Trước thời Đường, cổ thành Trừ Châu có lịch sử lâu đời này chẳng qua chỉ là một địa danh ít người biết đến, nhưng về sau, những văn nhân mặc khách nổi tiếng đã vì nó mà phú thi tác văn, ngâm vịnh truyền tụng, biến nó thành một thành trì văn hóa mà mọi người đều biết. 

Trong những năm Kiến Trung thời Đường, một quận cổ xa xôi và hoang vắng ở Giang Nam nghênh đón tân trưởng quan. Ông mặc dù là thứ sử một quận, nhưng chẳng qua chỉ là một viên chức nhàn tản mà triều đình thải ra, hầu như không có việc để làm. Ông sẵn có tài trị thế, nhưng không có đất dụng võ, bèn phiêu bạt chốn thanh sơn lục thủy, sống cuộc đời nửa quan nửa ẩn.

Nơi đây cách xa những tranh chấp quan trường, viễn ly phồn hoa tục sự, duy có cảnh trí thuần tịnh như tranh. Nơi “thanh thanh khê bạn thảo, lịch lịch hoàng oanh ngữ” – hoa cỏ mọc bên khe suối trong mát, chim vàng anh hót líu lo, chỉ có mình ông lưu lại hình bóng vừa bước đi vừa không ngừng ngâm nga. Ông say sưa trước mỹ cảnh thanh tân thoát tục trước mắt, lại cảm thụ sự tịch mịch khi không có ai cùng thưởng ngoạn. Một cơn mưa xối xả bất ngờ ập đến, ông muốn qua sông để về nhà, nhưng chỉ thấy một con đò nhỏ không người lái ở bến đò.

Cảm giác thất lạc trong tâm càng nặng trĩu, ông đã viết những tâm tình thiên tơ vạn mớ ấy thành một bài thơ nhỏ. Bài thơ này không ngờ đã trở thành thi phẩm nổi tiếng nhất của ông:

滁州西澗》(韋應物):
獨憐幽草澗邊生,上有黃鸝深樹鳴。
春潮帶雨晚來急,野渡無人舟自橫。

“Trừ Châu Tây Giản” – Tác giả: Vi Ứng Vật

Độc liên u thảo giản biên sinh, 
Thượng hữu hoàng li thâm thụ minh. 
Xuân triều đái vũ vãn lai cấp, 
Dã độ vô nhân chu tự hoành. 


Dịch thơ
Luyến thương cỏ buồn khe suối sinh,
Cổ thụ vàng oanh hót líu linh.
Triều xuân chợt đổ cơn mưa gấp,
Bến vắng đò ngang mặc tự hành.

Thưởng thức thi cảnh

Thơ phong cảnh thời Đường đẹp đẽ, ngôn ngữ tinh tế ưu mỹ, lực biểu cảm phong phú, thường được ca ngợi là “trong thi có họa”. “Trừ Châu tây giản” dùng hai mươi tám chữ để miêu tả hai bức tranh hoa và chim bên khe suối thanh u điềm đạm, và con thuyền nhỏ bị bỏ mặc trong mưa gió điêu linh. Bài thơ này chủ yếu miêu tả những gì tác giả đã thấy và nghe trong chuyến du xuân ở ngoại ô Trừ Châu, thông qua mô tả cảnh vật, hàm súc biểu đạt nội tâm tình hoài thâm trầm của mình.

Bức tranh cho thấy một phần của “Thuyền trong rừng lạnh” do Hoàng Canh thời Nam Tống vẽ (phạm vi công cộng)

Hai câu đầu triển hiện bức tranh đầu tiên. Hai chữ “độc liên” mở đầu bài thơ tạo nên tình cảm nồng đậm cho toàn bài thơ. Chữ “độc” cho thấy nơi đây không người đến, ngoại trừ nhà thơ. Đây không chỉ là chỗ biểu hiện nhãn quang độc đáo, phẩm vị cao nhã của thi nhân, mà còn ám thị trạng thái cô tịch, bởi cao nhân khó tìm tri kỉ. Vì thế nỗi ngậm ngùi của nhà thơ, cũng là cái tình hỉ ái của nhà thơ đối với vùng đất hoang dã này, càng tỏ ra chân thành và đáng quý hơn.

Điều thu hút sự chú ý của nhà thơ là loài cỏ âm thầm mọc bên khe suối. Loại u thảo này, bản sắc xanh tươi, chất phác và hào phóng, không quần phương tranh diễm, hợp với phẩm hành cao thượng thanh khiết của người quân tử. Nhà thơ khách cư ở Trừ Châu, rất khó tham gia chính sự, đồng dạng như một hiền sĩ tự bằng lòng với tịch mịch, an bần thủ tiết. Ông nhìn thấy bóng dáng của mình trên thân u thảo, mà tâm sinh thương nhớ dành cho nó.

Khi đang một mình thưởng thức, ông đột nhiên nghe thấy tiếng oanh vàng hót du dương trong trẻo. Ngẩng đầu nhìn lên, một bóng vàng nhỏ bé ẩn hiện trên những tán cổ thụ xanh tươi. Lục thụ hoàng điểu là nhan sắc rực rỡ tươi vui của mùa xuân, tiếng chim hót líu lo mang đến sinh khí hân hoan, đồng thời cũng tạo nên một ý cảnh thanh không “điểu minh sơn canh u” (tiếng chim hót khiến sơn cảnh càng thanh vắng). Hai câu này, một tĩnh một động, đặt cạnh bổ sung cho nhau, đồng thời cũng chuyển tải tâm cảnh bình hòa vui vẻ của nhà thơ.

Từ câu thứ ba, bút phong đột chuyển. Nhà thơ du lãm bên dòng suối đã lâu, không cảm giác thời gian trôi nhanh, trời đã hoàng hôn. Một cơn mưa xối xả ập đến, phá vỡ bầu không khí ninh tĩnh của cỏ cây chim hót. Tiếng mưa lộp bộp và tiếng sóng thủy triều gấp gáp như giục thi nhân mau mau về nhà. Thi nhân đang ở chốn hoang dã, ngơ ngác nhìn quanh, muốn đi thuyền qua sông. Bất quá, nơi này ngày thường ít người qua, lại vào lúc mưa gió tối tăm, nào thấy bóng người.

Khi nhà thơ bước đến bến đò, phát hiện người lái đò đã biến mất, chỉ còn lại con thuyền nhỏ bên bờ mặc cho mưa gió sóng dữ. Thuyền vốn là phương tiện đi lại để chở người chở hàng, nhưng giờ lại hoang phế không ai hỏi han, điều này tựa như một nhân sĩ bị quên lãng, không có thực chức, không được trọng dụng, mô tả chân thực về hoàn cảnh của thi nhân!

Khi càng cô độc, bơ vơ, nhà thơ càng nỗ lực ngâm vịnh những câu thơ đạm bạc và khoáng đạt, lưu lại cho người đọc những vần thơ ung dung vô tận. Thơ quý ở hàm súc, hai câu đầu của bài thơ thất tuyệt này, bề ngoài mô tả phong cảnh dòng suối vào mùa xuân, ngôn ngữ thanh lệ tự nhiên, tạo thành một bức tranh tĩnh lặng và xa xăm. Tuy nhiên, đằng sau những màu sắc tươi sáng và bầu không khí nhàn tản, nó thể hiện cốt cách cứng cỏi không xu nịnh thế tục, đặc lập độc hành của nhà thơ.

Ở hai câu cuối của bài thơ, sắc trời tối sầm, thủy triều dâng lên, cơn mưa ào xuống, bức tranh chuyển từ tươi sáng sang âm tối, từ tĩnh lặng sang hỗn loạn. Nhà thơ đang trăn trở tìm lối thoát, nhưng khi nhìn thấy con thuyền đơn độc của mình tự trôi đi, đường về bị chặn lại, ông không khỏi liên tưởng đến vận mệnh của chính mình. Dưới vẻ ngoài ung dung khoáng đạt, kỳ thực uẩn tàng nhiều phẫn uất khi bản thân không thể báo quốc, bất lực khi phí hoài những năm tháng niên hoa.

Những ưu tư tràn đầy nhiệt huyết về quốc gia và thân thế, không thông qua phương thức biểu đạt khẳng khái bi tráng, mà chúng được dung nhập vào cảnh sắc cộng hưởng với tâm tình của ông. Phong cảnh sơn thủy ấm áp và ninh tĩnh của Trừ Châu làm nhạt đi sóng gió đang trỗi dậy trong tâm trạng nhà thơ, giúp thứ mà thơ ông truyền đạt là cái đẹp của sự trung hòa. Con thuyền cô độc trong mưa gió, càng thêm ý vị một đời sóng gió: “Nhất toa yên vũ nhậm bình sinh”.

Câu chuyện đằng sau bài thơ đường

Vi Ứng Vật, tác giả của “Trừ Châu tây giản”, tự Nghĩa Bác, là một thi nhân phái sơn thủy điền viên nổi tiếng thời Đường, nổi danh cùng Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Liễu Tông Nhiên, hậu thế thường gọi họ là “Vương mạnh vi liễu”. Vi Ứng Vật sinh ra trong gia tộc họ Vi ở Kinh Triệu, tổ bối nhiều người làm quan hiển quý, thời Bắc Chu có danh sĩ Tiêu Diêu Công, triều Đường có mười bốn vị tể tướng. Mặc dù gia tộc họ Vi sa sút ở thế hệ Vi Ứng Vật, nhưng ông vẫn là một công tử quý tộc thâm thụ hoàng ân, khi 15 tuổi đã hưởng đặc ân nhập cung làm thị vệ của Đường Huyền Tông.

Vi Ứng Vật, một thi nhân thời Đường, còn được biết đến với cái tên Vi Tô Châu hay Vi Giang Châu. (phạm vi công cộng)

Thanh niên đắc chí, cận thần của thiên tử, Vi Ứng Vật may mắn bước vào sự nghiệp sĩ đồ trong thời khai nguyên thịnh thế. Tự do ra vào cung đình, sống qua đoạn đời thị vệ xuân cảnh đắc ý, nhưng rồi ông lại gặp chuyện bất hạnh, làm quan được 5 năm thì gặp loạn An Sử. Triều Đường thịnh thế không còn, ông cũng lưu lạc tha hương. Sau khi chiến sự kết thúc, Vi Ứng Vật trở lại kinh thành, nhập Thái học đọc thư, trở lại làm quan nhờ chân tài thực học của mình.

Ông là nhân chứng cho sự chuyển mình từ thịnh sang suy của nhà Đường, chứng kiến ​​thế cục rối ren khi hoàng quyền dồn dập đổi thay, cũng vì tính cách cương trực không nghiêng ngả khuất phục bởi cường quyền, ông trường kỳ bị chèn ép. Vi Ứng Vật lo lắng quốc sự không được trọng dụng, cũng từng trải nhiều lần bị đàn áp, chán chường chốn quan trường tranh tranh đấu đấu, ông đã manh nha ý định từ quan quy ẩn. Rồi “Nhật tịch tư tự thoái, xuất môn vong cố sơn”, ông xưng bệnh từ quan, từng một độ sống trong chùa. 

Theo tiểu sử của ông, trước tuổi trung niên, Vi Ứng Vật chủ yếu làm quan ở kinh thành hoặc các vùng lân cận, được bổ nhiệm làm thứ sử Trừ Châu vào năm Tự Kiến thứ tư (năm 783), đảm nhiệm trưởng quan địa phương ở khu vực Giang Nam trong nhiều năm. Có thể nói, việc làm quan ở Trừ Châu là một bước ngoặt quan trọng trong vận mệnh của Vi Ứng Vật.

Hầu hết các quan văn thời Đường đều có quan niệm coi trọng kinh đô, coi nhẹ địa phương, triều đình lại thường xuyên giáng chức các đại thần có tội đi nơi khác làm quan, điều này càng làm trầm trọng thêm tâm lý này. Đối với Vi Ứng Vật, tâm trạng khi lần đầu tiên đến Trừ Châu rất phức tạp. Thứ sử là vị quyền cao chức trọng tại địa phương, nhưng vẫn không che đậy được sự thật bị điều đi sứ xa. Trên đường đến Trừ Châu, ông đã viết câu thơ “Độc dạ ức tần quan, thính chung vị miên khóa”, bày tỏ nỗi khổ nhớ quê và phiêu linh.

Khi đến Trừ Châu, Vi Ứng Vật không quên chức trách làm quan, trong những bài thơ của mình, ông đã chia sẻ với bạn bè mình đang chăm chỉ làm việc: “tương đôn tại cần sự”, vì chính sự đương địa “vi quận phóng điêu sái”, nhưng ông vẫn “sở ưu tại tố xan”, cảm thụ nỗi khổ muộn khôn nguôi. May mắn thay, sơn quang thủy sắc độc đáo vùng Giang Nam đã lấp đầy thời gian trống vắng của Vi Ứng Vật, an ủi thân tâm mệt mỏi của ông.

“Thời sự phương nhiễu nhiễu, U thưởng độc du du” (dù tình hình chính sự nhiễu nhương, nơi vùng sâu vùng xa này vẫn được hưởng nhàn nhã), Vi Ứng Vật cuối cùng đã dấn thân vào con đường nửa làm quan nửa ẩn dật. Ông dù vẫn là một thứ sử đảm đương chức trách, nhưng cũng là một văn nhân thất ý vì không được trọng dụng, nên khi du sơn ngoạn thủy, ông để cho bản thân mình dung nhập vào giữa chim muông và hoa cỏ, quên đi thế tục ưu phiền, truy tìm ý nghĩa của sinh mệnh.

Vi Ứng Vật sống ở Trừ Châu trong ba năm, viết nhiều danh tác. Ông ở đây sầu khổ tiêu trầm, nhưng cũng vì vậy mà có được tâm hồn vô tư đạm bạc. Ông vì bị vứt bỏ không trọng dụng mà sa đà vào những tháng năm khổ não, nhưng lại có thể dùng những văn tự thanh đạm phiêu miểu mà hóa giải nó, làm một thi nhân Vi Ứng Vật chân chính.

Trừ Châu nhờ có sự tồn tại và những tác phẩm truyền thế của Vi Ứng Vật mà khác biệt với những nơi khác. Sau Vi Ứng Vật, đại văn hào Âu Dương Tu thời nhà Tống đã đến nơi đây. Ông đã vì Trừ Châu xây Phong Nhạc đình, khắc biển Túy Ông đình, từ đó nhã hiệu “Túy Ông” (ông say) được quảng truyền thiên hạ. Trước thời nhà Đường, cổ thành có lịch sử lâu đời này chẳng qua chỉ là một địa danh ít người biết đến, nhưng từ thời kỳ nhà Đường trở về sau, những văn nhân mặc khách nổi tiếng đã vì nó mà phú thi tác văn, ngâm vịnh truyền tụng, biến nó thành một thành trì văn hóa mà mọi người đều biết. 

Đến ngày nay, rất nhiều người đều có thể đọc thuộc lòng câu thơ “Dã độ vô nhân chu tự hoành”, hoặc là “Túy ông chi ý bất tại tửu”, mà nhớ đến lịch sử Trừ Châu. Một ngôi thành có thể cải biến một cá nhân, một cá nhân có thể thành tựu một ngôi thành, đây đại khái là ý nghĩa đặc biệt mà văn học truyền thống mang lại cho chúng ta.

Tác giả Lan Âm, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch