Bạn có nghe qua về đặc xá và đại xá chưa? Kỳ thực đây là những vấn đề có từ thời xa xưa ở nhiều nơi. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua vấn đề này.

Sự khác nhau giữa đại xá và đặc xá

Với Trung Quốc thời cổ đại, mỗi khi gặp thời thái bịnh thịnh trị, nhà vua thường thi hành đại xá trong thiên hạ; nhưng đặc xá là một khái niệm của luật pháp, có bản chất khác với đại xá.

Đại xá để miễn tội và hình phạt cho một số đông người, xóa bỏ hoàn toàn triệt để tội cho họ; đặc xá chỉ miễn hình phạt cho một người nhất định, không hủy bỏ tội lỗi mà người đó gây ra. Có nghĩa là, đại xá có thể miễn chấp hành hình phạt, hay miễn truy tố hình sự; đặc xá chỉ miễn hoặc giảm mức độ chấp hành hình phạt, nhưng không miễn truy tố hình sự. Trong lệnh đại xá phải chỉ rõ loại tội và phạm vi miễn xá, những tội phạm ở trong phạm vị đều được tha bổng chứ không cần phải chỉ rõ người cụ thể nào. Còn lệnh đặc xá phải có danh sách cụ thể đối tượng được tha bổng. Nhà chính trị nổi tiếng người Myanma là Aung San Suu Kyi đã được tha trước thời hạn vào năm 2010 là được lệnh đặc xá giảm hình phạt một năm rưỡi.

Về danh nghĩa, đại xá là miễn hình phạt với phạm nhân ở phạm vi toàn bộ hoặc một bộ phận trong phạm vi toàn quốc. đại xá xuất hiện với tần suất khá cao trong lịch sử Trung Quốc, kéo dài liên tục đến cuối triều nhà Thanh. Trong lịch sử, người thống trị khi thực hiện đại xá sẽ ban hành lệnh đại xá. Theo thống kê, trong lịch sử các vương triều kéo dài hơn 2000 năm ở Trung Quốc, các Hoàng đế đã thực hiện hơn 1.200 lần đại xá, các vương triều cứ khoảng hai hoặc ba năm là có một lần đại xá. Ví dụ trong 418 năm thời Tây Hán đã ban hành 186 lần lệnh đại xá, bình quân 2,24 năm đại xá một lần; trong 381 năm thời Tam quốc Lưỡng Tấn Nam Bắc triều ban hành 428 lần lệnh đại xá, bình quân 0,89 năm một lần; trong 289 năm triều nhà Đường đã ban hành 184 lần đại xá, bình quân 1,57 năm một lần; trong 319 năm triều nhà Tống đã ban hành 203 lần đại xá, bình quân 1,57 năm một lần; trong 97 năm triều nhà Nguyên đã ban hành 45 lần đại xá, bình quân 2,15 năm một lần; trong 276 năm triều Minh có 55 lần đại xá, bình quân 5,02 năm một lần. Trong 267 năm triều nhà Thanh có 19 lần đại xá, bình quân 14,05 năm một lần.

Tình hình thi hành đại xá

Phạm nhân. (Ảnh: Internet)
Phạm nhân. (Ảnh: Internet)

Những lý do đại xá vào thời cổ ở Trung Quốc có rất nhiều, nhà luật học thời mạt nhà Thanh là Thẩm Gia Bản (沈家本) từng khảo cứu về tình hình đại xá triều nhà Hán đã thống kê những lý do đại xá gồm: đăng cơ, đổi niên hiệu, lập Hậu, lập Thái tử, Hoàng hậu lâm triều, đại tang, đế quan, cúng tế trời đất, tế minh đường, lâm ung, phong thiện, lập miếu, tuần thú, rời cung, định đô, tòng quân, khắc tiệp, điềm lành, thiên tai, gặp loạn…

Thực ra không chỉ đời nhà Hán, phần tổng kết này hầu như bao quát lý do đại xá của mọi triều đại trong lịch sử Trung Quốc.

Tóm lại, việc thi hành đại xá thường áp dụng trong những tình huống sau:

1. Hoàng đế mới đăng cơ, Hoàng hậu lâm triều tham chính và đại tang hoàng tộc

“Đăng cơ” là chỉ vua mới lên ngôi vị. Là lý do đại xá có truyền thống lâu đời nhất. đại xá đăng cơ bắt đầu từ thời Lưu Bang khai quốc, sau trở thành một định chế. Đại xá đăng cơ biểu thị ý nghĩa “làm lại từ đầu”, bỏ cũ đón mới. Trên ý nghĩa nhất định là sự kéo dài nghi thức đăng cơ. Nghi thức đăng cơ là việc tuyên bố cho thần dân trên cả nước vị vua mới sẽ cùng muôn dân đón một thời kỳ mới; nhưng không chỉ là Hoàng đế đăng cơ mới thi hành đại xá, nhiều khi Hoàng hậu lâm triều tham chính cũng làm đại xá. Ví dụ như Lữ Hậu của Lưu Bang thời nhà Hán lâm triều quản chính sự và Đặng hoàng hậu của Hán Hòa Đế khi lâm triều đều cáo thị thiên hạ thi hành đại xá.

2. Sắc phong Hoàng hậu, Hoàng tử

Về lập hậu, không phải Hoàng đế nào khi sắc phong Hoàng hậu cũng đại xá thiên hạ. Thời Tây Hán có Vũ Đế (khi lập Vệ Tử Phu làm hậu), Thiệu Đế, Tuyên Đế, Thành Đế, Bình Đế, Đông Hán, chỉ có Quang Vũ Đế Lưu Tú khi lập hậu là làm đại xá thiên hạ. Còn như Đường Cao Tông Lý Trị khi lập người có xuất thân hiển hách là Vương Thị làm hậu cũng không đại xá.

Khi lập Hoàng thái tử cũng không phải lần nào cũng đại xá, như Hán Vũ Đế khi lập Thái tử thì chỉ ban thưởng; hơn nữa cũng thường không chỉ vì Thái tử mà đại xá. Thời kỳ Đường Cao Tông Lý Trị và nữ hoàng Võ Tắc Thiên thống trị, Lý Trị thường làm đại xá mỗi khi Võ Thị sinh hạ con trai. Khi Tống Anh Tông tại vị lập con trưởng Triệu Húc làm Thái tử cũng làm đại xá thiên hạ. Triệu Húc chính là Tống Thần Tông, người đã nghe theo Vương An Thạch cải cách chính trị.

3. Cúng tế

Cúng tế là hoạt động quan trọng của xã tắc. Thời đại mà kẻ mạnh làm vua thì tính hợp pháp của chính quyền không thể dùng lý luận chặt chẽ để biện hộ được, chỉ có thể lợi dụng lòng tôn kính của mọi người với trời đất thông qua làm nghi lễ để cho mọi người quy thuận mình. Việc thờ cúng có thể chia thành cúng minh đường (minh đường là nơi mà các vị vua dùng để triệu hội quần thần, công bố chính lệnh), phong thiện (lên núi Thái Sơn cúng trời đất), giao tự.

Sáu lần Hán Vũ Đế đi Thái Sơn phong thiện thì có đến ba lần làm đại xá thiên hạ. Tống thái tổ Triệu Khuông Dận khi lần đầu tế tự ở Nam Giao để đổi niên hiệu cũng đại xá thiên hạ. Vào triều Nguyên, việc đại xá ít khi trở thành phân đoạn quan trọng trong lễ tế tự của xã tắc, đây là sự thay đổi về chế độ tế tự khi bị người Mông Cổ thống trị.

4. Thắng trận hoặc xảy ra chuyện lớn ảnh hưởng tương quan sức mạnh giữa quân ta và quân địch

Chiến tranh có thể chia thành bên trong và bên ngoài, thi hành đại xá có thể là để mừng đối nội đã bình định được phản loạn và đối ngoại là chiến sự giành thắng lợi. Dĩ nhiên, lúc này đại xá ngoài ý nghĩa chúc mừng còn để vỗ yên lòng dân.

Đời Hán tổng cộng có 5 lần đại xá, trong đó một lần là vì bắt được Hàn Tín, một lần khác là vì Vệ Thanh đại phá quân Hung Nô. Thời Duệ Tông Lý Đán triều nhà Đường, sau khi bình định phản loạn Từ Kính Nghiệp đã ban hành đại xá thiên hạ. Khi Tống Chân Tông ký hiệp ước với Khiết Đan cũng ban hành đại xá thiên hạ.

5. Đổi niên hiệu, tôn hiệu

Niên hiệu bắt đầu dùng từ thời Hán Vũ Đế và có thể thay đổi trong thời kỳ Hoàng đế tại vị, bắt đầu từ Chu Nguyên Chương thời Minh – Thanh, ngoài Minh Anh Tông (hai lần đăng cơ) và Hoàng Thái Cực, những người khác đều mỗi người có một niên hiệu riêng. Nguyên nhân đổi niên hiệu thì rất nhiều, ví dụ như vua mới đăng cơ, kỷ niệm một sự kiện trọng đại hoặc vua tự nhận thấy có việc gì đó là việc lớn. Khi Võ Tắc Thiên 76 tuổi được uống thuốc trường sinh do Hao Cự Tư (耗巨资) chế thì thấy lông mày bỗng dài ra, vậy là bà ta đổi niên hiệu thành “Cửu Thị”; còn tước hiệu của Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái hậu khi tại thế được xem là tôn hiệu. Võ Tắc Thiên rất xem trọng tôn hiệu, cách đặt thì số từ càng ngày càng nhiều, ý nghĩa ngày càng khoa trương, và mỗi khi thay đổi tôn hiệu đều đại xá thiên hạ.

6. Hiện tượng tự nhiên không bình thường

Hiện tượng tự nhiên không bình thường có thể là thiên tai, cũng có thể là điềm lành. Văn hóa truyền thống Trung Quốc luôn tôn kính Trời, Đất, Tự nhiên. Thời Hán Vũ Đế, sau khi Đổng Trọng Thư đưa ra thuyết “thiên nhân cảm ứng” đã có ảnh hưởng to lớn, với quan điểm cho rằng trời có thể can dự vào việc của con người, báo hiệu cát hung, con người có thể tác động được đến Trời. Điềm lành vào thời nhà Hán thường là Thần quang hiện ra, Phượng hoàng tụ tập, cam lộ hạ xuống. Còn triều Đường thì ngoài Phượng hoàng đến còn có phát hiện đá quý, dấu chân khổng lồ.

Thời cổ đại khoa học kỹ thuật còn kém nên nhiều hiện tượng tự nhiên người thời đó chưa thể hiểu được, ví như sao chổi xuất hiện, Nhật thực, sự biến đổi của thiên tượng cũng khiến kẻ thống trị đại xá thiên hạ. Thời Đông Hán, Quang Vũ Đế nhiều lần đại xá vì thấy Nhật thực. Nếu có động đất, hạn hán, nạn châu chấu, tuyết lở… thì cũng thường đại xá. Ngoài ra, khi Hoàng đế thị sát, rời cung, làm xong cung điện và thậm chí là thiên hạ đại loạn cũng có thể thi hành đại xá.

Theo Secretchina
Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm: