Dương Thụ Đạt, một nhà ngữ văn học, từng là thầy giáo của Mao Trạch Đông thời thanh niên. Cụ qua đời vào ngày 14 tháng 2 năm 1956. Các phương tiện truyền thông của đảng nói thương tiếc cụ qua đời quá sớm, nhưng con trai của Dương Thụ Đạt nói rằng cha ông “đã qua đời vào thời điểm thích hợp nhất”. Tại sao vậy? 

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!

Trần Dần Khác, một đại sư Quốc học, đã từng nhận xét về một người: “Xét về mặt học thuật ngày nay, tôi tin rằng ông là đệ nhất về văn học, âm vận, huấn cổ học ở Trung Quốc.” rồi tán dương: “Cầm đoản bút, bật ngọn đèn, lần lượt viết ra sách cao trăm xích, được giới học thuật trong và ngoài nước truyền tụng.”

Người nhận được sự đánh giá cao như vậy từ đại sư Trần Dần Khác, chính là Dương Thụ Đạt, một nhà ngữ văn học Trung Quốc. Trước năm 1949, Dương Thụ Đạt là giáo sư do Bộ Giáo dục Trung Hoa Dân Quốc bổ nhiệm, đây là vinh dự cao nhất trong giới giáo dục Trung Quốc đương thời, chỉ có 45 người có chức danh này, và cụ được gọi là “giáo sư trong số giáo sư”.

Sau năm 1949, Dương Thụ Đạt chọn ở lại Trung Quốc đại lục, trước sau là thành viên của Khoa Triết học và Khoa học Xã hội của Viện Khoa học Trung Quốc, thành viên Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, và là giáo sư của Đại học Sư phạm Hồ Nam.

Dương Thụ Đạt có mối quan hệ thân thiết với Mao Trạch Đông. Vào những năm 1910, khi còn dạy ở Trường Sư phạm số 1 Hồ Nam, Mao Trạch Đông từng học ở đó, nghe các khóa giảng của cụ, và được cụ chăm sóc trong cuộc sống. Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, Mao Trạch Đông tiếp tục trao đổi thư từ với Dương Thụ Đạt, khi Mao trở lại Trường Sa, Hồ Nam, thậm chí còn đến thăm cụ.

Ngày 14 tháng 2 năm 1956, Dương Thụ Đạt lâm bệnh qua đời, hưởng thọ 71 tuổi, Mao Trạch Đông gửi điện chia buồn, Chu Ân Lai cũng gửi vòng hoa, lễ truy điệu rất hoành tráng. Vào thời điểm đó, “Nhân dân nhật báo” đã đăng một bài điếu văn: “Bảy mươi mốt tuổi quả thực là quá ít đối với cụ!”

Nhưng nhiều năm sau, người con trai út của Dương Thụ Đạt, Dương Đức Gia, đã viết một bài báo rằng: “Tôi nghĩ thời điểm cha tôi qua đời thực sự là thích hợp nhất.”

Con cái luôn muốn cha mẹ trường thọ, tại sao Dương Đức Gia lại nói như vậy?

Dương Thụ Đạt có 6 con trai và 2 con gái, nhiều người trong số họ là giới tinh anh. Nhưng vào năm thứ hai sau khi cụ qua đời, năm 1957, một cơn cuồng phong phản hữu quét qua Trung Hoa đại địa, toàn gia đình thư hương này phải đối đầu với đại họa.

Con cả Dương Đức Hồng: “Tình nghi đặc vụ”

Theo bài báo “Cuộc ‘cách mạng’ mà những đứa con của Dương Thụ Đạt gặp phải”, con trai cả của Dương Thụ Đạt, Dương Đức Hồng, đang du học tại Mỹ theo ngành tài chính, sau khi tốt nghiệp, ông đã được một ngân hàng ở Mỹ tuyển dụng.

Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, Dương Thụ Đạt quá phấn khích, đến mức cụ đã nhiều lần viết thư vận động con trai mình trở về Trung Quốc để nỗ lực “kiến thiết Trung Quốc mới”. Dương Đức Hồng cũng thâm thụ lời cổ vũ, tràn đầy hoài bão báo quốc trở về Thượng Hải, kết quả bị nghi ngờ là “đặc vụ phản gián”, bị “khống chế sử dụng” trong một thời gian dài.

Con trai thứ hai Dương Đức Tương: “Phần tử cánh hữu”

Con trai thứ hai của Dương Thụ Đạt, Dương Đức Tương, được nhận vào Đại học Thanh Hoa trước khi Kháng chiến chống Nhật bùng nổ, và tốt nghiệp Đại học Liên kết Tây Nam năm 1939. Sau đó, ông chuyên về xi măng, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành xi măng Trung Quốc; Năm 1956, ông được Bộ Công nghiệp nặng đánh giá là nhà sản xuất tiên tiến, được Mao Trạch Đông và các lãnh đạo cấp cao khác của ĐCSTQ tiếp kiến.

Khi vận động “Phản hữu” bắt đầu, Dương Đức Tương là kỹ sư cấp cao của Cục Xi măng thuộc Bộ Công nghiệp Vật liệu Xây dựng, đồng thời là người đứng đầu Chi nhánh Liên đoàn Dân chủ của Bộ Vật liệu Xây dựng. Ông trực tiếp bị đả thành “phái hữu”.

Con trai thứ tư Dương Đức Dự: “Phần tử cánh hữu”

Dương Đức Dự, con trai thứ tư của Dương Thụ Đạt, là một dịch giả nổi tiếng ở Trung Quốc, ông đã dịch và xuất bản “70 bài thơ trữ tình của Byron”, bài trường thi “The Rape of Lucrece” (vụ hiếp Lucrece) của Shakespeare, và “Tuyển tập thơ bên hồ” của William Wordsworth

Khi ĐCSTQ tiến vào Bắc Kinh năm 1949, Dương Đức Dự đang theo học khoa Ngoại ngữ tại Đại học Thanh Hoa, chỉ còn một năm nữa sẽ tốt nghiệp, nhưng “vì Trung Hoa mới”, ông quyết định từ bỏ việc học và gia nhập quân đội.

Năm 1957, khi Dương Đức Dự là biên tập viên của tờ “Tin tức chiến sĩ” của Quân khu Quảng Châu, ông đã phát biểu một đoạn tại hội nghị chuyên đề do Quân khu tổ chức.

Ông nói: “Thượng cấp cử bí thư trưởng của Ban bí thư làm chủ nhiệm tờ báo. Ông ấy nói nhiệm vụ quan trọng nhất của tờ báo là phải cố gắng tìm hiểu ý đồ của lãnh đạo. Đây hoàn toàn là ngôn ngữ của bí thư trưởng. Bí thư trưởng là để phục vụ lãnh đạo, chuyên môn tìm hiểu ý đồ của lãnh đạo, phái bí thư trưởng đến lãnh đạo một tờ báo căn bản là không đúng.”

Ông cũng cho rằng báo chí có thể phê bình cán bộ lãnh đạo, tòa soạn phải có trách nhiệm độc lập, biên tập viên và phóng viên phải chịu trách nhiệm về bài viết của mình.

Những lời này được coi là một nỗ lực để thoát khỏi sự lãnh đạo của đảng. Kết quả là Dương Đức Dự bị coi là “cánh hữu”, giáng cấp, giáng chức, hạ lương, không đủ tư cách đảng viên dự bị, sau đó bị trục xuất khỏi quân đội và bị đưa đến Nông trường Hồ Nam Đại Đồng để cải tạo lao động. Vì một chữ “Cánh hữu” này mà bị đày đọa 20 năm!

Con trai út Dương Đức Gia: “Phần tử cánh hữu”

Khi con trai út của Dương Thụ Đạt, Dương Đức Gia, được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm bộ phận nông thôn của “Tin tức Hồ Nam” vào mùa xuân năm 1958, trong công tác ông bị coi là “kiền trì quan điểm tin tức giai cấp tư sản”, “điên cuồng phản đối tỉnh ủy”, “phản đối lãnh đạo đảng báo xã”, bị đả thành “phái hữu”, bị chỉ định phải “cải tạo thông qua lao động” ở nông thôn trong vài năm. Năm 1962, vì một số lãnh đạo cũ của ông đang làm việc trong Ủy ban tỉnh Hành Dương, ông đã tìm cách chuyển đến đó và được bổ nhiệm làm trưởng phòng tổng hợp của Ban nông thôn của ủy ban địa phương.

Khi “Cách mạng Văn hóa” bắt đầu vào năm 1966, hàng loạt áp phích chữ lớn đầu tiên được phe tạo phản dán cho các nhà lãnh đạo của Ủy ban tỉnh Hoành Dương, điểm danh cả Dương Đức Gia, nói rằng họ bao biện, trọng dụng “phần tử cánh hữu” Dương Đức Gia. Sau đó, Dương Đức Gia bị lôi ra và trở thành đối tượng của quần chúng “chuyên chính”.

Không lâu sau đó, với sự hỗ trợ của một số thành viên trong tổ trù bị của Ủy ban Cách mạng tỉnh Hồ Nam, một nhóm nguyên bị coi là “cánh hữu” từ “Tin tức Hồ Nam mới”, đã tập trung tại Trường Sa để phản án, Dương Đức Gia cũng tích cực tham gia. Kết quả là vụ án không nhưng không được lật lại, trái lại càng chiêu thêm rắc rối.

Vào ngày 13 tháng 9 năm 1968, Ủy ban kiểm soát quân sự tỉnh và thành phố Hoành Dương đã tổ chức một cuộc họp “đấu tranh đối địch”, tuyên bố có 10 vạn người tham gia. Có thông báo ngay tại chỗ rằng sáu người sẽ bị tạm giữ để thẩm tra, trong đó bao gồm cả Dương Đức Gia, với tội danh “tiên phong của phe cánh hữu lật ngược vụ án”. Ông bị còng tay và diễu đi khắp phố trước khi bị cầm tù hơn tám tháng.

Vào ngày 20 tháng 5 năm 1969, Dương Đức Gia bị áp giải đến “lớp học tập” ở Tam Đường, Hoành Nam, sau khi bị giam hơn một năm, ông được chuyển đến Trạm Y tế và Phòng chống Dịch bệnh quận Hoành Dương để trú ẩn.

Hai con rể: “Cánh hữu và phản cách mạng lịch sử”

Dương Thụ Đạt cũng có hai con gái, và chồng của họ cũng không thoát khỏi cơn bão chính trị của ĐCSTQ.

Con rể cả của Dương Thụ Đạt là Viên Cửu Kiên. Trong phong trào “Phản hữu”, ông bị coi là “cánh hữu” và “phản cách mạng lịch sử”. Lý do là: Trong Kháng chiến chống Nhật, dưới sự xúi giục của đảng ngầm của ĐCSTQ, các sinh viên của Đại học Hồ Nam đã tổ chức phong trào trục xuất tân hiệu trưởng kiêm nhà địa chất Lý Dục Nghiêu. Khi đó, Viên Cửu Kiên đã chọn đứng về phía Lý Dục Nghiêu. Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, vụ việc này đã trở thành một “vết nhơ” lớn trong cuộc đời ông. Sau nhiều lần bị chỉ trích và làm nhục, Viên Cửu Kiên không thể chịu đựng được nữa, đã tự sát vong thân.

Con rể thứ hai của Dương Thụ Đạt, Chu Thiết Tranh, là học trò của cụ, và ông có nền tảng tốt về cổ văn, được Dương Thụ Đạt đánh giá cao. Dương Thụ Đạt muốn gả con gái lớn cho ông nhưng cô con gái lớn cho rằng ông là “mọt sách” nên không đồng ý. Sau đó, Dương Thụ Đạt gả con gái thứ hai cho ông.

Trong “phong trào chống cánh hữu” năm 1957, Chu Thiết Tranh cũng bị đả thành “cánh hữu” và “phản cách mạng lịch sử”. Những người biết ông đều nói rằng ông chỉ biết đọc sách, dạy học và viết sách, không bao giờ hỏi về chính trị. Nguyên nhân ông bị ĐCSTQ tra tấn vẫn còn là một bí ẩn.

Nghe nói, một cô gái từng theo đuổi ông đã thay mặt ông đăng ký vào “Hội Kiến tân học”. “Hội Kiến tân học” này bị coi là một “tổ chức phản cách mạng”, ông vì tội “che giấu” chuyện này mà bị kết án 3 năm tù, và bị tống đến Nông trường Tây Hồ để cải tạo lao động.

Trong số những hậu duệ trực tiếp của Dương Thụ Đạt, rất nhiều người đã bị ĐCSTQ chỉnh đốn. Nếu quý vị nhìn vào đại gia đình họ Dương, theo cách nói của Dương Đức Gia, thì những người bị xếp vào “kẻ thù giai cấp” có “vô số không đếm được”.

Cháu trai Dương Bá Tuấn: “Phần tử ánh hữu”

Cháu trai của Dương Thụ Đạt, Dương Bá Tuấn, được ông giáo dục từ khi còn nhỏ và sau đó tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh. Ông là một học giả nổi tiếng về sách cổ Trung Quốc, là tác giả của “Luận ngữ chú giải”, “Mạnh Tử chú giải”, “Xuân Thu Tả Truyền chú giải” v.v.

Năm 1957, khi Dương Bá Tuấn là phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, ông trở thành “cánh hữu” đầu tiên bị Khoa tiếng Trung của Đại học Bắc Kinh phanh phui vì phản đối việc Latinh hóa chữ Hán. Dương Bá Tuấn cho rằng mình nói lời thật, không chịu nhận tội lại càng thêm tội, trở thành một tay cánh hữu lớn “cứng đầu” và “không ăn năn hối cải”. Sau khi bị phê đấu tơi bời hết lần này đến lần khác, ông được phân công giảng dạy tại Đại học Lan Châu ở Tây Bắc.

Hơn hai năm sau, Dương Bách Quân được chuyển đến Thư cục Trung Hoa Bắc Kinh để công tác. Khi ông mới đến, đã có tấm áp phích chữ lớn điểm danh chỉ trích ông, và sau đó họ tổ chức một hội nghị phê đấu. Ông hiểu rằng vào lúc này, chỉ có “cúi đầu nhận tội”, hành sự theo phương thức hèn hạ nhất, ủy khuất cầu toàn, thì ông mới có thể cứu được mạng sống của mình.

Cháu ngoại Bành Huệ: “Phần tử cánh hữu”

Cháu ngoại của Dương Thụ Đạt, Bành Huệ, vừa là đảng viên ĐCSTQ, vừa là thành viên của Liên đoàn Dân chủ Trung Quốc, đồng thời là giáo sư Khoa tiếng Trung Quốc của Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Chồng bà, Mục Mộc Thiên, là một dịch giả nổi tiếng của Trung Quốc và là nhân vật đại biểu của các nhà thơ phái tượng trưng.

Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, Mục Mộc Thiên từng trở thành “phái ca công lãnh đức”. Tuy nhiên, trong vận động “Phản hữu”, ông ấy đã nói ra một vài sự thật, và bị coi là công kích lãnh đạo của Đại học Sư phạm Bắc Kinh là “không học vô thuật, chỉnh nhân có thuật”, và bị đả thành “phái cực hữu”. Bành Huệ bị buộc tội “hợp tác” với Mục Mộc Thiên trong “các cuộc tấn công điên cuồng vào đảng”, đồng thời bị coi là “cánh hữu”, bị khai trừ khỏi đảng và bị tước quyền giảng dạy.

Trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”, họ nhà bị lục soát, bị phê đấu. Mục Mộc Thiên bị giam trong “chuồng bò” và chịu thẩm tra; trong khi Bành Huệ sau một hội phê đấu đã ngã bất tỉnh trên sân, bị đuổi về nhà. Trưa hôm sau, người ta phát hiện bà đã tử vong. Năm 1971, Mục Mộc Thiên cũng chết vì trầm cảm.

Cháu trai và con rể Chu Nhữ Thông: Thành viên của “tập đoàn phản đảng”

Một cháu ngoại và con rể khác của Dương Thụ Đạt, Chu Nhữ Thông, là một sinh viên xuất sắc tốt nghiệp Đại học Liên kết Tây Nam. Trong Kháng chiến chống Nhật, ông làm phiên dịch viên trong quân viễn chinh ở Chiến khu Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar, sau đó trở thành đảng viên ngầm của ĐCSTQ. Trước khi ĐCSTQ tiến vào Trường Sa, ông đã tham gia việc “xúi giục nổi loạn” chống lại chính quyền Hồ Nam của Quốc dân đảng.

Sau khi ĐCSTQ kiến chính, Chu Nhữ Thông làm việc ở Trường Sa một thời gian và cảm thấy chán nản. Vì tiếp xúc nhiều hơn với một số đảng viên và cán bộ từng hoạt động ngầm với nhau nên ông bị gán cho là thành viên của “tập đoàn bè phái phản đảng”. Sau đó, trong “Cách mạng Văn hóa”, ông đã tự sát vì không chịu nổi sự nhục nhã .

Phần kết

Cả gia đình của Dương Thụ Đạt có vô số tài năng, nhưng ở Trung Quốc cộng sản do học trò Mao Trạch Đông thống trị, từng người họ đều gặp nguy vận.

Dương Đức Gia giải thích, ông cho rằng thời điểm cha ông qua đời vào năm 1956 là “thời điểm thích hợp nhất”, bởi vì nếu cụ sống đến năm 1957 và chứng kiến ​​rất nhiều con trai, cháu trai và rể trong gia đình bị coi là “cánh hữu” và “phản cách mạng”, cụ sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn, thậm chí có thể tức giận đến chết. Hoặc giả, nếu cụ làm người công chính, dũng cảm trượng nghĩa lên tiếng, thì bản thân cụ cũng sẽ bị xếp vào thành phần “hữu phái”, phải chịu đựng tận cùng tủi nhục.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch