Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, nhân thức về lịch sử của hậu nhân đã sai lệch ít nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Yến Tử là tể tướng nước Tề thời Xuân Thu Chiến Quốc, từng trải qua 3 triều đại là Tề Linh Công, Trang Công, Cảnh Công, ông là người vô tư chính trực, không hề a dua nịnh hót, dám can gián nhà vua.

Khổng Tử cũng phải khen ngợi ông rằng: “Cứu dân bách tính nhi bất khoa, hành bổ tam quân nhi bất hữu, Yến Tử quả quân tử dã” (Cứu bách tính mà không tự khoe khoang, phò trợ 3 vua mà không cao ngạo, Yến Tử quả là bậc quân tử).

Trong “Yến Tử Xuân Thu” cũng đã ghi chép lại gần 100 câu chuyện về việc Yến Tử can gián vua, dưới đây là vài câu chuyện như vậy:

1. Trang Công dùng vũ lực, không màng tới đạo nghĩa, Yến Tử can ngăn

Tề Trang Công sùng bái vũ lực, không màng đạo nghĩa, muốn dùng binh chinh phạt. Một lần Trang Công hỏi Yến Tử rằng: “Dùng vũ lực giành được thiên hạ mà muốn thiên hạ quy phục thì phải làm thế nào?”.

Yến Tử trả lời rằng: “Bậc quân vương có thể yêu mến và bảo vệ dân chúng, coi trọng sự hy sinh, vất vả của bách tính thì có thể tiêu trừ gian ác, nghịch tặc trong nước. Bậc quân vương có thể nghe được những lời chính trực, tin dùng người hiền, thì có thể khiến chư hầu khiếp sợ. Bậc quân vương thi hành Nhân Lễ mà vui vẻ mưu cầu hạnh phúc cho bách tính thì có thể khiến thiên hạ quy phục”.

Tuy nhiên, Tề Trang Công vẫn không thu nạp ý kiến của ông.

Trang Công muốn đánh nước Tấn, bèn hỏi Yến Tử, Yến Tử trả lời: “Không được. Quân vương đắc được càng nhiều thì dục vọng càng nhiều, điều này rất nguy hiểm; Theo đuổi dục vọng thì ý chí càng thêm kiêu ngạo ngang tàn, sẽ tự chiêu mời ma nạn khó khăn. Hiện nay quân vương dùng vũ lực, đi công phạt bậc vua thánh minh, nếu không thành công thì là phúc phận của quốc gia; coi thường đạo nghĩa mà có chiến công ắt thì ưu phiền, hoạn nạn sẽ giáng xuống đầu quân vương”.

Trang Công nghe xong thì rất không hài lòng.

Một lần nọ, khi Trang Công uống rượu, bèn hạ lệnh cho triệu kiến Yến Tử. Sau khi Yến Tử ngồi xuống thì Trang Công lệnh cho nhạc công hát rằng: “Hãy dừng lại đi, dừng lại đi, ta không thích nhà ngươi, nhà ngươi tới làm gì?”. Nhạc công hát liên tiếp 3 lần như vậy, Yến Tử mới hiểu hóa ra là đang nói mình.

Yến Tử nói rằng: “Thần nghe nói, cậy thế đông mà không chủ trương chính nghĩa, ỷ lực mạnh mà không chú trọng lễ tiết, hiếu dũng mà chán ghét bậc hiền tài, là đạo tự chuốc lấy diệt vong, tai họa ắt sẽ giáng xuống người đó, điều ấy chính là nói tới tình huống này của quân vương. Lời can gián của thần không được thu nạp thì hy vọng hãy để thần rời đi”.

Yến Tử nói xong bèn rời đi, Trang Công cũng không níu giữ. Yến Tử từ chức về ở ẩn, sống nơi ven biển

Trang Công không thèm nghe lời can gián của Yến Tử, một mực làm theo ý mình, không ngừng dùng binh phát động chiến tranh, phóng túng dục vọng, tửu sắc, khiến quốc gia kiệt quệ, bách tính lầm than. Trang Công công phá nước Tấn ở phía Tây, chiếm đóng triều chính, vươn tới Thái Hàng, Mạnh Môn. Một năm sau thì thiên hạ đại loạn, bách tính tản mát, Trang Công do tư thông với vợ của đại phu Thôi Trữ, bị Thôi Trữ gây bạo loạn và giết chết.

Yến Tử thẳng thắn can gián vua Tề Cảnh Công. (Ảnh: Epochtimes.com)

2. Cảnh Công tin dùng kẻ gian, thưởng phạt không công minh, Yến Tử can gián

Tề Cảnh Công tin dùng những người gian xảo, thưởng cho kẻ không có công, trừng phạt người không có tội.

Yến Tử can gián nói rằng:

“Thần nghe nói, bậc quân chủ thánh minh ngưỡng mộ thánh nhân và nghe theo lời giáo huấn của họ, chưa từng nghe nói quân vương nghe theo lời của những kẻ sàm tấu mà tùy tiện thưởng phạt. Hiện nay quân vương và những người thân cận tung hứng mua vui, nói rằng: “Còn dốc sức khiến cả người chết vẫn truy tìm lạc thú, thì chúng ta sao có thể sống để thực hành nhân nghĩa được đây? Sống như vậy thì không bằng cả phạm nhân sao?”.

Cho nên những phi tần được sùng ái trong cung mới thỏa sức vơ vét tài nguyên của quốc khố; Thần tử được sùng ái ngoài cung, tại nơi xa xôi lại giả thánh chỉ hòng tước đoạt tiền tài; quan lại chấp pháp lạm thu thuế của bách tính, nhân dân lo lắng khổ đau, nghèo khó cùng cực, nhưng kẻ gian tà lại càng thêm giàu có sung túc.

Những người này che giấu sự thực, lấp liếm tà ác, che mắt mê hoặc bậc quân vương, khiến hiền thần thường gặp nạn. Thần nghe nói, những bậc thánh hiền thời xưa khi gặp được bậc quân vương có thể nương tựa thì sẽ xuất sơn phò trợ, gặp phải bậc quân vương không thể nương tựa thì sẽ quay về ở ẩn. Thần xin phép được rời đi”.

Thế là ông lên ngựa quất roi rời khỏi triều đình.

Cảnh Công lệnh cho Hán Tử Hưu truy đuổi Yến Tử, truyền lời tới Yến Tử rằng: “Trẫm không nhân đức, không thể làm theo giáo huấn của khanh, do đó mới tới nông nỗi này. Khanh bỏ đi tới nơi nào thì trẫm cũng sẽ theo tới nơi đó”.

Yến Tử lại quất ngựa quay về. Người đánh xe của ông hỏi: “Vừa rồi vì sao ngài rời đi nhanh vậy? Bây giờ lại quay về nhanh vậy?”. Yến Tử nói rằng: “Lời Cảnh Công nói vừa rồi rất thành khẩn”.

3. Cảnh Công bệnh lâu không khỏi, nghe lời sàm tấu, Yến Tử can gián

Tranh vẽ Yến Tử. Ảnh qua: jinshannews.com

Cảnh Công mắc bệnh sốt rét, mỗi ngày lên cơn một lần, ròng rã cả năm trời bệnh tình cũng không khỏi. Chư hầu lũ lượt tới thăm. Đại phu Lương Khâu Cứ, Duệ Khoản nói với Cảnh Công rằng:

“Chúng ta cung phụng quỷ thần, vật cúng tế dồi dào hơn cả tiên vương. Hiện giờ bệnh của ngài rất nặng, đã trở thành nỗi lo của chư hầu, đây chính là tội của quan tế, quan văn. Chư hầu không hiểu tình hình thực tế thế nào, đại khái sẽ cho rằng chúng ta không tôn kính với quỷ thần, sao ngài không giết quan tế họ Cố và quan văn họ Hiêu để lấy lòng khách khứa tới thăm hỏi ngài?”.

Cảnh Công lấy làm cao hứng, nói với Yến Tử rằng:

“Lương Khâu Cứ, Duệ Khoản cho rằng trẫm có thể cung phụng quỷ thần, nhưng quỷ thần lại không bảo hộ trẫm, cho nên muốn trẫm giết quan tế, quan văn, khanh thử nói xem lời này là có ý gì?”

Yến Tử đáp rằng:

“Nếu bậc quân vương mà có đạo đức thì đều không làm việc phạm với Lễ, người trên dưới cũng không oán hận, khi quan tế, quan văn nói lời thành thực với quỷ thần sẽ không cảm thấy hổ thẹn với lòng mình. Do đó sẽ được thần linh bảo hộ, quốc gia sẽ được thần linh ban phúc lộc, quan tế, quan văn cũng có một phần công lao trong đó.

Sở dĩ gia tộc của họ hưng vượng có phúc phận, khỏe mạnh, trường thọ là vì họ là sứ giả của bậc quân vương thành kính, thần linh sẽ thấy lời của họ là trung thành và đáng tin cậy. Nếu gặp phải bậc quân vương tà ác, phóng túng, ngang nhiên làm những điều không phù hợp với luật pháp, không biết kiêng nể, không suy xét tới những lời oán hận phi nghĩa, không sợ quỷ thần trừng phạt thì trời nộ người oán nhưng trong tâm vị quân vương đó lại không biết hối cải.

Nếu quan tế, quan văn nói lời thành thực với Thần linh, thì chính là nói về tội lỗi của bậc quân vương; nếu che giấu tội lỗi thì là gian xảo, giả dối. Quan tế quan văn sẽ rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, không biết phải nói năng thế nào, nên họ đành phải nói những lời sáo rỗng để lấy lòng Thần linh. Do đó sẽ không được Thần linh bảo hộ, quốc gia gặp họa hại, quan tế quan văn cũng gặp phải nguy nan. Sở dĩ họ mắc bệnh chết yểu là vì họ là sứ giả của bậc quân vương bạo ngược, họ lừa gạt khinh nhờn quỷ thần”.

Cảnh Công hỏi: “Thế thì nên làm thế nào?”.

Yến Tử đáp rằng:

“Cứ tiếp tục như vậy thì không có cách gì cả. Quản lý triều chính không có nguyên tắc, trưng thu thuế má không có giới hạn; nếu không thể cung phụng thì trị tội, nhân dân đều rất thống khổ mệt mỏi, sẽ xin quỷ thần giáng họa cho quân vương. Nếu nói rằng lời cầu khấn có thể mang tới lợi ích cho con người, thì lời cầu khẩn cũng sẽ mang lại tai họa cho con người. Nhân dân tại đất Liêu, đất Nhiếp ở phía Đông, sông Cô Thủy, Long Thủy ở phía Tây và nhân khẩu trong biên giới nước Tề còn nhiều gấp bội mấy vị quan tế, quan văn ấy.

Dẫu cho quan tế quan văn giỏi cầu khấn thì sao có thể thắng nổi lời nguyền rủa của hàng ức vạn người đây? Lẽ nào còn cần giết thêm quan tế, quan văn nữa sao? Chỉ có tu dưỡng đạo đức mới là chính lý”.

Cảnh Công nghe theo lời can gián, lệnh cho quan lại nới lỏng mệnh lệnh hành chính, dỡ bỏ lệnh cấm, giảm nhẹ thuế khóa, miễn các khoản nợ nần với quan phủ của người dân. Sau khi làm vậy bệnh của Cảnh Công quả nhiên đã khỏi.

Theo Minghui.org
Hiểu Liên biên dịch