Vào thời nhà Thanh, có một người đàn ông họ Tra ở địa khu Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang, trong các kỳ thi triều đình luôn không như ý, thi đến khi 40 tuổi vẫn chưa lên được, gia cảnh thập phần bần cùng. Có một ngày, ông đến miếu Quan Công cầu cúng, tính sẽ vứt bỏ khoa cử, vào thành đô để kinh doanh.

Ông vay tiền từ tất cả thân thích bằng hữu mà ông biết, vay được tổng cộng hai mươi lượng bạc. Ông giao mười lạng bạc cho vợ để dùng trong nhà, mang theo mười lượng bạc để chi tiêu khi xuất ngoại. Trước khi đi, ông nói với vợ: “Nếu chuyến đi này tôi không tìm được cơ hội, không kiếm được tiền, thì tôi sẽ không trở về. Hy vọng em ở nhà nuôi dưỡng con thật tốt.” Nói xong, ông khóc và rời đi.

Ông vào đô thành, sống trong một cửa hàng ở thành Loa Mã. Hơn một năm trôi qua, số tiền vay dần dần cạn kiệt. Ông chủ quán thấy ông là người thật thà lễ phép lại biết chữ, nên thỉnh ông làm thầy giáo cho con trai của mình.

Một ngày nọ, một thương gia buôn muối họ Tra ở diêm khu Trường Lô đến nghỉ tại cửa hàng. Nửa đêm, đột nhiên có một người đưa thư vội vàng gõ cửa cửa hàng, nghe nói là việc gấp, yêu cầu thương gia muối lập tức viết thư trả lời. Thương gia muối hỏi chủ tiệm tìm người thay mặt mình viết thư trả lời, người chủ tiệm đã tiến cử Tra thư sinh. Khi thương gia muối họ Tra biết thư sinh Tra là người Hải Ninh và có cùng họ, liền vui vẻ nói: “Gia đình chúng tôi cũng chuyển đến từ Hải Ninh. Hai chúng tôi cùng họ, nên nhất định là đồng tộc.” Nói rồi bước ra nói chuyện với thư sinh Tra, hai người hoàn toàn hòa hợp.

Sau đó, người buôn muối nói: “Ở đây cậu không có việc gì làm. Sao cậu không theo tôi về Trường Lô làm việc ở phòng thư ký, thay vì chỉ ngồi im ở đây?” Thế là hai người trở về Thiên Tân. Thương gia muối đã làm nghề muối từ rất lâu, ông là tổng quản trưởng diêm vụ ở khu Lư diêm. Hồ sơ giao dịch trong nhiều năm được lưu giữ tại nhà. Tra thư sinh khi rảnh rỗi liền lấy nó ra đọc, phàm là lỗ lãi được mất trong sổ sách, ông đều biết hết. Nhưng thương gia muối lại không biết.

Vào một năm thời Càn Long, một thị ngự (quan giám sát) nào đó đã tấu lên hoàng đế mười tội trạng vùng muối phạm phải, và bảy hoặc tám điều trong đó có liên quan đến việc điều tra những người buôn muối. Khâm sứ triều đình được hoàng đế phái đến để điều tra, liền xuống bắt người để thẩm vấn. Người buôn muối bị rơi vào khốn cảnh, muốn tìm cách giải quyết vấn đề, cả ngày lo lắng bất an, nhưng không có kế sách nào khả thi. Ngày hôm sau, khi khâm sứ chuẩn bị đến, thư sinh Tra đã gõ cửa nhà thương gia muối lúc nửa đêm, nói rằng mình đã tìm ra giải pháp thích hợp. Thương gia muối hỏi giải pháp là gì, Tra nói: “Bác hãy mau rời đi! Khi khâm sứ triều đình đến, bác để lại một tờ giấy nói rằng con trai bác còn nhỏ, tất cả vấn đề muối đã được giao cho thư sinh Tra. Sứ thần nhất định sẽ bắt tôi đi, tôi sẽ có cách ứng phó án kiện này, bảo đảm sẽ không sinh chuyện.”

Thương gia muối vui mừng khôn xiết, nhanh chóng rời đi. Khâm sứ triều đình quả nhiên đã bắt thư sinh Tra để thẩm vấn. Dựa trên các hồ sơ trong quá khứ, Tra lần lượt đưa ra các tuyên bố rõ ràng để chứng minh không có điều gì mà triều đình luận tội là đúng. Vì vậy, thương gia muối Tra đã được miễn tội. Vì lý do này, ông càng biết ơn thư sinh Tra, và đã trao một nửa nghiệp muối của mình cho Tra.

Tra biết rõ ưu nhược điểm của ngành kinh doanh muối, ba năm sau, lợi nhuận của ông đạt đến trăm vạn. Ông lại vào kinh thành, mua một nơi ở, mua được Thằng Tượng Hồ Đồng, nơi ở cũ của Nghiêm Tung. Khi tu sửa ngôi nhà, đã đào được mười kho vàng giấu dưới lòng đất, ông trở nên giàu có.

Sau khi thư sinh Tra phát tài, ông đón phu nhân về kinh thành. Phu nhân lấy ra mười lượng bạc mà ông đã để lại trước khi rời đi, vẫn còn nguyên vẹn. Bởi từ khi Tra lên đường, bà đã làm công việc may vá để nuôi sống gia đình. Với một người vợ hiền đảm đang như vậy, gia đình này hiển nhiên sẽ thịnh vượng. (Nguồn: “Diệu hương thất tùng thoại”)

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch