Trước khi nhà Tần (năm 221 – 206 trước CN) sụp đổ, lãnh đạo quân nổi dậy Lưu Bang chiếm được cung nhà Tần. Cung điện nguy nga với vô số vàng bạc châu báu và cung tần mỹ nữ đã khiến ông vô cùng kinh ngạc.

Sống kiếp người lánh nạn ở nơi thôn dã phần lớn quãng đời trưởng thành, Lưu Bang đã bị choáng ngợp bởi cung điện. Ông quyết định ở lại cung điện và trải nghiệm cuộc sống của Tần vương trong vài ngày trước khi trở về doanh trại nơi các binh sĩ của ông đang chờ.

Khi tướng quân Phàn Khoái và quân sư Trương Lương của Lưu Bang biết được ý định này, họ vội chạy vào cung để khuyên ông không ở lại đó.

Phàn Khoái hỏi Lưu Bang rằng: “Liệu bệ hạ muốn được cả thiên hạ hay chỉ muốn làm người giàu sang phú quý?”

“Tất nhiên là ta muốn có cả thiên hạ!” Lưu Bang đáp.

Phàn Khoái khẩn thiết thưa với Lưu Bang rằng: “Tâu bệ hạ, Ngài thấy trong cung có vô số châu báu và hàng nghìn mỹ nữ. Tất cả những thứ này chính là điều đã làm nhà Tần suy vong. Thần mong bệ hạ lập tức trở về doanh trại; bệ hạ không thể ở lại trong cung.”

Lưu Bang dường như bỏ ngoài tai những lời can gián của Phàn Khoái và khăng khăng ở lại trong cung.

Thấy vậy, Trương Lương bước lên trước và thưa với Lưu Bang: “Tần vương sống xa hoa, hung bạo và hủ bại. Đó là lý do dân chúng nổi dậy lật đổ ông ta và đánh bại quân Tần. Bệ hạ vừa mới lật đổ một Tần vương hung bạo bức bách dân chúng.”

“Có câu: ‘Lời nói ngay nghe chướng tai, nhưng có thể dẫn dất hành vi của người ta ; thuốc tốt có vị đắng, nhưng chữa được bệnh.’ Những gì tướng quân nói với bệ hạ chính là lời khuyên chân thành.”

Lưu Bang liền nhận ra rằng sẽ có hậu quả xấu nếu ở lại trong cung, nên ông nhanh chóng trở về doanh trại.

Câu chuyện trên được ghi chép lại trong Sử Ký Tư Mã Thiên (2), giai thoại thứ 55 về Trương Lương.

Câu thành ngữ “Trung ngôn nghịch nhĩ” (lời nói ngay thẳng nghe chướng tai) bắt nguồn từ câu chuyện này. Ý tứ của nó là những lời khuyên chân thành thường nghe không thuận tai và khiến người ta khó chấp nhận.

Chú thích:

  1. Trương Lương (năm 262-189 trước CN) là vị quân sư tài ba của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Ông được người đời xưng tụng là một trong ba vị tướng kiệt xuất của nhà Hán (năm 206 trước CN – năm 23 sau CN)
  2. Bộ “Sử Ký” được viết bởi sử gia lỗi lạc Tư Mã Thiên (năm 135-86 trước CN) gồm hơn 130 thiên, ghi lại giai đoạn lịch sử từ năm 2600 đến năm 86 trước CN.

Bởi , Epoch Times
Xem bài gốc tại đây