Có người nói, phù hiệu chữ Vạn (卍) đại biểu cho sự may mắn, cát tường như ý. Có người nhìn nhận đó là ký hiệu trong Phật giáo, lại có người cho rằng đó là biểu tượng của Đức quốc xã do Hitler đứng đầu. Vậy rốt cuộc phù hiệu chữ Vạn bắt nguồn từ đâu? 

Trong cuộc sống đa văn hóa ngày nay, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều dấu hiệu và biểu tượng khác nhau, một trong số đó là phù hiệu chữ Vạn (卍). Cùng là một phù hiệu nhưng ở phương Đông và phương Tây lại có những cách lý giải hoàn toàn khác nhau.

Ở phương Đông, nếu hỏi người qua đường về biểu tượng chữ Vạn, bạn có thể nhận được những câu trả lời như: “Đó là ký hiệu của Phật giáo”, hay “Đây là một ký hiệu của món ăn chay”… Hầu hết người Á Đông đều liên tưởng biểu tượng này với tôn giáo, cho rằng đó là phù hiệu đại biểu cho tôn giáo. 

Nhưng ở phương Tây, chữ Vạn lại gợi nhớ đến một lịch sử đen tối và tàn khốc: Hitler. Người ta nhìn nhận rằng đây là biểu tượng của Đức quốc xã, hoặc coi đó là biểu tượng của phái cực tả.

Tuy nhiên, qua khảo chứng người ta phát hiện rằng từ rất xa xưa ký hiệu chữ Vạn đã xuất hiện ở các vùng miền khác nhau. Nếu đúng là như thế, thì ký hiệu chữ Vạn hiển nhiên là vượt xa nhận thức thông thường, càng không phải là biểu tượng của đảng quốc xã do Hitler đứng đầu.

Theo Phật giáo, chữ Vạn không chỉ là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng, dồi dào và vĩnh cửu, mà còn gắn liền với hình ảnh Đức Phật, thường được khắc lên lòng bàn chân và ngực của các tượng Phật. Trên các bức tường hầm mộ của Kitô giáo, biểu tượng chữ Vạn xuất hiện bên cạnh dòng chữ “Zotiko Zotiko” có nghĩa là “cuộc sống vĩnh hằng. Nó cũng có thể được tìm thấy trên các lỗ cửa sổ ở nhà thờ đá Lalibela của Ethiopia và trong các nhà thờ trên khắp thế giới.

Tại Bắc Mỹ, chữ Vạn được sử dụng bởi các bộ lạc Navajo. Thời Hy Lạp cổ đại, triết gia Pythagoras đã sử dụng chữ Vạn với tên gọi “Tetraktys”. Đây là biểu tượng kết nối trời và đất, với cạnh bên phải chỉ lên trời và cạnh bên trái chỉ xuống đất. Người Phoenicia cũng sử dụng chữ Vạn như một biểu tượng của mặt trời và coi đó là ký tự thiêng liêng được các nữ tu sử dụng.

Vậy chúng ta nên hiểu về ký tự đặc biệt này như thế nào? Đó có phải là điều huyền bí mà cho tới tận ngày nay nhân loại vẫn chưa thực sự hiểu rõ ràng?

Đồ hình chữ Vạn trong các nền văn hóa (ảnh: Historum).

Chữ Vạn không chỉ là biểu tượng của Phật giáo

Người Á Đông khá quen thuộc với phù hiệu chữ Vạn. Người Ấn Độ gọi đó là “Svastika”, có nghĩa là may mắn cát tường, người Trung Hoa gọi là “Vạn”, cũng gọi là “Vạn tự phù”, người Nhật gọi là “Man ji”. Biểu tượng chữ Vạn ngày càng phổ biến theo sự truyền bá của Phật giáo, do đó, rất nhiều người cho rằng nó có nguồn gốc từ Phật giáo của Ấn Độ.

Theo Phật giáo, chữ Vạn biểu thị một trong 32 tướng tốt của Đức Phật, đó là tướng tốt thứ 16 nằm ở trước ngực. Kinh thư ghi chép rằng, trên đầu, bên hông lưng, thậm chí cả tay và chân của Phật cũng có ký hiệu này, cho nên, ký hiệu chữ Vạn là đại biểu cho Phật Đà. Đương nhiên, nó cũng được sử dụng rộng rãi trên đồ trang trí ở chùa miếu và trong các nghi lễ Phật giáo. Nhưng chữ Vạn không chỉ là biểu tượng riêng của Phật giáo.

