Nơi cao nhất của núi Võ Đang là Thiên Trụ Phong, cao 1612 mét so với mực nước biển. Đỉnh Thiên Trụ là nơi đặt Kim Điện – tinh hoa của núi Võ Đang. Thời cổ, Kim Điện không có thiết bị chống sét, nên trong những cơn giông bão, khu vực xung quanh Kim Điện thường nhấp nháy ánh sét, với những quả cầu lửa lăn tung tóe, tạo nên một cảnh tượng tráng lệ. Sau mỗi lần sét đánh, Kim Điện không những không bị hư hại, mà còn sáng lên như mới, và còn có nhiều điều khiến người ta kinh ngạc.

Kim Điện được xây dựng vào năm Vĩnh Nhạc thứ 14, triều Minh (1416); chính điện có diện tích 13,7 mét vuông, cao 5,54 mét, nặng hàng trăm tấn. Theo ghi chép lịch sử, toàn bộ các cấu kiện của Kim Điện được đúc ở Bắc Kinh, và sau đó được vận chuyển bằng đường sông qua Nam Kinh, đi ngược dòng Trường Giang đến núi Võ Đang, nơi chúng được lắp ráp mà thành. Đây hiện là ngôi đại điện bằng đồng mạ vàng lớn nhất ở Trung Quốc.

Đỉnh Thiên Trụ của núi Võ Đang (Ảnh Internet)

Núi Võ Đang là một trong những “phát nguyên địa” – vùng đất tổ chính của Đạo giáo. Có vô số công trình tác phẩm tiêu biểu của Đạo giáo được quy tụ ở đây, là nơi trí huệ và khoa học kỹ thuật của cổ nhân được triển hiện một cách thấm đẫm và sống động, tạo nên một chuỗi những kỳ quan thiên cổ như bích họa Cửu Khúc Hoàng Hà và Lôi Hỏa Luyện Điện, lưu lại ấn tượng khó phai mờ trong lòng du khách. Trong số rất nhiều hiện tượng thần kỳ, có thể nói Lôi Hỏa Luyện Điện là khiến người ta chấn động nhất. Bất cứ khi nào có giông bão, khu vực xung quanh Kim Điện trên đỉnh Thiên Trụ tất định đều có tia sét bao bọc dày như dây xích; dưới âm thanh cuồn cuộn của sấm sét, những quả cầu lửa khổng lồ sẽ lăn quanh tứ phía của Kim Điện, tiến hành tẩy lễ cho ngôi điện này, đồng thời cũng gây chấn động nhân tâm, tựa hồ như đang hướng tới nhân gian mà tuyên cáo về lực lượng bất khả kháng cự của tự nhiên.

Tuy nhiên, điều đáng nói là mỗi khi giông bão kết thúc, ngôi Kim Điện, sau khi đã trải qua vô số lôi hỏa, không những không hề bị tổn hại mà còn sáng sủa rực rỡ như mới, tựa hồ như vừa được tái sinh. Chính vì nguyên nhân đó mà hàng nghìn năm nay, hiện tượng này được gọi là Lôi Hỏa Luyện Điện, thuộc về bí ẩn thần thánh nhất tồn tại ở núi Võ Đang. Tất nhiên, ngoài cảnh tượng Lôi Hỏa Luyện Điện, ngôi Kim Điện còn có hai kỳ quan khác, là “Tổ suý xuất hãn” (Tổ súy đổ mồ hôi) và “Hải mã thổ vụ” (Hải mã nhả sương mù).

Mỗi khi trước khi giông tố ập đến, các tượng Thần trong Kim Điện nội cung đều xuất hiện tình huống đổ mồ hôi nhễ nhại, và có những giọt nước không ngừng chảy ra từ tượng Thần, báo trước một cơn mưa lớn. Đồng thời, một bức tượng hải mã trong số rất nhiều bức tượng điêu khắc sẽ phát ra âm thanh “wei wei” và phun ra những chuỗi sương trắng, khiến người ta có cảm giác như lạc vào tiên cảnh, tựa hồ đang chuẩn bị chào đón các vị Thần linh trong sấm chớp. Như chúng ta đã biết, vào thời cổ đại, hầu hết dân chúng đều quy những hiện tượng thần kỳ này là do Thần Thánh, và núi Võ Đang, nơi vốn đã có một uy danh nhất định, trong tình huống này lại càng trở nên được hoan nghênh và nổi tiếng hơn. 

Bức tượng đồng mạ vàng của “Chân Vũ Đại Đế” được tôn trí trong sảnh Kim Điện (ảnh Internet)

Tuy nhiên, cùng với thời gian, với sự phát triển dần dần của khoa học công nghệ ngày nay, kỳ quan Kim Điện cũng đã được những người có kiến ​​thức khoa học nhận thức và lý giải khác đi.

Trong số đó, hiện tượng “Tổ súy đổ mồ hôi” được các nhà khoa học giải thích là do kết cấu kín của Kim Điện. Ngay từ đầu kiến trúc này đã dự liệu nguyên lý co – giãn nhiệt, nên dù nhiệt độ có thay đổi thế nào thì Kim Điện cũng sẽ luôn duy trì trạng thái nghiêm mật và không bị thấm, rỉ. Vì vậy khi giông bão đến, tùy theo khí áp thay đổi, các giọt nước sẽ chảy ra do hơi nước ngưng tụ. 

Các nhà khoa học cũng giải thích hiện tượng “Hải Mã nhả sương” là do Kim Điện sử dụng nguyên lý kết cấu rỗng để tạo thành hiện tượng này. Còn “Lôi Hỏa Luyện Điện” được giải thích là ứng dụng của sấm sét mà chúng ta biết đến bây giờ. Họ giải thích rằng đồng là một vật liệu dẫn điện tuyệt vời, khi một số lượng lớn mây tụ lại, mặt đất sẽ hình thành một sự chênh lệch điện thế tiềm năng rất lớn với các đám mây, dưới sự dẫn điện của vật liệu đồng, những ngọn hỏa lôi kinh hoàng xuất hiện, do đó hình thành nên kỳ quan thiên cổ “Lôi Hỏa Luyện Điện”.

“Lôi Hỏa Luyện Điện” (Ảnh Internet)

Cùng với việc ba đại kỳ quan của Kim Điện được các nhà khoa học lý giải, người ta cũng đã thực hiện những thí điểm liên quan, kết quả phát hiện hiện tượng “Tổ súy đổ mồ hôi” và “Hải mã nhả sương” đều không dễ tái hiện qua thực nghiệm, còn “Lôi Hỏa Luyện Điện” càng không có cách nào mô phỏng. Các bộ phận hữu quan đã lắp đặt cột thu lôi trên đỉnh Kim Điện, không ngờ hành động thừa này của họ không chỉ làm tăng thêm số lần sét đánh, tổn hại phụ mẫu điện, mà còn khiến “Tu Di Tọa” của Kim Điện bị tổn hại nhiều lần. Một cây cổ tùng ngàn tuổi ở sân sau Kim Điện cũng vì thế mà bị chết, và kỳ quan “Lôi Hỏa Luyện Điện” từ đó cũng hoàn toàn biến mất. Sự biến mất của hiện tượng “Lôi Hỏa Luyện Điện” cũng trở thành một bí ẩn lớn trong cộng đồng khoa học. Đánh giá từ thực nghiệm và thực tế, có vẻ như nó không phải là đơn giản là những thứ trên bề mặt.

Kim Điện núi Võ Đang (Ảnh: Internet)

Các cung điện và đền, miếu thờ trong các kiến trúc cổ của núi Võ Đang là hiện thân của những thành tựu nghệ thuật và kiến trúc học thế tục và tôn giáo của ba triều đại Nguyên, Minh và Thanh ở Trung Quốc. Các quần thể kiến ​​trúc cổ tọa lạc dưới chân dãy núi Võ Đang, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, có phong cảnh như họa, được hình thành dần dần với quy mô từ thời nhà Minh. Trong số đó, các quần thể kiến trúc cổ trên núi Võ Đang của Đạo giáo có thể đã bắt nguồn từ thế kỷ thứ 7 Sau Công Nguyên. Những kiến trúc này đại diện cho trình độ nghệ thuật và kiến ​​trúc tối cao của Trung Quốc cổ đại trong ngàn năm đã qua.

Theo Sound Of Hope, Hương Thảo biên dịch