Thành hoàng làng từ lâu đã được biết đến như là một vị thần coi giữ, bảo trợ cho thành, làng trong đức tin của người xưa.

Theo Wikipedia, “Thành hoàng” xuất phát từ chữ Hán, “thành” là cái thành, “hoàng” là hào bao quanh cái thành, nên “thành hoàng” để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành. Theo tìm hiểu từ các ghi chép bằng tiếng Hán, Thành hoàng nguyên là vị thần bảo hộ, người dân cầu khấn mưa thuận gió hòa, bảo hộ người dân khỏi thời kỳ binh đao loạn lạc. 

Nhà văn Sơn Nam cho biết: “Ông thần ở đình làng gọi là thần Thành hoàng, cai quản khu vực trong khung thành. Thoạt tiên là thần ngự trị nơi thị tứ, sau áp dụng (cả) nơi thôn xóm, (vì) vẫn có điếm canh bố trí bao quanh” – (theo Wikipedia).

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc thờ Thành hoàng được đề cập lần đầu tiên trong Chuyện thần Tô Lịch  thuộc cuốn Việt điện u linh:

“Thời Đường Mục Tông, niên hiệu Trường Khánh thứ 2 (năm 822) tên Đô hộ Lý Nguyên Hỷ (hoặc Gia) thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có một dòng nước chảy ngược mà địa thế khả quan, mới tìm khắp, chọn một nơi cao ráo tốt, để có dời phủ lỵ đến đó… Nhân dịp ấy, y mới giết trâu đặt rượu, mời khắp các vị kỳ lão hương thôn đến dùng và thuật rõ là muốn tâu vua Tàu xin phụng Vương (ý nói đến thần sông Tô Lịch) làm Thành Hoàng. Trên dưới đều đồng lòng… Đến khi Cao Biền đắp thành Đại La, nghe đủ sự linh dị, thì lập tức sắm lễ điện tế, dâng cho hiệu là Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân. Đời Lý Thái Tổ lúc dời đô, thường mộng thấy một cụ đầu bạc, phảng phất trước bệ rồng… (Sau khi hỏi rõ lai lịch) nhà vua liền khiến quan Thái Chúc (chức quan lo việc cầu đảo phúc lành) đưa rượu chè đến tế, phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Dân cư (đến) cầu đảo hay thề nguyền điều chi, thì lập tức họa phúc linh ứng ngay…”

Trong những ghi chép xưa cũ hơn nữa bằng chữ Hán, Thành hoàng đã xuất hiện, như trong Cai dư tùng khảo – Tam Ngũ  và trong Bắc Tề Thư – Mộ Dung Nghiễm truyện có viết: “Trong thành có một miếu thờ Thành hoàng, tục rằng thần Thành hoàng quản các việc con người, từ việc công và sinh hoạt con người”. Nhưng không biết từ bao giờ lại biến thành vị thần cai quản các việc trần thế u minh.

Thành Hoàng đã xuất hiện tại dân gian từ rất lâu

Miếu Thành hoàng đã xuất hiện trong dân gian từ những năm thời kỳ Lục triều (năm 220 hoặc 222 đến 589) bên Trung Hoa, nhưng có sự khác biệt so với những vị thần được thờ cúng khác, Thành hoàng rất được các vị quan gia sùng bái thờ cúng.

Tượng thờ Thành hoàng (ảnh minh họa: Kuaibao).

Năm 1370, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lập ra kinh sư (kinh đô) và phong tước, quan cấp cho các châu, huyện, thành. Từ danh hiệu cho các vương công quý tộc cho đến các quy cách tiêu chuẩn lễ cúng bái… đều có sự phân định rõ ràng. Từ rất lâu về trước, dân chúng khắp nơi đều xây dựng các miếu Thành hoàng, tôn làm vị thần bảo hộ sự an nguy của người dân trong thời kỳ chiến loạn. Khi thời bình được lập lại, triều đình xây dựng các tri phủ, tri huyện chịu trách nhiệm quản lý, chăm lo đời sống, vì vậy Thành hoàng sau đó được coi thành “Tri phủ giới U Minh” chuyên xử lý các việc dưới âm gian. 

Thành hoàng xét xử tội trạng người mới mất

Câu chuyện cổ trong Thái Bình quảng ký kể về một vị họ Vương thời Đường. Một hôm, ông ngã bệnh nguy kịch, té xỉu, cả nhà đang lo sốt vó thì nửa canh giờ sau, ông tỉnh giấc. Ông kể, trong giấc mơ, ông gặp một vị Hắc Bạch Vô Thường, vị đó đi tới và nói mệnh ông đã đến, phụng mệnh Thành hoàng đến dẫn đi. Nói rồi liền bắt vị họ Vương đem đến miếu Thành hoàng.

