Hoàng đế Khang Hy không chỉ là một vị minh quân hiếm có của Trung Hoa mà ông còn là một người hiếu học, giản dị, kính trọng bậc thánh hiền, hiếu thuận với người bề trên. Những điều này đều trải dài và xuyên suốt trong cuộc đời ông từ khi còn nhỏ đến lúc băng hà.

Khang Hy tuân theo chính sách “Sùng Nho trọng Đạo”. Năm 14 tuổi, ông đã tự mình chấp chính, chấp nhận đề nghị của quan lại người Hán, dẫn đầu trăm quan đến trường Thái học cử hành lễ tế Khổng Tử một cách long trọng.

Ông lần đầu đi tuần miền Nam thì đến miếu Khổng Tử ở Khúc Phụ, Sơn Đông để tế lễ. Ông làm đại lễ “3 quỳ 9 lạy” và còn đích thân viết 4 chữ “Vạn thế sư biểu” (Tạm dịch: Gương sáng ngàn đời) treo ở trong điện. Điều này cho thấy, Khang Hy quyết tâm lấy học thuyết nhà Nho làm gốc để trị quốc. Sau này ông còn khen ngợi Chu Hy đã có công phát huy đạo lý Khổng Mạnh.

Các sỹ phu người Hán và các nho sinh trong thiên hạ, ai nấy đều vô cùng cảm động. Họ khóc và nói: “Hoàng thượng tôn thờ Khổng thánh nhân làm thầy, cho thấy rõ Hoàng thượng là bậc anh minh, có tấm lòng rộng lớn, so với Hoàng đế người Hán không có gì khác biệt, không phải cái gì là phương Bắc dị tộc, thật sự là chân mệnh thiên tử rồi! Chúng ta, những kẻ đọc sách Thánh hiền, giờ đây nên nỗ lực đền đáp ân huệ quốc gia!”

Khang Hy rất nghiêm khắc với bản thân. Lúc mới 5 tuổi, ông đã vào thư phòng đọc sách, đọc cả ngày lẫn đêm, cho dù là thời tiết giá lạnh hay nóng bức, ông đều đọc đến mức quên ăn quên ngủ.

Ông còn rất thích thư pháp. Mỗi ngày ông đều viết hơn ngàn chữ, chưa bao giờ gián đoạn. Ông đọc bộ sách “Tứ thư” – “Đại học”, “Trung dung”, “Luận ngữ”, “Mạnh tử” và nhất định bắt bản thân phải thuộc lòng từng chữ từng chữ một, không bao giờ tự lừa dối mình.

Trên đường đi tuần tra, đêm khuya đi thuyền, hoặc ở hành cung, ông đều thường xuyên giữ thói quen đọc sách, làm thơ, viết văn. Cho đến khi đã ở độ tuổi ngoài 60, ông vẫn thường không rời khỏi sách.

Ông tinh thông rất nhiều ngành học như văn học, lịch sử, địa lý, toán học, y học, v.v… Học thức của ông phong phú đến mức rất nhiều vị học giả cũng không bằng.

Ông tổ chức biên soạn các bộ “Minh sử”, “Toàn Đường thi”, “Khang Hy tự điển”, lưu lại cho người đời sau nhiều văn hóa quý giá. Từ khi tự mình chấp chính cho đến trước lúc băng hà, mỗi ngày ông đều kiên trì ngự điện nghe báo cáo và quyết định việc chính sự. Một năm 4 mùa, không kể là ngày giá lạnh hay ngày nóng bức, ông đều chưa bao giờ bỏ bê. Chỉ trừ những lúc bị bệnh, gặp chuyện quốc gia đại sự, hoặc biến cố to lớn ra thì hầu như không có ngày nào là ông không lên điện để nghe việc chính sự.

