Chỉ là một loại thực vật, sống xen lẫn với các loài thực vật khác ở các tỉnh miền núi nhưng lâu nay lá ngón đã được coi như một “sát nhân” của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chỉ một sự phiền toái nào đó ví như: bị cha mẹ cấm yêu, lấy nhau; bị bố mẹ chửi, vợ chồng cơm không lành canh không ngọt, làng xóm láng giềng xích mích… là người ta tìm đến với loại cây này. Ba lá được vặt, được nuốt, trôi xuống dạ dày thì chỉ có… trời mới “cứu” được.

Ký ức

Quê tôi, cực Bắc, một miền quê đá. Đá là “đặc sản” của quê tôi, ở đây người ta quen với hình ảnh của đá hơn là quen với những cánh đồng phì nhiêu, thẳng cánh cò bay. Xóm tôi ở, đá vây hãm bốn bề. Tôi sinh ra trên đá, ngày bắt đầu biết lưng tưng chạy nhảy trên đá, tôi đã biết lá ngón.

Lá ngón quê tôi có nhiều loại, mỗi loại có một độc tố riêng, mỗi loại có một thời gian làm cho con người chết nhanh hay chậm khi cố tình hay vô tình ăn phải nó. Loại này đến trâu, bò không được ai dạy cũng phải biết sợ nó mỗi khi đi ăn cỏ.

Ở quê tôi khi người ta buồn phiền một cái gì đó hay ghét một ai đó người ta thường có một câu nói cửa miệng là: Cho nó nắm lá ngón. Thế mới biết lá ngón ám ảnh người ta tới mức nào!

Trong các loại lá ngón mà tôi đã biết, người quê tôi sợ nhất là loại lá ngón có hoa màu vàng. Loại này độc tố kinh khủng nhất, ăn vào, nuốt khỏi miệng là chỉ có chết mà thôi.

Không biết ở các miền quê khác gọi loại lá ngón này bằng tên gì nhưng ở quê tôi thường thấy họ gọi là “Ma hao”. Đây là ngôn ngữ gọi của người Tày ở khu vực đó, nếu phiên âm ra tiếng phổ thông nghĩa là “chó chết”.

Các loại thực vật khác sống kén chọn đất đai và thời tiết thế nhưng không hiểu sao loại lá ngón này lại sống rất khỏe. Ở đâu loại lá ngón này cũng sống được, đông cũng như hạ lúc nào chúng cũng xanh tươi mơn mởn.

Lá ngón lại có cái oái oăm là trông rất giống với một số loại thực vật hay được trồng, rất dễ gây nhầm lẫn và không gây phản ứng khó chịu khi người ta ăn phải. Vậy nên đã có rất nhiều sinh mạng bị cướp đi khi người ta nhầm lẫn ăn phải loại cây này.

Quê tôi nghèo, xóm tôi cũng nghèo và nhà nghèo nhất có lẽ phải nhà ông Phảng. Nhà nghèo nhưng “bù lại” vợ chồng ông lại đẻ nhiều. Ông Phảng là người Hán, vợ ông người Mông, ông ít tuổi hơn bố tôi, lấy vợ sau bố tôi nhưng nhà ông có tới 11 đứa con đấy là chưa kể những đứa yểu mệnh.

Ngày tôi học lớp 6 thì thằng Dỉ, đứa con thứ 4 của ông cũng cắp sách vượt suối ra học với tôi. Nó học bữa được bữa không, tôi hỏi chuyện nó bảo nhà nó nghèo nên thỉnh thoảng phải nghỉ để trông em và đi nương cùng gia đình.

Học với nhau được nửa kỳ, một hôm tôi đến lớp thấy cô giáo thông báo cho lớp nghỉ để sang viếng nhà nó vì nhà nó đã chết gần hết người do ăn lá ngón.

Ám ảnh tuổi thơ tôi nhất là đám ma của nhà thằng Dỉ. Trời ong ong nắng, trên chiếc sàn nứa mốc thếch của nhà nó, 10 con người xấu số nằm đó. Mồm miệng bọt rãi sùi ra, chân tay co quắp, những khuôn mặt đã chết rồi nhưng còn rất khắc khổ, như thể không biết mình chết thế nào.

Ngày ấy xa lắm rồi, tôi không nhớ hết, chỉ thấy người ta bảo cái chết tập thể của nhà nó thế này: Do nhiều con, đói ăn, bố nó chán nên say rượu suốt ngày và hay chửi mẹ nó. Năm ấy, năm 1984, chiến tranh biên giới vừa kết thúc, nước ta đang lỡ cỡ từ chuyển đổi bao cấp sang kinh tế thị trường nên đói lắm. Cả xóm tôi phải đi đào củ mài, nhà chúng tôi đói nên nhà thằng Dỉ không còn gì để kể nữa.

Gặp lúc tao đoạn, bố thằng Dỉ gần như phát khùng về kế mưu sinh nên càng chửi mẹ nó ác hơn. Và trong lúc quẫn trí, người đàn bà ít học ấy đã nghĩ kế quyên sinh.

Nhưng thật tội, bà không quyên sinh một mình mà đã bắt gia đình phải chết theo. Bữa ăn cho sự phẫn uất ấy dĩ nhiên là lá ngón đã được lựa chọn như một món rau.

Sau bữa sắn luộc có lá ngón chấm muối để ăn cùng ấy nhà thằng Dỉ chỉ còn lại duy nhất 3 người, trong đó có nó và hai đứa em thoát chết do đi chơi về muộn.

Lúc nó cõng hai đứa em về thì nhà hầu như đã chết cả rồi nên không còn bụng dạ nào để ăn bữa ăn kia nữa nên nó và hai đứa em thoát chết.

Đơn Thương

Xem tiếp phần 2