Ở đó có rất nhiều người đang đứng đợi ngoài cổng. Khi nhìn thấy họ Vương đi tới liền tỏ ra băn khoăn bàn luận: “Vị này khi còn sống công đức rất nhiều, tạo phúc cho bá tánh, theo lý chưa đến thọ, sao lại ra đi sớm thế nhỉ?” Lát sau, Hắc Bạch Vô Thường truyền lời Thành hoàng tuyên họ Vương vào yết kiến. Vào trong, vị này liền khẩn cầu Thành hoàng minh xét, cũng cầu xin ân xá. Hai vị Quỷ sai bên cạnh Thành hoàng theo lệnh ngài, tra sổ sinh tử, nói: “Vị này hẵng còn năm năm tuổi thọ, đem hắn thả về đi”. Nói dứt lời, vị này liền tỉnh dậy.

Những năm Khai Nguyên triều Đường, có một vị ở Tuyên Châu sau khi chết đi, được đưa đến điện của Thành hoàng, quan nơi Âm phủ hỏi hắn khi còn sống đã từng làm những việc gì, vì hắn đem từng việc từng việc khi còn sống đã làm qua đều kể ra không chút sai sót, rồi khẩn cầu: “Ta khi còn sống chưa làm gì có lỗi với lương tâm, tại sao lại bị đưa đi sớm thế này? Xin Người minh xét”. Phủ quân sau khi tra xét, liền thừa nhận, sai người đem vị này trả về. Trước khi đi, còn nói: “Ta là Tấn Tuyên Sử Hoàn Di trong thành, sau này thành thần quản lý nơi đây”.

Một buổi lựa chọn Thành hoàng ở không gian khác

Những năm đầu nhà Thanh, ở tỉnh Sơn Đông, có một vị gọi là Thục Sư, đã từng kể một câu chuyện ly kỳ như sau:

Ông nội của tỷ phu (anh rể) tôi tên gọi là Tống Đào, là một vị tú tài. Một ngày nọ, ông bị mắc phong hàn, cả người uể oải, nằm liệt giường dưỡng bệnh. Trong lúc đầu óc mơ màng, ông nhìn thấy nha dịch ở huyện phủ đến, tay cầm công văn, dắt theo con ngựa lông trắng, đến gần bên ông, rồi nói: “Đến giờ tham gia kỳ thi”. Vị tú tài này hỏi: “Không có quan coi làm sao thi?” Nha dịch không để ý tới câu hỏi của ông, chỉ một mực thúc giục ông mau lên ngựa.

Không còn cách nào khác, Tống Đào đành cố gắng chống đỡ một thân bệnh tật không còn chút sức lực nào lên lưng ngựa. Cảnh sắc hai bên đường vô cùng lạ lẫm, Tống Đào nhận ra đây là một con đường hoàn toàn xa lạ, ông chưa một lần đi qua. Không lâu sau, ông và nha dịch đi đến một nơi vô cùng sầm uất, xa hoa. Tiến vào trong phủ quận tráng lệ và lộng lẫy như trong cung điện, bên trên có mấy vị quan oai vệ đang ngồi, đa phần ông không nhận ra ai.

Ảnh minh họa: Wukong.

Chỉ có đúng một người ông nhận ra, chính là Quan Công – Quan Vân Trường, mặt đỏ, râu hùm đang ngồi nơi trên cao kia. Bên dưới đặt hai cái đệm ngồi, bên cạnh đã có vị Trương tú tài, dường như tất cả chỉ còn đợi mình ông. Tống Đào tiến đến chỗ ngồi, phía trước mặt đặt hai áng văn, đề mục là: “Hữu tâm, vô tâm là như thế nào?”. 

Hai vị Trương tú tài và Tống tú tài lập tức “xuất khẩu thành thơ”, múa bút văn chương lai láng, sau một hồi làm bài, cả hai dừng bút, trình bài lên cho cho các vị quan. Trong bài thi của Tống Đào có một câu: “Mang tâm cơ mà làm việc thiện, tuy là thiện nhưng không nên khen. Vô ý làm việc sai, dù sai nhưng không nên trừng phạt”. Các vị quan đều tấm tắc tán thưởng, cảm thấy Tống Đào là người tấm lòng nhân hậu, công tư phân minh, là người có thể đảm nhận việc lớn. Vì vậy đã cho gọi Tống Đào tới: “Hà Nam đang thiếu Thành hoàng cai quản, ngươi hãy tới đó nhậm chức đi”. 

Tống Đào lúc này mới bừng tỉnh, thì ra mình được dẫn xuống diện Diêm Vương, các vị thần trước mắt đang tìm người thích hợp cho chức vị Thành hoàng. Tống tú tài cảm động, dập đầu lạy không ngớt, khóc không ra tiếng: “Trời xanh ân điển, nên con mới may mắn, vinh dự được chọn, con dĩ nhiên vạn phần không dám từ chối, nhưng mẫu thân con đã 70 tuổi, gần đất xa trời, rất cần người phụng dưỡng. Xin các ngài cho con ít thời gian, sau khi bà đi, con sẽ tới nhậm chức ạ”.

Lúc này, vị ngồi ở giữa, có vẻ là người to nhất, đứng lên hạ lệnh: “Đi kiểm tra xem mẫu thân Tống Đào còn bao nhiêu thời gian nữa?” Một vị thần khác tay bưng quyển sổ sinh tử tới, lật dở một hồi, rồi bẩm báo: “Dạ thưa, tuổi thọ của người phụ nữ ấy còn 9 năm nữa ạ”. Các vị quan lớn ngồi xung quanh bàn tán, 9 năm tuổi thọ của người đàn bà ấy cũng đủ khiến Hà Nam trở nên thêm loạn bát nháo. Tuy nhiên, vị quan ngồi giữa cất lời nói: “Không sao cả, trong các việc, lớn nhất là chữ hiếu, trước mắt cứ để Tống Đào về chăm mẫu thân, chờ chín năm qua đi rồi lên nhậm chức cũng không muộn”.

Bởi Tống Đào mang theo một tấm lòng hiếu thảo, vì thế các ngài sẽ chấp thuận tăng thời gian cho anh lên chín năm.

Trương tú tài dẫn Tống Đào đến một vùng đất hoang vu, tự giới thiệu mình: “Tôi gọi là Trường Sơn Trương, bình thường tôi đều làm thơ đưa tiễn người khác”. Vị Trương mỗ này làm rất nhiều thơ, sau này Tống Đào không thể nhớ hết được, ông chỉ nhớ duy nhất một câu: “Có hoa, có rượu xuân thường tại, không trăng không đèn đêm càng hiển”. Sau đó, Tống Đào nói lời tạm biệt rồi lên ngựa, trở về nhà. Cho đến khi sắp về đến nhà, ông mới từ trong giấc mộng tỉnh lại.

Tỉnh lại mới biết, ông bệnh nặng, đã qua đời được ba ngày, chính là mẹ ông đang ngồi canh bên quan tài, nghe thấy tiếng rên rỉ mới mở nắp ra xem thử. Mọi người trong nhà thấy vậy cũng nhốn nháo, đem đỡ ông ra ngoài, nửa ngày sau hồi lại sức, ông mới đem câu chuyện dưới điện Diêm Vương kể ra. Kể tiếp về vị Trương tú tài, quả nhiên gần đây cũng có một vị tú tài mới qua đời vài ngày trước. Trong chín năm này, Tống Đào tận hiếu với mẹ, chờ khi bà đến tuổi, lo liệu an táng ổn thỏa, ông tắm rửa sạch sẽ, tiến vào phòng trong, rồi qua đời.

Nhạc phụ (cha vợ) của Tống Đào có nhà bên trong thành Tây, bỗng nhiên nhìn thấy con rể ăn vận trang trọng, cưỡi tuấn mã, xung quanh rất nhiều lính canh, tiền hô hậu ủng, cùng nhau bước vào phòng khách, cúi đầu làm lễ với Tống Đào, sau đó cùng nhau rời đi. Người nhà cơ bản vẫn không biết Tống Đào hiện đã là Thần, chỉ cảm thấy kinh ngạc không thôi, sau khi Tống Đào ra về, mới vội vàng cho người đi hỏi thăm, lúc đó mới biết chuyện con rể qua đời, sau đó trở thành Thành hoàng cùng nguyên do đằng sau đó.

Ảnh minh họa: Sohu.

Vị Tống tú tài này còn rất nhiều những câu chuyện nhỏ khác, cũng rất chi tiết, chỉ đáng tiếc, do chiến loạn liên miên, những sự tích này liền trở thành những câu chuyện phiếm trong những bữa ăn vui đùa mà thôi.

Tuy rằng hiện nay, những khảo chứng về Thành hoàng hầu như đều chỉ dựa theo dã sử dân gian hoặc từ những ghi chép của cá nhân ghi lưu lại. Và dù những truyền thuyết về Thành Hoàng cũng chỉ là những truyền kỳ được lưu đồn. Nhưng từ trong những câu chuyện ấy, chúng ta có thể thấy, từ suy nghĩ, lời nói đến hành vi của con người đều phải được suy xét thật cẩn thận, làm việc xấu sẽ nhận sự trừng phạt.

Con người vẫn luôn cho rằng chết là hết, nhưng cũng không có gì chứng minh được điều đó. Những câu chuyện ghi chép lại trong rất nhiều nền văn minh, từ cổ chí kim đều có một điểm chung về việc cảnh báo con người, không chỉ là trên dương thế mà sau khi chết, chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm cho các việc mình đã làm. Người đang làm, Trời đang nhìn, văn hóa truyền thống giảng về nhân quả, thiện ác hữu báo, điều đó chính là cơ sở ước chế các hành vi con người. 

Trâm Anh
Theo Secretchina

Video: Chính quyền Trump sẽ ngăn chặn Trung Quốc đàn áp những người có đức tin

videoinfo__video3.dkn.tv||34b6477c4__