Khang Hy ủng hộ tiết kiệm. Ông nói về quần áo của bản thân mình: “Ta từ khi lên ngôi đến nay, lo liệu hết thảy sự việc lớn nhỏ, đều đề xướng tiết kiệm. Y phục mà ta đang mặc trên người là quần áo bình thường, tất mà ta đang đi cũng chính là loại thông thường“. Kỳ thực đúng là như thế!

Một người Pháp đến Trung Quốc, sau đó đã viết thư về báo cáo với Hoàng đế nước Pháp rằng: “Ông ta thuộc loại người giản dị mộc mạc, quả thực là chưa từng thấy. Mỗi ngày ông ta ăn 2 bữa với thức ăn rất đơn giản bình thường, chưa bao giờ vượt quá giới hạn. Quần áo mà ông ta mặc là loại trang phục được xếp vào loại bình thường nhất ở Trung Quốc. Vào những ngày mưa, mọi người đều thấy ông ta mặc một cái áo khoác nỉ, là một loại áo thô ở Trung Quốc. Mùa hè, chúng tôi thấy ông ta mặc áo ngắn bằng vải gai, đó cũng là loại quần áo bình dân mà người dân thường hay mặc. Chỉ vào những ngày tết, ngày lễ lớn, còn bình thường chúng tôi chỉ thấy trên người ông ta có một thứ hoa lệ là một viên trân châu lớn. Viên trân châu này được gắn trên vương miện của ông ta theo phong tục của người Mãn Châu. Ông ta không yêu cầu xa hoa, mà đạm bạc vượt quá khả năng tưởng tượng của tất cả mọi người. Điều này có thể thấy được ngay trên quần áo và đồ dùng sinh hoạt thường ngày của ông.”

Khang Hy cả đời giữ hiếu đạo. Ông vô cùng tôn kính bà nội và mẹ ông. Hàng ngày, việc trước tiên của ông là đến cung Từ Ninh để thăm hỏi họ. Vào những ngày Thái hoàng thái hậu bị ốm, ông còn mấy lần tự mình đi bộ tới đàn tế trời để cầu nguyện cho bà. Ông thường nói rằng sẵn sàng lấy bớt tuổi thọ của mình để cho bà nội được sống lâu.

Sau khi Thái hoàng thái hậu qua đời, Khang Hy vô cùng đau buồn, thường xuyên đến căn phòng nhỏ ngoài cung Từ Ninh và ngồi ở đó. Ngay cả lúc giao thừa, ngày hội ngày lễ, quần thần xin ông hồi cung, ông cũng không về. Sau khi hồi cung rồi, hàng ngày ông vẫn đến cung Từ Ninh, nhìn vật nhớ người.

Khang Hy đã ban hành “16 điều Thánh dụ” nổi tiếng để làm chuẩn tắc cho hành vi của quan lại và dân chúng. Trong 16 điều đó, ông lấy hiếu đạo làm trọng.

Từ xưa đến nay, những người nắm giữ đất nước hầu hết đều nói rằng lấy “Nhân nghĩa” và “Hiếu đạo” để trị vì thiên hạ, nhưng có mấy người thực sự “Nhân nghĩa” và “Hiếu đạo”? Nếu như miệng đầy lễ nghĩa liêm sĩ, mà trong lòng toàn “nam trộm nữ xướng” như kiểu vua Kiệt của nhà Hạ, vua Trụ của nhà Thương thì cái gọi là “Đức trị” chỉ có thể là nói dối mà thôi.

Khang Hy một lòng vì dân, tận lực làm việc nước, trong tất cả các việc trị nước, trị quan lại, trị kiện cáo, trị thủy thì lời nói luôn đi đôi với việc làm. Nhân đức và công lao của ông đối với dân tộc Trung Hoa to lớn như trời biển, lưu danh muôn đời, rọi sáng ngàn thu! Đúng như lời người đời ca ngợi: “Đạo thịnh đức chí thiện, dân chi bất năng vong!” (Tạm dịch: Người sống có đạo đức, có thiện tâm thì dân không bao giờ quên.)

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch