Trong hàng vạn bài thơ Đường nổi tiếng, bài thơ, “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế đã được phong là “Thiên cổ tuyệt xướng” (bài ca tuyệt vời ngàn xưa). Vì sao một bài thơ vỏn vẹn 28 chữ lại có sức sống mãnh liệt đến như vậy? Hãy cùng tìm hiểu bài thơ qua góc nhìn của tác giả La Vinh.

Tôi chưa một lần đến được Hoàng Hạc Lâu, Hàn San tự, hay các địa danh nổi tiếng của đất nước Trung Hoa có 5000 năm văn hiến với bao nhiêu những giá trị mà đến nay vẫn làm hậu thế kinh ngạc… Nhiều lúc, nhìn qua các tranh ảnh ở trên mạng, nhìn những địa danh mà mình muốn tới, cảm giác cứ như là đang nhìn hàng giả. Bởi nó khác xa với những gì mà tôi tưởng tượng.

Ngôi chùa Hàn San ngày xưa hẳn chẳng có quy mô với nườm nượp du khách du lịch như bây giờ. Mình muốn nó chỉ là ngôi cổ tự nấp bóng trong um tùm cây lá, buông tiếng chuông dài trên dòng sông có bóng những cây phong và lơ thơ vài con thuyền bến bãi… Thời ấy ắt hẳn thiên nhiên phải hữu tình. Cảnh hẳn phải có hồn có vía. Và tâm hồn vốn thanh cao của con người rất dễ hòa nhập cái tiểu ngã của mình vào đại ngã vũ trụ!

Chùa Hàn San ngày nay (Ảnh: viettri.net)

Văn hóa Trung Hoa có nhiều nét kỳ lạ. Nhiều khi chỉ cần một áng thơ Đường với 28 chữ cũng làm cho nơi sáng tác của nó trở thành một quần thể văn hoá vật chất hoành tráng và thu hút không biết bao người đến chiêm bái. Chẳng hạn ngôi chùa Hàn San hôm nay rất quy mô. Bài thơ của Trương Kế được khắc đá. Tượng của thi nhân được mọi người kính trọng và bày tỏ lòng mình như với một vị thần…

Phong kiều dạ bạc đã hơn 1400 năm nhưng 28 chữ kỳ diệu của nó cho đến nay vẫn làm cho người ta không hết ngạc nhiên. Hàng trăm năm nay các nước phương Đông như Trung Quốc , Nhật Bản Việt Nam, Triều Tiên… luôn ưu ái nó trong sách giáo khoa của nước mình.

Nguyên tác chữ Hán

楓橋夜泊

月落烏啼霜滿天,
江楓漁火對愁眠。
姑蘇城外寒山寺,
夜半鐘聲到客船

Phiên âm Hán Việt:

Phong Kiều dạ bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh:

Đỗ thuyền đêm ở bến Phong Kiều

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

“Phong Kiều dạ bạc” là bài thơ có lẽ xuất hiện tần số rất dày đặc trên các trang mạng. Mỗi người đều đề cập đến những khía cạnh rất thú vị, rất khác nhau. Ở đây, chúng ta sẽ khám phá bài thơ một cách tự nhiên nhất. Tôi xin phép được sử dụng một số nội dung của các tác giả nhưng không lạm dụng đi vào khảo cứu chuyên sâu. Chủ yếu vẫn cái cảm nhận mà tôi cho rằng nó đi riêng, mang cảm thụ cá nhân.

Câu Khai Đề: Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên. Ba sự kiện được mô tả như 3 câu đơn đủ Chủ – Vị rất ngắn gọn: “Trăng rụng, Quạ kêu, Sương đầy trời.” Dường như chúng tồn tại độc lập. Nhưng nhìn kỹ thì có mối liên hệ hữu cơ. Cái ngẫu nhiên ấy thực ra là tất nhiên. Chúng cần thiết phải như vậy!

Có một không gian ở cuối chân trời. Nơi ấy đang nhờ nhợt một thứ ánh sáng ngày mới; nơi ấy, trăng khuya đã đi hết hành trình đang dần lặn khuất…

Có một không gian chắc gần hơn với nhân vật trữ tình: tiếng quạ kêu đêm rất bất ngờ, có lẽ là trên những cành của cây phong đang mùa thu trút lá…

Có một không gian như nối cái xa và gần ấy lại với nhau bằng màn sương trắng lãng đãng nơi cao nơi thấp của tấm khăn mù sương đậm nhạt ấy… Tôi hình dung được vậy bởi chúng ta lưu ý cách sử dụng thanh Bằng-Trắc của câu thơ: Trắc Trắc /Bằng Bằng/ Bằng Trắc Bằng.

Trăng như nặng nề quá không gượng nỗi. Nó rớt xuống như bất ngờ, như trái cây quá chín phải rụng. Con quạ có lẽ bất ngờ khi nhìn thấy trăng đột ngột rớt như vậy. Nó kêu lên hoảng hốt. Và cả bầu trời bất ngờ sương mù chùng thấp chùng cao…

Về hiện thực, có lẽ là: Khách sầu miên đang ngủ chập chờn. Tiếng quạ bất ngờ đã làm cho anh ta chợt tỉnh giấc hồ. Anh nhìn thấy cảnh trăng lặn, sương mù giăng kín không gian.

Câu thơ hình như đã cho con quạ nhìn sự vật. Mà thực ra, chính con người trong một tâm trạng chập chờn vừa tỉnh vừa mê nên các sự kiện đã được sắp xếp lại!

Các câu thơ như vừa khách quan nhưng lại như được nhân hoá. Các sự kiện dường như không phải quy luật thiên nhiên mà chúng có tác động tương hỗ. Trăng, Quạ, Trời Sương không có sự lớn bé, không có sự phân biệt. Chúng đều là những linh thể gắn vào nhau cho nhau những cảm xúc và cùng biểu hiện bằng hành động!

Có người cho rằng câu thơ có nhiều phi lý: Rằng giống quạ không kêu đêm; rằng sương vốn những giọt nước thì không thể đầy trời được!

Bài thơ của Tần Thục đời Tống có câu: “Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự” (Quạ kêu trăng xế chùa bên cầu)

Tào Tháo đã viết trong Đoản ca hành: Nguyệt minh tinh hi/Ô thước nam phi/Nhiễu thụ tam táp/Vô chi khả y. (Trăng sáng sao thưa – Quạ bay về nam – Lượn ba vòng cây – không cành nào có thể nương tựa)

Và thi tiên Lý Bạch đã có một bài thơ với tiêu đề Ô dạ đề. Quách Tấn, thế hệ thi nhân 30-45, cũng có bài với tiêu đề “Đêm thu nghe quạ kêu”. Ông kể: “Đó là một buổi tối cuối thu năm Đinh Mão (1927), trăng mờ mờ, từ bến đò An Thái ven bờ sông Côn trở về nhà, qua một khúc đường vắng, tôi đã nghe thấy một bầy quạ thình lình kêu vừa rùng rợn vừa lạnh lùng…”. Quách Tấn đã liên tưởng tới hồn thơ Trương Kế, và ông đã viết:

“Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc
Lãnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng…

(Tập thơ Mùa cổ điển, 1941).

Còn “sương mãn thiên”? Tôi nghĩ rằng những hạt nước nhỏ như khói mà người Việt ta gọi là sương mù chắc cũng là thứ sương này vậy. Thử đọc Lý Thương Ẩn thì rõ:

SƯƠNG NGUYỆT

Sơ văn chinh nhạn dĩ vô thiền,
Bách Xích lâu cao thuỷ tiếp thiên.
Thanh Nữ, Tố Nga câu nại lãnh,
Nguyệt trung sương lý đấu thiền quyên.

Dịch nghĩa:

“Mới thấy nhạn, ve đã hết kêu rồi
Trên lầu cao trăm xích nhìn nước liền trời
Những thiếu nữ xinh đẹp cùng chịu lạnh
Trong sương dưới trăng đùa giỡn với nhau”

Ba sự vật đứng riêng rẽ ngỡ như độc lập nhưng chúng có quan hệ nội tại cùng hô ứng nhân quả với nhau. Dùng âm thanh tiếng quạ để cho thấy cái thảng thốt bất ngờ của sự kiện trăng rụng bất ngờ cho thấy thời gian nghệ thuật trong bài thơ được nhìn không tự nhiên: Quạ vừa nhìn thấy trăng trên bầu trời. Nó ngủ và trăng tà phía chân trời. Bất chợt nó tỉnh thức. Nó thấy trăng đang rụng, đang rơi. Nó cứ tưởng sự vật đột biến. Và tiếng kêu bất thường đã vang lên…

Lời thơ dịch: “Trăng tà tiếng quạ kêu sương”. Thuần tuý chỉ tả cảnh khách quan. Nguyên tác nó đã được nhân hoá và giữa các sự vật có quan hệ nội tại. Chúng là quần thể sống có quan hệ tâm trạng..

Điều khá thú vị nữa là, trong điển tích văn hoá phương Đông thì Quạ là biểu tượng của mặt trời: “Trải bao Thỏ lặn Ác tà”( Nguyễn Du). Vậy câu thơ còn có một hàm ý: Trăng lặn rồi, mặt trời sẽ lên. Vậy mà, sương mù vẫn giăng kín trời…

Ảnh minh họa: thivien.net

CÂU THỪA: 江楓漁火對愁眠。cũng có ba đối tượng. Nó không trên trời mà là dưới mặt đất: cây phong bên bờ sông; ánh lửa thuyền chài và một người ngủ trong nỗi sầu thăm thẳm không yên giấc… Có điều, cả ba liên kết với nhau thông qua chữ ĐỐI.

Tôi hình dung thế này: Những cây phong to lớn đứng sẫm màu bên bờ sông. Những chiếc lá vàng của chúng rụng xuống đống lửa thuyền chài khiến cho ngọn lửa ấy bùng lên từng đợt. Ánh sáng ấy đã cho ta thấy có một người ngủ mơ màng không trọn giấc trong khoang thuyền cô quạnh. Đó là người “khách thuyền” là chàng Trương Kế ghé bến Phong Kiều ngủ tạm qua đêm sau một cuộc hành trình thi cử bị thất bại. Nỗi buồn công danh ấy chính là nguồn gốc của giấc “sầu miên“ này! Nhà thơ đã “khách thể hoá” mình để mô tả mình trong cảnh ấy…

Hai câu thơ không nói tới thu nhưng ta đều cảm nhận được hồn thu xao xác buồn trong lòng người vỡ mộng công danh.

Nhân đây cũng nói chút ít về cây phong và chữ NGƯ trong “ngư hoả”. Theo Kiều Thu Hoạch thì:

“Giang phong” ở các bản chú giải đều giảng nghĩa là cây phong bên bờ sông. Cây phong còn gọi cây phong hương, tên khoa học là Liquidambar Formosana, thuộc loại cây cao to rụng lá, chiều cao có thể tới 40m, lá mọc đối, hình tựa bàn tay có 3 chẽ, viền mép lá có răng cưa nhỏ (cây non lá thường chẽ 5), trông tựa lá vông của ta, nên dân gian có người gọi cây vông Tàu. Trung Quốc, cây phong được phân bố từ lưu vực Hoài Hà tới miền tây Tứ Xuyên và trải dài xuống các vùng phương Nam. Đặc điểm của cây phong là có nhựa thơm, có thể dùng làm hương do đó có tên phong hương. Đặc biệt, khi trời sang thu, lá phong úa đỏ rất gợi cảm, nên văn học cổ điển Trung Hoa thường dùng cụm từ “Phong lâm / 楓林” (Rừng phong) như là biểu tượng của mùa thu, các nhà thơ lớn đời Đường như Đỗ Phủ, Đỗ Mục… đều có thơ nói đến vẻ đẹp của lá phong mùa thu. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có câu: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”. Các nhà bình điểm Trung Hoa đều cho rằng, chủ đề của bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc là tả cảnh đêm thu, vì thế mà nhà thơ nói đến “Giang phong” là hoàn toàn đúng với thủ pháp ước lệ, tượng trưng trong thi pháp thơ cổ điển Trung Hoa.

Còn hai chữ “ngư hỏa”, do chữ “ngư” (魚) là cá, đồng âm với chữ “ngư” (漁) là đánh bắt cá, nên ở sách Đường thi nhất bách thủ vốn nằm trong série sách phổ cập văn học cổ điển, hai chữ “ngư hỏa” (漁火) đã được chú thích rõ là: lửa đèn trên thuyền đánh cá (漁船上的燈火/ ngư thuyền thượng đích đăng hỏa).

Hai câu thơ mô tả 6 đối tượng. Ba sự vật, sự kiện trên trời; ba sự vật, sự kiện dưới mặt đất.

Âm thanh tiếng quạ khuấy động đêm yên tĩnh. Và tất cả đều chuyển động nội tại âm thầm theo một mô hình đối ứng. Để rồi, hết Thiên đến Địa và điểm nhấn là Nhân: người ngủ không yên bởi giấc mộng chữ Danh nặng trĩu…. Cả vũ trụ sầu theo con người. Và tâm trạng con người đã làm biến đổi cả vũ trụ. Đây là quy luật tâm lý mà Nguyễn Du từng nói:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ…”

Hai Câu Cuối:

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Câu thứ ba chỉ là một trạng ngữ chỉ địa điểm: “Ngoài thành Cô Tô có chùa Hàn Sơn”. Tôi cho rằng, danh từ riêng của tiếng Hán nó có nghĩa quan trọng trong nội dung của bài thơ. Chữ CÔ đây đồng âm với chữ CÔ trong cô đơn, cô quả, cô phụ; chữ TÔ ở đây còn có nghĩa là “Tỉnh ngủ”. Như: “tô tỉnh” 蘇醒 thức dậy (sau khi ngủ). Chữ Hàn là lạnh; Hàn San là núi lạnh. Bốn chữ tạo một trường nghĩa nữa bổ sung cho tâm trạng của kẻ “sầu miên”.

Về hai câu thơ này, có một giai thoại gắn liền với tác phẩm làm cho bài thơ của Trương Kế huyền hoặc, hư ảo nhiều sương khói hơn.

Trần Trọng San trong cuốn THƠ ĐƯỜNG đã chép lại một chuyện như sau: Một đêm trăng, sư cụ trụ trì chùa Hàn San, cảm hứng nghĩ ra hai câu thơ:

“Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung “

Thao thức mãi sư cụ không nghĩ được hai câu tiếp; đột nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì 2 câu thơ mình mới nghĩ ra:

“Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không”

Chú tiểu cũng không làm tiếp được, sang xin thầy giúp. Nghe xong, sư cụ mừng quá, quỳ xuống tạ Phật vì quả thật 2 câu thơ của chú tiểu hợp với 2 câu của sư cụ, thành một bài tứ tuyệt rất hay. Trần Trọng San đã dịch:

“Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không”

Làm xong bài thơ này lúc nửa đêm, sư cụ bảo chú tiểu đánh chuông tạ ơn Phật. Tình cờ cũng ngay lúc ấy trên thuyền, thi sĩ Trương Kế cũng không ngủ được vì không nghĩ được câu tiếp cho hai câu “Nguyệt lạc ô đề…”. Tự nhiên chuông chùa Hàn San vọng đến, gợi hứng cho thi nhân hoàn tất bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc bằng câu kết “… Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền..”

Theo logic, thì câu cuối liên kết với câu ba. Nửa đêm, tiếng chuông chùa đến với người khách trong thuyền thì nhân vật “sầu miên“ này mới xác định được tiếng chuông ấy là từ đâu? Tất cả các sự kiện không phải được miêu tả theo lối trực diện tuyến tính. Theo tôi, nó được miêu tả lại theo một ngụ ý nghệ thuật của người nghệ sỹ. Nó vận hành theo dòng tâm trạng.

Hai câu trên là từ xa tới gần rồi sương mù nối hai cõi xa gần man mác theo tiếng quạ kêu hoảng hốt và thảng thốt. Tâm trạng càng nặng nề hơn khi nhìn những chiếc lá phong cháy loè trên đống lửa chập chờn của những người chài lưới chẳng quan tâm đến nữa…

Bến Phong Kiều ngày nay (Ảnh: vnexpress.net)

Câu thứ 3 không gian rộng là thành Cô Tô. Rồi hẹp hơn là chùa Hàn San. Hẹp hơn nữa là con thuyền trên bến Phong Kiều. Và cuối cùng ta gặp người khách trên thuyền ấy!

Nếu nhãn tự của 2 câu đầu là chữ SẦU càng lúc càng thấm thía của người vừa thi trượt, thương tổn chữ Danh thì nhãn tự của 2 dòng sau là chữ ĐÁO. Nghĩa của nó là “Đến nơi”. Như: “đáo gia” 到家 về đến nhà. Còn có nghĩa là “Khắp đủ”. Như: “chu đáo” 周到 ổn thỏa mọi mặt.

Tiếng chuông văn vắt, thăm thẳm chiều sâu tâm linh của Phật Gia hằn nhiên sẽ đem đến cho tâm linh con người những cảm nhận của tiếng quạ kêu loạn ngơ ngác trong đêm.

Nếu 2 câu đầu là cảnh giới trần gian thì 2 câu sau đã mở ra cảnh giới cõi Phật ngoài Tam Giới. Hoá ra Hàn San và Cô Tô gợi cho ta về một thành ngữ “cao xứ bất thắng hàn” 高處不勝寒. Đó là những người Tỉnh thức khỏi cõi Mê. Họ sống ở cảnh giới khác với mùi tục lụy Danh Lợi Tình lao xao của cõi người lầm lụi…

Tiếng chuông ấy đã tìm đến, tìm tới rất chu đáo, rất kịp thời với một người đang trong cõi hồng trần là cái nơi chỉ toàn bộ giá trị mà mình phấn đấu. Thực ra nó là hạt bụi chẳng đáng giá, là thế giới Sắc Không huyễn hoá mà thành.

Từ một kẻ “sầu miên” ngủ chập chờn trong nỗi sầu giấc kê vàng đã chuyển thành một người “khách thuyền”. Nhân vật trữ tình đã buông bỏ được nỗi sầu công danh trần thế để đến với cao khiết của cảnh giới nhà Phật…

Người khách ghé bến Phong Kiều trong đêm trên chiếc thuyền bất định đang hướng về cái Núi Lạnh (Hàn San), cái tỉnh thức một mình (Cô Tô) để ngộ Đạo để tìm niềm an lạc đích thực không bồng bềnh một lá phiêu bồng trông cõi thế phù vân…

Phải là người sống trong thời đại nhà Đường với cái tâm pháp của Đạo luôn có sẵn, với con đường hành xử rất uyển chuyển trong đời thì Trương Kế mới nghe. Và quan trọng hơn ông thấy được hồn vía sinh mệnh của tiếng chuông chùa ấy tìm đến mình, giải tỏa những khúc nôi cho một đêm không dễ gì dễ ngủ…

Theo tôi, cái hay của bài thơ của Trương Kế chính là nó náu mình trong đó những vỉa, những tầng của một mơ quặng khổng lồ của văn hoá thời Đường. Đó là cái hay từ tư tưởng!

Có sự giao thoa của rất nhiều luồng tư tưởng lớn. Cụ thể ở đây là Phật Gia. Vì là người phương Đông, cái gien văn hoá ấy nó lặn trong mỗi người chúng ta hôm nay. Chúng ta có thể không nói rõ ra được nhưng những chữ của bài thơ đã đánh thức thứ năng lượng bí mật ấy. Ta thấy hay vì tâm ta cảm như vậy!

Cũng cần nói qua về tiếng chuông nửa đêm của tác phẩm.

Theo Kiều Thu Hoạch thì:”ngay từ thời Bắc Tống, nhà thơ kiệt xuất Âu Dương Tu (1007-1072) khi đọc câu “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” đã bình luận rằng: “Câu thơ hay lắm, song lúc nửa đêm không phải là lúc đánh chuông” (句則佳矣, 其如三更不是打鐘時) – Ý nói nội dung thơ không chân thực.

Nhưng nhiều nhà văn nhà thơ lúc đương thời đã tỏ ý không đồng tình với Âu Dương Tu. Họ đã dẫn một số câu thơ có cụm từ “bán dạ chung / 半夜鐘” (chuông lúc nửa đêm) để chứng minh thơ Trương Kế là chân thực, trong đó có cả câu của nhà thơ lớn Bạch Cư Dị. Có tác giả còn nhận xét rằng, sở dĩ Âu Dương Tu nói thế là bởi ông chưa từng đến Ngô Trung (Tô Châu), chứ các chùa ở Ngô Trung hiện nay thực tế đều có đánh chuông lúc nửa đêm.

(Ảnh minh họa: chuaadida.com)

Chúng tôi cũng đã tra cứu một số sử sách và từ điển chữ Hán cổ của Trung Quốc, thì đều có ghi cụm từ “bán dạ chung”, và giải thích đây là tiếng chuông chùa lúc nửa đêm để báo thời gian, còn được gọi là “phân dạ chung / 分夜鐘” (tiếng chuông chia đêm). Sách Nam sử còn ghi truyện Khâu Trọng Phu lúc trẻ ham học, khi đọc sách từng lấy tiếng chuông chùa kêu lúc nửa đêm làm giới hạn thôi học”. Dù đó là tiếng chuông thật hay ảo thì theo tôi nó không làm mất đi giá trị của hình tượng thơ.

Bài thơ có 28 chữ nhưng có lẽ nó sẽ được bao nhiêu người bao nhiêu thế hệ khác nữa bàn đến. Chùa Hàn San giờ đây đã thành nơi du lịch nổi tiếng. Từ lâu người ta đã khắc trang trọng bài thơ bằng đá; người ta cũng dựng tượng Trương Kế như một danh nhân; thói quen của du khách là luôn vuốt nhẹ bàn tay thi sỹ với niềm tin mình sẽ được ban cho chút tài hoa để có sự nghiệp trong đời.

Điều kỳ lạ nữa là, sau khi bài thơ này ra đời, các địa danh ở đây đều mang những cái tên gắn với câu chữ của tác phẩm. Chẳng hạn thôn Ô Đề, núi Sầu Miên….

Trong hàng vạn bài thơ Đường nổi tiếng, bài thơ, “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế đã được phong là “Thiên cổ tuyệt xướng” (bài ca tuyệt vời ngàn xưa) cũng như “Phong kiều vãn chung” (tiếng chuông chiều Phong kiều) đã trở thành “Ngô Trung tuyệt cảnh” (cảnh đẹp tuyệt vời của đất Ngô Trung). Theo Hồ Sỹ Hiệp thì “Từ đời Tống trở về sau, bài “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế được lưu truyền rộng rãi và được coi là thi phẩm ngợi ca đạo Phật hay nhất đời Đường và hậu thế”.

Hai mươi tám (28) chữ qua ngàn năm, càng dãi dầu tuế nguyệt bài thơ càng sum suê cổ thụ.

Đúng là một kỳ tích của văn hoá phi vật thể của nhân loại!

Clip ý nghĩa:

videoinfo__video3.dkn.tv||8881f3c7c__