Sự kiện bình thường, nhưng cũng khác thường. Các nhân vật bình thường, nhưng cũng khác thường. Hạnh phúc bình thường, nhưng cũng khác thường. Người kể chuyện dẫn chúng ta đi theo dòng cảm xúc của cá nhân, rồi hòa vào một cảm xúc chung của tình yêu thương và cảm thông với những số phận bình thường, mà cũng lại khác thường.

Ngày cưới “đại ca” của tôi, trời đã mưa rất to. Tôi và cô bạn thân mò mẫm mãi qua những chặng đường xa cuối cùng cũng đến được nhà “đại ca”. Cảm giác vừa thân thiết vừa ngại ngùng. Quen nhau đã bốn năm rồi nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt và nói chuyện trực tiếp với “đại ca”…

Tôi đã gặp “đại ca” ở một nơi chữa bệnh bằng cách bấm huyệt. Hàng ngày, tôi thấy “đại ca”, dáng người to béo, ngồi trên chiếc xe lăn được mẹ đẩy đi bấm huyệt. Nghe nói “đại ca” bị đánh vào cổ, dẫn đến liệt tứ chi. . Nghe nói ngày đó “đại ca” mới ra trường đi làm. Nghe nói “đại ca” ngồi trên xe lăn như thế đã bốn năm rồi…

Tôi thương mẹ “đại ca”, gương mặt sạm đen với nụ cười khắc khổ. Bác vẫn từng ngày đẩy xe, từng giờ quạt mát cho “đại ca” trong những ngày hè nóng nực. Nhưng tôi chưa bao giờ nói chuyện với bác, cũng như chưa bao giờ nói chuyện mặt đối mặt với “đại ca”.

Ở chỗ bấm huyệt, vào mùa hè có rất nhiều trẻ con, chủ yếu là học sinh cấp hai từ khắp nơi đến chữa cận thị. Bọn chúng,có đứa ngoan, cũng có đứa hư, nhưng tình cảm đều hồn nhiên, trong sáng. Tôi – một sinh viên năm thứ hai – đã hòa mình với bọn chúng. Chúng tôi cùng xếp hàng chờ đến lượt bấm huyệt. Cùng dạy nhau chơi trò ru bic, gấp hạc giấy, gấp trái tim… Tôi đã nhận từ bọn trẻ không ít tình cảm khi chúng nhường cho tôi bấm huyệt trước để về vì nhà tôi ở xa. Chúng còn tặng tôi những món quà, những tấm hình nhỏ làm kỉ niệm trước ngày về quê đi học… Một cách tự nhiên, tôi cũng muốn trao lại những tình cảm ấy cho chúng và cho những bệnh nhân đi bấm huyệt khác.

Ngày cuối cùng, trước khi trở về thành phố học tập, ngoài những món quà nhỏ tặng bọn trẻ con, tôi đã tặng “đại ca” một cuốn sách. Đó là cuốn hạt giống tâm hồn về ý nghĩa cuộc sống kèm lời chúc “đại ca” sớm hồi phục. Trong cuốn sách, có ghi số điện thoại của tôi. Tôi và “đại ca” quen nhau từ đó.

Quen “đại ca” được một thời gian ngắn, tôi ‘nhờ’ cô bạn thân cùng ‘làm bạn thêm’ với “đại ca”. Suốt bốn năm, chúng tôi cùng nhắn tin cho “đại ca”. Và đó là lí do hôm nay, chúng tôi cũng cùng nhau đến dự đám cưới này.

Lần đầu tiên nói chuyện trực tiếp, tôi và cô bạn thân thấy “đại ca” thật hiền. Trái ngược hẳn nick name chúng tôi đặt cho anh là “đại ca”. “Đại ca” vẫn phải ngồi trên xe lăn, nhưng có thể cố gắng đứng dậy khoác vai hai chúng tôi làm điểm tựa để chụp ảnh kỉ niệm.

Rồi “đại ca” đi đón dâu, còn chúng tôi ngồi nhà đợi.

Ảnh cưới của “đại ca” nhìn rất đẹp. Chú rể cười thật hiền và hạnh phúc, cô dâu cũng cười rất tươi và xinh. Những người bạn của đại ca từ xa về dự đám cưới, trong đó có chúng tôi, vừa thầm mừng cho đại ca, vừa băn khoăn, tò mò muốn biết vợ của “đại ca” là người thế nào.

Vợ của đại ca là người thế nào?! (Ảnh minh họa: Blogger)

“Em thay mặt anh trai em cảm ơn các anh chị đã bớt chút thời gian và không quản đường xá xa xôi về dự đám cưới… Không giấu gì các anh chị, người thương cảm anh trai em, chị ấy là người làng bên. Hồi nhỏ, chị ấy bị ngã gãy chân nhưng vì nhà nghèo không có tiền chữa trị nên bị tật không đi lại được. Gần đây có ông cậu làm ăn khấm khá, giúp đỡ chị ấy đi phẫu thuật nên bây giờ chị ấy đi lại được nhưng hơi khập khiễng…” Em trai “đại ca” đã giải đáp băn khoăn cho chúng tôi.

Rồi “đại ca” đi đón dâu cũng đã về.

Cô dâu nhỏ nhắn, xinh xắn trong chiếc váy trắng, đẩy chiếc xe lăn của chú rể, bước khập khiễng vào hôn trường. Nhưng ánh mắt chị ngơ ngác, vô hồn. Có lẽ chị là cô dâu duy nhất tôi gặp không đi giày hay dép cao gót. Thay vào đó chị chỉ đi đôi dép lê bình thường mọi người vẫn đi ở nhà.

“Đại ca” lại gắng gượng tì vào đôi vai nhỏ bé của chị, cùng chị đứng lên chào quan viên hai họ. Chân chị thoáng chuệnh choạng nhưng lại cố gắng đứng vững. Còn gương mặt vẫn một vẻ ngơ ngác, vô hồn. Mọi người vỗ tay chúc mừng hạnh phúc cho hai vợ chồng “đại ca” nhưng trong lòng ai cũng ngậm ngùi.

Mẹ đại ca khẽ chấm nước mắt trước khi lên tặng con dâu món quà kỉ niệm. Tôi lại nhớ lời bác nói với tôi trước đó: “Anh ấy hiền lắm, hiền nhất nhà. Từ bé đến nay chưa đánh ai bao giờ. Nếu mà không bị thế này thì sẽ tha hồ chọn lựa nhưng giờ bị thế này đành phải chấp nhận thôi cháu ạ!”

Cô dâu nhỏ nhắn, xinh xắn trong chiếc váy trắng, đẩy chiếc xe lăn của chú rể. (Ảnh minh họa: Tinhhoa.net)

Nhận món quà của mẹ chồng, vợ “đại ca” cũng khẽ lau nước mắt.

Nhiều người cũng ứa nước mắt theo. Vì mừng hay vì thương? Cho chị? Hay cho “đại ca” của tôi? Hôm nay là ngày vui của anh chị. Ai cũng biết bao khó khăn còn đè nặng trên những đôi chân tật nguyền. Nhưng ai cũng mong cho anh chị hạnh phúc.

Bài nhạc đám cưới hình như cũng đã được gia chủ chọn lựa, nổi lên da diết: “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng…Ngày sầu sỏi đá cũng cần có nhau…” Tôi bất giác nhớ Trịnh Công Sơn, cả đời ông yêu người nhiều lắm, mà cũng không có được một lần niềm hạnh phúc giản dị này – hạnh phúc của một chú rể trong đám cưới – dẫu rằng nó chưa thật sự tròn vành.

Clip ý nghĩa:

videoinfo__video3.dkn.tv||2947a11d8__