Ở Ấn Độ, phù hiệu chữ Vạn cũng được sử dụng rộng rãi trong Ấn Độ giáo và Kỳ Na giáo. Trong Kỳ Na giáo cổ xưa, phù hiệu chữ Vạn là đại biểu cho bảy vị Thánh nhân. Thông thường nó kết hợp với hình bàn tay để nhắc nhở các tín đồ về bốn nơi tái sinh trong luân hồi là Thiên đàng, nhân gian, động thực vật và địa ngục. Người Ấn Độ thường đặt ký tự chữ Vạn ở trang đầu tiên của cuốn sổ, sách, trên cửa hoặc đồ cúng tế. Họ hy vọng làm như vậy sẽ được Thần bảo hộ và gặp may mắn. Phù hiệu chữ Vạn cũng đã tồn tại từ lâu trong tín ngưỡng của người Tây Tạng.

Về hướng xoay của phù hiệu chữ Vạn thì có nhiều thuyết khác nhau. Có người nói rằng, hướng xoay thuận chiều kim đồng hồ là đại biểu cho sức mạnh của Phụ Thần, còn xoay ngược chiều kim đồng hồ thì là đại biểu cho sức mạnh của Mẫu Thần. Tuy vậy, ở các nơi trên thế giới đều tồn tại hai loại hướng xoay này, cách giải thích cũng không nhất định là trùng khớp nhau.

Mặt dây chuyền Etruscan với chữ Vạn, niên đại 700-650 TCN, tìm thấy ở Bolsena – Italy (ảnh: Wikipedia).

Chữ Vạn là dấu ấn văn hóa của tộc người Ấn – Âu cổ đại

Nếu phù hiệu chữ Vạn khá quen thuộc ở Ấn Độ, thì biểu tượng này cũng xuất hiện ở khu vực Lưỡng Hà khoảng 6.000 năm về trước.

Chiếc bát gốm được khai quật từ nghĩa trang Sussa (thành phố cổ Proto-Elamite ở khu vực Elam, đế quốc Ba Tư thứ nhất, nay thuộc Iran) là một trong những đồ vật tang lễ của người Sumer cổ đại. Đôi khi biểu tượng chữ Vạn xuất hiện trong các nghi thức tang lễ của Phật giáo, biểu hiện rằng người quá cố sẽ “vãng sinh tới miền tịnh thổ Phật quốc”. Vấn đề này cũng đặt ra câu hỏi: Vậy trong các đám tang của những người Sumer sớm hơn Phật giáo Ấn Độ 3500 năm, liệu biểu tượng chữ Vạn trong các buổi tang lễ có ý nghĩa tương tự hay không?

Biểu tượng chữ Vạn cũng xuất hiện trong cuộc sống của người Hy Lạp cổ đại sống ở bờ biển Aegean giữa thế kỷ thứ 10 và 8. Rất nhiều đồ dùng bằng gốm sứ của họ đều có biểu tượng này. Điều đặc biệt đáng chú ý là trên một chiếc bình gốm hai quai được khai quật từ đảo Thira có khắc họa một lễ tang. Ba phù hiệu chữ Vạn xuất hiện ở xe tang và phía trước quan tài để người quá cố, dường như mang hàm ý ‘dẫn đường’, hoặc tượng trưng về sự tồn tại vĩnh hằng của sinh mệnh. 

Chữ Vạn trong văn hoá phương Tây cổ đại

Tại Ấn Độ thời kỳ đồ đá mới, phù hiệu chữ Vạn được sử dụng phổ biến trong Phật giáo và Hindu giáo. Thêm nữa, trong những vật được trưng bày của bảo tàng lịch sử quốc gia Ukraine có một vật khắc hình con chim, trên đó có biểu tượng chữ Vạn. Theo kết quả giám định, vật điêu khắc này có từ 15.000 năm trước và được chế tạo từ thời kì đồ đá cũ. Tại di tích thành Troy cũng phát hiện mẫu hình chữ Vạn. Có thể thấy mẫu hình này được sử dụng bởi người Hy Lạp cổ đại, người Xen, và người Anglo-Saxon trải khắp miền trung châu Âu vào thời kỳ đồng thiếc. Từ một số di vật khảo cổ trải khắp miền đông châu Âu từ biển Baltic đến bán đảo Balkan, người ta cũng thấy biểu tượng chữ Vạn đã thân thuộc với con người từ xa xưa. Tại Hy Lạp cổ đại biểu tượng chữ Vạn cũng được sử dụng rộng khắp trên các công trình kiến trúc, gạch lát nền hay vải dệt.

Thêm nữa, trong văn hoá của thổ dân Mỹ, văn hoá cổ đại châu Phi, văn hoá Roma và di tích của hải tặc ở Bắc Âu cũng còn sót lại biểu tượng chữ Vạn.

Chữ Vạn tìm thấy trong các kiến trúc ở Đan Mạch (ảnh: Wikipedia).

Chữ Vạn trong văn hoá phương Tây cận đại

Vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, chữ Vạn lại một lần nữa lưu hành ở châu Âu như là một biểu tượng của sự may mắn. Thêm nữa, nó còn được sử dụng như là dấu vết của cậu bé do thám (Boy Scouts) và thể hiện ý nghĩa bình đẳng nam nữ trong các câu lạc bộ nam nữ vào đầu thế kỷ 20 tại Mỹ. Vào chiến tranh thế giới thứ nhất, dải băng quấn của đoàn quân thứ 45 của Mỹ cũng sử dụng biểu tượng chữ Vạn.

Năm 1920, phát xít Đức sử dụng phù hiệu chữ Vạn, và đó là hình chữ Vạn ngược. Vì được sử dụng để biểu thị sự liên quan giữa ngôn ngữ dân tộc Ấn Độ – châu Âu và người Aryan, nên tại châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ 2, chữ Vạn này được xem như là một biểu tượng đáng sợ của phát xít Đức. Mặc dù vậy, chữ Vạn và chữ Vạn ngược không hề có liên quan đến nhau, có quốc gia thậm chí còn cấm sử dụng hình chữ Vạn.

Chữ Vạn trong lịch sử Trung Quốc 

Chữ Vạn tại Trung Quốc còn lâu đời hơn sự bắt nguồn của Phật giáo Ấn Độ. Vào thời kỳ đồ đá mới từ 9000 năm trước đã tồn tại biểu tượng chữ Vạn. Giống như ở châu Âu, trong một số di tích vào thời kỳ đồ đá mới, các nhà khảo cổ học xác nhận rằng có biểu tượng chữ Vạn. Trong nhiều di tích trên các khu vực rộng lớn, như di tích văn hoá Mã Gia Diêu của tỉnh Cam Túc và tỉnh Thanh Hải, di tích văn hoá Thạch Hạp của tỉnh Quảng Đông, di tích văn hoá Tiểu Hà Duyên ở Nội Mông Cổ, di tích văn hoá Bành Đầu Sơn và Cao Miếu của tỉnh Hồ Nam, di tích văn hoá Hà Mẫu Độ của tỉnh Chiết Giang, di tích Đại Vấn Khẩu của tỉnh Sơn Đông… người ta cũng tìm thấy biểu tượng chữ Vạn.

Khi kinh sách Phật giáo được truyền vào Trung Quốc, chữ Vạn được dịch qua Hán ngữ là “Cát tường hỉ toàn” hay là “Cát tường hải vân”. Cưu Ma La Thập và Huyền Trang dịch chữ này là ”Đức” (德). Nhưng trong Kinh Thập Địa Luận thì Bồ Đề Lưu Chi của Bắc Nguỵ (thế kỷ thứ 6) lại dịch thành Vạn tự (萬字). Trong hai năm trị vì, Võ Tắc Thiên quyết định đọc phù hiệu 卍 này là Vạn, có nghĩa là nơi tập trung cát tường vạn đức. Sau đó ký hiệu 卍 cũng được sử dụng như là Hán tự.

Các ký tự cùng tồn tại ở phương Đông và phương Tây 

Ở Châu Phi cũng có dấu vết của biểu tượng chữ Vạn. Người Ghana quan niệm rằng phù hiệu chữ Vạn có liên quan đến sinh mệnh và là đồ hình tượng trưng cho sự cát tường. Trong tín ngưỡng truyền thống của vương quốc Congo, phù hiệu chữ Vạn hình thoi cũng là một biểu tượng thiêng liêng. 

Ông Marc Leo Felix, một nhà sưu tầm các cổ vật của Congo, cho biết: Biểu tượng chữ Vạn đại diện cho bốn thời khắc quan trọng của sinh mệnh: Xuất sinh, trưởng thành, tử vong, tái sinh. Hai phần đầu là ở nhân gian, phần sau là thuộc thế giới tâm linh. Theo quan điểm này, linh hồn có thể chuyển sinh, luân hồi, sinh mệnh không ngừng tuần hoàn. Ngoài ra cũng có thể được hiểu là bốn khoảnh khắc trong ngày: sáng, trưa, tối, nửa đêm.

***

Nhân loại có lịch sử phổ quát và lâu dài về tín ngưỡng với Thần Phật. Trong các thời kỳ khác nhau, khu vực khác nhau và các nền văn hóa khác nhau đều lưu truyền tín ngưỡng khác nhau về Thần Phật. Rất nhiều bậc Giác Giả hoặc nhà tiên tri đã lưu lại dấu ấn thần thánh này để dẫn dắt nhân loại nhận thức về vũ trụ và bí ẩn của sinh mệnh.

Tri thức của nhân loại vẫn còn nhiều hạn chế, nên mặc dù chúng ta chưa thật sự nhận thức được ý nghĩa thực sự của biểu tượng chữ Vạn, nhưng những gì đã biết có thể giúp chúng ta mở rộng tầm mắt và dùng tâm thái phóng khoáng hơn để đối diện với những bí ẩn của vũ trụ và sinh mệnh. 

Kiên Định
Theo Apollo