêu dùng, kích thích tiêu thụ, hàng hoá ngày một rẻ hơn. Kết quả lãng phí ngày một nhiều, rác thải cũng theo đó ngày một tăng lên.

Thiết nghĩ rằng, mỗi một người chúng ta cần phải thức tỉnh lại, cuộc sống cần phải tối giản, chi tiêu sinh hoạt cần có điều độ, chớ nên tùy tiện lãng phí.

Mỗi ngày thải ra bao nhiêu rác thải? Cứ từng xe, từng xe kéo đi. Ảnh dẫn theo baomoi.com

Nhưng… làm được điều này thì quả là rất khó

Ví như gạch ngói xây dựng, đồ gốm sứ, thiết bị đồ dùng cao cấp trong nhà, những sản phẩm này đều được đánh đổi bằng sự phá huỷ môi trường. Chúng ta hàng ngày vẫn không ngừng chỉ trích ô nhiễm môi trường, ống khói các nhà máy xí nghiệp khắp nơi… Nhưng gạch là do đốt mà ra, các đồ gốm sứ cũng là do nung đốt mà thành, các sản phẩm kim loại cũng do tôi luyện mà có, thậm chí quần áo chúng ta mặc cũng cần khí ga để sản xuất. Mỗi một con ốc, mỗi một linh kiện trên chiếc xe chúng ta đi hàng ngày cũng cần đến nhiên liệu đốt mà làm ra. Tất cả mọi thứ có mặt hiện hữu trong từng ngóc ngách mỗi từng gia đình mà chúng ta hàng ngày sử dụng cũng đều như vậy.

Vậy phải làm sao để giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm, gây hại cho Mẹ thiên nhiên? Hãy làm điều đó bằng cách thay đổi nhận thức và những thói quen nhỏ trong cuộc sống hàng ngày… Mọi người đều oán trách rằng môi trường ô nhiễm, giao thông ùn tắc, nhưng ngược lại thử hỏi có mấy ai tự nguyện để xe của mình ở nhà mà đi xe công cộng đây?

Trong vũ trụ bao la này có một định luật muôn đời không thay đổi, đó chính là nhân quả công bằng. Ai tạo nghiệp nhiều thì gặp báo ứng nhiều. Có lẽ chúng ta ít khi nghĩ về vấn đề lãng phí này. Chúng ta chỉ luôn nghĩ rằng, nhà chưa đủ rộng, tiền chưa đủ nhiều, vật chất chưa đủ phong phú. Dường như chúng ta đều là những người “có phúc mà không biết hưởng”, không biết trân quý những gì mình đang có.

Gạch ngói xây dựng, đồ gốm sứ, thiết bị đồ dùng cao cấp trong nhà, những sản phẩm này đều được đánh đổi bằng sự phá huỷ môi trường. Ảnh dẫn theo mtnt.hoinongdan.org.vn

Có câu nói rằng: “Cao ốc ngàn gian, thì đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”. Vậy nên, đủ ăn đủ mặc là được, không nên mua sắm quá nhiều, nơi ở thì cũng cần giản tiện không cần quá cao cấp mà lãng phí. Cũng chớ lấy tiền bạc để đo lường, tiền có bao nhiêu không quan trọng, mà quan trọng là chúng ta sử dụng đồng tiền đó như thế nào? Có như vậy chúng ta mới thực sự “trân quý những gì mình đang có”.

Tiếp theo, mỗi chúng ta cần có ý thức bảo vệ môi trường. Mỗi khi mua một thứ gì đó để sử dụng, việc đầu tiên là cần suy nghĩ món đồ đó có tác hại đến môi trường hay không? Sau khi sử dụng không được nữa thì nó có thể tái chế hay không? Trân trọng ‘Mẹ Thiên nhiên’, điều này được thể hiện qua những hành động nhỏ của bạn trong cuộc sống thường ngày.

Con người thì dường như ngày một tham lam, đôi khi vào siêu thị mua đồ, cứ thấy đồ khuyến mại là mua, cho dù mua về có dùng đến hay không? Thậm chí có người mua xong về nhà bỏ không, sau một thời gian lại vứt đi vì không dùng đến.

Hiện nay, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là có thể thấy đường trước ngõ sau, hè trên rãnh dưới, ở đâu cũng thấy vỏ lon, vỏ chai, túi bóng rác thải vứt khắp nơi. Những vấn đề này chúng ta đều không mấy khi để tâm đến, bởi chúng đều là những thứ không có mấy giá trị. Ví như mỗi dịp lễ Tết, nhà nhà, người người đua nhau mua sắm, mua rất nhiều, mua nhiều hơn cả mức cần thiết. Nhưng đây không chỉ là vấn đề rác thải nhiều, mà còn là vấn đề tạo nghiệp.

Ô nhiễm môi trường, đó là điều vô cùng khủng khiếp, nhưng trong chúng ta lại chẳng mấy người quan tâm tới. Mọi người chỉ biết quan tâm vệ sinh khu vực mình ở sạch sẽ là được, mỗi khi có rác là vứt bừa bãi ra chỗ khác, không cần quan tâm ai sẽ dọn.

Rác thải có ở khắp mọi nơi. Ảnh dẫn theo phunudep.com

Tại sao ngày nay người dân thành phố lại nhiều bệnh tật như vậy? Môi trường sống rất sạch sẽ, vậy sao lại có nhiều bệnh phát sinh? Nguyên nhân chính là vì mọi người chỉ quan tâm môi trường sống xung quanh của mình sạch sẽ mà mang rác thải đổ ra bên ngoài, kết quả là môi trường ở bên ngoài ô nhiễn, đất đai, nguồn nước đều ô nhiễm, sau cùng thì đây lại chính là nguyên nhân gây bệnh cho mọi người.

Nhưng tại sao một số người chú trọng vệ sinh sạch sẽ cũng lại thường mắc bệnh? Nguyên nhân chính là vì quá kỹ tính nên thường vệ sinh lau chùi nhà của cẩn thận quá mức, sử dụng các chất có nồng độ độc hại cao để tẩy rửa vi khuẩn. Khi sử dụng chất khử trùng có nồng độ độc hại cộng với việc thải chất độc ra môi trường khiến nguồn nước ô nhiễm, lại chính là nguyên nhân quay ngược khiến những người này mắc nhiều bệnh. Còn ngược lại, những công nhân vệ sinh làm việc vất vả, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nhiều lại không bị bệnh. Đây chính là điều ông trời cảnh cáo con người. Bạn yêu môi trường, yêu tự nhiên bao nhiêu, thì tự nhiên sẽ đền trả bấy nhiều, Ông trời cũng yêu thương bạn bấy nhiêu.

Nói những điều này có lẽ sẽ có nhiều người cảm thấy không vui. Xác thực là trên phương diện pháp luật họ không sai trái điều gì cả. Nhưng xét trên một phương diện khác, thì con người không đủ trí huệ để nhìn ra được chân tướng, không biết được như thế nào là phạm Thiên pháp.

Còn nhớ hồi nhỏ, ông nội vẫn luôn căn dặn tôi, không được lấy giấy có chữ viết để dùng đi vệ sinh, mà phải mang ra ngoài trời hoá đi. Hồi đó tôi đang học trung học, tôi cho rằng ông nội thật quá buồn cười, tờ giấy đó có gì đâu cơ chứ? Giấy thì được làm bằng gỗ mà ra, còn chữ thì bất quá chỉ là mực, nếu đem tách biệt thì chẳng phải đều là phân tử sao? Cần gì phải nghiêm trọng như vậy chứ? Hồi đó tôi còn cười thế hệ trước quá hồ đồ cổ hủ, bây giờ nghĩ lại thấy mình khi đó thật quá cuồng vọng.

Người xưa nói: “Sông có Thần sông, núi có Thần núi”, không thể mạo phạm. Vậy nên, chúng ta không được đem các chất thải cũng như rác thải đổ ra sông ngòi.

Nhưng bây giờ nói những lời này thử hỏi có mấy ai tin? Đặc biệt là đối với những người mà trước nay đều tiếp nhận giáo dục vô Thần, nếu đem những lời này ra nói với họ, thì họ sẽ càng không tin.

Bởi lẽ, học sinh học sẽ không tin vào sách Hoàng Đế Nội Kinh; học hoá học sẽ không tin vào ‘núi có Thần núi, sông có Thần sông’; học khí tượng sẽ không tin vào Thần Phật. Điều này chẳng đáng buồn hay sao!

Khi con người không còn tin vào Thần Phật thì tai ương đã không con xa nữa

Chúng ta có thể thấy xã hội con người ngày nay, khi niềm tin vào nhân quả và thiện ác hữu báo không còn thì điều gì cũng dám phạm, tội ác nào cũng có thể gây ra. Nạn nạo phá thai không ngừng tăng lên, những quảng cáo sai trái làm biến dị quan niệm của con người tràn đầy khắp chốn. Ngay cả ngành Y, cái ngành nghề vốn dĩ xưa nay cao quý, được người đời ca ngợi “Lương Y như từ mẫu” thì giờ đây cũng làm ra những chuyện bại hoại vô liêm, ra đường đâu đâu cũng thấy quảng bá nạo phá thai nhan nhản…

Ra đường đâu đâu cũng thấy quảng bá nạo phá thai nhan nhản… Ảnh dẫn theo vietbao.vn

Tất cả đều vì đồng tiền, vì lợi ích cá nhân mà không ai đứng ra quản những việc như thế. Với một xã hội với quá nhiều những quan niệm sai lầm biến dị, thì thử hỏi việc phải đối diện với thiên tai bệnh tật ngày một tăng lên là điều còn khó hiểu chăng?

Nghèo đói và bệnh tật cũng không sợ bằng việc con người có suy nghĩ chệch hướng, ví như quan niệm về sự hưởng thụ, quan niệm về tiền tài, quan niệm về quan hệ nam nữ, quan niệm về giá trị đích thực của đời người…

Tất cả những quan niệm sai lầm biến dị kia mới chính là nguyên nhân gốc rễ của mọi tại họa mà chúng ta đã, đang và sẽ phải đối diện. Và để có thể cứu vãn được tình huống này, đồng thời tránh khỏi những tai ương ập đến, thì nhân loại chúng ta chỉ có một con đường duy nhất. Đó chính là khôi phục lại văn hoá truyền thống, tìm lại giá trị đích thực của đời người!

Theo NTDTV
Minh Vũ biên dịch

Xem thêm:

Từ Khóa: