Đó là một trong những gia tộc đặc biệt nhất không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới. Như con chim phượng hoàng lửa hồi sinh từ đống tro tàn, họ đã kinh qua những tháng ngày sinh tử và để lại cho hậu thế một bài học về tích dưỡng phúc báo đầy thấm thía. 

Tục ngữ có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời“. Trải qua thăng trầm, biến cố của xã hội, những danh gia vọng tộc giàu có trong lịch sử hầu như đều không nằm ngoài quy luật ấy, hưng thịnh rồi lụi tàn. Nhưng cũng có những gia tộc thực sự là ngoại lệ. Họ có thể duy trì sự thịnh vượng của mình trong suốt chiều dài lịch sử, qua hàng chục đời. Chúng ta đang nói đến gia tộc Bối thị của Bối Duật Minh. 

Vinh hiển đời đời

Phả hệ nhà họ Bối cho thấy vinh hiển của họ truyền qua rất nhiều đời. Ảnh: Getty Images.

Bối Duật Minh dường như là một cái tên không còn quá xa lạ. Ông chính là tác giả của những thiết kế kiến trúc hiện đại độc đáo trong thế kỷ 20, nổi tiếng nhất chính là: Kim tự tháp bằng kính ở bảo tàng Louvre (Pháp) hay Bảo tàng quốc gia Đức…

Sự thành công của Duật Minh được hun đúc từ nền tảng gia phong giàu truyền thống. Họ Bối của ông chính là một gia tộc huy hoàng, hiển hách trong lịch sử. Để tránh khỏi cảnh chiến loạn cuối triều Nguyên, Bối thị từ phía bắc đã di cư tới Tô Châu, kiếm sống bằng nghề bốc thuốc. Cho đến những năm Càn Long trị vì, Bối thị đã trở thành một trong tứ đại phú gia ở Tô Châu.

Cụ tổ của Bối Duật Minh là Bối Tai An đương thời là nhà tài phiệt nổi tiếng. Ông là người sáng lập nên Ngân hàng Thượng Hải, hơn nữa còn hỗ trợ gây dựng công ty dịch vụ du lịch đầu tiên có tên: “Dịch vụ du lịch Trung Quốc”.

Cha của Bối Duật Minh là Bối Tổ Di, không những xuất sắc kế thừa gia sản của tổ tiên để lại mà còn rất biết cách tạo dựng cho mình tên tuổi riêng. Ông đảm nhận chức vị Chủ tịch tập đoàn Ngân hàng Trung ương Trung Hoa Dân Quốc, đồng thời còn là một trong những người sáng lập ra Ngân hàng Trung Quốc.

Cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối giữa Bối Tổ Di với Trang Thị, con gái quan Tế tửu Quốc Tử Giám cuối cùng của nhà Thanh, càng khiến ảnh hưởng của Bối thị thêm mạnh mẽ. Trang Thị (mẹ của Bối Duật Minh) là người đàn sáo giỏi và thành tâm hướng Phật, sau không may mắc bệnh ung thư qua đời. Cha của Bối Duật Minh lấy thêm vợ mới là Tưởng Thị Vân, sau này trở thành mẹ kế Bối Duật Minh.

Tưởng Thị Vân là con gái của Tưởng Lý Phúc, là quan chức ngoại giao của chính phủ miền bắc đương thời. Ngay khi còn nhỏ, bà đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp lại hiếu học. Năm lên 10 tuổi, Tưởng Thị Vân được gia đình đưa đến Thượng Hải học. Năm 12 tuổi theo cha đến Bắc Kinh sống và học ở trường Anh Quốc. Năm 16 tuổi, bà tiếp tục theo cha sang Châu Âu học tại Paris (Pháp) 1 năm. Lúc này Tưởng Thị Vân đã có thể thông thạo tiếng Anh và có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Pháp.

Về phần mình, Bối Duật Minh lấy vợ là Lục Thư Hoa. Cha của bà rất tài giỏi, có thể gọi là kỹ sư trưởng của giới Hoa kiều Massachusetts ở vùng đông bắc Hoa Kỳ. Sau khi học hết cấp 3 tại Thượng Hải, Thư Hoa tiếp tục sang Mỹ học, sau đó có duyên quen biết với Bối Duật Minh.

Bối Tổ Di và vợ Tưởng Thị Vân, một trong tứ đại mỹ nhân thời Dân quốc

Đương thời, Bối Nhuận Sanh (chú của Bối Duật Minh) cũng là một ông trùm trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính. Ông đã bỏ ra một số tiền lớn mua hẳn một khu vườn có tên Sư Tử Lâm ở Tô Châu. Đây là khu vườn nằm trong quần thể “Tô Châu Viên Lâm”, có gốc gác hình thành từ thời Xuân Thu (thế kỷ 6 TCN). Các khu vườn cảnh cổ của Tô Châu sơn thủy hữu tình, vừa giản dị nhưng cũng rất cổ kính và lãng mạn. 

Mỗi lần vua Càn Long tuần du đến Giang Nam đều chọn Sư Tử Lâm làm nơi ở, hiện nơi này vẫn còn lưu lại bút ký của vua. Có một điều thú vị là chính Bối Duật Minh cũng còn lưu lại nơi đây một tấm ảnh thời niên thiếu của mình. 

Giàu có mà không kiêu ngạo

Rất nhiều người khi trở nên giàu có đều hung hăng, kiêu ngạo, nhưng Bối Thị là một trường hợp hoàn toàn khác. Bối thị luôn coi hành thiện, tích đức mới là tiêu chuẩn cao nhất của một danh gia vọng tộc “chân chính”. Từ bao đời, Bối thị luôn noi theo gia huấn của tổ tiên, sống theo phương châm “lấy đức làm gốc”, bố thí hành thiện, giúp người khó khăn.

Tổ phụ của Bối Duật Minh là Bối Tai An từng đảm nhiệm liên tiếp 7 năm chức Hội trưởng hiệp hội thương nhân Tô Châu. Trong thời gian này, ông đã đứng ra quyên góp tiền làm rất nhiều đường xá ở Tô Châu. Ông cũng từng làm Hội trưởng hội cứu tế huyện Ngô, Đổng sự trường trung học nữ sinh Chấn Hoa (tương đương chức giám đốc). Đối với kinh tế và sự nghiệp công ích tại Tô Châu ông là người có đóng góp rất lớn.

Năm 1949 khi có chính biến, Khổng Tường Hi đã lấy 130 triệu USD rời đi. Tuy nhiên Bối Tổ Di (cha của Bối Duật Minh) khi đó làm Chủ tịch ngân hàng lại không lấy một đồng nào để di cư sang Mỹ. Tất cả những phẩm đức tốt đẹp ấy được truyền thừa qua nhiều thế hệ và cũng là nguyên nhân mang lại sự thịnh vượng mười mấy đời gia tộc Bối thị. 

Tránh được chiến loạn Nguyên triều nhưng không thoát khỏi kiếp nạn 10 năm

Ảnh chụp Bối Nhật Minh vào tháng 4/2004 tại New York (Mỹ). Ảnh: Getty Images

Kiếp nạn của Bối Thị bắt đầu từ khi Bối Tổ Di di cư sang Mỹ. Gia tộc Bối thị có thể tránh được kiếp nạn Nguyên triều và phát triển được qua hơn 10 đời nhưng lại không tránh được tai ách “10 năm kiếp nạn” thời kỳ Đại cách mạng văn hoá.

Bối Thị trước nay vẫn luôn là một gia tộc hiểu thời thế. Ngay từ sớm, gia tộc này đã giao nộp hầu hết tài sản cho chính phủ như Sư Tử Lâm, ngân hàng, các công ty điện lực, khí ga và các tài liệu quyền kinh doanh. Ngay cả toà nhà ở số 170 đường Nam Dương (Thượng Hải) cũng bàn giao luôn không giữ lại.

Dù vậy, họ cũng không thoát khỏi tai ương. Em trai của Bối Duật Minh là Bối Trọng Uy bị kết tội theo cánh hữu, chịu 22 năm tù giam cải tạo ở trại lao động Hắc Long Giang. Em gái ông là Bối Duật Lâm cũng lâm vào cảnh khốn cùng không kém phần bi thương. Chồng cô làm trong ngân hàng, dù đã tự mình cắt giảm tiền công nhưng cũng không tránh khỏi bị liệt kê vào thành phần “phản cách mạng”. Mỗi lần anh trở về từ đại hội phê bình, Bối Duật Lâm luôn nói với chồng: “Em có một yêu cầu đối với anh, dù bất kỳ giá nào cũng không được chết“.

Con rể của gia tộc Bối thị, Lương Thành Gấm nhớ lại, có lần từ đại hội phê bình trở về, các con thấy trên cổ ông vẫn còn đeo tấm bảng lớn liền khóc mà giúp ông gỡ xuống. Mọi người thực sự đều rất khổ sở. Lúc ấy xúc động không biết nói gì, ông cúi xuống lấy từ giỏ rau ra mấy bông hoa cải, tiếp đó nhặt chiếc bình từ dưới đất lên cắm hoa vào rồi nói: “Có hoa là có mùa xuân, có hoa là có hi vọng“. 

Cô Chín của Bối Duật Minh là Bối Quyên Lâm gả cho Ngô Đồng Văn, một thương nhân nổi tiếng, cũng gặp phải tai ương khốn cùng. Nhà chồng của Bối Quyên Lâm có một mảnh đất ở Thượng Hải. Ở đó, Ngô Đồng Văn cho người xây dựng một biệt thự hoành tráng, mệnh danh là “Biệt thự đệ nhất viễn đông”. Nền nhà làm bằng gỗ Hoàng Đàn, nội thất do Mỹ thiết kế, còn có cả thang máy hiện đại nhất thời bấy giờ.

Ngôi biệt thự này từng được một đại sứ quán thương lượng đổi lấy du thuyền có trọng tải 10 tấn và các thêm 500 nghìn USD nhưng Ngô Đồng Văn vẫn không đồng ý. Cuối cùng, trong 10 năm Đại cách mạng văn hóa, hai vợ chồng Bối Quyên Lâm bị đuổi ra khỏi ngôi biệt thự đó. Họ sống đời cơ cực, chịu đựng biết bao tủi nhục khi bị đem ra đại hội phê bình, đối diện giữa sự sống và cái chết. 

Sau này một vị Cục trưởng có ngỏ ý đem trả lại ngôi nhà cho Bối Quyên Lâm nhưng bà nhất quyết từ chối: “Không cần nữa, cho dù có lấy lại thì cũng không tìm lại phong thái đương thời xưa kia”. Ở đây có thể thấy khí chất đáng tự hào của Bối thị, dù hoàn cảnh khốn cùng cũng không thể nào bị tàn lụi mất. 

Tránh khỏi kiếp nạn, Bối Duật Minh tìm lại vinh quang cho gia tộc

Bảo tàng Louvre chính là thiết kế nổi tiếng nhất của Bối Duật Minh. Ảnh: Getty Images.

Sau năm 1949, Bối Duật Minh từng định trở về nước nhưng bị cha ngăn cản. Thực tế đã chứng minh lời khuyên ngăn của cha Bối Duật Minh là hoàn toàn chuẩn xác. Mãi đến năm 1974, Bối Duật Minh mới về nước thăm lại quê nhà ở Tô Châu lần đầu tiên. Khi thấy hơn 100 người họ hàng thân thuộc của mình ăn mặc rách rưới, hình dung tiều tụy, cảm xúc của Bối Duật Minh thật khó tả… Lúc đó, ông mới càng thấm thía rằng nếu năm đó không ở lại Mỹ thì rất có thể chính ông cũng đã phải hòa vào đoàn người khốn cùng ấy. 

Bối thị đã không lụi tàn sau Đại cách mạng văn hóa. Bối Duật Minh chính là người phục hưng lại tiếng tăm của gia tộc này trên đất khách quê người. Ông được coi là một trong những kiến trúc sư tài ba nhất lịch sử nước Mỹ. Với tài năng trác việt, Bối Duật Minh đã thiết kế hàng loạt công trình nổi tiếng khắp nước Mỹ như: Thư viện Kenedy tại Boston (được xem là một trong những công trình kiến trúc kiệt xuất của nước Mỹ), toà nhà chọc trời ở Denver trung tâm hội nghị của thành phố NewYork, cung giao tế ở Philadephia, sảnh lớn phía đông của cung nghệ thuật quốc gia tại Wasington…

Không chỉ nổi tiếng trên đất Mỹ, những tác phẩm của Bối Duật Minh còn vang danh khắp nơi trên thế giới. Khách sạn Hương Sơn ở khu Tây Sơn thành phố Bắc Kinh do Bối Quật Minh thiết kế đã chắt lọc được những tinh hoa của kiến trúc cổ điển Trung Quốc, có phong cách rất riêng và độc đáo.

Đích thân tổng thống Pháp Mitrand đã mời Bối Duật Minh vẽ bản thiết kế viện bảo tàng Louvre tại quảng trường Napoleon (Paris). Nhiều người cho rằng công trình này còn nổi danh hơn cả kỳ tích tháp Eiffel. Sau này, bảo tàng Louvre đã trở thành bảo tàng lớn nhất thế giới. Người ta hết sức tán dương Bối Duật Minh và cho rằng ông đã ”chinh phục cả Paris”.

Bối thị nhờ có Bối Duật Minh mà danh tiếng lại được nâng lên một bậc nữa. Bối Duật Minh có 4 người con thì 3 con trai đều tốt nghiệp Đại học Harvard và theo nghiệp kiến trúc của cha mình. Cô con gái duy nhất hiện đang theo học nghành luật của Đại học Columbia. Xem ra, vinh hiển của gia tộc họ Bối sẽ không chỉ kéo dài trong 15 đời thôi vậy… 

Theo NTDTV
Minh Vũ biên dịch

Xem thêm: