Mặt trời mọc rồi lại lặn, mây cuộn rồi lại tan, 72 ngọn núi xanh vẫn như xưa chầu về Kim Đỉnh, 24 con suối vẫn róc rách giống thuở nào chảy khắp bốn phương. Núi Võ Đang ngày nay vẫn là Thánh địa Đạo giáo, là đệ nhất Tiên sơn, du khách vẫn nườm nượp, cung quán như rừng, dường như thừa kế quy luật thịnh suy thời xưa, lại tựa như lặng lẽ thay đổi bản chất.

Tiếp theo: Phần 1Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5Phần 6Phần 7, Phần 8

Trong các Đạo cung, am, đường có một quần thể cung quán điện đài cổ xưa, vĩnh viễn ngủ vùi dưới đáy nước. Nơi tu hành nhiều lần hư nát lại nhiều lần xây dựng may mắn còn tồn tại này, đã khai phát thành điểm tham quan du lịch, và giao thầu thành trường dạy võ thuật đầy hơi thở thương mại. Nhưng những người bước trên con đường Thần đạo này, đại đa số là du khách vãn cảnh xem điều mới lạ. Những Đạo nhân vốn không màng chuyện thế sự, cũng đã nhiễm phong khí ô trọc chốn hồng trần. Tinh thần tìm Chân hỏi Đạo đã mất từ lâu rồi.

Ngọn núi lớn này, rốt cuộc là từ khi nào bắt đầu biến đổi? Từ sau đời Thanh, khi thời đại đế quốc kết thúc, các nhân sỹ tìm con đường cứu vong cho dân tộc, quốc gia. Đến năm 1949, một nhóm người theo thuyết vô Thần tại Đại Lục đã bắt đầu sự thống trị cực quyền kéo dài đến nay 68 năm.

Trên mảnh đất Thần Châu rộng lớn, tất cả các tín ngưỡng chính giáo, bao gồm cả môn phái Võ Đang, đã phải chịu kiếp nạn xưa nay chưa từng có.

Cải cách ruộng đất, Đạo nhân Võ Đang không chốn nương thân

Thời kỳ Dân Quốc, núi Võ Đang vượt qua tác động của cuộc chiến tranh kháng Nhật, trên núi có khoảng 600 Đạo nhân đang tu luyện. Giáo phái Võ Đang đã đi đến suy vi, nhưng vẫn duy trì được truyền thống tu hành, hương hỏa Huyền Vũ Đại Đế trong giáo phái vẫn chưa từng mất. Nhưng sau khi chính quyền mới chiếm lĩnh Đại Lục, tất cả đều bị thay đổi tàn nhẫn. Mặc dù “Tự do tín ngưỡng tôn giáo” được viết vào Hiến Pháp, nhưng tư tưởng vô Thần của người cầm quyền lại hoàn toàn trái ngược với tín ngưỡng tôn giáo. Do đó, hai tiếng “Tự do” chẳng qua chỉ là lời dối trá che đậy lòng người mà thôi.

Từ đây, các tôn giáo và những người tu hành bắt đầu đối mặt với kiếp nạn. Các tăng ni và Đạo sỹ xuất gia bị biến thành hình tượng tiêu cực, ngu muội, vô tri, mê tín, bất đắc dĩ bị chụp lên cái mũ “giai cấp bóc lột” vì lý do không lao động sản xuất. Phật, Đạo, Thần vốn là những vị Thần linh thiêng trong tín ngưỡng dân gian, nay lại trở thành điều mê tín, ngu muội, bị phủ nhận khỏi cội nguồn văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Dưới tình hình ấy, con người càng ngày càng mất đi lòng kính ngưỡng đối với người tu hành, mà bản thân họ do sự thay đổi to lớn về môi trường sinh tồn, cũng phải nhẫn chịu áp lực tinh thần to lớn. Rất nhiều tín đồ Phật giáo, Đạo giáo, đã không cưỡng nổi cám dỗ của cuộc sống xã hội, rời khỏi chùa quán bước vào thế tục, bao công đức mất sạch, lại trở thành những chúng sinh tầm thường. Các cung quán lớn của Võ Đang bị thu làm tài sản quốc hữu, các Đạo sỹ đành phải chen chúc trong mấy cái am nhỏ, chùa nhỏ qua ngày.

Các Đạo sỹ xưa một lòng cầu Đạo, được hoàng gia và bách tính cúng dường, dựa vào ruộng đất tài sản của chùa, khách hành hương bố thí để đáp ứng nhu cầu ăn mặc cơ bản. Nhưng hiện thực nghiệt ngã trước mặt không chỉ khiến họ khó duy trì hương hỏa Đạo giáo, lại còn bị cắt đứt nguồn sống của các Đạo nhân. Ví dụ, hơn trăm Đạo nhân cung Thái Hòa trên Đại Đỉnh, đã mất đi “người tiếp duyên”, thời cao điểm còn không có đất đai, đành phải hoàn tục về quê làm ruộng.

Không khí Đạo giáo của Võ Đang ngày càng đạm bạc, các cung quán không còn là Đạo trường thanh tu và thờ phụng thuần túy nữa, mà biến thành nơi ở tập thể cho những người lao động sản xuất. Các Đạo nhân bị cưỡng chế bỏ cái mũ tu hành xuống, gia nhập vào đội ngũ lao động sản xuất.

Các Đạo nhân bị cưỡng chế bỏ cái mũ tu hành xuống, gia nhập vào đội ngũ lao động sản xuất. (Ảnh: britannica.com)

Phong trào hợp tác xã và phản hữu, văn hóa Võ Đang suy bại toàn diện

Nếu như các quân chủ cổ đại coi trọng chính giáo, thì chính quyền mới lại coi tín ngưỡng ‘kính Trời tín Thần’, ‘thiện ác nhân quả’ như kẻ thù. Vì để tôn giáo tồn tại, rất nhiều Đạo nhân buộc phải thỏa hiệp, bước vào con đường thế tục dưới sự ép buộc của nhà cầm quyền.

Cuối thập niên 50, phong trào chỉnh phong lan ra toàn quốc đã trở thành đại kiếp nạn của Võ Đang. Cuối tháng 3 năm 1958, chính quyền huyện Quân phái một loạt quan chức tổ thành “tổ công tác chỉnh phong”, cưỡng chế vào trú ở Tử Tiêu Cung, ra lệnh cho 87 Đạo sỹ ở 29 cung quán đem theo hành lý và lương thực trong hai tháng, tiến hành “hoạt động giáo dục xã hội chủ nghĩa” ở trong cung.

Họ động viên các Đạo nhân đề xuất ý kiến, đồng thời căn cứ vào ý kiến của họ phân định thành “phái hữu” để tiến hành phê bình đấu tố. “Chỉnh phong” mau chóng chuyển sang cơn sóng “phản hữu”, trải qua 79 ngày “Đại minh đại phóng”, đại phê phán, 18 Đạo nhân bị chụp lên tội danh phái hữu, 38 Đạo nhân bị điểm danh cảnh cáo, có 3 Đạo nhân không chịu nổi nỗi nhục mà tự sát.

Không lâu sau, chính quyền thực thi con đường kinh tế cấp tiến “3 lá cờ”. Thông qua phong trào “hợp tác xã nhân dân”, các Đạo nhân các cung quán lớn Tử Tiêu, Nam Nham, v.v. bị sáp nhập vào các tổ chức hợp tác xã địa phương, tài sản của các cung quán quy về sở hữu hợp tác xã, các trai đường của cung quán bị trưng thu là nhà ăn, để các xã viên ăn uống trong đó.

Mỗi khi đến mùa thu, các Đạo sỹ thân thể cường tráng do độc thân nên bị phân công làm “nhân viên đặc định hộ thu” của hợp tác xã và đội sản xuất, họ phải cầm cái chiêng đồng gõ cả đêm trong khu đất trồng cây hoa màu để xua đuổi dã thú ăn lương thực, cho đến khi trời sáng mới được về quán nghỉ ngơi. Cuối thu, các Đạo nhân còn phải tham gia các công trình xây dựng thủy lợi với xã viên.

Cứ như thế, Đạo nhân và xã viên cùng ăn cơm tập thể, cùng tham gia lao động, giới luật tu hành và tiết tấu sinh hoạt hoàn toàn bị phá hoại, buộc họ phải đi theo hướng thế tục hóa.

Các Đạo nhân còn phải tham gia các công trình xây dựng thủy lợi với xã viên. (Ảnh:marxists.org)

Văn vật gặp nạn, Đạo giáo Võ Đang dần biến mất

Ngọn núi lớn trong sáng thuần tịnh ngày xưa không còn văng vẳng tiếng mõ, tiếng tụng kinh nữa. Cuộc sống thường nhật của các Đạo nhân tham thiền đả tọa, luyện công dưỡng sinh đã trở thành hy vọng xa xỉ. Một loạt các phong trào dấy động đã đảo ngược thể chế giáo phái và văn hóa tín ngưỡng của Đạo giáo.

Đạo cung và Đạo nhân đều đã bị “cải tạo”, nhưng trong núi Võ Đang vẫn còn cất giữ những văn vật tích luỹ qua các triều đại như tượng Thần, đồ thờ cúng, kinh sách điển tịch, đã ghi chép sự phồn vinh của ngọn núi lớn này và sự sùng bái lễ kính của thế nhân đối với Đạo. Nhưng, những di sản văn hóa không thể nào phục chế lại này, cũng chịu chung số phận tai ương bị diệt sạch.

Dưới sự chỉ đạo đường lối kinh tế của phái cực tả, chính quyền địa phương đã lấy các văn vật Võ Đang làm con đường phát tài. Tháng 1/1956, các cán bộ phòng văn hóa, phòng tài chính huyện Quân giương ngọn cờ “Khai thác tiềm lực, tăng thu thập tài chính địa phương”, đã tổ chức người xông vào núi Võ Đang, tùy tiện đập vỡ tượng Thần, đồ thờ cúng ở 14 cung quán, lấy được 48 nghìn cân đồng (24 tấn).

Tháng 3 đến tháng 4 cùng năm, các cán bộ huyện Quân lại lên núi thu lấy đồng, lấy được 22 nghìn cân (11 tấn). Trong các tượng đồng bị phá hủy, tượng đẹp hoàn hảo có 71 pho, trong đó hai pho quý nhất là tượng Huyền Vũ đúc động dát vàng từ Ngọc Hư Cung và Tịnh Lạc Cung, mỗi cái nặng khoảng 1000 kg. Mấy trăm năm nay, những pho tượng này được tôn kính đặt trên điện Thần, vậy mà tất cả hóa thành mảnh vụn trong tay một nhóm bạo đồ.

Người Trung Quốc không còn tín ngưỡng và đạo đức ước thúc, để cho bạo lực và tư dục phát triển, đã hết lần này đến lần khác phá hủy văn minh tôn giáo mà tiền nhân để lại. Nếu nói sự kiện đập tượng đồng chỉ là cá biệt ngẫu nhiên xảy ra ở núi Võ Đang, thế thì trong đại kiếp nạn cách mạng văn hóa nổ ra tiếp theo, hồng vệ binh phát động phong trào “phá tứ cựu” đập, phá, cướp, đã hoàn toàn biến Thánh địa Đạo giáo thành địa ngục nhân gian.

Một ngày năm 1966, từng nhóm thanh niên mặc quân trang xông vào núi. Trong chớp mắt, Đạo cung các nơi dán đầy báo chữ lớn các loại, tượng Thần, bia cổ trong các cung bị đập phá, các kinh văn, quyền phổ cho đến chiếu thư của các đời đế vương đều bị lục lấy gom lại, rồi cho mồi lửa.

Từng nhóm thanh niên mặc quân trang xông vào núi đập phá, các kinh văn, quyền phổ cho đến chiếu thư. (Ảnh: pinterest.co.uk)

Các Đạo nhân còn chưa phản ứng sự thay đổi thế cục, đã trở thành “Quỷ trâu Thần rắn”, lần lượt từng người bị chụp cho tội danh “phần tử phản động” hoặc “phần tử phản cách mạng”, bị phê phán và đấu tố tàn khốc. Họ bị ép đội mũ đỏ quỳ xuống, mắt nhìn trừng trừng những văn vật cả đời mình bảo vệ bị cướp mà bất lực. Sau này, một lão Đạo sỹ tên là La Giáo Bồi không chịu nổi nhục, tức giận treo cổ tự tử.

Gần Võ Đang có một trường cấp 2 huyện Quân, chiếm dụng lâu đài cung quán phòng ốc làm phòng học và ký túc xá. Trong phong trào “phá tứ cựu”, “tiểu tổ lãnh đạo cách mạng văn hóa” địa phương đã dẫn toàn bộ 600 cán bộ công nhân viên nhà trường đập phá tất cả các tượng Thần của các cung quán ở gần trường, tháo dỡ phá hủy các con thú điêu khắc và vật trang trí trên mái cung quán. Họ còn lấy các điển tịch Đạo giáo trong các cung quán tập trung lại rồi đốt, lửa lớn cháy liên tục hai ngày một đêm.

Trong cách mạng văn hóa, các tôn giáo cơ bản đều bị tiêu diệt. Tình cảnh các Đạo nhân càng gian nan, hoặc là vũ hóa, hoặc là hoàn tục, hoặc là bỏ chạy. Đến cuối thập niên 70, núi Võ Đang chỉ còn lại 24 Đạo sỹ già yếu, vận mệnh Đạo giáo đã hết sức nguy ngập. Có lẽ trong lịch sử chưa có một chính quyền nào huy động toàn bộ sức mạnh quốc gia để chủ động phát động phong trào tiêu diệt tôn giáo như vậy.

Tịnh Lạc mất lạc, Ngộ Chân bất chân, diện mạo Đạo cung hoàn toàn biến đổi

Thủy hỏa tương tế, âm dương điều hòa, luôn luôn là tượng trưng văn hóa tạo hóa Thần kỳ của Võ Đang. Huyền Vũ Đại Thần tọa trấn Kim Đỉnh, bảo hộ mỗi nhành hoa, ngọn cây trong núi. Đạo nhân ẩn trong núi khổ chí tu hành, các cung quán lớn rải rác giữa các ngọn núi hòa hợp hoàn mỹ với tự nhiên. Võ Đang ở trạng thái Thiên – Địa – Nhân cùng tồn tại hài hòa đã phát triển văn hóa tu luyện Đạo giáo có nguồn gốc lâu đời. Nhưng chỉ đến khi chính quyền mới chấp chính, lần đầu tiên Võ Đang xuất hiện sự kiện tai họa dị thường nước tràn Tiên Cung, lửa thiêu Thần Điện. Đây là nhân họa do tư lợi gây ra, cũng chính là lời cảnh tỉnh của thượng Thiên đối với sự suy đồi lương tâm của con người.

Tháng 9/1958, bên bờ sông Hán Giang dưới chân núi Võ Đang, cũng chính là nơi gần thành cổ Quân Châu và Tịnh Lạc Cung, đội công trình thủy lợi gồm 11 vạn người tổ thành đang triển khai công trình cung cấp nước và phát điện tại đây. Mấy năm sau, ở đây đã xây dựng xong hồ chứa nước khổng lồ Đan Giang Khẩu. Điều ấy có nghĩa là, thành cổ và Tịnh Lạc Cung ngàn năm đều sẽ chìm ngập dưới nước sông, khiến một đoạn lịch sử vĩnh viễn biến mất.

Đạo Kinh từng ghi chép, Quân Châu là nơi giáng sinh của Vương Tử Tịnh Lạc, tiền thân của Huyền Vũ Đại Đế, mà Tịnh Lạc Cung chính là cung đầu tiên trong 9 cung mà Hoàng Đế Vĩnh Lạc xây dựng khi xây dựng Võ Đang quy mô lớn. Cổ nhân leo Võ Đang, ắt phải đi đường thủy đến Quân Châu, rồi lại đi đường bộ qua Thần đạo dài hơn 140 dặm đến Kim Đỉnh.

Quân Châu có thể nói là cửa ngõ của Võ Đang, do đó hoàng đế Vĩnh Lạc mới ra sắc chỉ xây dựng cung Thần ở đây, làm điểm khởi đầu chầu bái Thánh của Võ Đang. Tịnh Lạc Cung vốn có 520 gian phòng ốc cung điện, đình các, cùng quy chế hoàng cung, hiển hiện khí phách ung dung phú lệ. Thành cổ và Đạo cung có ý nghĩa quan trọng đặc biệt của Đạo giáo như thế này, lại bị nhường vị trí cho một công trình hiện đại hóa.

Đương thời cũng có số ít nhân sỹ đề xuất vấn đề bảo hộ văn vật, nhưng ở không khí cuồng nhiệt của “Đại nhảy vọt”, “Cách mạng văn hóa”, chẳng có ai thực sự quan tâm đến sự tồn vong của “tàn dư phong kiến”. Năm 1967, Đan Giang Khẩu xây xong trữ nước, mọi người chỉ kịp chuyển 2 bia cổ cỡ lớn và mấy trăm cấu kiện kiến trúc đá ra khỏi Tịnh Lạc Cung, rất nhanh chóng thành cổ và cung cổ vĩnh viễn chôn vùi dưới đáy nước.

Sau khi xây xong hồ trữ nước thành cổ và cung cổ vĩnh viễn chôn vùi dưới đáy nước. (Ảnh: ecns.cn)

Bi kịch Tịnh Lạc Cung chưa đi xa, một trận hỏa hoạn đầu năm 2003 đã thiêu hủy Ngộ Chân Cung thờ phụng Đại Đạo Trương Tam Phong. Sau khi lửa tắt, ngôi điện chính trừ mấy bức tường đổ vỡ sót lại, tất cả đều hóa thành đất cháy đen. Đây là tai họa lớn thứ hai của 9 cung Võ Đang.

Truy cứu nguyên nhân hỏa hoạn, thì ra từ năm 1996, các phòng ban văn vật lấy lý do thiếu kinh phí, đem Ngộ Chân Cung cho một trường học tư thuê mỗi năm 15 nghìn tệ (khoảng 50 triệu VNĐ). Trừ một nhân viên quản lý văn vật trông coi, cả Đạo cung đã biến thành lớp đào tạo võ thuật chứa mấy trăm người. Hôm đó, nhân viên công tác do dùng điện không đúng đã gây ra hỏa hoạn.

Núi Võ Đang là điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc, thu nhập rất lớn, nhưng dự toán chính phủ dùng để bảo vệ và phục tu văn vật không chỉ ít đến mức đáng thương, mà kinh phí cấp cho Ngộ Chân Cung dường như là con số 0. Do đó núi Võ Đang lớn thế này, lại không có thiết bị phòng cháy chữa cháy, lúc đó đội chữa cháy dập lửa cũng là từ thành phố điều động tạm đến.

Nghĩ lại các hoàng đế các triều đại trước xây dựng cung quán Võ Đang, không những không phá hoại rừng cây trong núi, lựa chọn vị trí cung và bố trí chỉnh thể đều thuận ứng với tư tưởng Đạo gia tự nhiên vô vi, tạo ra Tiên cảnh chốn nhân gian Thiên – Nhân hợp nhất. Trong lịch sử cũng luôn có các nghĩa cử hoàng đế ban tặng biển gia phong, các Đạo chúng quyên góp tiền tu sửa xây dựng. Mà chính quyền chấp chính hôm nay, trong vòng ba mươi mấy năm đã hủy liền hai Đạo cung, tùy tiện di dời xây dựng cải tạo. Quốc dân trông thấy, cũng không biết tiếc. Đây chẳng phải quả ác sau khi tiêu diệt tôn giáo, phá hoại tín ngưỡng đó sao?

Văn minh tín ngưỡng 5000 năm Trung Quốc, dường như đã bị hủy hoại hoàn toàn. Hỏi trời đất vô cùng kia, cổ phong giờ nơi nào, đại Đạo tìm chốn nao? Cho đến hôm nay, các tín ngưỡng và tôn giáo vẫn không ngừng bị bức hại. May mà, vẫn có một nhóm người tu luyện kiên thủ sơ tâm, hoặc ẩn mình nơi đô thị, hoặc đi ra khắp các nơi trên thế giới, kháng nghị hòa bình, lý tính để bảo vệ Chính Pháp và chính nghĩa. Tin tưởng rằng, cuối cùng cũng sẽ có ngày, tà không thắng chính, mảnh đất lớn Trung Hoa sẽ chấn hưng lại tín ngưỡng Phật Đạo, ngày chấn hưng lại huyền phong Võ Đang cũng không còn xa nữa.

(Hết)

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hải Sơn biên dịch