Nhân sinh đa biến, ứng đối như thế nào trước những kịch biến mới có thể nhận lấy phước lành?

Sau khi nam nữ của hai gia đình tốt đã đính hôn, thì người chồng trẻ đột nhiên phát điên không rõ nguyên do. Đối mặt với sự thay đổi kịch liệt trong cuộc đời, họ vì sao không chọn cách thoái hôn và tái giá? Kết quả rồi ra sao?

Vào thời nhà Thanh, ở Mân Trung (tỉnh Phúc Kiến ngày nay), có một thanh niên tên là Hoàng Sinh, con trai của một gia đình giàu có, tuổi mới mười lăm, phong độ nho nhã, dung mạo xinh đẹp như một miếng ngọc bội. Thế nhưng, chàng ta bỗng nhiên mắc bệnh tâm thần, ca hát khóc cười vô thường, ăn cả phân của mình, ban đêm phóng hỏa đốt nhà, gia đình không cách nào chữa trị được. Vì vậy họ bèn xây dựng một vài túp lều trên núi, để chàng lên đó sống, cử một số người hầu lực lưỡng trông coi. Sau một thời gian dài, chàng ngày càng gầy đi, ngày càng không giống người hơn.

Trước đó, anh chàng đã có hôn ước với con gái nhà họ Lâm, hiện tại thấy anh chàng phát điên, bố mẹ nhà họ Lâm muốn hủy hôn sự, nhưng con gái không đồng ý, nói: “Con còn chưa kết hôn thì đã gặp vị hôn phu mắc bệnh ác, vận mệnh của con cũng có thể hình dung được. Con hiện tại chung thủy đến cùng, vô luận thế nào, sẽ không thay đổi chủ ý. Thay vì chết ở nhà và gây thêm phiền hà cho bố mẹ, con thà ở cùng với người chồng điên ở trên núi vắng, còn có thể làm tốt một chút chức trách của người vợ đến chăm sóc chồng.” Bố mẹ của nàng bắt đầu không đồng ý, nhưng nàng càng nói càng kiên quyết, cuối cùng bố mẹ chỉ có thể chiểu theo tâm nguyện của nàng mà làm.

Nàng sống cùng chồng trên núi, nhẫn chịu cơ hàn và đói rét, chăm sóc chồng chu đáo. Một hôm, hai người họ cùng nhau ngồi trên một tảng đá, chợt thấy từ trong suối nhảy ra một con cá dài hơn hai xích (khoảng 60cm), đầu cá trông giống như đầu chó vậy. Khi Hoàng Sinh nhìn thấy, chàng lập tức bắt lấy con cá và muốn ăn nó. Con gái của họ Lâm cố hết sức khuyên can, nhưng chàng không nghe, thậm chí còn ăn hết cả con cá.


Qua một đêm, cơn điên của Hoàng Sinh đột nhiên biến mất, họ xuống núi và trở về nhà như không có chuyện gì xảy ra. Bố mẹ chồng nghe tin mừng lắm, nghênh đón cả hai vợ chồng trở về, và hoàn thành hôn lễ cho hai người.

Trong “Sơn Hải Kinh” nói: “Chư hoài chi thủy đa quỳ ngư, thực chi dĩ cuồng”, ý tứ là trong nước Chư Hoài có rất nhiều cá quỳ, thân cá dài và đầu giống chó, âm thanh phát ra như tiếng trẻ con khóc, người ăn thịt nó có thể khỏi bệnh điên. Có thể nào Hoàng Sinh đã ăn loại cá này? Cũng có thể là vì chư thần linh thiên địa cảm động trước tấm lòng của người con gái họ Lâm mà khiến cho chồng nàng khỏi bệnh, điều này không phải ngẫu nhiên.

Lại kể một chuyện khác cũng xảy ra vào thời nhà Thanh. Có một gia đình họ Đô, chỉ còn hai mẹ con, người cha đã sớm qua đời, con trai họ và con gái nhà họ Phó đã đính hôn từ nhỏ, nhưng trước khi kết hôn, người con trai họ Đô đột nhiên mắc bệnh điên. Mẹ của cô gái họ Phó cũng là một góa phụ.

Mẹ của chàng trai họ Đô nghĩ rằng bệnh điên của con trai mình cuối cùng sẽ không thể khỏi, nên đã đến gặp mẹ của cô nương họ Đỗ và nói: “Gia đình tôi thật bất hạnh. Con trai tôi mắc bệnh này, đã trở thành một người tàn tật. Vì vậy, tôi không muốn liên lụy nhà bà, trì hoãn cũng không ích gì, hay là để con gái bà kết hôn với người khác. Nếu có người muốn kết hôn với cô ấy, chúng tôi nguyện ý tặng hoàn một nửa của hồi môn.”

Khi cô nương họ Phó nghe thấy điều này, nàng bước ra, cúi đầu trước mẹ của Đô, rồi nói: “Mẹ, mẹ đã rất khó khăn! Từ khi con trai mẹ sinh bệnh, mẹ sẽ dựa vào ai để kiếm sống?” Mẹ của Đô trả lời: “Gia đình chúng tôi chỉ có vài mẫu ruộng bạc. Hơn nữa, nhiều năm nay mùa màng thất bát, một năm lương thực chỉ đủ ăn nửa năm, ăn hết lại phải lo kiếm cái ăn mỗi ngày.” Mẹ của Đô nhấn mạnh những lời trên, bà hy vọng rằng nàng có thể kết hôn với người khác.

Cô gái nghiêm sắc mặt nói: “Con sẽ không làm những hành vi không chính đáng. Hai nhà đã đính hôn, hiện tại lại muốn hủy hôn, người ngoài không biết nội tình, họ sẽ nói sao? Nếu mà như vậy, sống không bằng chết. Con nguyện ý cùng với mẹ về nhà, mọi người nương tựa vào nhau mà sống. Con đã học được nghề may vá khi còn nhỏ. Nếu không đủ thức ăn, con có thể may vá vào ban đêm, như vậy có thể sống qua ngày. Con hôm nay nguyện ý cùng mẹ về nhà, nếu không, mọi người chỉ có thể đi tìm con trên đường Hoàng Tuyền.” (ý tứ là nếu không nàng sẽ tự vẫn).

Mẹ của hai bên gia đình nghe nàng nói vậy rất vui mừng, ôm nhau khóc òa lên. Sau khi mẹ Đô về nhà, bà cho xe đến đón nàng dâu. Nàng dâu đi theo họ mà không thay quần áo, nàng mặc một chiếc áo sơ mi màu xanh lá cây và váy trắng, trông rất dễ thương.

Trước khi nàng dâu đến, chàng rể họ Đô đã mặc y phục chỉnh tề bước ra, vui vẻ nói với mẹ: “Tân nương sắp đến rồi, mẹ nên ra nghênh đón nàng, con đã khỏi bệnh rồi.” Bà mẹ kinh ngạc hỏi: “Con trai làm sao biết nghênh tiếp tân nương? Con lại đang nói lời điên rồi hả?” 

Chàng đáp: “Không phải! Vừa rồi con đang nằm, liền nhìn thấy bốn bóng quỷ sau giường, đều là ác quỷ đầu tóc rối bù, chúng nói nói với con: ‘Chúng tôi không có thù oán gì với cậu, chẳng qua là vì cha cậu mà chúng tôi bị bỏ tù oan ức, sau đó bị tra tấn đến chết, nên chúng tôi mới báo thù cậu. Hôm nay nhìn thấy nữ nhi nhà họ Phó chính đại tiết tháo như vậy, cả hai chúng tôi vừa kính vừa sợ, làm sao còn dám làm điều đó nữa?’ Sau đó chúng biến mất, và con như một người đang say rượu đã tỉnh táo lại, bây giờ không còn bị bệnh.”

Chàng rể vừa dứt lời thì nàng dâu đã đến. Khi mẹ của Đô kể cho mọi người nghe những điều kỳ lạ này, mọi người đều vô cùng ngạc nhiên. Mẹ của Phó rất vui khi nghe điều đó, bèn chọn một ngày lành tháng tốt để họ thành hôn.

Con gái của nhà họ Phó là cháu ngoại của Trương Nghiễm Công, và cha của con trai nhà họ Đô từng là chủ bạ (phụ trách văn thư, sổ sách và con dấu) của huyện. Cảnh Tinh Tiêu, tác giả của cuốn “Sơn trai khách đàm”, cho biết: “Mẹ của Đô muốn thiện đãi con gái nhà người ta, nhưng trái lại lại được con dâu tốt; con gái họ Phó sẵn sàng trở thành góa phụ mà không cải hôn, trái lại lại lấy được trượng phu. Một chút lương tâm, phần thưởng hồi báo lại phi thường hậu hĩnh, thiên lý báo ứng hiển nhiên xảy ra chỉ trong chốc lát, ai có thể nói rằng không có quỷ thần?”

Thái Nguyên chỉnh lý, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch